Cập nhật ngày: 10/13/2021 2:40:13 PM
Nhà trưng bày Bảo tàng hiện tọa lạc ở số 08 đường Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 2000, đến ngày 1/5/2008 thì được khánh thành và mở của đón khách tham quan. Diện tích khuôn viên Bảo tàng gần 10.000m2, trong đó diện tích trưng bày trong nhà 2 tầng là 2.500m2, diện tích trưng bày ngoài trời gần 3.500m2, còn lại là hệ thống nhà làm việc, kho tàng, vườn hoa, cây xanh, đường nội bộ.
Hệ thống trưng bày tại nhà Bảo tàng là hệ thống trưng bày của một bảo tàng tổng hợp, được thể hiện bằng việc đem kết quả nghiên cứu khoa học chuyên nghành, liên nghành để thực hiện chức năng phổ biến, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc, thế giới khoa học và phục vụ nhu cầu thưởng thức đối với mọi đối tượng nhân dân; tạo ra một điểm tham quan mới sống động và hấp dẫn trong tuyến du lịch Quảng Trị và miền Trung. Tổng số tài liệu, hiện vật được trưng bày giới thiệu tại nhà Bảo tàng trên 9300 hiện vật, trong đó có gần 5000 tài liệu hiện vật gốc, gần 1000 tài kiệu hình ảnh được cơ cấu theo 16 chuyên đề, hàng chục tổ hợp không gian hình tượng, tác phẩm nghệ thuật và nhiều tài liệu khoa học phụ khác. Phần trưng bày ngoài trời bao gồm các hiện vật thể khối về chiến tranh cách mạng như: máy bay, xe tăng, tên lữa, các loại súng pháo, tổ hợp bom đạn; các hiện vật thể khối lớn thuộc văn hóa Chăm Pa như các khối đá thuộc đài thờ, bệ thờ, cột bia đá, các cấu kiện kiến trúc, các phù điêu lá nhĩ, yoni, linga… Phần trưng bày trong nhà được bố trí 2 tầng. Chính diện gian khánh tiết của tầng 1nổi bật là khối biểu tượng “ Cây đời” thể hiện khát vọng vươn lên không ngừng của đất và người Quảng trị trong tiến trình hội nhập và phát triển. Phía sau là bức phù điêu hoành tráng thể hiện “Non Mai sông Hãn” - Cặp đôi sông núi biểu trưng của văn hoá Quảng Trị. Trên đó tập hợp hình tượng của 3 ngọn núi tượng trưng cho 3 tiểu vùng văn hóa của Quảng Trị. Đó chính là núi Tá Linh sơn - Mai Lĩnh sơn và Linh sơn. Đây cũng chính là không gian văn hóa của 3 dân tộc: Kinh, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi. Từ mạch nguồn văn hóa sâu thẳm ấy, dòng sông Thạch Hãn uốn lượn ôm ấp và đổ về biển lớn của văn hóa dân tộc. Sông Thạch Hãn chính là long mạch, là mạch nguồn nối văn hoá Quảng Trị với văn hoá Việt Nam.
Quảng Trị rất vinh dự và tự hào được ba lần cả nước chọn làm kinh đô: Đó là thủ phủ Ái Tử của Chúa Nguyễn Hoàng, Tân Sở của vua Hàm Nghi và Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Phần còn lại của tầng 1trưng bày về thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên văn hóa người Việt, người Bru- Vân Kiều và Tà Ôi.
Tầng 2 nhà Bảo tàng trưng bày gồm toàn bộ lịch sử xã hội tỉnh Quảng trị từ thời tiền sơ sử cho đến ngày nay. Phòng Quảng Trị thời nguyên thủy và buổi đầu lịch sử gây ấn tượng với việc dựng lại mặt cắt của Hang Dơi với các hoạt động của người nguyên thủy. Hang Dơi là một trong những hang động nằm trong dãy núi đá vôi Tân Lâm được gọi là Lèn IV hay còn gọi là Lèn Con Rồng; đây được coi là một hang lớn nhất trong các hang động ở Tân Lâm Hang Dơi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993 và tiếp tục nghiên cứu vào các năm tiếp theo. Năm 2006, Bảo tàng Quảng Trị phối hợp với viện khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ này và kết quả thu đựơc gồm hàng trăm các di vật đá, các mảnh gốm thô, các loại ốc suối, ốc suối chặt đít, các mảnh xương và răng động vật bán hoá thạch và đặc biệt là việc phát hiện ra bếp lửa thì các nhà khoa học khẳng định rằng: Đây là nơi cư trú xa nhất về phương nam trong không gian văn hoá Hoà Bình.
Trong diễn trình lịch sử của vùng đất Quảng Trị có một thời gian dài gần 1 thiên niên kỷ vùng đất này thuộc lãnh thổ của vương quốc cổ Chămpa. Trong quá trình xây dựng và đấu tranh để sinh tồn cư dân Chăm Pa trên vùng đất Quảng Trị không chỉ đã tạo ra được những cơ sở có tính tiền đề cho sự phát triển vững chắc của vùng đất này mà còn để lại nhiều dấu tích về 1 nền văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Quảng Trị. Phòng Quảng trị kỷ nguyên Chăm Pa trưng bày 04 thành tựu văn hóa nổi bật mà người Chăm để lại trên vùng đất Quảng Trị. Đó là thành lũy, đền tháp, công trình khai thác nước và mộ táng được thể hiện thông qua các tổ hợp khoa học phụ, hình ảnh và đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc đá nổi tiếng của người Chăm.
Tiếp nối với giai đoạn lịch sử thuộc lãnh thổ của vương quốc cổ Chămpa là giai đoạn Quảng Trị sát nhập vào quốc gia phong kiến Đại Việt. Sự chuyển quyền sở hữu giữa 2 quốc gia Chăm - Việt nằm trong diễn trình Nam tiến của người Việt. Sang thế kỷ XVI, trước sự phân chia quyền lực đầy rối ren trên đất Bắc, để tránh khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của Trịnh Kiểm - người đã từng hãm hại cha và anh mình - Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ Thuận Hoá mang theo câu tham vấn của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” trong ý đồ phân lập và cát cứ của mình. Tháng 10/1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng cùng đoàn tuỳ tùng theo đường biển ra cửa Đại An vượt Đông Hải tiến thẳng vào Cửa Việt. Khi đến tại bãi cát làng Ái Tử ông đã được các cụ bô lão dâng tặng 7 vò nước trong như là một điềm lành trời cho, là liều thuốc trợ tim cho Nguyễn Hoàng buổi đầu nơi xứ lạ đồng thời là sự gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một xu thế mới. Từ đây QT trở thành là thủ phủ nhà chúa trong 68 năm (1558 – 1626), nhận lấy sứ mệnh ươm mầm, dung dưỡng cho một xu thế lịch sử mới.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long cho lập ra dinh Quảng Trị lập tức ông cũng cho xây dựng một lỵ sở ở mặt Bắc Phú Xuân vừa làm nhiệm vụ là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của 1 địa phương trực thuộc kinh sư vừa giữ vai trò như 1 tiền đồn trấn giữ mặt Bắc cho kinh thành Huế; đó chính là thành Quảng trị.
Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược nước ta, lịch sử xã hội Quảng trị bước sang một trang mới. Toàn bộ phần này trở về sau, Bảo tàng trưng bày theo các chuyên đề như: Quảng trị thời kỳ thuộc Pháp và cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, Nổi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước, Vĩnh Linh xây dựng CNXH và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Quảng trị với đường mòn Hồ Chí Minh và hàng rào điện tử MC. Namara, chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và chiến thắng đường 9- Nam Lào 1971, chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và cuối cùng là Quảng Trị thời kỳ xây dựng đổi mới và phát triển. Trong những nội dung trưng bày này khách tham quan sẽ thấy được nhà tù Lao Bảo của thực dân Pháp với chế độ hà khắc bằng lao động khổ sai, đã trở thành trường học cách mạng, nơi nung nấu lòng yêu nước nơi rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ Công sản. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhân dân Quảng Trị đã đấu tranh anh dũng, kiên cường lập nên nhiều chiến công vang dội làm nên Vĩnh Linh lũy thép anh hùng nơi có con sông Hiền Lương và nỗi đau dằng dặc kéo dài gần 20 năm, mong mỏi khát vọng ngày thống nhất non sông; Gio Linh kiên cường; Đường 9 Khe Sanh rực lửa chiến công; Đông Hà, Cam Lộ đồng loạt nổi dậy: Hải Lăng, Triệu Phong bất khuất hiên ngang và Thành Cổ chấn động địa cầu với 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Trong những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng...
Từ khi nhà Bảo tàng khánh thành và đi vào hoạt động đến nay đơn vị đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa được trưng bày tại Bảo tàng đến với mọi tầng lớp nhân dân. Mở của phục vụ tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ tết và không thu bất cứ khoản tiền nào đối với nhân dân và du khách khi đến với Bảo tàng. Hiện nay, đối tượng khách tham quan đến với Bảo tàng nhiều nhất là các em học sinh. Từ năm 2011 đến nay, cứ đều đặn năm nào cũng vậy, Dự án RENEW tỉnh Quảng Trị đều tổ chức chương trình tham quan cho học sinh hầu hết các huyện thị trong tỉnh đến tham quan tại Bảo tàng Quảng Trị. Đây là một trong những điểm đến nằm trong tuyến tham quan của Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị. Qua tìm hiểu chúng tôi được biêt, hiện nay dự án RENEW đang xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn trong vòng 2 đến 5 năm tới để tìm kiếm huy động nguồn lực tiếp tục triển khai loại hình hoạt động này đồng thời mong muốn sẽ phối kết hợp với cơ quan ban nghành chức năng để chia sẻ mô hình ở cấp vùng và quốc gia tiếp tục lồng ghép mô hình vào chương trình giáo dục di sản tại Bảo tàng, nhằm đảm bảo tính bền vững của hoạt động. Tuy vậy, với nhiều lý do khách quan và chủ quan lượng du khách đến với Bảo tàng Quảng trị trong thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc gắn kết hoạt động của Bảo tàng với hoạt động du lịch là một hướng đi đúng đắn trong xu thế hiện nay nhưng vấn đề này vẫn còn bỏ ngõ. Đây vẫn còn là những trăn trở, kỳ vọng của những người làm công tác Bảo tàng./.
Nguyễn Thị Lệ Hiền
BAN QUẢN LÝ NHÀ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ
DI TÍCH KHU LƯU NIỆM TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ
BQL di tích Thành cổ Quảng Trị
BQL di tích Địa đạo Vịnh Mốc
BQL di tích Hiền Lương - Bến Hải
BQL di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn
BQL di tích Trụ sở CPCMLTCHMNVN
BQL di tích Nhà tù Lao Bảo
BQL di tích Sân bay Tà Cơn
BQL di tích Bến Tắt
BQL Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Quảng Trị
BQL DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
Các hoạt động