Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 được phát hiện tại di tích tháp Chăm Trà Liên thuộc làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị năm 1992. Đến năm 1999 đưa về Bảo tàng Quảng Trị cất giữ và phát huy tác dụng.
Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 mang số kiểm kê 1657/Đ140, có hình bán nguyệt, bằng đá sa thạch, cao 1,2m, rộng 2,1m, dày 0,17m; còn khá nguyên vẹn, chỉ có một số chi tiết chạm khắc trên bề mặt bị sứt mẻ.
Toàn bộ nội dung của bức phù điêu tập trung thể hiện ở ba mảng: hai mảng chính thể hiện bởi hai hình tượng của Siva và Uma được chạm nổi trong hai khung hình bán nguyệt khoét lõm xuống so với bề mặt; một mảng phụ khác thể hiện hình tượng cây vũ trụ với kỹ thuật chạm chìm nằm phía trên đầu, giữa hai mảng chính.
Hình tượng thần Siva được chạm nổi, ngồi trên một chiếc bệ rộng 0,32m; dáng thư thái, tĩnh tại, chân trái gập ngữa trên bệ, chân phải gập đứng, bàn chân chống trên mặt bệ, đầu gối ngang ngực. Tay trái thả lỏng uốn theo thân người và đùi. Tay phải gác nhẹ lên lên đầu gối phải, bàn tay nắm một chuỗi hạt (9 hạt). Cổ tay và bắp tay có đeo đồ trang sức. Bụng, ngực nở vừa phải. Cổ cao, nhìn kỉ như có ba ngấn và đeo những vòng trang sức thỏng xuống ngực. Thần mặc một sampot ngắn có thắt lưng, vạt trước khá dài chảy tràn qua bệ. Mình và đùi để trần. Khuôn mặt trang nghiêm, mắt hơi vuông, miệng hé cười, môi dày, mũi to, hai cánh mũi nở. Các đường nét trên mi mắt được thể hiện khá kỹ, đôi lông mày cong hình chữ S nằm ngang giao nhau ở sơn căn, tại đây nổi rõ con mắt thứ ba. Tai được tạo khá to, đeo những đồ trang sức dài thả xuống tận ngực. Trán ngắn, hẹp, tóc trán chải bảy nếp tạo thành một kirita-mukuta ba lớp. Ðỉnh mukuta có hình vành trăng khuyết ôm quanh búi tóc tròn.
Hình tượng Uma ngồi trên một bệ cao 0,3m trong tư thế rất thoải mái. Hai chân gập về phía sau. Nửa thân dưới được bao phủ trong một sarong dài có trang trí bằng những đường kẻ song song. Nửa thân trên để trần lộ ra hai vú căng tròn. Hai cánh tay dài thon thả, tay trái chống lên mặt bệ; tay phải tựa khuỷu lên đùi, cánh tay vắt chéo ngang qua tay trái, ôm lấy eo bụng. Trên cánh tay và cổ tay đều thấy đeo vòng trang sức. Khuôn mặt hiền từ, đôn hậu. Cổ cao ba ngấn. Tai dài chấm vai. Ðầu đội một cái kirita-mukuta hai tầng.
Dựa trên những đường nét chạm khắc và cách thể hiện hình tượng Siva và Uma, các nhà nghiên cứu cho rằng phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 thuộc phong cách nghệ thuật Ðồng Dương (nửa cuối thế kỷ IX).
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN