Trưng bày các loại hình hiện vật là bom, mìn tại Bảo tàng Quảng Trị với mục đích cung cấp cho khách tham quan nghiên cứu thông tin về tính năng cấu tạo, sức phá hoại của các loại bom mìn mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, thấy được tính chất ác liệt của chiến tranh phi nghĩa, sự tàn bạo của kẻ thù; đồng thời phản ánh tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung cũng như nhân dân Quảng Trị nói riêng.
Tại Bảo tàng, từ phòng Quảng Trị thời thuộc Pháp đến phòng chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, hầu hết có các bộ sưu tập bom, mìn và vật liệu nổ trong chiến tranh. Đặc biệt, phần trưng bày ngoài trời có các hiện vật thể khối lớn về chiến tranh cách mạng như tên lửa, máy bay, xe tăng, các loại bom đạn, súng pháo… của ta và của địch. Đây là những điểm nhấn thu hút khách tham quan tại Bảo tàng Quảng Trị, nhất là thế hệ trẻ và du khách nước ngoài.
Khi thực hiện cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ đã ném xuống Việt Nam gần gấp 3 lần tổng số bom sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, 17 triệu tấn bom đạn đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, bên cạnh đó còn một số lượng lớn bom đạn được phía quân đội nhân dânViệt Nam sử dụng trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.
Theo số liệu thống kê thì các tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi... là những địa phương chịu lượng bom đạn rải xuống nặng nề nhất. Đặc biệt Quảng Trị là một trong những địa bàn có mật độ bom mìn dày đặc hơn cả. Chỉ tính riêng cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ vào mùa hè năm 1972; Mặt trận Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã phải hứng chịu một cuộc hành quân được cho là cực kỳ đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại: Từ bom phá, bom na-pan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de, đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. Người ta đã ghi nhận được: Đêm 4/7/1972, pháo đài bay B52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom, ngày 31/7, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105-203mm đã rơi xuống vùng phụ cận và khu vực thị xã Quảng Trị. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Như vậy, để thấy được rằng, các loại bom được Mỹ sử dụng tại Quảng Trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam không những rất nhiều mà còn đa dạng cả về kích thước, chủng loại, hình dạng.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi mong muốn giới thiệu đến bạn đọc sự khái quát về tính đa dạng của các loại bom mà đế quốc Mỹ đã được sử dụng trên địa bàn Quảng Trị và đang được trưng bày tại Bảo tàng, từ đó có thể hình dung được một phần tính chất hủy diệt của chiến tranh và những mối hiểm họa tiềm ẩn mà người dân Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng đang phải sống chung trong cuộc sống hàng ngày, khi đất nước đã được hòa bình hơn 40 năm.
Đặc điểm chung: Bom có vỏ kim loại dày nhồi thuốc nổ, thường là TNT, Comp-B hay Tritonal. Lượng thuốc nổ nhồi trong bom thường chiếm 50% tổng trọng lương của toàn bộ quả bom. Bom là loại vũ khí thông thường của các loại máy bay ném bom, máy bay tiêm kích do nó tiện dụng và có lợi cho việc ném vào các mục tiêu chiến thuật khác nhau bên cạnh đó chi phí sản xuất bom không lớn.
Các loại bom thường gặp ở tỉnh Quảng Trị được chia thành 2 nhóm cơ bản: Bom phá và bom sát thương.
1. Bom phá: Đây là các loại bom có kích thước và trọng lượng lớn được trưng bày trong khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng trên bục 1 và 2 phía trái nhìn từ cổng vào.
Nguyên lý hoạt động chung của bom phá là khi bom rơi, cánh quạt ngòi nổ quay, đưa ngòi nổ vào tư thế chiến đấu. Khi chạm đất, kim hoả chọc vào hạt nổ gây nổ kíp, nổ thuốc mồi, nổ bom.
Công dụng chính của các loại bom phá là: Phá hoại công trình, sát thương người, vật trên mặt đất hoặc khoan sâu xuống đất phá huỷ các công trình ngầm.
Tổng số bom phá được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị là 27 quả. Bao gồm những loại sau:
- Bom phá M-118 (số lượng 2 quả): số kiểm kê: 2907/KL1046/2 đây là loại bom lớn nhất trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị, chiều cao thân bom khi đã tháo cánh và kíp nổ là 2.30m.
Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904E2/M-905). Trọng lượng toàn bộ 3.000lb tương đương với 1.350kg, chứa 830kg thuốc nổ.
- Bom phá MK-8 (số lượng 3 quả): số kiểm kê: 2563/KL946, 2850/KL1018, 3041/KL1080. Là loại bom lớn nhất về chiều cao và cũng là loại bom lớn đứng thứ hai. Với chiều cao thân bom khi đã tháo đuôi bom và kíp nổ là 2.50m.
Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp ngòi nổ M-905). Trọng lượng toàn bộ 2.000lb, tương đương 900kg trong đó chứa 481kg thuốc nổ Tritonal.
- Bom phá AN M66A2 (số lượng 1 quả), số kiểm kê: 2535/KL918. Là loại bom lớn thứ ba với chiều dài khi đầy đủ các bộ phận là 2.35m, sau khi tháo đuôi bom và ngòi nổ thân bom là 1.75m.
Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp ngòi nổ M-905). Trọng lượng toàn bộ 2.000lb, tương đương 900kg trong đó chứa 518kg thuốc nổ Comp B.
- Bom phá MK-83 (số lượng 2 quả), số kiểm kê: 1949/KL683/2, chiều cao thân bom khi đã tháo đuôi bom và kíp nổ là 1.85m. Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904E2/M-905 hoặc M-139A1/M-100A1). Trọng lượng toàn bộ 1.000lb tương đương với 450kg, chứa 251kg thuốc nổ Tritonal.
- Bom phá M-117A1 (số lượng 2 quả), số kiểm kê: 2534/KL1078. với thân bom dài 1.20m, cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-139A1/M-124A1 hoặc M-100A1). Trọng lượng toàn bộ 750lb tương đương 338kg, chứa 175,2kg thuốc nổ Tritonal.
- Bom phá MK-82 (số lượng 10 quả), số kiểm kê: 1942/KL676/2, 2031/KL734/4, 2849/KL1046. Chiều cao thân bom là 1.55m, cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904E2/M905 hoặc M-139A1/M-100A1, MK-346). Trọng lượng toàn bộ 500lb tương đương với 225kg, chứa 93kg thuốc nổ Tritonal.
- Bom phá MK-81 (số lượng 5 quả), số kiểm kê: 2537/KL920/2, 2841/KL1010/3. Có chiều cao thân bom là 1.10m. Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904E2/M-905 hoặc M-139A1/M-100A1). Trọng lượng toàn bộ 250lb tương đương 113kg, chứa 44 kg thuốc nổ Tritonal.
- Bom phá AN- M88 (số lượng 1 quả), số kiểm kê: 2030/KL733. Có với chiều cao thân bom là 830mm. Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904 E2 và M-100 A1 ở đầu và đuôi bom). Trọng lượng toàn bộ 220lb tương đương với 99kg, chứa 56kg thuốc nổ Comp B hoặc 60kg TNT.
- Bom phá AN-MK30 (số lượng 1 quả), số kiểm kê: 2849/KL1017, có chiều cao thân bom là 0.90m. Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom và ngòi nổ (thường lắp hai ngòi nổ M-904 E2 và M-100 A1 ở đầu và đuôi bom). Trọng lượng toàn bộ 100lb, chứa 24kg thuốc nổ Comp B hoặc 25kg TNT.
Ngoài các loại bom phá có trọng lượng và kích thước lớn thì Bảo tàng Quảng Trị còn trưng bày rất nhiều các loại bom có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn tại các phòng trưng bày về công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập đân tộc của quân và đân Quảng Trị như:
2. Bom sát thương: Được Bảo tàng trưng bày ở tầng 2 nhà trưng bày Bảo tàng tại các phòng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bom sát thương được chia làm hai loại:
Loại 1: Bom sát thương trực tiếp với con người người bằng uy lực thuốc nổ và mảnh vụn từ thân bom (mảnh bom) khi nổ tạo ra. Đây thường là các loại bom nhỏ có trọng lượng thốc nổ không quá 20kg.
Loại 2: Bom thứ cấp hay còn gọi bom chùm là các loại bom bi, đạn, lựu đạn cỡ nhỏ được chứa trong các quả bom, đạn cỡ lớn (gọi là bom, đạn mẹ) hoặc được phóng ra từ các dàn phóng. Khi nổ bom, đạn mẹ không có tác dụng với mục tiêu, chỉ có tác dụng ném đạn thứ cấp ra một vùng rộng lớn, tạo hiệu quả sát thương lớn hơn.
Các quả đạn thứ cấp sau khi ra khỏi bom mẹ, đạn mẹ hoặc các dàn phóng sẽ văng ra các hướng khác nhau. Thông thường khi rơi xuống thì dưới tác dụng của luồng không khí vào các cánh hoặc gờ dạng cánh, đạn thứ cấp sẽ quay và mở bảo hiểm đưa đạn thứ cấp về trạng thái chiến đấu. Một số loại đạn thứ cấp ngay khi ra khỏi đạn mẹ sẽ tự động mở bảo hiểm. Khi rơi xuống mục tiêu, đạn thứ cấp sẽ nổ gây sát thương (với đạn chống người) hay phá hủy các xe cơ giới (với đạn xuyên).
Đạn dược thứ cấp thường rất nguy hiểm vì ngay khi ra khỏi bom mẹ đã mở bảo hiểm nên khi bị chạm hay được di chuyển, chúng sẽ nổ ngay, gây chết người, hoặc làm tàn phế. Các đạn chứa đạn dược thứ cấp khi nổ thông thường sẽ ném ra rất nhiều đạn dược cỡ nhỏ, khi rơi xuống đất một số quả nổ không nổ, khả năng còn sót lại là rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng ngay cả khi đã kết thúc chiến tranh. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng rất nhiều loại bom đạn thứ cấp mà điển hình là các loại bom bi.
2.1. Bom mẹ: Chứa các loại bom con, khi nổ có chức năng ném đạn dược thứ cấp ra một vùng rộng lớn.
Cấu tạo: chiều dài 2.10m, trọng lượng 377kg, gồm: Thân bom (chứa từ 550 đến 640 quả bom con) đuôi bom để điều chỉnh hướng và ngòi nổ chậm hẹn giờ cơ khí.
Cấu tạo: chiều dài 2.31m, trọng lượng 340.2kg, gồm: Thân bom (chứa trên 500 đến 700 quả bom con tùy loại bom con) đuôi bom để điều chỉnh hướng và ngòi nổ chậm hẹn giờ cơ khí.
Cấu tạo: Có 6 ống phóng chứa 144 quả bom con (loại bom quả cam), ngòi nổ và thuốc phóng.
2.2. Bom con (Bom thứ cấp): trực tiếp gây sát thương rất lớn trong bán kính khoảng 10m bằng các chất liệu chứa bên trong như bi, đinh nhọn, mãnh sắt.
Nguyên lý hoạt động chung của bom thứ cấp hay còn gọi là bom con: khi rời khỏi bom mẹ, bom con quay ngòi nổ được mở bảo hiểm một phần. Khi chạm đất bộ phận giữ chậm làm việc và gây nổ bom sau một thời gian nhất định. Số kiểm kê: 906/KL267/9, 907/KL268/2, 1522/KL525/2, 1558/KL546, 1952/KL686/3, 1963/KL693/2.
- Bom bi hình cầu nổ chậm “quả ổi” BLU-26/B
Cấu tạo: Thân bom và ngòi nổ.Thân bom có vỏ bằng kim loại dày 7mm đúc lẫn khoảng 280- 300 viên bi, bên trong chứa 100g thuốc nổ cyclotol.
- Bom phá mảnh vụn hình cầu “quả bưởi” BLU-61.
Cấu tạo: Thân bom và ngòi nổ. Trọng lượng tổng thể 1150g, chứa 250g thuốc nổ.
- Bom bi “quả dứa” BLU-3/B. Cấu tạo: Thân, đuôi bom và ngòi nổ. trọng lượng 800g, chứa 150g thuốc nổ.
Cấu tạo: Thân bom, đuôi bom, ngòi nổ. Trọng lượng 720g, chứa 120g thuốc nổ.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng mỗi khi nhìn vào sưu tập bom, đạn và vật liệu nổ trưng bày tại Bảo tàng, mỗi người đều cảm nhận được sự quý giá của hòa bình; trân trọng, tri ân sự hy sinh, mất mát của bao thế hệ cha ông; đồng thời thôi thúc thế hệ trẻ phải đem hết sức mình để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Chính và Hoàng Nam. Bom mìn vật nổ sau chiến tranh thường gặp ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Dự án khắc phục hậu quả bom mìn. Tháng 12/2009.
2. Trần Kim Phụng và Hoàng Nam. Nghiên cứu tai nạn bom mìn và nhận thức - thái độ - hành vi đối với bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị. Tháng 5/2011.
3. Bộ tư lệnh Công binh. Tập hợp các loại bom, mìn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Hồ Khánh Tâm
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN