Hiện vật ngoài Bảo tàng
THƯ TỊCH CỔ HÁN NÔM TẠI LÀNG CẨM THẠCH, XÃ CAM AN, HUYỆN CAM LỘ

Trong đợt tổng điều tra kiểm kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đoàn nghiên cứu đã đến làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ và vô cùng bất ngờ, thú vị khi ở đây trải qua chiến tranh binh lửa, mất mát nhưng vẫn còn lưu giữ được một khối lượng các văn bản, thư tịch cổ Hán Nôm khá đồ sộ và phong phú. Bước đầu chúng tôi đã kiểm kê được 55 văn bản, thư tịch, tư liệu cổ hiện còn được lưu giữ tại làng, chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán cùng các quy định về luật tục, hương ước, khoán ước, địa bộ của làng.

1. Đôi nét về làng Cẩm Thạch xã Cam An

Làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ nằm cách thành phố Đông Hà khoảng 3km về phía bắc; phía đông giáp làng Kim Đâu và Bàu Đá, phía bắc giáp làng Phú Hậu, phía tây giáp làng An Xuân, phía nam giáp Phổ Lại phường.

Căn cứ vào các tư liệu cổ còn giữ lại tại làng cho chúng ta biết được làng Cẩm Thạch được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII. Trước đó, làng có tên là Bào Đá thuộc tổng An Lạc. Thời Nguyễn, làng đổi tên thành Hoa Thạch thuộc tổng An Lạc; đến thời Tự Đức do kỵ húy với tên của mẹ vua Thiệu Trị nên tất cả các địa danh nếu có chữ Hoa thì phải đổi tên. Do vậy Hoa Thạch đổi thành Cẩm Thạch. Thời thuộc Pháp Cẩm Thạch được đổi tên là Cẩm Phúc sau đó lại lấy lại tên Cẩm Thạch cho đến ngày nay.

Theo người dân địa phương Cẩm Thạch là tên của loại đá quý vì phía trước của làng có một bàu toàn đá màu trắng rất đẹp.

Làng có 4 họ gốc là họ Đỗ, Bùi, Hoàng, Nguyễn trong đó họ Đỗ là họ tiền khai nhưng hiện nay không còn người kế tục. Làng nguyên xưa có miếu thờ Bùi Dục Tài, miếu thờ bà Huyền Trân Công Chúa, miếu bà Hỏa, đàn âm hồn… và có 2 ngày tế chính là 15 tháng 1 và 15 tháng 7 (âm lịch).

Dân làng ngoài nghề nông căn bản như nhiều làng quê khác thì Cẩm Thạch vốn nổi tiếng với nghề làm bún truyền thống gọi là bún Sòng (vì chợ Sòng xưa kia sầm uất và bún Sòng tức bún ở chợ Sòng chỉ do làng Cẩm Thạch cung cấp). Đây là nghề truyền thống gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân trong làng ngay từ buổi đầu khởi nghiệp. Quá trình làm bún từ sản xuất thủ công đến nay đã cải tiến một số công đoạn kỹ thuật để tăng năng suất lao động. Hiện trong làng số hộ gia đình làm nghề bún chiếm 2/3 tổng số hộ gia đình. Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả tỉnh. Tháng 8-2011, làng bún Cẩm Thạch chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống.

2. Nội dung các văn bản cổ

Trong số 324 trang tư liệu, thư tịch cổ Hán Nôm hiện được lưu giữ tại làng, văn bản có niên đại sớm nhất được lập dưới thời Cảnh Trị (1669) và muộn nhất dưới thời Bảo Đại (1929). Căn cứ vào nội dung, chúng tôi tạm thời chia các văn bản của làng thành các nhóm sau:

a. Nhóm địa bạ và các văn bản liên quan đến đất đai của làng

Nhóm văn bản này chiếm số lượng khá nhiều, với 104 trang của 21  bản có niên đại khác nhau; sớm nhất được lập dưới thời Cảnh Trị (1669) và muộn nhất vào thời Tự Đức (1860). Tất cả các văn bản đều được viết trên loại giấy dó với kích thước 32cmx20cm. Cụ thể như sau:

 - Bản kê địa giới của phường Bào Đá lập vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) và Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).

- Bản kê các loại đất, trong đó bao gồm đất ở, đất mộ, đất tư… mỗi loại đất đều ghi rõ diện tích, được lập vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669).

- Bản tấu trình về việc khai khẩn ruộng đất của vị Tiền khai khẩn làng Bào Đá để về sau con cháu trong làng dựa vào đó phân chia ruộng đất cho công bằng, lập vào năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).

- Bản ghi công đức vị Tiền khai khẩn của làng và xin lập miếu thờ ngài tại phường Bào Đá thuộc huyện Võ Xương và ghi rõ diện tích và địa giới của phường Bào Đá lập vào năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716).

- Bản kê địa giới và diện tích của thôn Bào Đá lập vào các năm Gia Long thứ 10 (1811), Gia Long thứ 11 (1812) và Gia Long thứ 12 (1813).

- Bản tấu trình xin chia lại ruộng đất cho công bằng do dân chúng bị thiên tai, bệnh tật, lập vào năm Tự Đức thứ 4 (1851).

- Bản kê địa giới và diện tích của phường Cẩm Thạch, tổng An Lạc, huyện Địa Linh, phủ Triệu Phong, lập vào năm Tự Đức thứ 6 (1853).

- Bản kê về việc phân bố đất đai cho dân làng, con cháu trong họ tộc, ghi rõ diện tích và họ tên của từng người, lập vào các năm Tự Đức thứ 5 (1852); Tự Đức  thứ 7 (1854); Tự Đức thứ 10 (1857); Tự Đức thứ 13 (1860) và Tự Đức thứ 21 (1868) và bản kê diện tích ruộng đất hương hỏa của làng lập vào năm Tự Đức thứ 13 (1860).

- Giấy mua bán đất giữa hai phường Cẩm Thạch và Tập Phước được lập vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), chuyển nhượng đất tư giữa các hộ trong làng lập vào năm Chính Hòa thứ 21 (1700) và Long Đức thứ 4 (1735).

- Bản hòa giải về việc tranh chấp đất đai giữa hai làng Kim Đâu và Bào Đá lập vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782); tranh chấp đất đai giữa hai làng Kim Đâu và An Bình; đơn kiện về việc tranh chấp đất đai giữa hai làng Lâm Lệ và Bào Đá, lập vào năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770); bản phân định ranh giới giữa hai phường An Bình và An Xuân, lập vào năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784); tranh chấp đất đai giữa hai làng Kim Đâu và Bào Đá, lập vào năm Duy Tân thứ 6 (1912).

b. Nhóm văn bản hương ước, khoán ước

Đây là nhóm văn bản có nội dung bao quát nhiều mặt sinh hoạt của làng xóm, mục đích để giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ hòa khí trong cuộc sống cộng đồng được dân làng soạn thảo, đưa ra những nội quy, quy ước để con dân trong làng tuân theo. Loại văn bản này chiếm số lượng 32 trang, có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 14 (1835) và muộn nhất vào năm Thành Thái thứ 8 (1896). Cụ thể như sau:

- Bản quy định về việc gìn giữ thuần phong mỹ tục do các vị hương lão, chức sắc trong làng soạn thảo dưới thời vua Thiệu Trị nguyên niên (1840) để con cháu tuân theo gồm các điều khoản như: ngày, giờ và các thủ tục của tế lễ trong năm; quy định việc tổ chức cưới xin, tang ma (tổ chức trong thời gian từ 1 ngày đến 1 tuần); việc tảo mộ, kỵ giỗ cùng với việc thụ hưởng chế độ ruộng tế tự; việc tổ chức ngày tết của từng hộ gia đình; việc xin ý kiến và được sự đồng thuận của làng khi tổ chức một hoạt động. Đặc biệt, hương ước còn quy định cấm uống rượu trong các dịp lễ tết.

- Một văn bản được lập vào năm Thành Thái năm thứ 8 (1816) đề cập đến việc những người làm nghề sông nước không có hộ tịch trong làng xin được nhập vào hộ tịch của làng và quy định về việc lập từ đường cho những người có công với làng sau khi họ chết.

- Một số văn bản khác được lập dưới thời vua Tự Đức năm thứ 7 (1855), Tự Đức thứ 16 (1854) và Minh Mạng năm thứ 14 (1835), Minh Mạng thứ 16 (1837) và Minh Mạng thứ 18 (1839) quy định về việc khuyến học. Đáng chú ý là văn bản được lập dưới thời Minh Mạng do một người con trong làng giữ chức Tri huyện đưa ra một số quy định về việc học hành của con em trong làng, trong đó có đoạn: “các gia đình phải nuôi dạy con cái thật tốt, học hành tử tế, phải giáo dục con em biết kính trên, nhường dưới, sống hòa thuận...”.

c. Nhóm văn bản liên quan đến tổ chức hành chính, sinh hoạt

Đây là nhóm văn bản tổng hợp gồm nhiều nội dung, chiếm số lượng 173 trang, được lập sớm nhất thời Chính Hòa thứ 21 (1702) và muộn nhất thời Thành Thái năm thứ 6 (1904). Bao gồm:

- Bản tấu trình về việc tu sửa miếu trong làng; việc thay đổi chức sắc trong làng, lập vào năm Tự Đức thứ 8 (1856); việc đóng góp tu sửa đình làng (quy định tùy theo chức sắc mà đóng góp) lập vào năm Bảo Đại thứ 4 (1929); việc các phường đóng tiền để lo cúng tế của làng, lập vào năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) và Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740).

- Bản tấu trình về việc nộp gỗ cho triều đình của dân làng Bào Đá lập năm Chính Hòa thứ 26 (1705); đắp đập trồng cây để định vị ranh giới của phường, lập năm Gia Long thứ 12 (1812); chuyển giao đất của phường Cẩm Thạch giao cho làng Tập Phước, sau đó giao cho tỉnh thu thuế (quy định cứ 5 năm thu thuế một lần); việc quy định các vị chức sắc phải nộp cheo cho làng bằng hiện vật (như: ngựa, dê, gỗ…) hoặc bằng tiền, lập vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765); việc kê khai thu thuế điền thổ, lập vào năm Tự Đức thứ 19 (1866); việc nộp thuế của dân làng lên huyện Cam Lộ,  lập vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1751) và Cảnh Hưng thứ 12 (1752); các khoản đóng góp của dân phường Bào Đá, lập vào năm Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763); giấy chứng nhận nộp tô bằng lúa giống, lập vào năm Cảnh Hưng  thứ 29 (1768).

- Bản chứng nhận gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, người có công sinh ra những người con đều có công trạng với triều đình, lập vào năm Quang Trung thứ 3 (1790); chứng nhận ông Nguyễn Khuê và Nguyễn Nhân là những người có công với nước, lập vào năm Tự Đức thứ 5 (1852); giấy ghi nhận công trạng về hai ngư dân trong làng là Nguyễn Đăng Cơ và Võ Thanh Kim nộp lên thượng quan một bàn đá lớn để tỏ lòng thành kính với cấp trên, lập vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729).

- Bản ghi tên các quan viên xã Cẩm Thạch, tổng An Lạc, huyện Do Linh, lập vào năm Tự Đức thứ 18 (1865); đơn đề cử người trong làng Cẩm Thạch giữ chức Lý trưởng, lập vào năm Tự Đức  thứ 9 (1856).

3. Một số nhận xét, đánh giá bước đầu

Sau khi tìm hiểu các tư liệu văn bản cổ của làng Cẩm Thạch, chúng tôi rút ra một số nhận xét bước đầu như sau:

- Trước hết, chúng ta biết rằng Quảng Trị là một vùng đất bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh là nguyên nhân đầu tiên làm cho việc lưu giữ các tư liệu Hán Nôm bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy khá nhiều, vậy mà tại làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ còn lưu giữ được một khối lượng tư liệu khá đồ sộ và phong phú, quả là một điều bất ngờ và thú vị. Chúng ta đánh giá cao ý thức bảo quản, bảo vệ các giá trị di sản của các thế hệ con dân làng Cẩm Thạch đã để lại một khối lượng tư liệu quý báu có giá trị về nhiều mặt.

 Với ý thức của người xưa thường trọng chữ “thánh hiền” ngoài giá trị về mặt văn bản, mỗi tư liệu còn có ý nghĩa thiêng liêng; vì thế, dân làng phải cất giữ ở những nơi trang trọng nhất, hoặc xem như "vật bất ly thân". Theo lời kể của người dân địa phương thì những văn bản này đã được những người có chức sắc trong làng luôn mang theo bên mình để tránh hỏa hoạn hay khi chiến tranh xảy ra; nhờ vậy, các văn bản này được bảo tồn khá nguyên vẹn. Một giả thuyết được đặt ra, nếu làng nào cũng có cách thức bảo quản như làng Cẩm Thạch thì Quảng Trị chúng ta có một khối lương tư liệu đồ sộ, phong phú về nhiều mặt khi nghiên cứu về các vấn đề làng xã nói riêng và lịch sử, văn hóa vùng đất miền Trung nói chung.

- Về nội dung những tư liệu, như đã đề cập ở trên, các văn bản Hán Nôm của làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ chủ yếu là giấy tờ hành chánh liên quan đến hồ sơ đất đai (địa bạ, đơn từ, văn khế…). Bên cạnh đó là những văn bản phục vụ sinh hoạt của làng như phong tục, tập quán, hương ước… Thông qua các tài liệu văn bản này sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của một vùng đất, quá trình hình thành làng xã, những thiên di, biến động của làng xã cùng các mặt sinh hoạt truyền thống, tín ngưỡng, của làng. Đây sẽ là những tư liệu gốc, cung cấp nhiều thông tin xác đáng cho việc nghiên cứu làng xã. Điều đặc biệt là những văn bản dưới thời Tây Sơn được giữ gìn nguyên vẹn cho thấy dân làng đã có những biện pháp cất giữ cẩn mật mới có thể tránh được sự kiểm soát, tiêu hủy của triều đình nhà Nguyễn.

- Về thời gian, những tư liệu Hán Nôm này được bảo quản liên tục kéo dài hơn ba thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX); trong đó các văn bản dưới thời Cảnh Hưng, Cảnh Trị, Bảo Thái chiếm số lượng khá nhiều, số còn lại được lập dưới thời các vua Nguyễn.

- Với số lượng 319 trang văn bản Hán Nôm, toàn bộ nội dung văn bản được viết bằng bút lông mực tàu trên giấy dó - loại giấy được sản xuất tại địa phương của làng Cẩm Phổ với kích thước các văn bản gần giống nhau 32cm x 20cm. Chữ viết khá đa dạng gồm 3 loại chữ: chữ chân, chữ thảo và chữ lệ, nhưng cơ bản là viết lối chữ chân. Lối chữ này được viết phổ biến dưới thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX mang tính quy chuẩn và rất đẹp. Những văn bản có niên đại sớm (thời Lê) chữ viết bay bướm và phóng khoáng hơn, đôi lúc hơi thảo nên rất khó đọc. Hiện nay tại làng vẫn còn khá nhiều các văn bản được viết theo lối chữ này nên vẫn chưa dịch được. Ngoài giá trị nội dung, các văn bản này còn là một tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn bản học.

- Tuy nhiên, các văn bản nêu trên vẫn chưa được giới nghiên cứu tìm hiểu sâu do việc tiếp cận khó khăn. Vì vậy, việc cấp thiết đầu tiên là dịch thuật, chuyển tải một cách rộng rãi và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, cần có chế độ bảo quản để gìn giữ các văn bản gốc tránh ẩm mốc, mục nát và mất mát./.

                                                                                                                                                                                                                                                                       Lê Thị Nguyệt Yến

XEM THÊM VỀ HIỆN VẬT NGOÀI BẢO TÀNG
VỀ BẢN CHẾ PHONG THỜI VUA TỰ ĐỨC Ở LÀNG DUY VIÊN VỀ HAI TẤM BIA ĐÁ TẠI CHÙA HỒNG KHÊ THƯ TỊCH CỔ HÁN NÔM TẠI LÀNG CẨM THẠCH, XÃ CAM AN, HUYỆN CAM LỘ