Địa bàn cư trú của người Bru - Vân Kiều phân bổ chủ yếu dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vùng đất này rất giàu về tài nguyên rừng, khí hậu nhiệt đới ẩm, mùa mưa chiếm 85 - 90% lượng nước mưa trong năm, địa hình hiểm trở nhiều sông, thác, nghềnh, nên việc đi lại hết sức khó khăn phức tạp. Hệ thống cầu, đường đa số là tự phát, chưa phát triển; các loại phương tiện chuyên chở hàng hóa ít, đa số là vận chuyển theo đường thủy dọc theo các sông, suối, chính vì vậy thuyền độc mộc đóng vai trò rất quan trọng, là phương tiện vận tải hữu hiệu, chở người, các loại nông sản qua sông hay đi làm nương rẫy, đánh bắt cá trên các dòng sông. Thuyền độc mộc theo tiếng Bru - Vân Kiều là Tuộc - a - loang, chỉ có loại thuyền này mới đi được trên các dòng sông, suối địa hình phức tạp hẹp và dốc, nhiều thác ghềnh, đáy sông có nhiều đá, con thuyền phải chịu được sức va đập mạnh của sóng nước. Đúng như tên gọi của nó, thuyền độc mộc được làm từ một thân cây gỗ lớn, dùng để lưu thông và đánh bắt cá của đồng bào dân tộc thiểu số sống ven sông. Không ai biết thuyền độc mộc có từ khi nào, nhưng nó đã gắn bó mật thiết với đời sống của người Bru - Vân Kiều dọc theo bờ sông Sê - Băng - Hiêng.
Tháng 12 năm 2005 đoàn cán bộ nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Quảng Trị đã tiến hành đợt khảo sát sưu tầm hiện vật tại 6 xã vùng Lìa thuoccj huyện Hướng Hóa, đoàn đã đến bản A Ho nằm bên dòng sông Sê -Băng - Hiêng cách trung tâm xã Thanh Huyện khoảng 4 km, được biết tại nhà ông Hồ Diêm (còn gọi là Pả Dừa) đang lưu giữ một chiếc thuyền độc mộc (người Bru - Vân Kiều gọi là Tuộc - a - loang) nguyên bản duy nhất ở khu vực 6 xã vùng Lìa này. Qua quá trình làm việc trao đổi, cán bộ sưu tầm đã đưa chiếc thuyền này về kho cơ sở Bảo tàng. Hiện tại chiếc thuyền độc mộc đang được trưng bày tại gian văn hóa người Bru - Vân Kiều, dưới chân mô hình một ngôi nhà sàn trong Bảo tàng Quảng Trị.
Thuyền độc mộc mang số kiểm kê 3015/ĐM584, với kích thước khá lớn, dài toàn thân: 660cm; lòng thuyền nơi rộng nhất: 73cm; sâu lòng thuyền: 30cm; mũi thuyền rộng: 25cm; đuôi thuyền rộng: 41cm; màu gỗ chuyển thành nâu sẫm, hình dáng tương tự như con cá đuôi xòe; ở giữa lòng thuyền có gắn các thanh gỗ ngang song song với nhau vừa tạo sự chắc chắn, đồng thời làm chỗ ngồi cho người đi thuyền, hai bên mạn thuyền có nhiều vết nứt nhỏ, phần đáy xuất hiện một số lỗ thủng nhưng đã được tu sửa lại hoàn chỉnh.
Theo lời kể của ông Hồ Diêm (Pả Dừa) ở bản Ho thì toàn bộ quá trình ra đời của chiếc thuyền độc mộc (Tuộc - a - loang) đều do bàn tay của người đàn ông làm ra. Họ vào tận rừng sâu hiểm trở (khu vực giáp với địa phận của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) tìm chọn cho được cây gỗ kiền (tiếng phổ thông), loại cây này chịu được nắng và nước, khó mục và cũng không bị nứt nẻ trong môi trường ẩm nóng. Trước khi đốn cây phải làm lễ cúng xin thần linh (Yàng) mới được phép hạ lấy, chiều dài của thuyền độc mộc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia chủ (chở người, chở thổ sản, hay đi làm nương rẫy, đánh bắt cá...), chiều rộng của chiếc thuyền phụ thuộc vào đường kính của cây gỗ kiếm được, đó là một sự thông minh, tinh tế hết sức khoa học, giàu kinh nghiệm.
Sau khi chọn được cây gỗ như ý muốn, người thợ đốn hạ cây và bắt tay vào công việc chế tác thành một chiếc thuyền. Người ta dùng rìu chặt hết cành, bỏ phần gốc và ngọn, giữ lại phần thân và chia thân cây ra từng đoạn, ước chừng đủ chiều dài của chiếc thuyền cần làm; không sử dụng thước đo mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, họ tính toán sao cho tỷ lệ giữa thành, đáy, mui thuyền phù hợp để khi hạ thủy thuyền nổi trên mặt nước và cân bằng. Muốn làm được một chiếc thuyền vừa ý, ông Pả Dừa phải thuê 4 người thợ và làm ròng rã 10 ngày, sau khi chọn được một khúc gỗ, kíp thợ liền tiến hành tạo dáng và đục đẽo, công cụ chủ yếu là rìu, đục, dùi, cưa... Việc chế tác bắt đầu từ bên ngoài, tức là tạo dáng cho chiếc thuyền trước, sau đó mới tiến hành đục khoét rỗng phần ruột bên trong để tạo lòng cho chiếc thuyền.
Thường là mỗi dân tộc lại có một kiểu thuyền truyền thống. Làm thuyền độc mộc rất khó, vì mạn thuyền phải mỏng để thuyền có thể lướt nhanh trên nước, nhưng nó phải bền để có thể chịu đựng sức va đập của thác, sóng nước. Vì vậy, cần có sự khéo tay và tỷ mỉ, kì công nên ít người làm được. Tất cả các công việc đều được tiến hành trong rừng, sau khi hoàn chỉnh chiếc thuyền người Bru - Vân Kiều mới đưa về nhà và phải làm lễ tri ân trời đất để Yàng chứng kiến, và khi hạ thuyền chạm xuống mặt nước, phải làm lễ cúng để Yàng thấy cây đã hóa kiếp thành thuyền - từ đây thân cây đã chuyển từ trên đất xuống mặt nước.
Gia đình ông làm chiếc thuyền độc mộc này cách đây hơn 20 năm và vẫn sử dụng cho đến năm 2000. Từ năm 2000 trở đi, vì sức khỏe không đảm bảo nên ông đã giao chiếc thuyền cho con rể sử dụng. Việc chèo thuyền độc mộc trên dòng sông Sê - Băng - Hiêng cũng không hề đơn giản, người lái phải vững tay chèo, nhất là khi đi trên các đoạn sông có dòng nước chảy mạnh, xoáy, nhiều ghềnh đá, rất dễ bị lật. Vì thế trong gia đình, chỉ có chủ nhà và con trai cả là những người có sức khỏe, có kinh nghiệm đi sông nước mới được chèo thuyền. Thông thường, điều khiển một chiếc thuyền độc mộc có 2 người, người trước dùng tay chèo để lái cho thuyền đi đúng hướng và người sau dùng mái chèo bằng gỗ có hình dẹt để đẩy nước (gọi là mái chầm) đưa thuyền lướt nhanh hơn. Mùa lũ ông dùng phương pháp cột chặt thuyền vào gốc cây dìm xuống dưới đáy sông để giữ lấy thuyền không để nước lũ cuốn trôi, vì thuyền to nặng không thể đem lên bờ được.
Mỗi con thuyền cũng chính là một công trình, một tác phẩm nghệ thuật mà mỗi người thợ là một nghệ sĩ đã dồn nhiều tâm huyết và thổi hồn đam mê vào đó cầu mong cho chiếc thuyền được bền bĩ, vượt qua mọi thác ghềnh, sóng to, nước lớn...
Trước đây, hầu như các gia đình người Bru - Vân Kiều sống ven sông đều có một chiếc thuyền làm phương tiện vận chuyển trong quá trình lao động hoặc giao lưu giữa các cộng đồng làng, rồi lúc nông nhàn lại tranh thủ kiếm thêm con tôm, con cá cải thiện bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông đường bộ được nhà nước đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho các cộng đồng người nơi đây đi lại thuận lợi hơn, đó là nguyên nhân làm cho số lượng thuyền độc mộc ngày càng mai một và trở nên vắng bóng trong đời sống của người Bru - Vân Kiều. Nhiều người già tỏ ra băn khoăn, lo lắng, lớp trẻ lớn lên liệu có còn biết đến những con thuyền độc mộc mảnh mai, duyên dáng đã gắn bó bao đời với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người đồng bà Bru - Vân Kiều nữa không? Tuy nhiên, việc đóng thuyền độc mộc hiện nay gặp rất khó khăn. Các cánh rừng với những cây gỗ lớn nhiều vòng tay người ôm đâu còn nữa, nguyên liệu để làm thuyền ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, lớp người có kinh nghiệm làm thuyền như già làng Hồ Diêm (Pả Dừa) thì giờ không còn đủ sức để cầm nổi chiếc rìu, chiếc rựa nữa chứ nói gì đến việc đục đẽo cả cây gỗ lớn, cứ như tế thì số phận thuyền độc mộc rồi đây sẽ chỉ còn là hoài niệm mà thôi!
Thuyền Độc mộc (Tuộc - a - loang) - một phương tiện vận chuyển đặc trưng, độc đáo của người Bru - Vân Kiều, đó là hình ảnh phản ánh môi trường, điều kiện sống và là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Việc bảo tồn, gìn giữ thuyền độc mộc có lẽ là một bài toán không hề đơn giản đối với các địa phương./.
Nguyễn Thị Cẩm Lệ
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN