Tháng 8 năm 2010, trong quá trình điều tra thám sát khảo cổ học dọc đôi bờ sông Thạch Hãn chúng tôi đã có dịp ghé qua chùa Hồng Khê của làng Bích Khê xã Triệu Long. Sau khi tìm hiểu được biết chùa ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI và được coi là một trong những ngôi chùa cổ của vùng đất Triệu Phong - Quảng Trị.
Lúc sơ khai, chùa có tên Hồng Ân, được tạo dựng bằng tranh tre nứa lá với quy mô nhỏ hẹp, tạm bợ. Trải qua thời gian, chiến tranh và sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung, ngôi chùa này đã bị hư hại và phải tạo dựng lại không biết bao lần. Vào năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762), chùa bị hư hỏng nặng, dân làng không có tiền để tu sửa. Lúc bấy giờ gặp cơ duyên có một người phụ nữ tên là Lê Thị Chiêu người Ái Châu đi ngang qua chứng kiến cảnh chùa hoang tàn đổ nát. Vốn là người mến mộ đạo Phật, bà phát lòng từ bi đứng ra quyên góp tiền của xây dựng lại chùa và đổi tên thành Hồng Khê Tự. Qua thời gian, bão lụt làm hư hại, đến năm Thành Thái thứ 4 (1892), được sự tài trợ và phát động của ông Hoàng Hữu Tuệ, nhân dân làng Bích Khê tiếp tục nâng cấp trùng tu lại chùa một lần nữa với quy mô rộng lớn và kiên cố hơn.
Đến năm 1957, chùa được mở rộng thêm phần tiền đường và nhà tăng khang trang bề thế hơn. Năm 1972, chiến tranh tàn phá khiến chùa bị sụp đổ gần như hoàn toàn, chỉ còn lại một phần tiền đường và sườn gỗ ở bên trong. Đến năm 1976, dân làng dựng lại chùa tạm để sinh hoạt. Năm 1999, một trận lũ lịch sử lần nữa lại tàn phá làm chùa bị hư hỏng nặng, cát bùn vùi lấp cả nền chùa. Nhân dân Bích Khê đã vận động quyên góp tiền của từ khắp mọi miền đất nước và được sự tài trợ của con em thuộc dòng họ Hoàng trong làng đã xây dựng lại chùa mới như hiện nay. Tháng 3 năm 2003, chùa bắt đầu có trụ trì về coi sóc và thờ tự.
Theo sư cô Nguyễn Thị Nhu trụ trì chùa cho biết thì trước đây chùa vốn thờ tiền Phật hậu Thần. Tuy nhiên, ngày nay cách thức thờ tự đó đã được thay đổi. Phối trí thờ tự trong điện thờ hiện nay gồm: gian giữa thờ Thích Ca Mâu Ni toạ thiền trên đài sen, hai bên tả hữu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng, hậu liêu phía sau thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vong linh kí tự. Hiện tại chùa vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như chuông đồng thời Cảnh Hưng thứ 23 (1762). Đặc biệt ở hai bên tiền đường còn 2 tấm bia đá có khắc nội dung chữ Hán. Sau khi xem xét, nhận thấy đây là những tư liệu quý giá gắn liền với lịch sử xây dựng, tồn tại và phát triển của ngôi chùa, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và giải mã 2 tấm bia này.
Trước đây hai tấm bia vốn được đặt trên hai đế bia lớn dựng ở hai nhà bia phía hai bên chùa. Về sau do chiến tranh tàn phá, nhà bia bị hư hỏng, nhân dân xây dựng lại chùa và đem hai tấm bia này gắn vào vách tường trước tiền đường. Cả hai tấm bia đều được làm bằng đá thanh.
* Tấm bia thứ nhất có kích thước cao 76cm, rộng 41cm. Trán bia cao 11cm được trang trí bởi hoa văn “Lưỡng long triều nhật”, hai bên trang trí hoa văn hình dây lá hoá long, phía bên dưới là hình một đài sen. Lòng bia cao 58cm, rộng 28cm có khắc chìm một bài văn chữ Hán với nội dung cụ thể như sau:
Phiên âm:
Nam mô phật:
Quảng Trị Hồng Khê cổ hữu tự, viết Hồng Ân. Kỳ chế lậu ấm, dĩ mao phong chàng vũ hám. Cái dĩ hữu niên hương nhân mưu tân chi lũ bất quả. Hữu Lê Thị Chiêu giả, Ái Châu nhân dã, nghệ kỳ tự hâm thiện quả phát, bà tâm nguyện vị hương nhân quyên ti trợ chi. Viên sùng kỳ đống vũ dịch dĩ ngoả chuyên, duyệt nghị chu nhi công tất. Kim lạc thành, hương nhân đức thị chi tuyên, nhân yêu thị chi thân hậu dữ thị chi song thân tuế thời tòng tự. Thiểu dĩ đáp thù, tương bi chi trưng văn. Ư dư phù tự phế nhi hưng, tích nhân sở khái, mao dịch nhi ngoã, hà sự ư ngôn. Tuy nhiên, thiên hạ chi vật mạc bất hữu sổ tồn yên. Hương chi hữu tự phi nhất nhật mưu chi giả, phi nhất triêu nhi đại thành chi, nãi tại ư kim nhật. Ý giã, thiên bất niên dĩ tiền, kỳ tương hữu sở tự khải phồn thị chi tích. Tuy lưu ư thiền nhi kỳ tâm tắc bản ư hiếu thiện, hiếu thiện quân tử chi sở thủ dã. Hương nhân nhân dĩ vi báo diệt lạc kiến. Kỳ tục chi vi mỹ, thị khả thư dã. Nhược phù thụ điểu táo kinh giang ngư thính hát, triêu chung mộ đạc điểm tỉnh trần tâm, giai tự gian vô cùng chi cảnh trí. Cố bất thăng kí hĩ. Đãn thuật kỳ sự hựu vi chi minh viết:
Hồng Ân chi tự, cổ tại Hồng Khê, viễn sơn cận mộc, tự dĩ nhân hưng, hữu dĩ tự đề , phỉ kim y tích, hoàn nhiễu đông tây, thuỳ bất hủ hề.
Thiệu Trị tam niên quý hạ nguyệt thượng hoán thự thương tràng tự thị lang mụ sầm Nguyễn Giới Như ký.
Dịch nghĩa:
Làng Hồng Khê tỉnh Quảng Trị xưa có một ngôi chùa gọi là Hồng Ân, chùa còn nhỏ hẹp, lợp bằng tranh để che mưa nắng. Trải qua nhiều năm, nhân dân nhiều lần muốn làm mới nhưng không có kết quả. Có người phụ nữ tên là Lê Thị Chiêu, người Ái Châu đến chùa cầu thiện, bà phát lòng từ bi nguyện vì dân làng mà quyên góp tiền của để giúp đỡ xây dựng lại chùa. Chùa được trùng tu lại, thay bằng gạch ngói. Hơn hai tháng thì hoàn công. Ngày khánh thành chùa mới, dân làng ngưỡng mộ công đức của bà nên sau khi bà mất đã mời khánh vị của bà và song thân bà vào chùa để phụng thờ cùng năm tháng, mong tỏ chút lòng đền đáp công ơn đối với bà, khắc vào bia để mà ghi nhớ. Ôi! chùa đã bị bỏ đi rồi được làm lại mới, người xưa ngậm ngùi thay vì việc đó. Tranh tre mà được thay bằng gạch ngói, chẳng biết nên nói sao đây. Tuy nhiên, vật chất trong thiên hạ, không có cái gì là tồn tại mãi mãi. Làng có được một ngôi chùa, không phải một ngày mà mưu toan được; cũng chẳng phải một sớm mà hoàn thành ngay như ngày hôm nay. Cái ý đó, hàng trăm nghìn năm về trước đã mong có dấu tích của bà để mở mang sự phồn thịnh. Dù rằng đạo Phật ở cửa Thiền mà trong lòng luôn yêu thích điều thiện, việc yêu thích điều thiện thì người quân tử đã luôn thủ sẵn vậy. Người trong làng nhân vì việc báo đáp cũng thấy vui mừng. Đó là phong tục tốt đẹp có thể ghi chép lại. Ví bằng chim hát trên cây, cá nghe dưới nước, sớm chuông tối mỏ, thức tỉnh lòng người trong trần thế, đều do cảnh trí không cùng trong nhà chùa, chẳng thể ghi chép nổi vậy. Chỉ thuật lại những việc đó để khắc vào bia rằng: Chùa Hồng Ân, xưa là Hồng Khê, xa xa là núi ở gần là cây, chùa làm cho con người hưng khởi, tên chùa được nêu lên, chẳng phải nay mà đã có từ xưa, vòng khắp đông tây, sáng mãi không mờ.
Bia được dựng vào thượng tuần tháng 6 cuối mùa hạ, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) Nguyễn Giới Như ký.
* Tấm bia thứ hai cao 64cm, rộng 33,5cm. Trán bia trang trí hoa văn “Lưỡng long triều nhật”, hai bên và phía dưới bia trang trí hình dây lá hoá long. Lòng bia cao 55,5cm rộng 25cm, có nội dung chữ Hán như sau:
Phiên âm:
Ngô hương hữu tự cựu viết Hồng Khê, cái dĩ nguyên xã danh, danh chi dã diệc viết Hồng Ân. Cổ cái dĩ mao, Thiệu Trị tam niên thuỷ dịch dĩ ngoã. Kỳ lai lịch dĩ lặc chi tiền bi. Tự nguyên toạ quý hướng đinh kiêm sửu mùi. Tự chính đường chi tiền hữu tiền đường nhất kinh. Ngũ thập dư niên nhật thậm kỳ....hủ. Ngô hương điền địa thiểu kiệm vu tài, kỳ thế bất năng, nhưng cựu bổ tập. Thành Thái tứ niên đại tập thương nghị các triệu hạ tỉnh tiền đường dĩ đống bổ hậu chính đường nhi tăng quảng chi. Ư thị đồng hương thượng hạ liễm cúng khẩu phần điền hứa tá tam niên thủ tiền dữ tuỳ lực tăng cúng giả cận thiên ngũ bách mân. Dĩ thời trị cổ phí thượng thậm khuyết yên. Nhưng uỷ nguyên hương mục kim hiện thị sự Hoàng Hữu Tuệ chuyên đổng kỳ sự. Dĩ khứ niên xuân trọng khởi công. Cai hương mục am ư công gia thực tòng sự. Phàm sự dữ viên giả lý dịch hiệp thương nhi lao khổ, tắc thân tiên chi. Mộc tiết trúc đầu các thích sở dụng. Bình kỳ cố dịch nhân lạc phó chi. Tài sổ nguyệt gian công thuân, kỳ quy chế vị trí. Cập tăng chế sàng kỉ tự khí. Giảo tiền phả vi hoàn. Lịch bị công phí chỉ thử số nhi các túc yên. Lạc chi nhật hương nhân giai thiện chi. Viên chúc trí tài Lê Cảnh Hoán lược thuật dĩ kí kỳ sự. Chí như chư tăng cúng ngân tiền hoặc tài bản túc mễ trừ trị bất cập tam thập mân giả. Lánh tồn bộ dư tự tam thập mân dĩ thượng giả, diệc tính liệt vu bi hậu dĩ biểu chi thời.
Thành Thái lục niên Giáp Ngọ quý hạ trung hoán Bích Khê bổn xã đồng cẩn kí.
Dịch nghĩa:
Làng ta có một ngôi chùa xưa gọi là Hồng Khê, đó vốn là tên gọi của làng, cũng còn gọi là Hồng Ân. Xưa chùa lợp bằng tranh, Năm Thiệu Trị Thứ 3 (1843) thì thay bằng ngói. Gốc tích lai lịch của chùa đã được khắc vào trước bia. Chùa vốn toạ quý hướng đinh và sửu mùi. Trước chính đường của chùa có một gian tiền đường. Trải qua hơn 50 năm đã bị hư hại. Ruộng đất trong làng vốn ít ỏi, tiền bạc sức lực lại thiếu, không đủ khả năng để tu sửa, cho nên cứ để như vậy. Đến năm Thành Thái thứ 4 (1892), trải qua một cuộc hội họp bàn bạc lớn đều đi đến thống nhất chung là tháo dỡ tiền đường để tu bổ phần chính đường thêm rộng rãi. Từ đó tất cả dân làng đều góp ruộng khẩu phần cho thuê 3 năm để lấy tiền, cùng với tiền cúng hàng năm chỉ được 1.500 quan. Khi đó, xét thấy kinh phí còn thiếu nhiều nhưng vẫn giao phó cho hương mục Hoàng Hữu Tuệ đảm trách việc coi sóc quá trình xây dựng chùa. Giữa mùa xuân năm trước thì bắt đầu khởi công. Hương mục thấu hiểu được sự khó khăn chung nên đã hết lòng vì công việc. Ông cùng với lý dịch bàn bạc mọi việc và cùng chịu khó nhọc gánh vác công việc. Thống nhất thuê người làm và mọi người đều vui vẻ đến. Vừa được mấy tháng thì công việc hoàn tất, định ra quy chế vị trí. Liền đóng thêm giường ghế, đồ thờ tự. So với trước thì cũng vẹn toàn chu tất. Chi phí cũng vừa đủ. Ngày khánh thành mọi người đều khen. Bèn dặn dò tú tài Lê Cảnh Hoán làm chúc thư để ghi lại ngắn gọn sự việc đó. Đến như các chư tăng cúng tiền bạc hoặc gỗ ván, lúa gạo tính thành tiền được 30 quan, riêng còn lại trong sổ sách từ 30 trở lên, cũng biệt vào bia để biểu dương về sau.
Bia được lập vào trung tuần cuối mùa hạ Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái năm thứ 6 (1894). Nhân dân Bích Khê kính cẩn ghi nhớ!
Qua nội dung hai tấm bia đã cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu quan trọng và có ý nghĩa gắn liền với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của chùa Hồng Khê. Trước hết, nó phản ánh quá trình xây dựng và những lần trùng tu lại chùa qua các giai đoạn từ lúc sơ khai cho đến cuối thế kỷ XIX. Mặt khác, văn bia còn đề cập đến công lao của những người đã từng đóng góp tiền của và tâm huyết của mình đối với chùa. Nội dung văn bia còn thể hiện tinh thần mộ đạo và lòng hướng thiện của dân làng Bích Khê trong quá khứ. Vượt qua khó khăn gian khổ họ vẫn một lòng hướng về đạo Phật với ước mong nguyện cầu cho cuộc sống luôn tốt đẹp hạnh phúc. Sự tồn tại của hai tấm bia này còn là một minh chứng rõ rệt cho quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo trên vùng đất Triệu Phong - Quảng Trị trong lịch sử. Về chất liệu, kiểu dáng và những đường nét trang trí được thể hiện trên hai tấm bia còn cho thấy sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn lúc bấy giờ.
Trải qua thời gian, cùng với sự thăng trầm của lịch sử xã hội và sự tàn phá nặng nề của thiên tai, chùa Hồng Khê được trùng tu tôn tạo không biết bao lần. Và cho đến hôm nay diện mạo của chùa đã đổi thay khang trang bề thế hơn trước rất nhiều, trở thành chùa của khuôn hội, là nơi sinh hoạt Phật giáo của làng Bích Khê và cả nhân dân trong vùng. Có thể nói rằng, hai tấm bia đá còn lại cho đến ngày nay là hai hiện vật có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân Bích Khê nói riêng và vùng đất Triệu Phong - Quảng Trị nói chung.
Trịnh Cao Nguyên
ĐẠI HỘI CHI BỘ TRUNG TÂM QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG TRỊ
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG