Đơn vị đo lường là vấn đề thiết yếu trong nhiều lĩnh vực của một vùng, một quốc gia nói chung và cuộc sống mỗi người nói riêng. Đơn vị đo lường có vai trò quan trọng chẳng những trong nghiên cứu khoa học mà còn đối với tất cả các hoạt động khác trong cuộc sống. Ðối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, hệ thống đo lường là sự biểu hiện một cách trực tiếp và cụ thể phương thức tư duy, cách tính toán và cả đặc trưng văn hóa của họ.
Hệ thống đo lường trước đây của Việt Nam nói chung và của người Quảng Trị nói riêng rất phong phú, đa dạng và có đặc điểm riêng tùy theo vùng miền, theo sản phẩm cũng như theo thời đại, đặc biệt là những dụng cụ đo lường lúa gạo và các loại ngũ cốc, các sản phẩm nông sản gắn liền với đời sống nông nghiệp. Tuy nhiên, ban đầu khi mới xuất hiện, những đơn vị đo lường lúa gạo này vẫn chưa có sự đồng nhất về tên gọi và khối lượng giữa tên các địa phương, như “gạo thì chỗ này bán bằng đấu, chỗ kia bán bằng bát” 1, chỗ này gọi là cái đấu thì chỗ kia gọi là cái thăng...2
Nền kinh tế chủ đạo của nước ta từ bao đời nay là nông nghiệp trồng lúa nước, vì thế mỗi thời kỳ, nhà nước đều ban hành những chính sách quản lý, sử dụng và mua bán lúa gạo. Trong đó, việc xác định đơn vị đo lường lúa gạo thống nhất là rất cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội và quyền lực của chính quyền trung ương. Dưới thời nhà Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã lệnh cho Bộ Hộ sớm xác định đơn vị đo lường gạo để thuận tiện cho việc quản lý. Những vật dụng đo lường gạo chính thức của triều Nguyễn là phương, hộc, thăng, bát và cân. Năm 1805, vua Gia Long đưa ra quy định mức chuẩn như sau: “1 phương gạo là 13 thăng (bằng 30 bát) làm mức” 3. Trong các đời vua tiếp theo, các vật dụng và đơn vị đo lường gạo dần hoàn thiện. Tuy nhiên, mức quy định vua Gia Long ban bố năm 1805 vẫn là quy chuẩn chung. Việc xác định đơn vị đo lường là cần thiết để phục vụ cho việc mua bán lúa gạo, cũng như xác định mức thuế, lương cho quan quân và bổng lộc cho hoàng thất.
Ở Quảng Trị trước đây cũng thế, các sản phẩm lúa gạo, ngô đậu được đong đếm bằng các loại thưng, đấu to nhỏ khác nhau. Những cái đấu, cái thưng được làm ra từ những mảnh gỗ mỏng ghép lại với nhau và hiện vẫn còn được người dân giữ gìn, bảo quản cho đến ngày hôm nay, chúng không chỉ gắn liền với đời sống hằng ngày của người nông dân chân chất trước đây, mà còn là những hình ảnh giản dị đã đi vào trong ca dao, dân ca như những bài học làm người mà ông cha ta lưu truyền lại cho thế hệ sau:
Khôn ngoan chẳng lại thật thà,
Lường thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy.
Trong tổng số hàng ngàn hiện vật hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị, loại hình hiện vật liên quan đến đo lường lúa gạo chiếm vị trí rất khiêm tốn, chỉ 03 hiện nhưng cũng đã góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Việt trên đất Quàng Trị và đã giới thiệu đến những người yêu mến lịch sử nước nhà hiểu được cái cách mà ông cha ta đã sử dụng để đo lường lúa gạo trước đây. Dưới đây là những vật dụng đó.
Ang (Số kiểm kê 2747/ĐM531)
Tháng 4 năm 2003, trong đợt điều tra di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia trên địa bàn huyện Hải Lăng, nhóm nghiên cứu Bảo tàng Quảng Trị đã phát hiện tại từ đường họ Nguyễn Văn ở thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng một dụng cụ đo lường truyền thống mà người dân ở đây thường gọi là cái ang. Quá qua trình trao đổi, ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng tộc họ Nguyễn Văn đã đồng ý chuyển giao hiện vật trên cho Bảo tàng Quảng Trị.
Ang được làm bằng gỗ, hình hộp vuông, bốn cạnh là gỗ mít, đáy là gỗ gõ với kích thước 47cm x 47cm x 17cm. Hai mặt hai bên được được đục mỗi mặt 4 lỗ vuông, mỗi cạnh 2,3cm để làm lỗ mộng khóa. Hai mặt còn lại được xẻ thành con xỏ để xuyên qua lỗ mộng. Đầu dư được đục một lỗ nhỏ và có một con xỏ nữa làm gạt khóa. Mặt đáy được gắn với thành ang bằng rãnh xoi. Ở phần đáy của 4 mặt đứng được khoét hình như “Tam sơn” thuận tiện khi sử dụng.
Ang là một dụng cụ đo lường lúa gạo rất phổ biến ở vùng đồng bằng Triệu Phong và Hải Lăng trước khi những chiếc cân đực sử dụng rộng rãi. Ang có thể tích sử dụng là 0,153 m3 tương đường với khoảng 10kg lúa phơi khô mỗi một lần đong.
Thăng (Số kiểm kê 2605/ĐM 472)
Trong chuyến khảo sát sưu tầm hiện vật trên địa bàn xã Hải Lăng tháng 6 năm 2003, đoàn nghiên cứu Bảo tàng Quảng Trị cùng với các sinh viên khoa Bào tồn - Bảo tàng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đến nhà ông Trần Kỳ tại thôn 4, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng và phát hiện tại nhà ông chiếc thăng này. Ông Kỳ cho biết, cái thăng này là của ông bà đời trước để lại cách đây khoảng 100 năm. Nhận thấy đây là một hiện vật có giá trị có thể bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật về đời sống sinh hoạt của người nông dân trước dây, nhóm nghiên cứu đã làm thủ tục trao đổi với chủ nhân và đưa hiện vật về bảo quản tại Bảo tàng.
Thăng được làm từ gỗ mít, hình vuông bên ngoài có 6 chữ Hán, kích thước 35.7cm x 35.7 cm x 18cm. Thăng là một dụng cụ dùng để đo lường lúa gạo, một thăng tương đương với 5 - 6 lon gạo.
Thưng (Số kiểm kê 2748/ĐM532)
Tháng 4 năm 2003, trong quá trình tổng điều tra kiểm kê di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia trên địa bàn xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, đoàn khảo sát đã phát hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Tấn (thôn Mỵ Trường) một chiếc thưng đong lúa gạo. Qua trao đổi, ông Tấn đã đồng ý chuyển giao chiếc thưng này cho Bảo tàng Quảng Trị bảo quản và sử dụng lâu dài. Theo lời kể của chủ nhân hiện vật, chiếc thưng này đã có từ rất lâu, được nhiều thế hệ trong gia đình ông sử dụng, bảo quản và sau này lưu giữ tại nhà thờ họ.
Thưng được làm rất chắc chắn, kích thước 20cm x 20cm x 9cm, có dạng hình hộp, được ghép với nhau bằng những tấm ván gỗ và mộng khóa, thưng có 4 chân. Thưng hay còn được gọi là đấu dùng để đong lúa gạo rất tiện lợi, được dùng trong một thời gian khá dài dưới thời phong kiến, một thưng hay đấu tương đương với 1kg lúa.
Tuy quy định như vậy, nhưng trong từng giai đoạn ở mỗi địa phương lại có sự khác nhau về hình thức, tên gọi và khối lượng của các đơn vị đo lường, nhất là dưới thời Pháp thuộc. Mặc dù không có sự thống nhất với nhau của các dụng cụ đo lường nhưng phần nào cũng đã thể hiện được bức tranh nông nghiệp, nông thôn nước ta thời kỳ trước.
Ngày nay, với ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, hệ đo lường có nguồn gốc từ châu Âu đã trở thành quy chuẩn chung trên thế giới khiến ít quốc gia, dân tộc còn giữ được hệ thống đo lường truyền thống của mình. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Thực tế này được biểu hiện rất rõ trong mọi mặt của đời sống xã hội, những vật dụng gắn liền với nông nghiệp dần bị mai một, việc trao đổi, mua bán trên thị trường đều theo quy chuẩn chung và được nhà nước thống nhất quản lý. Vì thế, những dụng cụ đo lường truyền thống đã không còn phù hợp và xuất hiện trong hoạt động trao đổi nữa, có chăng chỉ nằm trong ký ức của những người cao tuổi. Cho nên, việc nghiên cứu, sưu tầm những hiện vật kể trên thực sự rất khó khăn, thậm chí là chúng trở nên hiếm hoi trước sự thay đổi quá nhanh của cuộc sống, mỗi hiện vật sưu tầm được đều đáng được trân trọng giữ gìn, góp một phần làm phong phú bộ sưu tập nông cụ qua từng thời kỳ lịch sử, như là giữ gìn nét di sản ông cha để lại cho thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn. Bên cạnh những ý nghĩa đó, những hiện vật như cái thăng, cái ang hay cái thưng mà Bảo tàng Quảng Trị hiện đang lưu giữ và trưng bày cũng sẽ góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu về hệ thống đo lường của nước ta trong quá khứ./.
Hoàng Ái Linh
1 Vũ Thị Minh Hương. Các đơn vị đo lường ở Bắc Kỳ thời kỳ 1919 - 1939. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Số 1-2002. Trang 34.
2 Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 4). Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội, 2005. Trang 350.
3 Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (tập 1). Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004. Trang 636.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN