Nhà trưng bày bảo tàng tỉnh
VỀ NHỮNG CHIẾC CỐI XAY LÚA TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ

Ai đã từng sống qua một thời khó khăn, vất vả hay sinh ra và lớn lên từ những làng quê nghèo trên đất nước Việt Nam nói chung hoặc vùng đồng bằng ở Quảng Trị nói riêng chắc hẵn không khỏi đong đầy những kỷ niệm gắn liền với nhà nông. Chiếc cối xay lúa là một trong những hiện vật gợi lại cho ta về một thời gian khổ đã qua của người nông dân “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo trắng ngần nuôi sống con người.

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Nghề trồng lúa nước từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ buổi đầu khai hoang, mở đất, con người ta đã biết trồng lúa làm lương thực để duy trì sự sống. Để làm ra hạt gạo người nông dân phải trải qua nhiều giai đoạn từ gieo trồng, chăm sóc đến gặt hái, mang về xay, giã. Trong giai đoạn đó chưa có máy móc, phương tiện kỹ thuật để trồng lúa người nông dân chỉ đơn thuần dựa vào thiên nhiên để cầu mùa màng bội thu. Vì vậy, việc sản xuất được hạt lúa đã là một quá trình vất vả, đến khi có hạt lúa vàng ngọc trong tay thì việc chuyển từ hạt lúa vàng sang hạt gạo trắng ngần là cả một công đoạn lao động đầy kinh nghiệm và là sự sáng tạo của người nông dân. Thành công lớn trong sản xuất nông cụ của người xưa có thể kể đến là chiếc cối xay lúa, loại nông cụ dùng để tách vỏ lúa tốt nhất thời kỳ những thập niên 50, 60 của thế kỷ XX. Bởi vì thế mà cối xay lúa là một trong những công cụ quen thuộc gần gũi của nhà nông. Được người nông dân xưa yêu quý gìn giữ, chăm chút, bởi cối xay lúa là công cụ hữu ích và có giá trị thực tiễn, không dễ gì làm được. Cối xay đã là một phần của đời sống nông thôn. Những đêm thâu, tiếng cối xay thóc ù ù đã thành nếp quen, đã thành kỷ niệm. Nhiều bà mẹ sau buổi làm đồng khó nhọc đêm về vẫn còn phải đổ thóc vào xay, giúp chồng con học tập, nghỉ ngơi. Nhiều người phụ nữ có chồng đi xa, đã đổ thóc vào xay cho vơi đi nỗi nhớ và cũng không ít nam thanh nữ tú, xứng đôi nên duyên vợ chồng cũng bắt đầu từ những buổi chung tay bên cối xay lúa.

Trong đợt sưu tầm hiện vật dân tộc học trên địa bàn huyện Triệu Phong từ ngày 20 tháng 7 đến  ngày 30 tháng 7 năm 2000 của Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cán bộ phòng nghiên cứu đã tiến hành thực địa và sưu tầm được một chiếc cối xay lúa tại gia đình bà Nguyễn Thị Tửu (thôn Quảng Điền A, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong). Cối  xay lúa có số kiểm kê 1860/ĐM 254 hiện đang được trưng bày tại gian Văn hóa người Việt ở Quảng Trị. Chiếc cối xay này được gia đình bà Tửu đóng tại một người thợ ở trong làng vào những năm 80 và sử dụng nó cho đến những năm đầu của thập niên 90. Bên cạnh đó, tại kho cơ sở bảo tàng còn lưu giữ 01 chiếc cối xay lúa có số kiểm kê 2322/ĐM 535, được sưu tầm vào ngày 14 tháng 6 năm 2002, tại nhà ông Trần Hữu Nhật (thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong).  

Cối xay lúa trưng bày ở Bảo tàng Quảng Trị (ảnh Thùy An)

 

Cối xay lúa có dạng hình trụ tròn, được đan bằng tre trát đất, một số bộ phận được làm bằng gỗ, thân cối được chia làm hai phần: Thớt trên là buồng chứa thóc để xay, đối xứng hai bên là tay xay có đục lỗ để móc giằng xay. Thớt dưới có họng xay và máng chứa. Mặt dưới của thớt trên và mặt trên của thớt dưới có các đường rãnh nhỏ được tạo bởi những mảnh dăm được làm bằng gỗ (hoặc tre già) đóng ken dày tạo thành răng, với mục đích tạo bàn nghiền khi vận hành. Kết nối giữa hai thớt là một chốt đứng ở vị trí trung tâm. Cối có 4 chân được làm bằng gỗ. Giằng xay được làm bằng một đoạn gỗ, có hình chữ L, được gắn vào tay xay.

Nguyên vật liệu chủ yếu dùng để làm cối xay gồm có các loại gỗ, tre, đất sét, muối, phân bò, lá bời lời, dâm bụt.. và các dụng cụ dao, rựa, cưa, đục, chàng, dùi cui, đùi vồ cầm tay.

Để hoàn thành một cái cối xay đòi hỏi phải trải qua các công đoạn khá công phu và cẩn trọng. Sau khi đã có đủ nguyên liệu và các dụng cụ cần thiết thì người thợ bắt tay vào việc. Trước hết, người thợ chọn lấy những loại gỗ cứng, ít bị bào mong như: gỗ táu, lim, dẻ, nhãn hoặc tre già cưa thành nhiều đoạn ngắn khoảng 12cm để chẻ dăm; dùng tre bánh tẻ hoặc nứa để chẻ nan và vót đều để đan lồng (hình dạng) cối và vành cối. Đan lồng cối thành hai thớt. Thớt dưới đặt trên chân cối xay, giữa có trụ đứng; thớt trên có then ngang, họng cối xay; giữa then ngang là một lỗ tròn và hai bên then ngang là hai tay xay. Lỗ tròn này phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng và đục đẽo một cách hết sức cẩn thận để khi làm xong cối lắp vào đảm bảo phải vừa vặn với trụ đứng ở giữa thớt trên. Giữa hai tay xay cũng có hai lỗ tròn nhỏ hơn để móc giằng xay vào lỗ khi xay. Dùng đất sét đã qua xử lý (phơi khô, sàng lọc cẩn thận để loại bỏ các tạp chất) trộn đều với muối, dằm dăm phân bò và lá cây dâm bụt hoặc lá bời lời đã giả nhuyễn sao cho thật dẻo nhằm tạo độ ẩm cần thiết, đảm bảo chắc bền, không nứt khi nện thật chặt vào hai thớt cối. Thớt trên phải chừa họng cho lúa lọt xuống. Sau đó dùng dăm đã chẻ sẵn đóng vào hai thớt cối xay để làm răng, khoảng cách giữa các răng khoảng 2cm tạo thành 8 ô học có dạng hình tam giác trên hai mặt thớt. Công đoạn này đòi hỏi tay nghề phải có kỹ thuật cao. Đặt dăm phải đều, hợp lý để khi hai mặt thớt tiếp xúc với nhau trong quá trình xay đảm bảo lúa phải xuống đều, không bị nghẹn và đặc biệt là lúa không sống mà phải tróc hết võ trấu nhưng hạt gạo thì lại nguyên vẹn, không bị nát. Sau đó dùng dùi vồ đóng nêm (nỏ) vào giữa các hàm răng theo kỹ thuật trước nêm thông, tức để cho thông hàng nhằm tạo các rảnh trên mặt thớt; sau nêm chét và cuối cùng là nêm bí. Khi nêm bí tức là răng hai thớt xay coi như gần hoàn thiện. Tiếp tục đặt ngữa thớt trên lên, dùng đục chàng khoét lớp đất đã nện chặt để tạo lồng cối có dạng hình phễu để làm thùng chứa để đổ lúa vào xay. Dùng đất sét đã qua xử lý như trên trát vào xung quanh thân của hai thớt và vành cối. Vành cối là một vòng tre đan uốn thành máng tròn và được bện vào quanh thớt dưới để hứng gạo chảy ra trong quá trình xay. Bên dưới vành xay có chừa một lỗ như cái mỏ là cửa thoát lúa để khi gạo đầy vành thì đùn về mỏ chảy xuống thúng hứng. Công việc cuối cùng là tạo giằng xay. Cấu tạo của giằng xay khá đơn giản, gồm một thanh gỗ tròn hoặc tre, một đầu lượn dáng khuỷa tay (nghẹo giằng xay), dưới có đóng một chốt sắt để mấu vào cái lỗ ở tay xay, đầu kia gắn vào một thanh ngang để làm tay cầm và treo lên xà nhà khi tiến hành xay lúa.

Thông thường, để đóng được một cái cối xay, một người thợ thường phải làm việc trong thời gian khoảng 7 đến 10 ngày. Trong một vùng, thợ làm cối xay rất ít, đây là nghề cha truyền con nối và rất có giá, được trọng vọng. Thợ cối đi khắp làng trên xóm dưới để đóng cối xay và được gia chủ tiếp đãi hậu hĩnh trong suốt cả thời gian làm việc, theo tục lệ cũng có hai bữa cơm thịnh soạn để đón và đưa thợ.

Có thể nói cối xay lúa là một loại hình công cụ tham gia vào đời sống của cư dân Việt trên địa bàn Quảng Trị nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Cối xay là một trong những loại hình công cụ mang tính đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, là sảm phẩm được kết tinh qua quá trình lao động của người nông dân. Ngày nay, trước sự ra đời của các loại máy xay xát hiện đại nên cối xay lúa đã không còn sử dụng. Cũng vì thế mà nghề đóng cối xay cũng như những chiếc cối xay lúa dần đi vào quên lãng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đây là một trong những nông cụ truyền thống hết sức độc đáo đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài ở các làng quê và cũng là nơi gìn giữ, bảo lưu những tinh hoa văn hóa của dân tộc; nơi các nghệ nhân đua tài, khoe sắc đó chính là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo mang sắc thái của từng địa phương, vùng miền, dân tộc./.

                                                                                                                                                                   Nguyễn Thị Thùy An

XEM THÊM VỀ NHÀ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG TỈNH
VỀ NHỮNG LOẠI HÌNH TIỀN GIẤY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ THUYỀN ĐỘC MỘC (TUỘC A LOANG) - MỘT PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN THỦY ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU CÁC LOẠI BOM MỸ ĐÃ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ VỀ BỨC THƯ CỦA LIỆT SỸ HỒ KÃ TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ XE ZIN 3 CẦU “HUYỀN THOẠI TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN” VỀ NHỮNG CHIẾC GÙI 3 NGĂN (TÌ LẸT) CỦA DÂN TỘC TÀ ÔI TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ