Nhà trưng bày bảo tàng tỉnh
VỀ NHỮNG CHIẾC GÙI 3 NGĂN (TÌ LẸT) CỦA DÂN TỘC TÀ ÔI TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ

 Người Tà ôi sinh sống lâu đời ở Trường Sơn, là tộc người có số lượng không lớn so với các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn. Người Tà Ôi sống chủ yếu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, còn ở Quảng Trị tộc người này cư trú tập trung dọc các xã phía Nam Đường 9 và dọc đường 14 (đường Trường Sơn) giáp ranh huyện A Lưới. Người Tà Ôi có các nhóm người Pa Kô, Pa Hy, Kan Tua. Riêng nhóm Pa kô còn có tên gọi khác là Tà Ôi hay Ta Hoi. Người Tà Ôi có những đặc điểm gần gũi với những dân tộc anh em sống kề cận là dân tộc Bru và Cờ Tu.

Nghề đan lát truyền thống của người Tà Ôi chậm phát triển so với một số dân tộc khác. Sản phẩm đan lát chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày chứ không mang tính chất hàng hóa. Tuy vậy, nghề đan lát truyền thống của người Tà Ôi đã góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của các tộc người của Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nghề thủ công đan lát đã tồn tại lâu đời mà những người già khắp các bản không còn ai nhớ nó có tự bao giờ. Từ những nguyên vật liệu được thiên nhiên ban tặng, với đầu óc sáng tạo kết hợp cùng đôi bàn tay khéo léo, qua bao thăng trầm để rồi những sản phẩm họ làm ra ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời tạo ra nét độc đáo và phong phú về văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần làm giàu vốn văn hóa truyền thống của người Tà Ôi trên vùng Trường Sơn.

Hiện nay, tại Bảo tàng Quảng Trị đang trưng bày khá nhiều hiện vật đan lát là đồ gia dụng của người Tà Ôi thuộc chất liệu mây tre tại gian trưng bày văn hóa Bru - Vân kiều và Tà Ôi. Những hiện vật này được trưng bày theo từng nhóm loại hình như: Gùi (Tì Lẹt, Xang, A chói); Giỏ (Kria, A đư)… Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu về những chiếc Gùi 3 ngăn (Tì Lẹt) - một loại hình sản phẩm đan lát đặc trưng và nổi bật của người Tà Ôi ở miền tây Quảng Trị.

Tại gian văn hóa các tộc người, hiện nay đang trưng bày 04 hiện vật là những chiếc Gùi 3 ngăn (Tì lẹt) - đồ đựng khi đi săn bắn.

Chiếc gùi thứ nhất của ông Hồ Thành Lược (thôn Cu Tai, xã A Bung, huyện Đakrông), được sưu tầm về bảo tàng vào tháng 6 năm 2002; mang số kiểm kê 2479/ĐM443. Gùi gồm có 3 ngăn và dây đeo. Ngăn giữa cao 40cm, đường kính 20cm; hai ngăn hai bên cao 30cm, đường kính 16cm; Quai đeo dài 30cm.

Gùi thứ hai của ông Kôn Nghiệt (thôn A Bung, xã A Bung huyện Đakrông), được sưu tầm về bảo tàng vào tháng 6 năm 2002; mang số kiểm kê 2480/ĐM444. Gùi gồm có 3 ngăn và dây đeo. Ngăn giữa cao 40cm, đường kính 20cm; hai ngăn hai bên cao 30cm, đường kính 16cm; quai đeo dài 30cm.

Gùi thứ ba của ông Kôn Hoa (thôn A Luông, xã A Bung, huyện Đakrông), được sưu tầm về bảo tàng vào tháng 6 năm 2002; mang số kiểm kê 2509/ĐM465. Gùi gồm có 3 ngăn và dây đeo. Ngăn giữa cao 36cm, đường kính 20cm; hai ngăn hai bên cao 25cm, đường kính 16cm; quai đeo dài 34cm.

Gùi thứ tư của ông Vỗ Hương (thôn A La, xã Ba Nang, huyện Đakrông) được sưu tầm về bảo tàng vào tháng 5 năm 2005; mang số kiểm kê 2959/ĐM576. Gùi gồm có 3 ngăn và dây đeo. Ngăn giữa cao 40cm, đường kính 20cm; hai ngăn hai bên cao 28cm, đường kính 15cm; quai đeo dài 40cm.

Gùi 3 ngăn hay còn gọi là gùi cánh dơi, tiếng Tà Ôi gọi là Tì lẹt còn người Cơ Tu gọi là Ta lét.

Loại gùi 3 ngăn là vật dụng phổ biến của người Tà Ôi và Cơ Tu. Đối với người Cơ Tu, loại hình đồ đựng này được dành cho đàn ông lẫn phụ nữ. Những chiếc gùi dành cho phụ nữ được đan với kích thước nhỏ hơn so với đàn ông. Người Cơ Tu sử dụng những chiếc gùi này với nhiều chức năng khác nhau. Họ thường mang nó để đựng cơm, muối, đồ dùng lấy lửa... khi đi nương rẫy. Sau khi thu hoạch xong họ lại mang trước bụng để đựng lúa.

Riêng đối với người Tà Ôi thì loại gùi này chủ yếu dành cho đàn ông sử dụng khi đi săn hay mang hàng hóa đi để trao đổi.

Gùi 3 ngăn được đan rất công phu, có độ bền cao và mất rất nhiều thời gian, nó đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo kết hợp với óc thẩm mỹ cao mới tạo nên một sản phẩm đẹp.

  Gùi 3 ngăn gồm 2 phần chính: Phần quai đeo và túi đựng. Phần quai đeo được nối từ tâm điểm của 2 ngăn nhỏ sau đó gắn liền vào ngăn lớn ở giữa tạo nên một quai mang ở hai vai khi sử dụng. Phần túi đựng gồm có 3 ngăn: ngăn lớn ở giữa và 2 ngăn nhỏ ở hai bên tạo thành hình trông giống như cánh dơi nên còn được gọi là gùi “cánh dơi”.

   Nguyên liệu chính để tạo thành chiếc Gùi 3 ngăn là mây. Các sản phẩm từ mây tre vừa có độ bền cao, lại tiện dụng và phù hợp với hoạt động kinh tế nương rẫy. Gùi 3 ngăn cũng như các vật dụng đan lát truyền thống khác đều là sản phẩm được tạo nên từ đôi bàn tay của người đàn ông. Theo lời kể của các chủ nhân hiện vật, để có nguyên liệu đan được chiếc gùi 3 ngăn này, họ phải khai thác nguyên liệu là những sợi mây tắt, mây nước, cây lồ ồ, mò o hoặc cây giang (trong đó cây giang có độ bền cao hơn)… ở  những vùng rừng gần biên giới Lào. Để có một sản phẩm bền và đẹp phải chọn loại mây nước. Loại mây có thân nhỏ, rất thẳng, lại thưa mắt nhưng rất bền. Tre, mây thường được khai thác vào mùa khô, thời điểm cây có độ già nhất định, sau đó ngâm tẩm trong các khe suối, ao, hồ để chống mối mọt, tạo độ bền cho sản phẩm.

Công đoạn đầu tiên người đan phải chuẩn bị các nguyên liệu cho sản phẩm. Chặt mây theo kích thước tùy theo cỡ lớn nhỏ của sản phẩm. Sợi mây dùng để đan và nấc trang trí phải được vót đều, mỏng thì khi đan và nấc các đường trang trí mới đẹp. Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu người ta tiến hành công đoạn đan.

Đầu tiên người ta tiến hành đan ngăn to để có thể dễ dàng tính kích thước cho hai ngăn nhỏ hai bên có tỉ lệ phù hợp với kích thước của ngăn giữa. Phần đáy của gùi được tiến hành đan trước tính từ tâm điểm theo kiểu đan lồng hai (bắt 2 đè 2) dạng chéo cách trở nhau, tạo cảm giác chắc chắn và đẹp mắt, sau khi hoàn thành xong phần đáy, người ta bẻ hai đầu để tạo nên một đáy ngăn có hình thoi; tiếp đến đan lên phần thân vẫn theo kiểu đan lồng hai (bắt 2 đè 2) dạng xéo lên đến 1/3 thân; phần thân còn lại được đan theo kiểu lồng đơn/mốt (bắt 1 đè 1), những sợi mây ở phần này được vót thật nhỏ và đan rất sít trông thật đẹp mắt. Cứ như vậy, người ta tiếp tục đan hai ngăn nhỏ còn lại của gùi. Sau khi hoàn thành ba ngăn, người ta dùng dây mây để kết nối các ngăn lại với nhau. Phần quai đeo được tạo bởi một đoạn tre vót đều, gắn từ hai ngăn nhỏ và nối với ngăn lớn. Công đoạn nấc để trang trí là công đoạn sau cùng. Để tạo cho chiếc gùi vừa chắc chắn lại vừa có tính thẩm mỹ, người ta tiến hành nấc các đường trang trí hình hoa văn dây thừng đan chéo nổi lên trên các đường nối giữa các ngăn và đường viền của quai đeo. Cuối cùng bằng sự thông minh và sáng tạo, người ta dùng một sợi mây nhỏ nối hai ngăn nhỏ lại với nhau nhằm tạo khoảng hở để khi đeo, phần thân của ngăn lớn không tì lên lưng của người sử dụng.

Để hoàn thành một chiếc gùi 3 ngăn người ta phải mất hàng tháng trời. Sau khi hoàn thành sản phẩm công đoạn cuối cùng là đưa lên giàn bếp để hun khói tạo cho sản phẩm vừa bền lại vừa có màu sắc rất đẹp.

Đan lát vừa là một nghề thủ công truyền thống gắn liền với tập quán lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, nó vừa phát huy nguồn lao động dồi dào, vừa khai thác hợp lý nguồn tài nguyên dưới tán rừng. Bằng sự thông minh, sáng tạo với đôi bàn tay khéo léo kết hợp với sự miệt mài trong lao động; sự linh động trong việc sử dụng phương pháp đan lặp lại với các loại đan kết như lồng một, lồng hai, lồng ba, lồng bốn, lồng năm. Các hoa văn được bố cục rất hài hòa hợp lý lại có tính thẩm mỹ rất cao như hoa văn dây thừng đan chéo trên các quai đeo, hoa văn hình chữ V trên các góc của các A đư, a chói… họ đã tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và người Tà Ôi ở Quảng Trị nói riêng.

Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm cho nghề đan lát dần mai một khó có chỗ đứng trong cơ chế thị trường khắc nghiệt như ngày nay. Một trong những nguyên nhân làm cho các sản phẩm đan lát ngày càng khan hiếm là do sự xuất hiện của nhiều loại hình vật dụng với các chất liệu như ni lon, vải, kim loại… vừa nhẹ, tiện dụng và thuận lợi trong quá trình sử dụng đã thay thế cho những đồ đựng bằng mây, tre; do tập quán từ lâu đời, đan lát thuộc về trách nhiệm của đàn ông, họ lại không có ý thức truyền nghề nên khó có một lớp trẻ kế thừa nghề truyền thống của cha ông.

Những chiếc gùi 3 ngăn (Tì lẹt) trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị

 

Trước thực tế như vậy, để khôi phục nghề đan lát truyền thống của người Tà Ôi ở Quảng Trị, nên chăng chính quyền các cấp cần quan tâm đúng mức đối với nghề truyền thống này nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương. Ngành công nghiệp địa phương nên đưa nghề đan lát của các dân tộc thiểu số vào diện ưu tiên. Mở lớp tập huấn dạy nghề, đưa chương trình dạy đan lát, dệt vải truyền thống vào trường dân tộc nội trú của địa phương. Thành lập những nhà trưng bày truyền thống của địa phương nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của vùng miền đến với khách du lịch…

Qua bao biến đổi của xã hội, người Tà Ôi vẫn gìn giữ nghề đan lát truyền thống của cha ông, tuy không còn phát triển như trước nhưng những sản phẩm của họ làm ra đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên cả nước./. 

                                                                                                                                                                                                                        Lê Thị Nguyệt Yến

XEM THÊM VỀ NHÀ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG TỈNH
VỀ NHỮNG LOẠI HÌNH TIỀN GIẤY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ VỀ NHỮNG CHIẾC CỐI XAY LÚA TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ THUYỀN ĐỘC MỘC (TUỘC A LOANG) - MỘT PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN THỦY ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU CÁC LOẠI BOM MỸ ĐÃ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ VỀ BỨC THƯ CỦA LIỆT SỸ HỒ KÃ TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ VỀ NHÓM HIỆN VẬT ĐO LƯỜNG LÚA GẠO TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ VỀ BỨC THƯ CỦA LIỆT SĨ HỒ KÃ TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ