Sắc phong là loại hình văn bản quý hiếm trong kho tàng di sản Hán Nôm, là sự thể hiện uy quyền của người đứng đầu nhà nước phong kiến đối với thần dân của mình trong sự cho phép những địa phương cụ thể phụng thờ những nhân vật cụ thể và là tài sản vô giá của người dân trong làng xã dưới thời phong kiến; là một loại hình hiện vật quý hiếm, quan trọng đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử - văn hoá của vùng đất và công tác trưng bày tại Bảo tàng.
Chính vì thế, những năm qua trong công tác sưu tầm, Bảo tàng Quảng Trị luôn quan tâm đến loại hình hiện vật này. Vì đây là loại hình hiện vật quý hiếm, khó tiếp cận, liên quan đến tín ngưỡng làng xã nên kết quả thu được chưa như mong muốn. Hơn nữa, Quảng Trị là mảnh đất luôn phải gánh chịu hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh, phân ly, loạn lạc và thiên tai nên số lượng các sắc phong còn lại ở các địa phương đã bị mất đi nhiều cũng gây khó khăn cho công tác sưu tầm. Tuy vậy, bằng những nỗ lực của mình, đến nay Bảo tàng Quảng Trị đã sưu tầm, gìn giữ và trưng bày được ba sắc phong có giá trị.
Cả ba sắc phong này có niên đại vào thời nhà Nguyễn. Sắc phong hình chữ nhật (kích thước dài 130cm, rộng 50cm) chất liệu giấy dó, màu vàng nhạt. Mặt trước được trang trí mô típ long ẩn vân thếp nhũ bạc, điểm xuyết xung quanh là hình những chấm tròn biểu trưng cho những vì tinh tú. Bốn góc và chính giữa mép trên trang trí hoa văn chữ Thọ lồng trong khung hình chữ nhật, hoa văn hình chữ S và những áng mây. Bên phải là toàn văn bản sắc phong viết bằng chữ Hán theo lối chữ chân rất rõ ràng, dễ đọc. Bên trái là dòng lạc khoản ghi niên đại và dấu triện đỏ Sắc mệnh chi bảo, Phong tặng chi bảo. Bao quanh sắc phong trang trí bằng những đường diềm hoa thị, hồi văn chữ vạn kết hợp với các dải kỷ hà. Mặt sau được trang trí hình ảnh bộ tứ linh long - ly - quy - phụng, chữ Thọ (2 chữ, 6 chữ) ở giữa; hai bên là hộp thư và quạt, mỗi cái có bốn hình giao lá bao quanh bốn phía.
Nội dung của các sắc phong:
- Sắc phong thứ nhất mang số kiểm kê 2940/Gi354
+ Phiên âm:
“Sắc Trảo Trảo phu nhân tôn thần, hộ quốc tý dân hiển hữu công đức, kính hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân tứ kim quang chiếu hồng đồ. Miến niệm thần hưu nghi long hiền hiệu khả gia tặng Nhu Hoà Đoan Ý Trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Đăng Xương huyện, Ái Tử xã y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Minh Mạng ngũ niên, nhị nguyệt, thập nhất nhật”.
+ Dịch nghĩa:
Sắc cho Trảo Trảo phu nhân tôn thần, bảo vệ cho đất nước, che chở cho dân hiển rõ công đức và đã được dân xã thờ phụng. Thế tổ Cao hoàng đế của ta (tức Nguyễn Ánh - Gia Long) thống nhất trời biển, đến nay sáng chiếu khắp đất nước to lớn. Nay nhớ đến công ơn giúp đỡ của Thần nên gia tặng cho danh hiệu vẻ vang là: Nhu Hoà Đoan Ý trung đẳng thần. Chuẩn theo phép cũ, cho phép xã Ái Tử, huyện Đăng Xương thờ phụng.
Kính vậy thay.
Ngày 11, tháng 2, Minh Mạng năm thứ 5 (1824).
- Sắc phong thứ hai mang số kiểm kê 2939/Gi353
+ Phiên âm:
“Sắc chỉ Quảng Trị tỉnh, Thuận Xương huyện, Tham Liêm xã tòng tiền phụng sự Bảo An Chính Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành hoàng chi thần. Tiết kính ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai.
Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật”.
+ Dịch nghĩa:
Sắc cho tỉnh Quảng Trị, huyện Thuận Xương, xã Thanh Liêm trước đây đã phụng thờ vị Bảo An Chính Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành hoàng chi thần. Từng được ban sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm vua Duy Tân lên ngôi đã ra bảo chiếu ban ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, chuẩn cho nhân dân phụng thờ như cũ, chép vào từ điển để ghi nhớ quốc khánh.
Kính vậy thay.
Ngày 11, tháng 8, Duy Tân năm thứ 3 (1909).
- Sắc phong thứ ba mang số kiểm kê 3557/Gi396
+ Phiên âm:
“Sắc Quảng Trị tỉnh, Cam Lộ huyện, An Thái phường tòng tiền phụng sự, nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng linh phò bổn thổ tiền khai khẩn Lê Quang Huệ đại lang tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mong ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Đoan Túc tôn thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai.Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”.
+ Dịch nghĩa:
Sắc cho phường An Thái, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Theo trước đã phụng thờ bổn thổ tiền khai khẩn Lê Quang Huệ, vốn được ban tước Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần, có công giữ nước, giúp dân, linh ứng rõ rệt. Đến nay, nhân lễ mừng thọ 40 tuổi của Trẫm, đã vâng bửu chiếu ra ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, gia tặng thêm là Đoan Túc tôn Thần, đặc chuẩn cho nhân dân phụng thờ, chép vào tự điển để ghi nhớ quốc khánh.
Kính vậy thay.
Ngày 25, tháng 7, Khải Định năm thứ 9 (1924).
Qua nội dung của các bản sắc phong trên cho chúng ta thấy có hai loại hình sắc phong thần: Nhân thần (sắc phong cho vị tiền khai khẩn) và nhiên thần (hai sắc phong còn lại). Sắc phong cho các vị tiền khai khẩn là sự ghi nhận công lao của nhà nước đối với các nhân vật lịch sử có thật, người tiên phong khai sáng cơ nghiệp, tạo lập làng xóm. Đây chính là những vị tiền nhân mở mang gìn giữ đất nước, xóm làng để truyền lại cho con cháu sau này. Sắc phong thành hoàng là tài sản chung của cả cộng đồng, bởi ngài là vị thần tiêu biểu đại diện cho quyền uy của làng. Dưới chế độ phong kiến việc thành hoàng làng được ban sắc phong đối với người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là sự công nhận chính thức của người đứng đầu nhà nước phong kiến về sự hợp pháp của làng xã, là văn bản của nhà vua chính thức thừa nhận vị thần bảo hộ của một cộng đồng làng xã về mặt tín ngưỡng, tâm linh để người dân an cư lạc nghiệp.
Đặc biệt trong các sắc phong này thì sắc tặng cho vị thần sông - Trảo Trảo phu nhân dưới thời vua Minh Mạng năm thứ 5 (1824) liên quan đến một sự kiện lịch sử có thật xảy ra vào năm 1572 mang ý nghĩa như một chuyện tích huyền thoại. Huyền tích này đã được các sử gia nhà Nguyễn ghi lại trong chính sử như sau: Khi xưa Chúa đóng dinh ở Ái Tử, quân Mạc do một dũng tướng là lập Bạo vượt biển kéo vào tiến đánh. Thế giặc mạnh, hai bên giao chiến vẫn chưa phân thắng bại, đêm nghe từ lòng sông tiếng kêu trảo trảo, lấy làm lạ. Khấn rằng: Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc. Đêm ấy, Chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước trình rằng: Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát thiếp xin giúp sức. Tỉnh dậy Chúa ngẫm nghĩ rằng: Người đàn bà trong mộng báo ta nên dùng mỹ kế phải chăng là dùng kế mỹ nhân? Trong đám thị nữ có Ngô Thị có sắc đẹp, có mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa dụ Lập Bạo tới chỗ sông có tiếng kêu trảo trảo để giết. Ngô Thị đến trại Lập Bạo nói rằng: Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hoà, đừng đánh nhau nữa. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô Thị, nhưng giả cách giận, nói rằng Ngươi lại đây làm mồi nhữ ta phải chăng? Ngô Thị uyển chuyển thưa gửi, Lập Bạo liền tin, giữ lại trong trướng. Ngô Thị nhân đấy mời Lập Bạo đến bờ sông cùng Chúa họp thề. Lập Bạo nghe lời. Ngô Thị đem việc ấy mật báo trước. Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu trảo trảo để làm nơi họp thề và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo và Ngô Thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy Chúa cũng chỉ có mấy chục người theo hầu, Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy, Lập Bạo sợ chạy xuống thuyền, bơi xuống nước bị bắn chết. Quân giặc đầu hàng, Chúa cho ở đất Cồn Tiên đặt làm 36 phường (miền tây huyện Do Linh ngày nay). Để nhớ ơn thần sông giúp đỡ, Chúa cũng đã cho lập đền thờ và phong làm Trảo Trảo Linh Thu phổ Trạch tướng hựu phu nhân (1). Minh Mạng năm thứ 5 (1824) gia tặng Nhu Hoà Đoan Ý trung đẳng thần.
Thực ra, đây là một sự kiện có thật trong lịch sử ghi dấu trận đại thắng quân Mạc trên sông Ái Tử vào năm 1572. Nhưng việc một thần sông biến thành một Trảo Trảo phu nhân khi ở dạng lốt người hay lốt chim trong giấc mơ của Nguyễn Hoàng thì đó là một mô típ tồn tại dưới dạng chuyện tích. Mô típ thần xuất hiện trong lốt một người đàn bà mặc áo xanh, linh ứng bày cho Tiên chúa dùng mỹ nhân kế để thắng được quân Lập Bạo cũng như mô típ bà già mặc áo đỏ, quần xanh ở huyền tích chùa Thiên Mụ báo hiệu chân Chúa sẽ đến vùng đất này và chỉ cho Nguyễn Hoàng đất đóng đô chính là hình ảnh tôn giáo tiên tri phương Nam ủng hộ ý thức Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân của chúa Nguyễn. Cái đó không chỉ hợp với lẽ đời mà còn hợp với lẽ thần. Đây là một chiến thuật tài ba của Nguyễn Hoàng trong việc thu phục nhân tâm trên vùng đất mới. Do đó, sắc phong này rất có giá trị cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu về dinh Chúa tại Ái Tử cũng như bước đường Nam tiến của người Việt vào Đàng Trong trong lịch sử.
Vì thế, nghiên cứu về sắc phong cho biết tên tuổi, công tích của các nhân vật lịch sử gắn với những địa danh cụ thể, đó là những thông tin quan trọng xác định tên làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu, tìm hiểu các địa danh cổ và hệ thống hành chính nước ta thời phong kiến. Mặt khác, đây là nguồn tư liệu quan trọng để tiếp cận, tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian đặc biệt là tục thờ Thành Hoàng, thờ những người khai phá đất đai, tạo lập làng xóm... trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân làng xã. Niên đại được ghi tên sắc phong là niên đại chính xác, đáng tin cậy cho phép khẳng định rõ ràng phong cách mỹ thuật, nghệ thuật trang trí và văn phong của từng thời kỳ trong lịch sử.
Việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày các sắc phong tại Bảo tàng Quảng Trị là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, giúp cho người dân hiểu biết nhiều mặt về lịch sử - văn hoá của làng xã Việt Nam dưới thời phong kiến, qua đó người dân hiểu và biết cách bảo quản, giữ gìn những tài sản quý báu của cha ông để lại.
Hoàng Ngọc Thiệp
Chú thích
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thục lục. Tập 1. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2004, tr. 30 - 31.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN