Di tích Ngã ba Long Hưng và nhà thờ Long Hưng nằm bên trục quốc lộ 1A, thuộc địa phận làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 15km về hướng nam, cách trung tâm huyện chừng 7 km về hướng bắc, cách Thành cổ Quảng Trị 2 km về hướng đông nam.
Ngã ba và nhà thờ Long Hưng là những trận địa chốt của lực lượng chủ lực Quân Giải phóng trong cuộc chiến đấu chống phản kích tái chiếm, bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972.
Ngay sau khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc phản kích tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị theo hai hướng chính thì trên hướng chủ yếu theo Quốc lộ 1 (Sư đoàn dù (gồm 3 lữ đoàn), tăng cường 2 thiết đoàn cơ giới, 1 tiểu đoàn pháo 155mm) thì chỉ sau một thời gian ngắn từ 28-6 đến 3-7-1972, lực lượng quân VNCH đã nhanh chóng đánh chiếm lại các vùng giải phóng rộng lớn tại Bắc sông Mỹ Chánh, Thượng Xá, Nam sông Nhùng và các điểm cao 28, 105 (hướng Tây) tạo nên thế bao vây tấn công vào thị xã Quảng Trị.
Xác định Ngã ba và nhà thờ Long Hưng nằm trên hướng tấn công chủ yếu của quân lực VNCH nên ngay sau khi mở cuộc phản kích, ngày 30-6-1972, Phó tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên - Thiếu tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ: “Trung đoàn 48 cùng với tỉnh đội Quảng Trị tổ chức phòng thủ khu vực La Vang, Tích Tường, Ngã ba Long Hưng, nhà ga Quảng Trị, Trí Bưu dùng chướng ngại vật kết hợp với hỏa lực tổ chức chiến đấu chặt chẽ, kiên quyết không cho địch lọt vào thị xã. Ban chỉ huy Trung đoàn phải trược tiếp tổ chức, đôn đốc, kiểm tra mọi mặt việc xây dựng các trận địa trong khu vực phòng thủ đảm bảo khẩn trương và chiến đấu có hiệu quả cao nhất” [1].
Về không gian diễn ra cuộc chiến trên trận địa chốt Ngã ba Long Hưng kéo dài từ ngã ba đi nhà thờ La Vang cách cầu Nhùng khoảng 1km về phía bắc, cách thị xã Quảng Trị khoảng 2 km về hướng đông nam, thuộc địa phận làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đến phía nam cầu Trắng. Trên không gian này có hệ thống kênh mương tưới tiêu nhỏ đan xen đi qua khu vực ngã ba thuận tiện cho Quân Giải phóng khi tổ chức bố phòng, có nhà thờ Long Hưng nằm ngay bên trục quốc lộ 1A là những công trình được xây dựng kiên cố, có gác chuông cao thuận lợi cho dùng làm nơi trú ẩn, làm công sự chiến đấu cũng như đài quan sát xung quanh khu vực. Ngoài ra, còn có các tuyến đường nối quốc lộ 1A đi La Vang, Tích Tường, Như Lệ... Đây cũng chính là hướng có điều kiện thuận lợi để triển khai binh hoả lực lớn trên Quốc lộ 1.
Với vị trí rất quan trọng án ngữ trên trục quốc lộ và trên trục đường đi vào thị xã và Thành cổ mà cả hai phía luôn quyết tâm đánh chiếm; nếu bên nào làm chủ được địa điểm này sẽ làm chủ được hướng tiến công vào thị xã từ hướng nam và đông nam.
Về phía quân lực VNCH, ngay sau khi mở cuộc phản kích tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị, lấy hướng đường số 1 làm hướng tấn công chủ yếu và do Lữ đoàn 2 dù đảm nhiệm có xe tăng, máy bay B52, pháo binh hỗ trợ chi viện. Thực hiện âm mưu tiến công ồ ạt nhằm “đánh nhanh thắng nhanh” tiến thẳng vào Thành cổ và thị xã Quảng Trị, chỉ đạo chung của Quân dù ở đường số 1 và cánh phía tây do Tư lệnh Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn dù 2 là Lữ đoàn đầu tiên của quân lực VNCH được Trung tướng Ngô Quang Trưởng - Tổng Tư lệnh Quân đoàn 1 chiến thuật giao nhiệm vụ cắm cờ lên toà Thành cổ Quảng Trị.
Về phía Quân Giải phóng, thực hiện chủ trương của Tư lệnh Mặt trận, tại trận địa chốt Ngã ba Long Hưng giao cho Trung đoàn 48, Sư 320B chỉ huy và bố trí lực lượng. Từ 3 - 10-7-1972, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ chốt giữ phía nam ngã ba (phía đông La Vang), cách cầu Nhùng 1km về phía bắc, làm nhiệm vụ đánh địch từ xa. Từ ngày 28-6 đến cuối tháng 7-1972, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư 320B vào thay.
Trong thời gian dài giữ chốt từ đầu tháng 7 đến kết thúc cuộc chiến 81 ngày đêm năm 1972, trên địa bàn Ngã ba Long Hưng đã diễn ra nhiều trận chiến đấu trong đó có những trận tiêu biểu như: Trận đánh mở màn ngày 3-7-1972, trận đánh quyết liệt nhất vào ngày 12-7-1972.
Ngày 28-6-1972, cuộc hành quân phản công tái chiếm lấy mật danh “Lam Sơn 72” bắt đầu thì chỉ sau một thời gian ngắn, đến ngày 3-7-1972 cánh Quân dù của tiểu đoàn 11, Lữ đoàn 2 trên đường số 1 thuộc hướng tiến công chính đã đến Thượng Xá, Nam sông Nhùng. Tại đây, Quân dù nhanh chóng củng cố thế đứng chân. Đến 6h ngày 3-7, Quân dù vượt cầu Nhùng tiến công vào phía nam ngã ba Long Hưng (đoạn giáp đường sắt, phía Đông nam La Vang) do 1 trung đội của Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 chốt giữ. Sau hơn 1 giờ dùng máy bay và pháo bắn vào trận địa chốt của Quân Giải phóng, đại đội đi đầu của quân VNCH có xe tăng chi viện, xông lên chốt. Các chiến sĩ Quân Giải phóng vượt qua bom đạn ác liệt, kiên trì chờ quân VNCH tiến vào thật gần mới đồng loạt nổ súng. Bị tấn công bất ngờ nên đã có 43 quân VNCH bị diệt ngay trước trận địa. 8h cùng ngày, Quân dù buộc phải rút lui. Sau thất bại, quân VNCH lùi ra xa, dùng hoả lực bắn phá liên tục vào trận địa, chuẩn bị cho đợt tấn công mới. 14h quân VNCH tiếp tục tiến công. Sau các đợt tấn công, Quân dù không chiếm được chốt của Đại đội 11, mà còn bị thiệt hại nặng. Đến 18h chúng phải rút lui ra xa, dùng hoả lực, phi pháo đánh vào trận địa. Trước sức mạnh của hoả lực quân VNCH, Quân Giải phóng bị thiệt hại nặng, thương vong 12 người, hết đạn sau một ngày liên tục chiến đấu; hơn nữa do địch bắn phá ác liệt kéo dài nên lực lượng còn lại phải rút về phía sau. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng bảo vệ thị xã.
Sau thất bại trận đầu tiên đánh vào phía nam Ngã ba Long Hưng, quân VNCH đã chuyển hướng mở các cuộc tấn công vào những điểm Quân Giải phóng chưa bố trí được lực lượng chốt giữ như Đại Nại, An Thái và đã nhanh chóng lấy được khu vực này làm uy hiếp thị xã ở hướng đông nam. Trước tình hình đó, ngày 6-7-1972, Trung đoàn 48 điều Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 xuống chốt chặn Ngã ba Long Hưng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đội 5 đã tập trung xây dựng lại trận địa chốt, bố trí lực lượng, chuẩn bị mọi công tác cho tác chiến lâu dài.
Sau hơn 10 ngày tác chiến, quân lực VNCH dồn hết sức tiến công nhưng cuộc hành quân “Lam sơn 72” vẫn không đạt kết quả mong muốn; trong khi đó, thời gian hội đàm Paris đang đến gần. Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền VNCH đã chỉ thị cho cấp dưới bằng mọi giá phải cắm cờ lên toà Thành cổ trước ngày 13-7-1972.
Thực hiện chỉ đạo cấp trên, sáng 10-7, quân VNCH tập trung một lực lượng lớn gồm bộ binh và xe tăng ở các khu vực làng Đại Nại, An Thái trên đường số 1 nhằm tiến nhanh đến thị xã Quảng Trị.
Về phía Quân Giải phóng, Ban Chỉ huy yêu cầu các trận địa pháo của chiến dịch cùng hoả lực của các đơn vị phòng ngự chuẩn bị mọi lực lượng đánh lại các đợt tiến công. Chốt ngã ba Long Hưng lúc này do Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 chốt giữ nằm trên tuyến hành quân quan trọng của quân VNCH. Ngày 10-7, nắm lấy thời cơ pháo Quân Giải phóng bắn, quân VNCH đang rối loạn, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đã tiến hành xuất kích đẩy lực lượng quân VNCH ra khỏi Long Hưng, tạo thế bố trí chốt giữ vững chắc ở một ngã ba quan trọng trên .
Sau đợt tập kích ngày 10-7, phán đoán tình hình quân VNCH sẽ tăng cường lực lương và phi pháo tiếp tục mở cuộc tiến công trên các hướng để vào thị xã, Quân Giải phóng tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, sửa sang lại hầm hào trận địa chốt. Theo kế hoạch ngày 12-7-1972 (trước ngày họp bàn tại hội nghị Pari), chính quyền VNCH tập trung binh hoả lực với mật độ cao nhất để thực hiện âm mưu “tái chiếm thị xã Quảng Trị”. Trên tuyến quốc lộ 1A phía đông nam thị xã Quảng Trị, Lữ đoàn dù 2 kết hợp xe tăng tổ chức tiến công vào La Vang, Long Hưng. Trước khi Quân dù tiến công, hàng loạt máy bay B52, pháo từ Đại Nại (khu vực giáp Long Hưng đã bị quân đội VNCH chiếm lại), pháo từ hạm đội ngoài khơi bắn vào tới tấp đã là cho một số hầm hào của quân giải phóng sạt lỡ, chiến sĩ bị thương... Sau đợt máy bay rải thảm, pháo dọn đường, sáng ngày 12-7-1972, khoảng một trung đội lính VNCH có xe tăng tiến vào chốt ngã ba Long Hưng. Lúc này, Đại đội 5 của Quân Giải phóng chỉ còn 30 tay súng chốt giữ. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Kết quả sau một ngày chiến đấu, Đại đội 5 đã đẩy lùi các đợt tấn công của quân VNCH, giữ vững trận địa chốt ngã ba Long Hưng, ngăn chặn âm mưu tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong thời gian ngắn.
Sau khi được giao nhiệm vụ tiến nhanh theo quốc lộ 1A vào cắm cờ lên toà Thành cổ, Lữ đoàn dù của quân lực VNCH không thể thành công khi chưa qua được chốt ngã ba Long Hưng của Quân Giải phóng. Chính vì vậy, những ngày tháng tiếp theo trên chốt ngã ba Long Hưng tiếp tục diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa hai bên.
Từ cuối tháng 7, sau nhiều đợt tấn công vào Ngã ba Long Hưng của Sư đoàn dù không thành, đến ngày 27-7-1972, Tướng Ngô Quang Trưởng phải rút Sư đoàn dù ra củng cố và đưa Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến vào tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Sau khi vào thay Quân dù, Thuỷ quân lục chiến tập trung lực lượng quân, phương tiện tấn công lên La Vang, Tích Tường, Như Lệ, đánh xuống đường sắt, đường số 1, qua Long Hưng, nhà ga,... bao vây thị xã Quảng Trị ở hướng tây nam. Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 rút lui về chiến đấu tại Tri Bưu và góc đông bắc Thành cổ, toàn bộ cánh phía nam và tây nam giao cho Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 đảm nhận. Tiểu đoàn 88 tổ chức lực lượng mở nhiều đợt tấn công sự “lấn dũi” của Lính thuỷ đánh bộ vào Long Hưng, tiếp tục bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị ở sườn nam và tây nam. Tuy nhiên, thời gian này, trên các trận địa chốt không còn diễn ra những trận đánh quyết liệt vì hội đàm Paris đang tạm dừng và hơn nữa cả hai phía cũng chịu nhiều thiệt hại cần củng cố.
Đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, lợi dụng thời tiết đầu mùa mưa bão, nước các sông dâng cao làm ngập toàn bộ thị xã gây nhiều khó khăn cho Quân Giải phóng, quân VNCH đã đẩy mạnh hoạt động phi pháo vào các trận địa chốt của Quân Giải phóng và nhanh chóng vào được nhiều khu vực trong thị xã, buộc Quân Giải phóng phải rút lực lượng vào phòng thủ tại thị xã và Thành cổ. Đến đây, các trận địa chốt vòng ngoài như ngã ba và nhà thờ Long Hưng đã không còn giữ vai trò quan trọng.
Như vậy, sau gần 2 tháng bám trụ, những chiến sĩ chốt giữ trận địa ngã ba Long Hưng mặc dù phải đương đầu với đội quân VNCH có hỏa lực mạnh, lại phải chiến đấu trong một điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ quân giải phóng vẫn không một phút ngơi nghỉ, kiên quyết không cho một tên địch lọt vào thị xã. Trong thời gian chiến đấu, các chiến sĩ trên chốt Ngã ba Long Hưng đã thực sự trở thành “lũy thép” kiên cường trên một ngã ba được mệnh danh là “Ngã ba bom”, “Ngã ba lửa”. Ở đây họ đã nêu những tấm gương cảm tử cho Thành cổ Quảng Trị, cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc.
Ngã ba và nhà thờ Long Hưng cùng với những trận địa chốt khác trong cuộc chống phản kích bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm đã đi vào lòng người dân Quảng Trị niềm kính phục và tự hào về những chiến công bất diệt.
Để ghi dấu chiến công và tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ trận địa chốt ngã ba Long Hưng, Sư đoàn 320B đã cùng với ngành VHTT Quảng Trị đã xây dựng đài chiến thắng.
Nhà thờ Long Hưng hiện nay không còn sinh hoạt tích ngưỡng. Toàn bị khung hình với những bức tường loang lỗ dấu vết bom đạn đang được bảo tồn làm chứng tích chiến tranh.
Di tích ngã ba và nhà thờ Long Hưng là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.
Nguyễn Thị Thanh Bình
[1] Hoàng Anh Tư, Vũ Trọng Hoan (1990). Sư đoàn 320b. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 70.
Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” và giải đua thuyền truyền thống tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Lễ khánh thành công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Tổng Bí tư Lê Duẩn
Kỷ niệm 118 năm ngày sinh của đồng chí TBT Lê Duẩn
ĐẠI HỘI CHI BỘ TRUNG TÂM QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG TRỊ
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ