THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
3. DI TÍCH NHÀ THỜ TRI BƯU

Di tích Nhà thờ Tri Bưu nằm bên trục đường Trần Bình Trọng, thuộc địa phận phường II, thị xã Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 17km về hướng đông nam, cách UBND thị xã khoảng 1 km, cách Thành cổ khoảng 500m về hướng đông bắc.

Nhà thờ Tri Bưu (Ảnh Yến Thọ)

Di tích nguyên là một nhà thờ của giáo dân làng Tri Bưu theo đạo Thiên chúa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Trong phong trào Văn Thân (sau năm 1885) nhà thờ Tri Bưu bị một nhóm cánh tả đốt phá, có rất nhiều giáo dân (trong đó có 1 vị Linh mục) đã bị giết hại. Năm 1953, bằng sự đóng góp công sức tiền bạc của các giáo dân thuộc giáo xứ Tri Bưu, nhà thờ đã được dựng lại tương đối kiên cố để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Trong cuộc tiến công Tết Mậu thân năm 1968, nhà thờ Tri Bưu đã bị hư hại nặng nề. Năm 1971, một lần nữa bà con giáo dân lại đóng góp công sức và tiền của để tu sửa lại nhà thờ đàng hoàng và to đẹp, gồm một khu Thánh đường gồm 11 gian, mỗi gian có diện tích 30m2, tường được xây bằng gạch, các dầm, trụ, vài và đòn tay đở phần mái được đổ bằng bêtông cốt thép chịu lực. Phía trước của nhà thờ có hai gác chuông được xây bằng gạch có đỉnh vươn cao lên khoảng không, ở ngay chính giữa nơi tiếp giáp của tam giác đầu hồi gắn cây thánh giá (biểu tượng của đạo Thiên chúa). Bên trong thánh đường là 2 dãy hành lang rộng 2m,chạy suốt chiều dài của thánh đường.

Trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972, Nhà thờ Tri Bưu là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng đông bắc Thành cổ nhằm ngăn chặn bước tiến công của quân đội Việt Nam Cộng hoà vào thị xã Quảng Trị. Tại đây, các chiến sĩ Quân Giải phóng đã bám sát trận địa, dựa vào địa hình, địa vật kiên cường chiến đấu đánh trả nhiều đợt phản công của quân VNCH.

Ngay sau khi quân VNCH mở cuộc phản kích tái chiếm Thành cổ và thị xã, xác định âm mưu và các hướng tấn công chính của quân lực VNCH, ngày 3-7-1972, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ đã bố trí Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 48 với quân số 250 người bố trí phía đông thị xã, chốt giữ khu vực Tri Bưu, Quy Thiện chặn đánh ở hướng đường 68 ở hướng đông bắc thị xã. Đến ngày 13-7-1972, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 vào thay Tiểu đoàn 1. Từ ngày 27-7-1972, tăng cường thêm Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư 320B. 

Về phía quân lực VNCH, ngay sau khi mở cuộc hành quân tái chiếm, hướng tiến công có hai mũi bằng đường bộ (hướng chính) và đường thủy. Trên hướng chính, chỉ sau hơn 10 ngày tiến công (từ 28-6 đến 10-7), Quân dù đã nhanh chóng vào đến các khu vực ngã ba Long Hưng ở hướng đông nam thị xã, Đại Nại, Quy Thiện chuẩn bị vào Tri Bưu, uy hiếp đông bắc thị xã. Trong tháng 7, trên hướng Tri Bưu do Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn dù 2 đảm nhiệm. Từ 28-7 đến 3-8-1972, do Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 258 Thủy quân Lục chiến đảm nhiệm. Từ 4-8 đến 6-9-1972, do Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến đảm nhiệm. Từ 7-9 đến 15-9-1972, do Tiểu đoàn 7, Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến đảm nhiệm.

Từ tháng 7, Quân Giải phóng tiến hành tập trung xây dựng chốt Tri Bưu, ngăn chặn các bước tiến công của quân lực VNCH nhằm bảo vệ Thành cổ từ hướng đông bắc. Trên địa điểm chốt Tri Bưu kéo dài từ làng Tri Bưu qua đường 68 đến xóm Hành Hoa đã diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt một bên quyết tâm đánh chiếm, một bên quyết giữ đã tạo ra một thế trận giằng co, có khi quân VNCH chiếm thì Quân Giải phóng phản kích để chiếm lại, kiên quyết giữ vững trận địa chốt, bảo vệ phía đông bắc Thành cổ. Từ đầu tháng 8, về phía Quân Giải phóng luôn chiếm ưu thế, giành nhiều thắng lợi. Tiêu biểu nhất là trận đánh ngày 4-5/8/1972, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất.   

Đến đầu tháng 9, tỉnh Quảng Trị bị cơn bão lớn đổ bộ gây mưa lũ dài ngày làm cho toàn bộ thị xã ngập úng, các trận địa sụt lỡ, đạn dược, lương thực, thực phẩm bị ướt, đời sống sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình này, quân VNCH tập trung bom đạn đánh phá và cho binh lính, xe tăng vào các vùng đất cao xung quanh thị xã để đánh liên tục đánh vào các trận địa chốt của Quân Giải phóng. Đến ngày 12-9, về phía Quân Giải phóng gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng bị tiêu hao nhanh, không có lực lượng dự bị do việc tiếp tế qua sông Thạch Hãn đã bị bom, pháo địch khống chế, mặt khác vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao. Thiếu lương thực, đạn dược, thông tin liên lạc không đảm bảo... đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần binh lính trong khi đó quân VNCH đã cơ bản chiếm các khu vực thị xã và tiến sát đến Thành cổ tạo nên thế bao vây buộc Quân Giải phóng co cụm về phòng thủ tại Thành cổ Quảng Trị.

Trước tình thế nguy gấp, 1 giờ ngày 16-9 Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ được lệnh cho các lực lượng rút khỏi Thành cổ về tả ngạn sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng còn lại. Kết thúc cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị.

Do tác động bởi bom đạn của cả hai bên trong cuộc chiến đấu chống phản kích tái chiếm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm năm 1972, Nhà thờ Tri Bưu đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, chỉ còn sót lại bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép và một mảng tường xây bằng gạch của gác chuông phía cánh tả của nhà thờ. Năm 2000, được sự chấp thuận của Giáo hội Thiên chúa giáo tại Huế và được sự ủng hộ, đóng góp nhiệt thành của các tín đồ thiên chúa giáo đang định cư ở nước ngoài cùng đông đảo bà con giáo dân giáo xứ Tri Bưu, Nhà thờ Tri Bưu một lần nữa được trùng tu, sửa chữa lại. Trên cơ sở nền móng và các phần dầm, trụ vài được đúc bằng bê tông chịu lực của ngôi nhà thờ cũ trước đây, người ta đã tận dụng để xây dựng lại Nhà thờ Tri Bưu tồn tại như hiện nay.

Di tích Nhà thờ Tri Bưu là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Nguyễn Thị Thanh Bình

XEM THÊM VỀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
5. DI TÍCH BẾN SÔNG THẠCH HÃN 7. DI TÍCH CHỐT NGÔ XÁ TÂY 6. DI TÍCH CHỐT LONG QUANG 4. DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ 2. DI TÍCH NGÃ BA VÀ NHÀ THỜ LONG HƯNG 1. DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ