THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
4. DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ

Di tích Trường Bồ Đề nằm bên trục đường Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận phường III, thị xã Quảng Trị; cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 15km về hướng đông nam, cách Thành cổ Quảng Trị chừng 1km về hướng tây nam.

Trường Bồ Đề được xây dựng vào năm 1959, do tỉnh Hội Phật giáo Quảng Trị phát tâm quyên góp từ lòng hảo tâm của bà con phật tử và nhân dân trên địa bàn trong phong trào tiết kiệm gạo Bồ Đề. Đó là một trường dân lập đặt dưới sự bảo trợ của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Từ khi được ra đời trường Bồ Đề đã đón nhận hàng ngàn học sinh ở bậc Tiểu học trên địa bàn đến học. Chỉ riêng niên khoá 1969 - 1970 có 1.400 em học sinh theo học tại đây. Đặc biệt với những trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn nhà trường nhận dạy dỗ và chăm sóc tận tình, chu đáo.

Chứng tích chiến tranh Trường Bồ Đề (Ảnh Yến Thọ)

Với vị trí án ngự trên trục đường quan trọng vào thị xã, trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm, bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị, Trường Bồ Đề trở thành một địa điểm chốt chặn đánh của Quân Giải phóng ở hướng tây nam. Tại đây, Quân Giải phóng, bố trí Trung đoàn 88, Sư 308 đảm nhiệm chính. Ngoài ra, trong những trận đánh tập kích lớn vào cuối tháng 8 có sự hợp đồng binh chủng cùng phối hợp với Trung đoàn 165 và sự chi viện yểm trợ của các đơn vị pháo sư đoàn, pháo chiến dịch. Sau khi nhận lệnh của Bộ Tư lệnh, Sư đoàn 308 lệnh cho Trung đoàn 88 thực hiện nhiệm vụ, nhanh chóng chiếm địa bàn, bám chốt tại Trường Bồ Đề. Cuộc chiến ở đây đã diễn ra bắt đầu từ giữa tháng 7-1972, nhưng từ tháng 8 trở đi, khi địa bàn của Quân Giải phóng ngày càng thu hẹp, thiếu công sự, cuộc chiến đấu mỗi ngày thêm một quyết liệt, những trận đánh giằng co, đẫm máu giữa hai bên diễn ra trong lòng thị xã. Trường Bồ Đề nằm trên trục chính của thị xã dẫn vào Thành cổ nên tại đây đã xảy ra những cuộc giành giật sinh tử để ngăn chặn đường tiến công của quân VNCH từ hướng tây nam xuống. Trung đoàn 88, Sư 308 vừa chủ động chặn đánh ở phía trước vừa tổ chức tiến công bằng các trận tập kích, phản kích nhỏ, ngày đêm giữ vững trận địa chốt.    

Đến đầu tháng 9, những trận mưa bão kéo dài, nước sông Thạch Hãn dâng cao làm cho hầm hào, công sự của quân giải phóng bị sụt lỡ, sự tiếp viện gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình đó, Mỹ tăng cường máy bay B52, máy bay tiềm kích, pháo hạm... yểm trợ cùng với 7 lữ đoàn bộ binh, 13 chi đoàn xe tăng thiết giáp mở các cuộc tấn công vào các trận địa của quân giải phóng.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh đã ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ nhận rõ tình hình, thời cơ, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phương pháp hành động không chỉ ngăn chặn mà còn chủ động tấn công, kiên quyết tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đáp lại lời kêu gọi đó, vượt lên mọi khó khăn gian khổ và hy sinh ác liệt do mưa bão và bom pháo Mỹ, các chiến sĩ Quân Giải phóng dũng cảm chiến đấu, bám trụ kiên cường vừa chốt chặn vừa tập kích tiến công. Từ ngày 4-9 đến 15-9, trên hướng tây nam tiếp tục diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt. Đến 1 giờ ngày 16-9 Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ được lệnh cho các lực lượng rút khỏi Thành cổ và thị xã Quảng Trị về tả ngạn sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng còn lại. Kết thúc cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị.

Di tích Trường Bồ Đề là một trong số ít ỏi các công trình kiến trúc còn lại sau chiến tranh của một thị xã Quảng Trị vốn tương đối sầm uất. Sự tồn tại của trường Bồ Đề đến ngày nay với những mảng tường lổ chỗ vết đạn là một bằng chứng về sự ác liệt của cuộc chiến tranh tàn khốc trong số phận của một thị xã từng là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Đó là một minh chứng hùng hồn về tội ác hủy diệt, một sự đau thương mất mát của người dân Quảng Trị phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh.

Di tích Trường Bồ Đề là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Nguyễn Thị Thanh Bình

XEM THÊM VỀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
5. DI TÍCH BẾN SÔNG THẠCH HÃN 7. DI TÍCH CHỐT NGÔ XÁ TÂY 6. DI TÍCH CHỐT LONG QUANG 3. DI TÍCH NHÀ THỜ TRI BƯU 2. DI TÍCH NGÃ BA VÀ NHÀ THỜ LONG HƯNG 1. DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ