Bến sông Thạch Hãn nguyên là một bến sông của các chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối thị xã Quảng Trị bên bờ Nam với xóm làng vùng Triệu Thượng, Triệu Phong ở bên bờ Bắc. Đây là tuyến giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa của dân cư hai bên bờ từ rất lâu đời.
Trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm năm 1972, mọi sự chi viện cho Thành cổ và thị xã bằng đường bộ qua cầu Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn do phía quân VNCH liên tục khống chế khu vực này. Do vậy, để chi viện trực tiếp cho Thành cổ và thị xã chỉ còn tuyến đường duy nhất là bằng đường sông. Bến sông Thạch Hãn trở thành địa điểm có vai trò quan trọng trong việc chi viện trực tiếp cho Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Bến sông Thạch Hãn phía bờ Nam, cách Dinh Tỉnh trưởng - nơi đặt Sở chỉ huy và trạm phẩu thuật tiền phương của Quân Giải phóng khoảng 20m, là điều kiện thuận lợi tập kết quân, giao hàng hóa, đạn dược, nhu yếu phẩm và đón nhận thương binh, tử sĩ về tuyến sau.
Lực lượng đảm nhiệm tuyến vận tải chi viện bằng đường sông chủ yếu do Tiểu đoàn 166 của Binh đoàn 559; bộ đội chủ lực Trung đoàn 48 của Sư 320B và Trung đoàn 95 Sư 325 đảm nhiệm cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong, Gio Linh. Với tinh thần “tất cả vì Thành cổ”, bộ đội chủ lực và nhân dân địa phương đã huy động hết mọi khả năng, vượt qua không biết bao nhiêu “hàng rào lửa” của đối phương cả trên bộ, trên sông để giữ vững tuyến liên lạc, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của chiến trường.
Trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm năm 1972, có rất nhiều tuyến chi viện bằng đường sông cho chiến trường Thành cổ và thị xã Quảng Trị:
- Tuyến chi viện từ Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) qua Ngã ba Gia Độ vào sông Thạch Hãn lên thị xã. Tuyến này do lực lượng Tiểu đoàn 166 vận tải đường thủy - Binh trạm 12 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn là đơn vị chủ lực đảm nhiệm.
- Tuyến chi viện từ Tả Kiên (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) dùng bằng thuyền máy lên thị xã do Trung đoàn 48 đảm nhiệm.
- Tuyến chi viện bằng đường bộ vào Nhan Biều, Xuân An (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) vượt sông Thạch Hãn qua thị xã do Sư 325 đảm nhiệm.
Tất cả các tuyến chi viện này chủ yếu tập kết vào địa điểm Bến sông Thạch Hãn ở bờ Nam để chuyển về Sở chỉ huy.
Phương tiện chủ yếu là thuyền máy, thuyền cao su, thuyền gỗ... Trong thời gian từ cuối tháng 7, khi Mỹ và quân VNCH tăng cường bắn phá tuyến chi viện, các phương tiện vận chuyển bị hư hỏng nhiều, các chiến sĩ Quân Giải phóng phải dùng tre, gỗ, thân cây chuối... kết thành bè để vận chuyển đảm bảo chi viện cũng như vận chuyển thương binh tử sĩ về tuyến sau được thông suốt. Trung bình mỗi này chi viện cho thị xã từ 4 đến 6 tấn vũ khí, hàng hoá, nhu yếu phẩm... Hàng đêm, súng đạn, lương thực, thuốc men, lực lượng, cả báo, thư... từ hậu phương được các đơn vị vận tải đều đặn đưa vào Thành cổ và thị xã để tiếp sức chiến đấu cho các lực lượng bảo vệ thị xã và đưa tử sỹ, thương binh về tuyến sau.
Công tác vận chuyển, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cứu chữa thương binh ra vào Thành cổ luôn bị quân VNCH khống chế ngày càng quyết liệt. Mỗi chuyến hàng vào đến bờ Nam của Bến sông Thạch Hãn là một trận chiến đấu cam go, nguy hiểm và phải có hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng công binh trung đoàn và sư đoàn rà phá bom từ trường của đối phương thả dưới sông, đồng thời phối hợp với Trung đoàn 27 đánh mạnh ở trên bờ sông. Những đêm gay go còn phải hiệp đồng với hỏa lực bắn thẳng, cối 122mm của Sư đoàn 325 ở Xuân An bắn vào khống chế, tạo điều kiện cho thuyền sang Thành cổ. Trên bến đò Nhan Biều (ở bờ Bắc) sang Thành cổ do Sư 325 phụ trách cũng rất ác liệt. Lúc đầu, đơn vị có thuyền cao su chuyên chở qua sông, nhưng do bị đánh hỏng nhiều, không còn để sử dụng, các chiến sĩ phải chặt tre, gỗ, thân cây chuối kết lại thành bè để đêm đêm chở đạn, gạo sang Thành cổ và nhận thương binh, tử sỹ đưa về bờ Bắc. Số chuyến đò ra vào thị xã trong 81 ngày đêm không đếm xuể, nhiều lần chở thương binh qua sông, pháo quân VNCH bắn tới tấp, anh em lấy thân mình che cho đồng đội.... Các chiến sĩ phục vụ trên bến từ Nhan Biều đến thị xã Quảng Trị là những chiến sĩ gan dạ, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của đồng đội đang chiến đấu ở phía trước.
Từ đầu tháng 9, lợi dụng trời mưa to, nước lũ, quân VNCH mở đợt tiến công lớn bằng hỏa lực vào tuyến chi viện trên sông Thạch Hãn gọi là “kế hoạch phóng lôi”. Suốt 48 giờ liền, pháo binh, không quân và pháo trên tàu của hạm đội 7 bắn dữ dội vào khu vực trận địa và bến vượt của quân giải phóng; máy bay B52 rãi bom khắp bờ Bắc sông Thạch Hãn, đặc biệt khu vực Nhan Biều, Ái Tử, Đông Hà... để ngăn chặn mọi sự chi viện cho Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Trên Bến sông Thạch Hãn, công tác tiếp tế gặp vô cùng khó khăn, nhiều đêm các đơn vị được lệnh tăng cường cho Thành cổ phải sử dụng phao bơi để vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc sang bờ Nam.
Nhờ tinh thần anh dũng của các đơn vị vận tải nên mặc dù quân VNCH điên cuồng đánh phá để ngăn chặn, nhưng tuyến giao thông huyết mạch liên lạc với Thành cổ vẫn giữ vững đến ngày cuối cùng. Bến sông Thạch Hãn với công việc thầm lặng của mình đã góp phần quan trọng cho chủ lực Quân Giải phóng ở Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Dòng sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy đã nhuốm máu các anh hùng xã thân vì nền độc lập dân tộc, trở thành nơi hóa thân của những linh hồn bất tử trên đường về cõi vĩnh hằng.
Năm tháng qua đi, sông Thạch Hãn vẫn âm thầm làm việc hằng hữu của mình là mang nước và phù sa về xuôi, bến sông Thạch Hãn vẫn còn đó như nhắc nhở về một thời chiến tranh ác liệt mà mỗi tấc đất, mỗi địa điểm đều gắn với những chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng. Sau khi đất nước thống nhất, hàng năm, cứ đến ngày 27-7, nhân dân hai bên bờ thường thả đèn, hương hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Hoạt động này đến nay đã trở thành một lễ hội văn hóa đang được tổ chức ngày càng quy mô và mang nhiều ý nghĩa xã hội thiết thực.
Để tri ân và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trên sông Thạch Hãn trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm năm 1972. Năm 2012, UBND thị xã Quảng Trị đã huy động nguồn vốn từ xã hội hoá để đầu tư xây dựng Bến thả hoa, Nhà Hành lễ, Quảng Trường Giải phóng, Tháp chuông ở bờ Nam và Bến thả hoa, Đền tưởng niệm, Tượng đài bờ Bắc và trở thành địa điểm viếng thăm, tham quan tại thị xã Quảng Trị.
Di tích Bến sông Thạch Hãn là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.
Nguyễn Thị Thanh Bình
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN