THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
6. DI TÍCH CHỐT LONG QUANG

Di tích Chốt Long Quang nằm trên trục huyện lộ ĐH 41 thuộc địa phận làng Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 30km về hướng đông nam; cách thị trấn Ái Tử - trung tâm huyện lỵ Triệu Phong khoảng 20 km về hướng đông; cách thị xã Quảng Trị chừng 15km về hướng đông.

Bia đài tại di tích chốt Long Quang (Ảnh Yến Thọ)

Chốt Long Quang là địa điểm quan trọng của Quân Giải phóng chặn đánh các cuộc tấn công của quân VNCH ở hướng đông bắc, bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972.

Ngay sau khi quân đội VNCH mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị,  hướng đường biển vào do Thủy quân lục chiến đảm nhiệm. Xác định âm mưu và hướng tấn công của quân đội VNCH, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập Mặt trận cánh Đông, tập trung lực lượng chặn đánh các hướng tấn công vào thị xã Quảng Trị. Từ giữa tháng 7, sau những thất bại trong các đợt tấn công vào Thành cổ và thị xã Quảng Trị, quân VNCH bắt đầu có những chuyển hướng mới, cho Thủy quân lục chiến đổ bộ vào các điểm cao tại Linh An, xã Triệu Trạch âm mưu chiếm đánh Thành cổ từ hướng bắc. Để ngăn chặn bước tiến công của Thủy quân lục chiến, Quân Giải phóng đã chủ trương xây dựng phòng tuyến chốt tại Long Quang.

Chốt Long Quang được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, chắn nước biển xâm nhập của dân địa phương. Địa điểm này nằm ở bìa làng Long Quang về phía đông, trên một vùng cát giáp với thôn Linh An, thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; cách tỉnh lộ 64 (đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt) chừng 4km về hướng nam; cách thị xã Quảng Trị chừng hơn 12 km về phía đông bắc. Chốt Long Quang trở thành một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trên Mặt trận cánh Đông, nơi mà Quân Giải phóng quyết tâm chốt giữ bằng mọi giá, vì nếu mất Long Quang thì sẽ mất luôn trục đường 64 - một trong những trục đường giao thông huyết mạch nối liền hai điểm quan trọng là thị xã Quảng Trị và cảng Cửa Việt và sẽ uy hiếp nghiêm trọng vùng giải phóng phía bắc.

Chốt Long Quang tồn tại từ chiến dịch chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 đến sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực (27-1-1973).

Về phía Quân Giải phóng, lực lượng chủ lực tham gia giữ chốt trong thời gian này có Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư 320B (từ tháng 7 đến 10-1972) và Tiểu đoàn 1, 2, 3 thuộc Trung đoàn 48, Sư 320B (từ tháng 10-1972 đến 1-1973). Ngoài ra, còn có Tiểu đoàn 14 bộ đội địa phương Quảng Trị; C1, C2 huyện đội Triệu Phong và nhất là sự tham gia tác chiến của lực lượng dân quân du kích địa phương. Ban Chỉ huy của bộ đội chủ lực ở chốt Long Quang đóng tại xóm giữa thôn Vân Tường xã Triệu Trạch.

Về phía quân lực VNCH, từ khi bắt đầu thực hiện đổ bộ vào Linh An ngày 22-7-1972, chiếm Long Quang nhằm làm chủ tuyến đường 64 để đánh lên Thành cổ và thị xã Quảng Trị từ hướng bắc đến các trận chiến quyết liệt lấn chiếm vùng giải phóng từ cuối năm 1972 và kết thúc sau khi Hiệp định Paris ký kết, lực lượng quân lực VNCH tham gia gồm các Lữ đoàn 147, 258, 369 Thuỷ quân lục chiến, cộng với thiết đoàn 17, 20… có xe tăng M48, T11, xe bọc thép, máy bay B52, máy bay trinh sát, pháo hạm yểm trợ.

Trong cuộc chiến chống phản kích, tái chiếm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972), Long Quang là một trong những vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía bắc và đông bắc Thành cổ. Chốt được Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 390 cùng nhân dân địa phương xây dựng bằng hệ thống hầm hào, công sự… Với quyết tâm kiên quyết bám chốt không cho quân VNCH thực hiện âm mưu đánh viện cho Thành cổ, Tiểu đoàn 8 và lực lượng dân quân du kích Triệu Trạch đã đánh lùi nhiều đợt phản công của quân lực VNCH, góp phần cùng các trận địa chốt trên Mặt trận cánh đông và các mặt trận khác đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân VNCH, kiên quyết giữ vững Thành cổ Quảng Trị.

Sau 81 ngày đêm bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị, Quân Giải phóng buộc phải rút lui sang bờ bắc sông Thạch Hãn, nhưng tại chốt Long Quang lực lượng Quân Giải phóng vẫn bám trụ giữ chốt không cho quân đội VNCH thực hiện âm mưu chiếm tỉnh lộ 64, bảo vệ được vùng giải phóng phía đông bắc huyện Triệu Phong.

Sau khi chiếm được Thành cổ Quảng Trị, từ cuối tháng 9, lợi dụng mùa mưa, nước sông Thạch Hãn dâng cao quân đội VNCH bắt đầu mở cuộc tiến công về hướng đông thị xã với ý đồ dùng hoả lực, xung lực đánh bật lực lượng Quân Giải phóng ra khỏi trận địa phòng ngự, từ đó tiếp tục đánh chiếm Ái Tử, Đông Hà, Cửa Việt và tiếp tục tấn công giành lại toàn bộ vùng đất đã mất. Thực hiện âm mưu đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường nhiều lực lượng tinh nhuệ, đưa thêm 4 tiểu đoàn Lính thuỷ đánh bộ và 2 chi đoàn thiết giáp, nâng số quân ở tuyến tiếp giáp từ chợ Sãi, Bích La đến Long Quang lên 13 tiểu đoàn và 5 chi đoàn xe tăng, thiết giáp.

Tại Long Quang, quân đội VNCH đã huy động một lực lượng lớn gồm Lữ đoàn 147, 258, 369 Thuỷ quân lục chiến cộng với Thiết đoàn 17, 20… có xe tăng M48, T11, xe bọc thép với mục tiêu là xóa bỏ trận địa chốt, chọc thủng tuyến phòng thủ Thạnh Hội - Long Quang - Bích La của Quân Giải phóng, hướng đến mục tiêu chiếm cảng quân sự Cửa Việt, khai thông và làm chủ địa bàn dọc theo sông Hiếu đến Đông Hà khi có điều kiện.

Thực hiện ý đồ đó, quân VNCH đã huy động lực lượng máy bay chiến lược B52, máy bay tiêm kích F4, F5 rải bom đánh phá ra vùng hậu phương trực tiếp phía Bắc Thạch Hãn. Từ Long Quang đến Triệu Phước máy bay Mỹ và pháo binh đã thực hiện 132 phi vụ B52 rải bom đánh toạ độ, bắn hàng vạn quả pháo ở mặt đất và pháo hạm đội từ biển bắn vào.

Để ngăn chặn âm mưu của quân đội VNCH, giữ vững vùng giải phóng và tạo điều kiện cho các đơn vị củng cố xây dựng lực lượng sẵn sàng chuyển sang phản công khi có thời cơ. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-1972, trên toàn mặt trận Trị - Thiên, Quân Giải phóng chuyển sang phòng ngự trận địa. Tại Long Quang, ngay từ cuối tháng 9, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư 390 cùng với lực lượng du kích dân quân xã Triệu Trạch tiếp tục đào hầm hào công sự liên hoàn quanh chốt với tinh thần “tất cả cho các chiến sĩ trên chốt”. Nhân dân Long Quang nói riêng và nhân dân Triệu Trạch nói chung đã tình nguyện tháo gỡ nhà cửa ủng hộ cho việc xây dựng chốt. Đến cuối tháng 10-1972, hệ thống chốt Long Quang đã hoàn thành có chiều rộng chừng 400m, chiều dài khoảng 600 - 700m theo dọc đê chắn cát ở phía Đông (các hầm ở đây chủ yếu được xây dựng theo loại hầm chữ A).

Trong mùa mưa từ tháng 9-1972 đến tháng 1-1973, cuộc chiến ở chốt Long Quang diễn ra vô cùng ác liệt, quân lực VNCH đã cho Thủy quân lục chiến thực hiện nhiều cuộc hành quân lấn dũi lớn mang tên “sóng thần 36”, “sóng thần 45”, “sóng thần 48”,… rồi cuộc hành quân mang tên “Tăng-gô-xi-ti”. Trong các cuộc hành quân này, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã thực hiện 5 chiến thuật:

- Dùng binh, hoả lực ồ ạt tấn công chính diện từ Linh An ra.

- Mở hướng đánh vừa tấn công chính diện vừa đánh thọc sườn.

- Đánh mật tập (tức đánh vào ban đêm).

- Đào giao thông hào vây lấn.

- Dùng binh, hỏa lực đánh hủy diệt từng điểm chốt.

Ngoài ra, Thủy quân Lục chiến còn thực hiện nhiều thủ đoạn khác như ban đêm cho trinh thám đi dò tìm các mục tiêu, sử dụng “cây nhiệt đới” xác định các toạ độ mà chúng nghi ngờ là hầm chốt của ta để tiêu diệt.

Về chiến thuật của Quân Giải phóng tại Long Quang, chủ yếu sử dụng chiến thuật binh lực phân tán, hoả lực tập trung, bố trí theo thế răng cưa, có tuyến trước tuyến sau, có chốt giữ, có lực lượng thọc sâu tập kích.

Trong vòng hơn 4 tháng (từ tháng 9-1972 - 1-1973), quân và dân trên chốt Long Quang đã tiến hành nhiều đợt tập kích đánh dũi địch, tiêu biểu là các trận tập kích tại điểm cao 11 (Linh An). Cao điểm 11 cách chốt Long Quang chừng 1km về phía đông nam. Đây được coi là một điểm cao chiến lược nằm trên vùng cát phía đông huyện Triệu Phong, nằm án ngữ những tuyến đường đi lại từ Linh An - Long Quang ra biển, từ Lệ Xuyên, Bồ Bản vào Gia Đẳng. Quân VNCH trên điểm cao có thể quan sát được phạm vi hàng chục ki-lô-mét vuông để chỉ điểm cho máy bay, pháo binh bắn vào chốt Long Quang uy hiếp khống chế mọi hoạt động của Quân Giải phóng ở vùng này. Ngoài ra, xung quanh điểm cao 11 có các điểm cao khác như 12, 13, Đồi Chum, đồi Cây Ba Chạc... quân VNCH cắm các chốt bảo vệ tiền tiêu. Đây chính là những lợi thế mà quân VNCH có được trong cuộc hành quân đánh vào chốt Long Quang.  

Để phá vỡ thế phong tỏa của quân VNCH, lực lượng giữ chốt Long Quang quyết tâm phải tiêu diệt cho bằng được cao điểm 11. Vì thế, tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh lớn tiêu biểu: Trận tập kích ngày 1-10-1972, Quân Giải phóng đã diệt 21 quân và làm nổ một kho đạn, ngăn chặn được cuộc hành quân lấn dũi của quân VNCH vào hướng Long Quang, Gia Đẳng. Ngày 13-10-1972, quân VNCH dùng bộ binh kết hợp pháo binh và máy bay trực thăng yểm hộ thực hiện chiến thuật cho máy bay xoáy trôn ốc vòng lên cao điểm 11 rồi mới thọc xuống Long Quang để đánh bất ngờ. Nhưng với tinh thần cảnh giác, quyết tâm đánh địch bảo vệ chốt, các chiến sĩ Quân Giải phóng đã bắn hạ 2 trực thăng, bẽ gãy đợt tiến công bộ binh vào chốt Long Quang. Đêm 18-10, Trung đội 2, đại đội 7, tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 do Trung đội trưởng Vũ Thanh Bình chỉ huy lại một lần nữa tập kích ở điểm cao 11. “Con mắt cú vọ của vùng cát Triệu Phong bị đập nát, quân VNCH mất một vị trí tiền tiêu quan trọng, không còn khống chế hoạt động của bộ đội chủ lực ở tuyến chốt Long Quang - Linh An nữa [1].

Trận chiến đấu ác liệt nhất là trận diễn ra ở đập Nè chốt Long Quang vào ngày 18-11-1972. Sau khi huy động hàng chục lượt máy bay B52 rải đạn cùng hàng trăm lượt pháo dọn đường và huỷ diệt trận địa, quân VNCH đưa Đại đội 2 Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 258 với 8 xe tăng dưới sự chỉ huy của Thiếu uý Ngô Văn Hải, vừa tấn công theo hướng chính diện và thọc sườn vào chốt. Lực lượng dân quân du kích gồm có 13 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Phan Tư Kỳ đã chiến đấu rất anh dũng, diệt gọn 1 đại đội địch, bắn cháy 3 xe tăng, bảo vệ được trận địa. Sự kiện này gây ra tiếng vang lớn làm uy hiếp tinh thần của binh lính VNCH, phá tan cuộc hành quân “Sóng thần 36”; đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân ta nói chung và điểm chốt Long Quang nói riêng.

Đến cuối mùa mưa năm 1972, mục tiêu đánh chiếm vùng giải phóng và cảng Cửa Việt vẫn chưa hoàn thành trong lúc Hiệp định Paris sắp ký kết, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã mở cuộc hành quân “Tăng-gô-xi-ti” mục tiêu đánh chiếm cảng Cửa Việt. Khác với các cuộc “Sóng thần” trước, cuộc hành quân “Tăng-gô-xi-ti” do đích thân các tướng Mỹ vạch kế hoạch và giao cho quân VNCH tác chiến. Để thực hiện tham vọng đó, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 vội vã bổ sung thêm Lữ đoàn đặc nhiệm 147 và điều thêm Lữ đoàn 258, các Thiết đoàn 17, 18, 20, 3 tiểu đoàn pháo binh, 4 tàu chiến và 5 tàu khu vực hạm đội 7 của Mỹ tham gia cuộc hành quân này.

Cảng Cửa Việt nằm sâu trong vùng giải phóng, trước đó được Mỹ tập trung xây dựng thành cảng lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, nó còn là một trong những vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự miền Trung, là đầu mối giao thông đường sông và đường biển ở khu vực này. Chiếm được cảng Cửa Việt Mỹ - ngụy sẽ cắt được sự viện trợ bằng đường biển của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến mà trực tiếp là chiến trường Trị - Thiên. Đồng thời sẽ bịt cửa khẩu của Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam giao lưu với quốc tế bằng đường biển. Từ Cửa Việt, quân đội VNCH sẽ có điều kiện để đưa súng đạn, binh lính đánh chiếm vùng giải phóng, thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Paris sau này.

Cửa Việt nằm gọn trong xã Triệu Vân (nay thuộc Triệu An) và một phần của xã Triệu Trạch, cách chốt Long Quang chừng 10km về phía đông bắc. Để chiếm được Cửa Việt trước hết quân đội VNCH phải đánh bật được hệ thống chốt của Quân Giải phóng từ Thạnh Hội, Long Quang đến Vân Hoà.

Đứng trước âm mưu và hành động của quân VNCH, Bộ Tư lệnh Mặt  trận cánh Đông hạ quyết tâm: “Bằng bất cứ giá nào cũng kiên quyết tập trung mọi lực lượng sẵn có, kịp thời dập tắt mọi hành động của địch, bảo vệ vững chắc và toàn vẹn vùng giải phóng mà trọng điểm là khu vực Nam Cửa Việt…” [2]. Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ giữ chốt Long Quang - Linh An.

Tại đây, ngày 26-1-1973, Trung đoàn 48 đã đập tan đợt phản kích của Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Lữ đoàn đặc nhiệm, giữ vững khu vực bắc Linh An. Các trận chiến tiếp theo của Trung đoàn 48 tại Long Quang - Linh An diễn ra hết sức quyết liệt, nhiều lần địch tập trung bộ binh, xe tăng tiến công liên tục cùng với hoả lực, pháo binh đánh phá dữ dội gây cho ta những thương vong lớn. Bộ Tư lệnh Mặt trấn cánh Đông đã kịp thời gửi điện động viên đến các đơn vị và kêu gọi các cán bộ, chiến sĩ nhận rõ ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng trong thời điểm sắp có hiệp định ngừng bắn, quyết giành thắng lợi to lớn, hoàn thành nhiệm vụ của Mặt trận và cả nước giao phó.

Được sự chỉ đạo và cổ vũ tinh thần của Bộ Tư lệnh, Mặt trận cánh đông, ngày 17-1-1973, Trung đoàn 48 đánh tan âm mưu hủy từng điểm chốt của quân VNCH tại Long Quang. Sau khi huy động một lực lượng lớn pháo binh, hoả lực dọn đường, địch tăng cường Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 258, Thiết đoàn 20, xe tăng M48 tiến công vào hướng chính diện; đồng thời dùng B52, pháo giàn, pháo mù yểm trợ cho bộ binh ồ ạt tấn công vào hướng thọc sườn. Các trận đánh liên tục diễn ra vô cùng ác liệt. Sau hơn một ngày đêm chiến đấu, với tinh thần quyết tử bảo vệ chốt, Trung đoàn 48 đã đánh lui được cuộc hành quân của địch, bắn cháy 2 xe tăng tiêu diệt hàng trăm quân lính.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực (28-1-1973), trên khu vực phía đông, quân đội VNCH và Quân Giải phóng cùng lực lượng dân quân du kích địa phương ở trong thế trận cài răng lược. Quân Giải phóng vẫn làm chủ được cảng quân sự Cửa Việt; còn quân đội VNCH vẫn không nguôi từ bỏ ý đồ thực hiện âm mưu đánh chiếm vùng giải phóng, đặc biệt là cảng Cửa Việt. Trên toàn mặt trận nói chung và tại chốt Long Quang nói riêng Quân Giải phóng kiên quyết đánh tan mọi âm mưu lấn dũi bảo vệ từng tấc đất. Thời gian tiếp sau đó, ngày 30 đến 31-1-1973, quân đội VNCH thực hiện trận hợp đồng binh chủng, huy động 2 tiểu đoàn Lính thuỷ đánh bộ đánh vào Long Quang để tiến ra Cửa Việt nhưng cuộc tiến đánh này đã bị lực lượng Tiểu đoàn 2 và 3, Trung đoàn 48 chặn đánh quyết liệt ở bãi cát Thanh Hội, tiêu diệt hàng trăm tên, bắn cháy hơn 10 xe tăng, góp phần cùng toàn mặt trận đập tan cuộc hành quân “Tăng-gô-xi-ti” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Qua nhiều tháng trời liên tục chiến đấu (từ tháng 7-1972 đến 1-1973), trong điều kiện mưa lũ, bom đạn vô cùng ác liệt, các đơn vị Quân Giải phóng cùng dân quân du kích xã Triệu Trạch trên tuyến chốt Long Quang - Linh An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm của quân đội VNCH, giữ vững vùng giải phóng. Chốt Long Quang được mệnh danh là “Chốt thép”.

Để ghi nhận chiến công và tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ chốt Long Quang, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Triệu Phong, chính quyền và nhân dân xã Triệu Trạch đã đầu tư công sức tiền của đã xây dựng một bia đài di tích trên khu vực nguyên là trận địa cũ để làm nơi tưởng niệm, hương khói cho những người đã khuất. Đây là nơi để các cựu chiến binh, những người chiến sĩ giải phóng quân từng chiến đấu trên mặt trận này về thăm lại chiến trường xưa thắp một ném nhang cho những đồng chí, đồng đội của mình. Đồng thời đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ con em trên quê hương.

Di tích Chốt Long Quang là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

[1] Hoàng Anh Tư, Vũ Trọng Hoan. Lịch sử Sư đoàn 320B. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 109.

[2] Quân đoàn I, Sư đoàn 390. Trung đoàn 64 Vĩnh Định. Bộ Tư lệnh quân đoàn I xuất bản năm 1987, tr. 150-151.

XEM THÊM VỀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
5. DI TÍCH BẾN SÔNG THẠCH HÃN 7. DI TÍCH CHỐT NGÔ XÁ TÂY 4. DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ 3. DI TÍCH NHÀ THỜ TRI BƯU 2. DI TÍCH NGÃ BA VÀ NHÀ THỜ LONG HƯNG 1. DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ