Di tích Chốt Ngô Xá Tây nằm trên trục ĐT 581 (tỉnh lộ 68 cũ), thuộc thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 25 km về phía đông nam, cách Thành cổ Quảng Trị chừng 7 km về hướng đông.
Làng Ngô Xá nằm ngay trên trục đường 68 - một trong những con đường huyết mạch từ Huế ra và từ cảng Mỹ Thuỷ lên thị xã Quảng Trị; nơi có vị trí giao thông thuận lợi bao gồm cả đường bộ lẫn đường thủy: đường bộ từ Huế ra Hải Dương, Hải Ba qua Vân Trình theo đường 68 lên thị xã Quảng Trị; đường biển vào cảng Mỹ Thuỷ, qua Hội Yên theo đường 68 lên thị xã Quảng Trị.
Sau khi mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị lấy mật danh “Lam Sơn 72”, ở hướng đông, từ biển vào do Thủy quân lục chiến đảm nhiệm, được tăng cường Thiết đoàn 18, một Chi đoàn của Thiết đoàn 17, một Tiểu đoàn pháo 155mm. Lực lượng dự bị hướng này là Chiến đoàn 4 bộ binh và Thiết đoàn 17 thiếu có sự chi viện hỏa lực của lực lượng không quân, hải quân Mỹ; ngoài ra còn có pháo binh, không quân và liên đoàn biệt động quân phòng ngự. Nằm trên hướng tiến công của quân VNCH, làng Ngô Xá có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên hướng đông thị xã. Bao quanh làng có hệ thống sông Vĩnh Định là một trong những tuyến chi viện chủ yếu từ Mai Xá (Gio Linh) qua Ngã ba Gia Độ lên sông Thạch Hãn vào sông Vĩnh Định, tập kết tại khu vục Ba Bến (Triệu Tài) chi viện cho phía đông. Ngoài ra, trên khu vực còn có các công trình tương đối kiên cố như nhà thờ, chùa, có những rặng tre... là điều kiện thuận lợi để Quân giải phóng làm công sự, nơi trú ẩn chốt giữ phục kích ngăn chặn hướng tiến công của lực lượng Thủy quân Lục chiến vào thị xã.
Giữa tháng 6 năm 1972, để kịp thời đối phó với cuộc phản kích tái chiếm của quân lực VNCH, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập Mặt trận cánh đông Quảng Trị gồm các lực lượng Trung đoàn 48, Trung đoàn 64 (vừa hành quân vào), Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 27 và một số đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị [1]. Trung đoàn 27 được lệnh cùng một đại đội xe tăng thực hiện luồn sâu vào Ngô Xá, Thanh Lê với nhiệm vụ chặn đánh hướng tiến công của Thủy quân lục chiến trên đường 68 giữ vững và mở rộng địa bàn.
Thực hiện quyết tâm và chủ trương của cấp trên ở Mặt trận cánh đông, các Trung đoàn 64, 27, 18 cùng với bộ đội và dân quân du kích địa phương chiến đấu với lời thề “còn người còn trận địa”, “quyết tử bảo vệ quê hương”. Từ ngày 3-7-1972 trở đi, cuộc chiến đấu chốt giữ thị xã thực sự diễn ra gay go và quyết liệt thì ở Mặt trận cánh đông, quân lực VNCH đã điều thêm Lữ đoàn 369 từ Gia Đẳng đánh lên Trâm Lý, Quy Thiện, tiến vào làng Tri Bưu, Lữ đoàn 258 đánh vào hướng biển, Lữ đoàn 147 đánh vào Bích La… hòng “tái chiếm” thị xã Quảng Trị theo kế hoạch đã định. Âm mưu của quân đội VNCH là phải cắm cờ lên toà Thành cổ vào ngày 13-7, trước lúc Hội nghị toàn thể bốn bên tại Paris được nối lại sau một thời gian gián đoạn [2]. Từ ngày 12 đến 13-7-1972, Thuỷ quân lục chiến đã vượt qua Gia Đẳng, Hội Yên, Phương Lang lên Ngô Xá Đông, tiến sát cánh đồng Ngô Xá Tây, Triệu Tài… Tuy nhiên, các đợt tấn công đều bị Quân Giải phóng chặn đánh, gây cho quân VNCH nhiều tổn thất buộc phải chững lại.
Sau những thất bại trên các hướng tấn công, chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” không thực hiện được, quân đội VNCH bắt đầu chuyển sang thế “đánh chắc tiến chắc”. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên bay ra Đà Nẵng thị sát tình hình và chỉ thị cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng: bằng mọi giá phải cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 18-7 (vì những ngày này hai phái đoàn ta và Mỹ dự kiến gặp nhau tại phiên gặp riêng lần thứ 14 vào ngày 19-7 tại Hội đàm Paris), để kích thích tinh thần chiến đấu của quân sĩ, chính quyền Sài Gòn tung tiền và hứa sẽ thăng chức cho tập thể và chiến hữu nào cắm được cờ lên thành Đinh Công Tráng [3].
Để đánh bại âm mưu của quân VNCH, Bộ Tư lệnh Mặt trận cánh đông, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tiến công để phá thế bao vây thị xã ở hướng đông, đông bắc; đồng thời thực hiện sứ mệnh quan trọng có tính sống còn là phải bảo vệ vững chắc thị xã Quảng Trị.
Nhận thức tầm quan trọng của trục đường 68 là nếu quân VNCH vượt qua được Ngô Xá, Triệu Tài sẽ nhanh chóng chiếm được thị xã từ hướng đông bắc nên sau khi mất Gia Đẳng và Phương Lang, Ngô Xá Đông bị uy hiếp. Bộ Tư lệnh Mặt trận cánh đông, chỉ đạo Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 Triệu Hải cùng một đại đội xe tăng đã tổ chức luồn sâu vào làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung nhằm chặn đánh lực lượng Thủy quân lục chiến đang tổ chức vượt Ngô Xá Tây, Triệu Tài lên Tri Bưu để đánh vào đông bắc Thành cổ. Lực lượng này nhanh chóng tiến hành đào hầm hào, công sự làm nơi ẩn nấp và chuẩn bị tổ chức chiến đấu ngay hai bên đường 68.
Sáng ngày 17-7-1972, Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn lính thuỷ đánh bộ của VNCH đưa 3 tiểu đoàn và 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép vượt qua cánh đồng Ngô Xá Đông tiến vào Ngô Xá Tây.
Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 27 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Viết Giáp bố trí một đại đội nằm ngoài làng Ngô Xá. Đây là hướng chủ yếu theo dự định của phương án chiến đấu nhằm khống chế hoàn toàn đoạn đường 68 chạy qua làng. Phán đoán đối phương sẽ dùng bom, pháo bắn vào làng trước khi cho lính đánh ra, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 27 đã bí mật và nhanh chóng cho sơ tán dân ra khỏi làng nhằm tránh thương vong [4].
Sáng ngày 17-7, như thường lệ, sau khi bom, pháo dọn đường, xe tăng, thiết giáp cùng với bộ binh quân VNCH tiến chậm vào Ngô Xá. Trong khi tiến quân, Sư đoàn Lính thuỷ đánh bộ của Đại tá Bùi Thế Lân sử dụng thủ đoạn là bắt những người dân vô tội (từ các xã Hải Dương, Hải Ba, Triệu Trung) khoảng 200 người, một số đi trước đội hình xe và lính, một số bắt ngồi lên xe bọc thép nhằm làm bia đỡ đạn cho đội hình tiến quân.
Trước tình huống khó khăn ngoài dự kiến, đang giữ chốt Ngô Xá Tây lúc này là Trung đội 1 chỉ còn 12 tay súng, do Hoàng Trọng Bảo làm Trung đội trưởng phải nhắc nhở các chiến sĩ “Trong bất cứ tình huống nào, cũng phải bảo vệ dân. Tất cả dương lê sẵn sàng đánh gần!” 3. Khi đoàn người dân và quân lính VNCH cùng xe tăng đang tiến gần điến trận địa chốt, một người phụ nữ trong đoàn đã chạy lên phía trước gọi to: “Giải phóng ơi, bắn đi, đừng cho chúng vô làng!” 4.. Ngay lập tức sau đó, một tràng AR 15 nổ, tiếng kêu của chị bị dìm đi đột ngột. Người phụ nữ đó đã anh dũng hy sinh.
Trong lúc này tính mạng của nhân dân đang bị nguy hiểm, nhưng nhận thấy lúc này quân VNCH chưa dám bắn vào đồng bào, bởi vì chúng đang lợi dụng đoàn người để làm nơi ẩn nấp, các chiến sĩ tiểu đoàn 1 vẫn cố giữ bình tĩnh. Sau khi người phụ nữ hy sinh, cả đoàn người đang dừng lại bên người phụ nữ. Bà con vây lấy đám lính rồi xô đẩy chúng, chạy dạt sang hai bên đường. Hành động đó như một tín hiệu truyền đến trận địa. Các chiến sĩ Trung đội 1 xuất kích tiến lên phía trước. Quân VNCH cho xe tăng mở hết tốc độ lao trên con đường đất xuyên qua làng Ngô Xá, tiến gần đến trận địa, tổ trưởng chốt tiền tiêu Nguyễn Thanh Hải ra lệnh cho B40 nổ súng bắn cháy xe M113 đi đầu. Số lính đi sau lùi lại rồi gọi phi pháo bắn liên tục vào trận địa của Trung đội 1. Cho đến khi trời tối, quân VNCH vẫn không làm sao vào được làng Ngô Xá Tây. Trận đánh kết thúc khi hai chiếc xe tăng của quân VNCH tháo chạy.
Hình ảnh người phụ nữ anh dũng ngã xuống trước họng súng của kẻ thù trên trận địa làng Ngô Xá Tây, mãi mãi in sâu trong ký ức chiến sĩ Trung đoàn 27 đã tiếp thêm sức mạnh chiến đấu [5]. Kết thúc trận chiến, Trung đội 1 Trung đoàn 27 đã bắn cháy 4 xe tăng, thu được 5 khẩu trung liên AR15, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Thủy quân lục chiến. Về phía Trung đội 1 có 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh [6].
Trận đánh trên chốt Ngô Xá Tây ngày 17-7-1972 của Trung đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 đã làm cản hướng tiến công của quân đội VNCH lên thị xã Quảng Trị qua đường 68, làm cho “kế hoạch” cắm cờ lên Thành Cổ Quảng Trị trong ngày 17, 18-7 của chính quyền Sài Gòn không thể thực hiện được.
Cuộc chiến đấu trên chốt Ngô Xá Tây còn tiếp tục kéo dài đến những ngày cuối cùng khi Quân Giải phóng rút khỏi thị xã Quảng Trị. Qua nhiều tháng trời liên tục chiến đấu, kể từ những ngày đầu khi cuộc hành quân “Lam sơn 72” của quân VNCH đến khi lực lượng bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ rút sang bờ Bắc, quân và dân ta trên điểm chốt Ngô Xá Tây đã anh dũng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệu vụ, tiêu diệt được một phần sinh lực của quân VNCH, phá huỷ hàng chục xe tăng, máy bay..., ngăn chặn các cuộc tấn công đánh chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nhằm tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của những người đã hy sinh trên chốt Ngô Xá Tây cũng như hàng ngàn chiến sĩ đã từng chiến đấu và và hy sinh trên mảnh đất này. Năm 2009, bằng nguồn vốn xã hội hoá, chính quyền địa phương đã xây dựng nhà bia tưởng niệm tại địa điểm Chốt Ngô Xá Tây.
Di tích Chốt Long Quang là một trong 07 di tích thành phần thuộc di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013.
Nguyễn Thị Thanh Bình
[1] Quân đoàn I, Sư đoàn 390 (1987). Trung đoàn 27 Triệu Hải, Hà Nội. Cục chính trị Quân đoàn I xuất bản, tr. 165.
[2] Ngày 24-3-1972, Tổng thống Mỹ Nichxơn tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris về Việt Nam.
[3] Dưới chế độ VNCH, Thành cổ Quảng Trị đổi tên thành Thành Đinh Công Tráng.
2, 3, 4 Quân đoàn I, Sư đoàn 390 (1987). Trung đoàn 27 Triệu Hải. Sđd, tr. 168 - 169 và 170
[5] Sau ngày giải phóng chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 nhiều lần về thăm lại chiến trường xưa, phối hợp với UBND xã Triệu Trung thực hiện ước nguyện tìm lại gia đình của người phụ nữ đã anh dũng hy sinh mở đường cho quân ta tấn công địch. Nhưng rất tiếc trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, các gia đình ở đây phải chia nhau đi sơ tán, một số còn bám trụ lại các làng thì bị địch bắt gom lại nên cho đến nay vẫn chưa tìm được thông tin.
[6] Dẫn lời nhân chứng: Hoàng Trọng Bảo, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, trực tiếp chỉ huy trận đánh.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN