Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Vĩnh Tú, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng quỹ rừng giàu có với miền đất đỏ bazan phì nhiêu, những ruộng bùn đen nhánh, triền cát trắng ngút ngàn và bàu nước thiên nhiên mát rượi. Các bàu nước rộng mênh mông, như tấm gương lặng lẽ và yên bình, được bao quanh bởi những cụm cây xanh lớn nhỏ và dồi dào tôm cá. Đây cũng là nơi được mệnh danh là chiếc ‘tao nôi” của quê hương chuyện Trạng Vĩnh Hoàng; nơi cội nguồn sản sinh ra những con cá đô bảy món, vảy dùng để lợp nhà; những cây sắn, cây ớt được xưng danh là “cổ thụ”, Cây khoai mà bò qua hai tỉnh; Ớt mà tưởng ngà voi; Đi bán sắn bị kiểm lâm bắt; Vì ăn khoai mà bị xử oan, Ăn môn sáp mà chẳng còn răng và rất nhiều câu chuyện có ý nghĩa khác. Người dân Vĩnh Linh nói chung và người dân Vĩnh Tú nói riêng rất tự hào về chuyện Trạng - một nét văn hoá dân gian vô cùng độc đáo của quê hương mình.
1. Chuyện Trạng có nguồn gốc hình thành từ lâu đời và gắn liền với dấu mốc thăng trầm của lịch sử quê hương đất nước
Từ xa xưa con người đã biết sáng tác ra các tác phẩm văn học, mỗi câu chuyện, mỗi mảnh ghép cuộc sống sinh động giàu màu sắc, đó là tiếng lòng tha thiết với người với đời. Văn học góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn con người và hướng người ta tới những giá trị chân thiện mĩ. Nằm trong mạch chảy của nền văn học dân tộc, chuyện Trạng Vĩnh Hoàng góp một tiếng nói riêng, dung dị mà đặc sắc cho nền văn học dân gian Việt Nam.
Nói trạng là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Huỳnh Công. Với những tiếng cười đầy sảng khoái, càng làm cho họ có thêm nghị lực, chiến đấu bền bỉ, sống lạc quan và yêu đời.
Theo người dân xã Vĩnh Tú thì chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã có từ lâu đời, có thể gắn liền với sự hình thành của làng từ thế kỷ XV. Ban đầu cái nôi của chuyện Trạng Vĩnh Hoàng là làng Huỳnh Công Tây, nay thuộc xã Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh (làng Huỳnh Công xưa có 3 thôn: Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Nam). Thời kỳ đó, người dân trong làng vẫn thường kể những câu chuyện vui, chuyện trạng cho nhau nghe hàng ngày để gây cười nhằm xua đi những nổi cực nhọc trong cuộc sống nhưng không có tên gọi cụ thể. Đến năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có cả 3 thôn của làng Huỳnh Công 1. Thời kỳ này, một số cán bộ xã Vĩnh Hoàng thường được cử đi hội họp hoặc dự các lớp huấn luyện ở các chiến khu Thuỷ Ba, Ba Lòng; một số chiến sĩ cách mạng như Trần Sanh, Trần Giác, Trần Công Khanh… bị giam cầm ở nhà tù Lao Bảo trong những lúc giải lao, cũng như trong những lúc bị cầm tù họ thường mang những câu chuyện trạng ở làng mình kể cho anh em nghe nhằm động viên, khích lệ, giúp họ quên đi những khó khăn vất vả, những cực hình tra tấn… Dần dần trở thành thói quen, vì thế anh em ở các địa phương khác thường hay bắt người Vĩnh Hoàng kể chuyện. Từ đó, cái tên chuyện Trạng Vĩnh Hoàng xuất hiện. Năm 1955, xã Vĩnh Hoàng được chia tách thành 4 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung. Chính nơi đây nở rộ tinh thần hài hước dân gian truyền thống nên gọi chung là chuyện Trạng Vĩnh Hoàng và cách gọi này tồn tại cho đến ngày nay 1. Tuy nhiên, loại hình văn hóa dân gian này hiện nay chỉ phát triển mạnh nhất ở vùng Thôn Tây của xã Vĩnh Tú.
Trong dòng chảy thời gian, chuyện Trạng gắn chặt với mảnh đất và con người Vĩnh Tú, trải qua nhiều thăng trầm vẫn tồn tại trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Thời kháng chiến Vĩnh Tú là trận địa bắn phá ác liệt của Pháp, Mỹ, dù chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng người dân vẫn vững chắc tay súng đấu tranh giữ làng, giải phóng quê hương. Trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, họ rào làng chiến đấu. Chính những rặng dẻ những dãy trâm bầu đã trở nên thành lũy, cản bước tiến của quân thù, để cho du kích có điều kiện đặt bẩy, gài bom. Những chiến công oanh liệt của dân quân Vĩnh Hoàng làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hồn. Chuyện Trạng vẫn gắn chặt với người dân như hình với bóng, mọi người kể cho nhau nghe để tăng thêm tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tất thắng, xua tan đi không khí tang thương, chết chóc của chiến tranh với các chuyện như: Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Dưa đỏ mà biết đánh tây…
Trong thời kỳ chống Mỹ nhân dân Vĩnh Hoàng lại vừa sản xuất vừa chiến đấu, bám đất giữ làng. Rú trâm bầu là nơi hậu cứ, chổ cất giấu kho tàng vũ khí và lương thực. Máy bay, bom đạn Mỹ trút xuống ngày đêm không ngớt nhưng cũng không át nổi tiếng cười lạc quan, hóm hỉnh, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu để giải phóng quê hương của họ được thể hiện qua các câu chuyện: Đào đại đạo xuyên lục địa, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con...
Hòa bình lập lại nhưng những hậu quả chiến tranh nặng nề vẫn còn đó, người dân tăng cường sản xuất, để tạo dựng cuộc sống mới. Dẫu tất bật khó khăn nhưng họ vẫn không quên tiếng cười lạc quan, thông minh sáng tạo, dí dỏm trong cách nghĩ và cách làm đã giúp người dân Vĩnh Tú một lần nữa vượt qua thử thách để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Chuyện Trạng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp từ hoang tàn, đổ nát với các chuyện đặc sắc như: Cây khoai bò qua hai tỉnh, Sắn Vĩnh Hoàng, Ớt mà tưởng ngà voi…
Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, quên đi mệt nhọc sau một ngày lao động miệt mài, thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác lần lượt được người này kể cho người khác nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thêm nhiều chi tiết hóm hỉnh mới trong nội dung truyện với “độ” trạng cũng tăng dần.
2. Chuyện Trạng có nội dung phong phú và nghệ thuật đặc sắc
Theo Bà Hoàng Dạ Hương - cán bộ Văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết tới nay có khoảng trên 500 câu chuyện được truyền miệng trong dân gian và khoảng 26 câu chuyện trạng kể dưới dạng văn xuôi, 9 chuyện trạng kể dưới dạng vè được in vào sách.
a. Nội dung chuyện Trạng phong phú
- Cải tạo tự nhiên và lao động sản xuất như các chuyện: Đi săn trâu ri; Bắp bọp, bắp bọp; Bắt cọp để cày; Cây ớt gia truyền; Con cá diếc bầu, Chữa trâu chọi, Lỡ bữa cày; Cá đô 7 món; Bứt tranh nhầm đuôi cọp; Ăn thịt cu cu đến phát ớn; Ăn khoai lang phải đeo kính...
- Ca ngợi sự anh dũng, kiên cường của người dân xã Vĩnh Tú trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như các chuyện: Dưa đỏ mà biết đánh Tây; Vít cổ B52; Quả bí đỏ có 2 cuống; Đào đia đạo xuyên lục địa; Đầu tét bom bi; Thừa một đứa con; Chặn đứng; Rào làng; Thừa chân...
- Ca ngợi những thành tựu trong thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế như các chuyện: Con chó đen mà tưởng con chó trắng; Cây khoai mà bò qua 2 tỉnh; Ớt mà tưởng ngà voi; Đi bán sắn bị kiểm lâm bắt; Vì ăn khoai mà bị xử oan; Môn lựu đạn; Ăn môn sáp mà chẳng còn răng...
b. Nghệ thuật chủ đạo trong chuyện trạng là lối kể phóng đại
Chuyện được hư cấu từ những sự việc có thật bằng lối phóng đại, bắt đầu từ một sự việc có thực rồi được nhân cách hóa, cường điệu hóa, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và rất hài hước.
So với những hình thức nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa… thì “nói trạng” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng có phần khác nhiều. Điểm khác biệt cơ bản là: nói trạng không phải là nói về những điều không có trong sự thực như trong những trường hợp vừa kể, mà là nói phóng đại về một hiện thực vốn có. Điểm khác biệt này sẽ là nét khu biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng với những chuyện cười dân gian khác. Người dân Vĩnh Hoàng khi nói về những phẩm vật của quê hương mình không gán cho chúng những đặc tính không có, mà chỉ cường điệu thêm những đặc tính có thực 1.
Điều thú vị, chuyện Trạng Vĩnh Hoàng xuất phát từ thực tế hàng ngày, được cường điệu, hư cấu một cách có lý, nên dẫu là chuyện Trạng vẫn phản ánh một phần cuộc sống gian khổ, hy sinh, mất mát trên vùng đất lửa Vĩnh Linh qua từng giai đoạn lịch sử. Nhưng bao giờ cũng đem lại cho người nghe nụ cười sảng khoái, lạc quan yêu đời. Như chuyện “Bom hất sang sông” kể về anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe chuyện qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ Bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Mam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa giỗ no nê. Truyện “Bắt bọp” thì ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà "giết đến mỏi tay không hết" đàn quạ; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy trong đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa. Hay nói về sự ngon và bở của khoai lang Vĩnh Hoàng, nhà nào khi đem ra mời khách ăn khoai cũng kèm theo chiếc kính đeo mắt, khách ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, thì chủ nhà bảo “cứ đeo vào để khi ăn khoai, bột không bay vào mắt…”
Nghệ thuật kể chuyện Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng tuy cũng dùng biện pháp khoa trương, phóng đại, nhưng dựa trên cơ sở hiện thực như chuyện “Trâu đen trâu bạc” là để phóng đại dưa hấu ở Vĩnh Hoàng rất to, chuyện “Bắt cọp đi cày” là để phóng đại việc người Vĩnh Hoàng ngày trước đi cày rất sớm, người dân Vĩnh Tú vốn nổi tiếng chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó, tính tình khẳng khái, vui vẻ, hài hước. Sau mỗi câu chuyện không chỉ là tiếng cười sảng khoái để xua tan mệt nhọc mà còn là tiếng nói của sự dí dỏm, thông minh, linh hoạt trong cách ứng xử.
Về phương thức phóng đại, người Vĩnh Hoàng không dùng lối trực tiếp mà diễn tả bằng lối gián tiếp. Để chỉ quả dưa khổng lồ, họ không so sánh quả dưa đó với vật thể nào mà diễn đạt một cách thông minh hơn: dưa mà đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn, rồi mang cả dưa lẫn quạ bay lên cao. Để nói quả bí ngô to, họ diễn đạt bằng cách có một không hai, là bổ đôi quả bí làm thành hai chiếc thuyền thúng đưa bộ đội qua bàu...
3. Chuyện Trạng được kể bằng thổ ngữ đia phương
Chính thổ ngữ địa phương đã làm nên nét riêng của chuyện Trạng Vĩnh Hoàng mà không nơi nào có được. Có thể nói, ở làng Huỳnh Công hầu như ai cũng biết kể chuyện trạng. Ngoài tài năng ứng tác nên những chuyện từ thực tế cuộc sống, người dân nơi đây còn được "trời phú" cho giọng nói nặng và thổ ngữ địa phương đặc trưng nên chỉ cần mở lời là tạo nên sự ngộ nghĩnh lôi cuốn khác lạ, làm cho câu chuyện bịa cứ như thật, không tin không được.
Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng không phải ai nghe cũng hiểu, bởi nét đặc trưng làm nên “tên tuổi” làng trạng cũng chính là điều tạo nên sự khu biệt về vùng miền. Do yếu tố lịch sử, nhiều ngữ âm, từ cổ xưa giờ rất ít sử dụng trong đời sống hiện nay. Trong lúc đó, đặc điểm giọng nói của người Vĩnh Hoàng nặng, mất thanh ngữ, phát âm rất đặc biệt ở thanh hỏi (?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu, kéo dài ở cuối, lên cao xuống thấp… thêm sự nhấn nhá trong phát âm của người kể, tạo cho giọng kể sự ngộ nghĩnh và lôi cuốn người nghe. Một đặc điểm nữa của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai... Tất cả đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng 1.
Ở làng Huỳnh Công hiện nay, có rất nhiều người kể chuyện trạng có tiếng, đặc biệt là những người lớn tuổi, vì họ còn giữ được giọng nói và thổ ngữ nguyên bản địa phương. Dẫu rằng kể chuyện trạng thì bất cứ người nào ở Vĩnh Tú cũng có thể kể được. Nhưng để tìm được người kể đúng “thương hiệu” trạng Vĩnh Hoàng thì rất khó. Ông Trần Hữu Chư là một trong số những người kể hay và đúng với hồn trạng nhất. Với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, những câu chuyện ông kể có ý nghĩa giáo dục, răn dạy rất lớn đối với mọi người chứ không đơn thuần là câu chuyện chọc cười vô nghĩa. Ông Chư không chỉ kể chuyện hay có tiếng, mà còn tự mình sưu tầm ghi chép, tập hợp chuyện trạng của cả làng và tự học vẽ tranh minh họa hết sức sinh động cho các câu chuyện trạng của làng. Những bức tranh của ông hiện trưng bày trong nhà Văn hóa thôn, trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo cho những ai muốn nghe và tìm hiểu về làng trạng Vĩnh Hoàng 2.
Có lẽ chính vì sự độc đáo của một làng quê với những câu chuyện Trạng vô tiền khoáng hậu như thế, nên người ta vẫn bảo nhau: “Đến Vĩnh Linh mà chưa nghe chuyện Trạng Vĩnh Hoàng coi như chưa đến”. Mỗi lần được nghe kể những câu chuyện Trạng, trong lòng người nghe cảm thấy lạc quan, yêu đời, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan trong đời sống thường ngày. Nhiều du khách khi về với Vĩnh Tú cũng đã cảm nhận được chất men trong những câu chuyện Trạng đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là chuyện Trạng nhưng vẫn có giá trị hiện thực, không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà được xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu, từ trí thông minh của người dân đất lửa Vĩnh Linh. Giá trị ấy cần phải được khẳng định khi xét đến mối tương quan của nó với các loại truyện khác như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.
Không chỉ du khách ở xa mới háo hức với những câu chuyện Trạng mà ngay cả những người dân Vĩnh Tú cũng say mê những câu chuyện này. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng là một nét văn hoá dân gian đặc sắc của quê hương và được nhân dân vô cùng yêu thích. Thế hệ trẻ ở địa phương cũng rất quan tâm đến chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, các bạn học sinh khi có dịp lại cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện Trạng Vĩnh Hoàng xưa và cùng nhau sáng tác ra những câu chuyện hiện đại đặc chất “trạng” cuốn hút người nghe.
Ngày nay mỗi dịp xuân về ở xã Vĩnh Tú người ta vẫn tổ chức những cuộc thi kể chuyện Trạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đây là dịp để người dân ôn lại truyền thống độc đáo của làng cũng như để bảo tồn nét văn hóa dân gian có từ lâu đời. Cùng với sự phát triển của thông tin đại chúng thì chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã được nhiều người biết đến khi nhắc tới địa danh Vĩnh Tú. Chúng tôi những người con của mảnh đất Vĩnh Tú, luôn hi vọng rằng Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng sẽ được lưu truyền với những nét đẹp vốn có bấy lâu./.
Nguyễn Thị Thùy An
1 Nguyễn Văn Thanh. Chuyện làng trạng Vĩnh Hoàng. Nxb Thuận Hóa. 2011. Trang 5.
1 Phạm Xuân Dũng. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng. Tạp chí Sông Hương. Số đặc biệt. Trang 12-16.
1 Tiểu Phượng. Yếu tố phóng đại trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Tạp chí Sông Hương, 04/01/2011.
1 Lê Dương. Người nông dân đắm đuối với truyện Trạng Vĩnh Hoàng. Báo Công an nhân dân, 09/11/2005.
2 Ngô Minh Thuyên. Về Vĩnh Linh nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Văn nghệ Công an, 13/03/2012.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN