Quảng Trị - mảnh đất nằm chính giữa khúc ruột miền Trung, nơi đã từng phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh nhưng cũng chính là điểm hội tụ, kết tinh của nhiều giá trị văn hoá. Trong mạch nguồn thẳm sâu của đời sống xã hội được các thế hệ cư dân đất này gây dựng, gìn giữ, tô bồi để hình thành nên những giá trị có tính nhân văn thì đình và chợ làng là hai thành tố không thể thiếu trong cảnh quan chung của bức tranh di sản văn hoá đa sắc màu của vùng đất Quảng Trị.
Chợ làng - nơi hội tụ các giá trị kinh tế, văn hoá được hình thành trong quá trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Cũng như lịch sử địa phương chợ làng vừa mang đậm yếu tố dân tộc vừa mang đậm yếu tố nông nghiệp truyền thống, góp phần thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá của vùng đất này.
Đình làng lại là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá - xã hội của một làng xã. Đây là không gian văn hoá riêng của mỗi làng để thờ cúng Thành hoàng làng và các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh của làng. Thế nhưng giữa đình làng và chợ làng lại có một mối quan hệ mật thiết, gắn bó và hết sức gần gũi. Mối quan hệ đó đã tạo nên một nét văn hoá độc đáo ở các làng quê trên vùng đất Quảng Trị. Đình và chợ làng là sản phẩm song sinh của hình thái sinh hoạt văn hoá và kinh tế của cư dân trong làng từ khi vùng đất này được hình thành và kiến tạo.
Trong lịch sử, khi các bộ phận cư dân miền Bắc vào định cư và sinh sống trên vùng đất này thì các làng xã bắt đầu được thiết lập và định hình. Sau khi ổn định, cuộc sống “an cư lạc nghiệp” thì mọi nhu cầu của cuộc sống sẽ lần lượt được đặt theo hướng ngày càng cấp thiết theo nhu cầu cần có một nơi để sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và một nơi để giao lưu trao đổi hàng hoá phục vụ cho đời sống người dân. Đình và chợ làng đã ra đời từ đấy.
Qua khảo sát thực tế ở các làng xã Quảng Trị chúng tôi thấy rằng có nhiều chợ làng được dựng bên cạnh hoặc trước đình làng và tuổi thọ của các chợ này thường là kém thua đình làng. Chính vì nằm cạnh hay trước các đình làng nên giữa chợ và đình làng luôn có mối quan hệ nhất định với nhau về mặt không gian, cảnh trí, địa điểm... mặc dù về cấu trúc, sinh hoạt giữa chợ và đình có khác nhau.
Về mặt không gian đình là trung tâm sinh hoạt tinh thần của một làng. Đình là biểu tượng tập trung nhất của làng trên tất cả mọi phương diện. Trước hết nó là một trung tâm hành chính, là nơi diễn ra mọi công việc quan trọng của làng như các buổi họp dân làng để bàn công việc của làng. Đình cũng là trung tâm văn hoá, là nơi tổ chức các lễ tiết, hội hè, tiệc tùng, nơi biểu diễn văn nghệ truyền thống.... Ngoài ra đình còn là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng: Tất cả các yếu tố “phong thuỷ” như thế đất, hướng đình đều có tác động chi phối đến vận mệnh của cả làng. Đình là nơi thờ Thành hoàng - vị thần bảo hộ cho làng. Cuối cùng đình chính là điểm tựa, nơi bám víu tình cảm của mọi gia đình và các cá nhân, là một trong những chất keo kết dính tính cộng đồng làng xã.
Dựa vào những lợi thế, vị trí đó của đình và sự tập trung sinh hoạt của nhân dân nên người ta sử dụng địa điểm của đình để họp chợ. Bởi ngày xưa khi dựng đình làng người dân thường để một khoảng đất trống, rộng trước đình để làm nơi tổ chức các lễ tiết, hội hè, tiệc tùng... vào những ngày lễ hội của làng. Tuy nhiên những ngày lễ hội này thường chỉ được tổ chức một, hai hoặc ba lần trong một năm, còn thì khoảng đất rộng trước đình cả năm là để trống. Chính vì vậy người ta vận dụng khoảng trống trước đình để họp chợ là thích hợp nhất. Việc nhóm họp chợ ở đây chỉ là tạm bợ mang tính chất “dã chiến” nếu khi làng cần không gian đó thì chợ sẽ được trả về vị trí cho đình làng nên rất thuận lợi trong việc tổ chức công việc ở đình làng.
Ban đầu chợ chỉ được nhóm họp mang tính chất tạm thời như vậy, về sau lâu dần người mua bán ngày một đông đúc, các lều quán được dựng lên nhiều hơn, chợ bắt đầu hình thành, ổn định và phát triển ngay trước cổng đình. Sự hình thành và phát triển đó của chợ được sự chấp nhận của dân làng và chính quyền địa phương nên việc tổ chức trong chợ được thiết lập với nhiều bộ phận khác nhau để quản lý chợ.
Bên cạnh đó chợ làng còn dựa vào vị trí của đình. Xưa nay việc chọn địa điểm để dựng đình luôn được người dân các làng xã vận dụng theo quan niệm của thuật “phong thuỷ”. Để tạo ra cảnh quan hài hoà với tự nhiên, đình làng thường được dựng ở các trung tâm, các trục đường giao thông nơi có nhiều người qua lại, gần các con sông - vốn là đầu mối giao thông quan trọng của người dân trong các làng xã xưa. Chính dòng sông đã trở thành mạch chuyển tải các yếu tố văn hoá, vũ trụ để lắng đọng trong nhận thức tư duy của người dân. Chợ được dựng bên cạnh hay trước sân đình đã sản sinh ra những nét văn hoá chợ độc đáo mang sắc thái riêng biệt của vùng quê Quảng Trị.
Khi chợ đã phát triển ổn định thì quay lại phục vụ cho yêu cầu sinh hoạt, cúng lễ của đình. Chợ cung cấp các loại hàng hoá mà trong các buổi cúng lễ của đình cần thiết như hương đèn, trầu rượu, hoa quả....
Như vậy, khi chợ đã hình thành và phát triển thì giữa chợ và đình luôn có ảnh hưởng và sự tác động qua lại lẫn nhau trong mối quan hệ biện chứng giữa một bên là thành tố kinh tế chủ đạo còn bên kia lại là thành tố văn hoá. Tuy nhiên ranh giới này chỉ là lý thuyết. Trên thực tế thật khó để phân biệt được một cách rạch ròi sự phân định kinh tế - văn hoá này bởi trong đình làng thì các vấn đề về vụ gieo trồng, vụ thu hoạch hay lễ xuống đồng có ý nghĩa kinh tế thiết thực vẫn được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng. Đồng thời giữa chốn chợ đông không chỉ độc lập là quan hệ mua bán đơn giản mà mọi người đến chợ cốt yếu là để cầu lộc, cầu phúc cho dòng họ, gia đình, bản thân và người ta đến chợ còn với mục đích trò chuyện, hàn huyên với nhau; trai gái đi chợ để hẹn hò, giao duyên... thấm đượm tình người, tình tương thân tương ái mang tính “tình làng nghĩa xóm”. Nét văn hoá độc đáo này được thể hiện một cách cụ thể và đặc trưng nhất qua phiên chợ đình Bích La vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm.
Ngay từ buổi đầu đình làng và chợ làng được định vị trong một khuôn viên và cho đến nay trải qua hàng thế kỷ thì sự định vị đó vẫn chưa hề thay đổi. Sự ổn định đó phải chăng là ngẫu nhiên? Đình hướng mặt ra chợ như là một sự quan sát, xem xét và bảo trợ cho sự bình yên của cuộc sống dân làng còn chợ lại quay mặt vào đình như cầu mong sự phù hộ, độ trì cho sự ổn định, thịnh vượng của chợ; cho mọi người đến đây tham gia hoạt động trao đổi, mua bán được thuận lợi và ngày càng “ăn nên làm ra”, “mua may bán đắt”... đó là một tâm niệm đã ăn sâu vào ý thức của mỗi một người dân trong làng.
Trong mỗi làng quê, chợ làng không chỉ đơn thuần là trung tâm kinh tế của một làng hay một vùng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tự nhiên trong đời sống cộng đồng làng xã. Chợ và đình làng đã đi vào tâm thức của mỗi một con người nơi đây, hoà vào dòng chảy văn hoá ngàn đời của cư dân người Việt với những nét truyền thống thật khó phai mờ. Bên cạnh đó đình làng lại là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc trưng, những phong tục tập quán, những tín ngưỡng tôn giáo đậm tính tâm linh mang những sắc thái văn hoá của một vùng đất. Đó là những phong tục tập quán, những tín ngưỡng có tác động chi phối mọi mặt đời sống xã hội và sự lan rộng của nó được mọi người thừa nhận. Đình và chợ làng là những giá trị văn hoá tinh thần của mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã. Chính nhờ giá trị tinh thần của đình và chợ làng mà con người trở nên gần gũi và thân thiện với nhau hơn. Đình làng - chợ làng là một không gian sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của dân làng từ xưa đến nay. Đó là một biểu tượng đẹp - một nét đẹp dung dị và hồn hậu của người dân trong các làng xã.
Hiện nay với bao xô bồ của nền kinh tế thị trường, bao sự du nhập của văn hoá hiện đại nhưng các đình - chợ làng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân. Các chợ làng vẫn đều đặn diễn ra như thường lệ để cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân quanh vùng như một thói quen, một lệ định khó phai mờ. Các ngôi đình làng vẫn ngày ngày hướng mặt ra chợ như là một sự che chở, bảo vệ sự yên bình cho chợ hoạt động. Các lễ hội của làng vẫn diễn ra đều đặn vào các kỳ đã định trong năm. Sức hút lớn của các ngôi đình - chợ làng Quảng Trị chính là bề dày lịch sử được kết tinh trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống đặc biệt là những nét đẹp văn hoá (phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội...) đã thấm sâu vào trong tiềm thức của người dân làm cho các thiết chế đình - chợ làng có sức sống bền vững trước thời gian.
Đã từ lâu những ngôi đình làng - chợ làng trên đất Quảng Trị đã tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất. Sự hiện diện đó đã để lại trên mảnh đất này một di sản văn hoá truyền thống mà con người đã sáng tạo ra. Chúng không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử - xã hội trong quá khứ mà còn có ý nghĩa tích cực lớn lao trong đời sống của mỗi một người dân.
Ngày nay, khi đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội thì kế thừa và phát huy những nét đẹp, những giá trị văn hoá truyền thống trong các làng xã là một công việc cần làm và nên làm.
Nguyễn Thị Nương
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN