Những di sản thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống
ÉP DẦU SỞ - NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG ĐANG ĐƯỢC BẢO TỒN TẠI LÀNG AN THÁI, HUYỆN CAM LỘ

       Ngược dòng Hiếu Giang lên địa bàn huyện Cam Lộ, làng An Thái nằm về phía tả của dòng sông. Là một làng thuộc xã Cam Tuyền, phía đông làng An Thái giáp làng An Mỹ; phía tây và tây nam giáp làng Xuân Mỹ và thôn Bắc Bình (nguyên là một xóm của làng Cam Lộ); phía nam giáp sông Hiếu; phía Bắc là khu rừng trồng tràm và cây công nghiệp của nhân dân.

       So với nhiều làng trên địa bàn huyện Cam Lộ, thì làng An Thái được hình thành muộn hơn các làng Chính Lộ/Cam Lộ Hạ - xã Cam Thanh, Bích Đàm/Bích Giang, Trương Xá - xã Cam Hiếu, Lâm Lang của xã Cam Thủy; Kim Đâu, Trúc Kinh, Trúc Giang/Trúc Khê của xã Cam An; đây là những làng xã được hình thành vào khoảng thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVI (Dương Văn An - Ô châu cận lục, năm 1555). Đến thời các Chúa Nguyễn, một số làng ở vùng Cam Lộ được hình thành, trong đó có làng An Thái, lúc mới thành lập có tên là phường Khang Thái, làng An Mỹ/ phường Khang Mỹ và Ba Thung là phường Ba Xuân là các phường trong 22 xã, phường thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương (Lê Quý Đôn - Phủ biên tạp lục, năm 1776). Đến thời Nguyễn, phường Khang Thái đổi tên thành phường An Thái là một trong 26 xã, thôn, phường, giáp thuộc tổng Cam Đường, huyện Thành Hóa (Đồng Khánh Địa dư chí, năm 1886). Cũng vào thời gian này, một bộ phận dân cư ở làng An Thái (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng ngày nay) di dân lên vùng kinh tế mới và hình thành phường An Thái Thượng thuộc tổng Mai Lộc (nay là thôn Cam Phú 1 và 2 - xã Cam Thành).

       Theo nhà giáo Lê Ngọc Cương và các vị hào lão trong làng thì phường An Thái ban đầu được hình thành trên cơ sở một bộ phận cư dân có gốc từ  làng An Khang/An Thái xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng lên lập nghiệp. Lúc mới lập làng có 3 họ chính: Lê, Trần, Nguyễn, trong đó họ Lê đã có công khai khẩn đất đai tạo lập làng xóm. Tại nhà thờ họ Lê hiện còn lưu giữ được các sắc phong dưới thời vua Khải Định ban cho ngài tiền khai khẩn Lê Quang Huệ, với chức tước Dực Bảo Trung hưng linh phò tôn thần. Hậu khai canh là họ Trần, ngài Trần Thọ Cương cũng được nhà nước ban sắc phong thần. Theo gia phả các họ hiện nay đã trên 16 đời kế nghiệp và sinh sống trên mảnh đất làng An Thái. Để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, các thế hệ con cháu của làng An Thái vẫn truyền lưu việc tế tự, hàng năm vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch tế Đại tự cầu an tại đình làng. Bên cạnh đó, Hội săn hàng năm luôn được tổ chức đều đặn và kéo dài cho đến những năm 1980 khi có chính sách trồng rừng của các lâm trường và nhiều hộ dân trong làng thì mới mất hẳn.

      Làng An Thái từ xưa đã nổi tiếng với nghề ép dầu sở, dầu lai và dầu phụng truyền thống, cho đến nay, nghề ép dầu Lai để thắp sáng đã mất hẳn sau năm 1975, do nhu cầu thị trường không còn sử dụng; nghề ép dầu Phụng cũng dần mai một do nguồn nguyên liệu đã được các doanh nghiệp thu mua, hơn nữa các loại dầu ăn như dầu nành, dầu phụng ngày càng phong phú tràn ngập thị trường, giá cả lại vừa phải nên người dân không tiến hành ép để tiêu thụ. Riêng nghề ép dầu sở và sản phẩm tinh dầu sở của làng An Thái vẫn được nhiều người dân Quảng Trị truyền tụng và sử dụng. Sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân địa phương quanh vùng.

Bộng/ Bôộng ép dầu sở (Ảnh Cái Thị Vượng)
Cây sở (Ảnh Cái Thị Vượng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     Sở là cây trồng chủ yếu để lấy hạt ép dầu, dầu sở dùng làm dầu ăn có giá trị, ngoài ra còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược. Khô sở (bánh sau khi ép dầu) dùng để đánh bắt cá, hoặc làm phân bón rất tốt. Vỏ quả Sở dùng làm than hoạt tính, làm thuốc nhuộm. Gỗ sở cứng, mịn và bền nên có thể làm nông cụ và đồ dùng gia đình như cày, bừa, bàn, ghế. Sở là cây xanh quanh năm, cành lá rậm rạp, tái sinh chồi tốt, cũng có thể làm cây phòng hộ chống xói mòn quanh các rừng trồng cao su và cà phê.

 

     Theo người dân địa phương, cây sở được thực dân Pháp đưa sang để trồng ở những đồn điền vừa được khai phá, chúng rất thích hợp với những nơi có đất đỏ ba zan, vùng đồi và trung du nên ở Quảng Trị, cây sở chỉ được trồng ở vùng Cam Lộ và ở Vĩnh Tú - Vĩnh Linh. Sở là cây thuộc họ chè, cao 4 - 6m, sống lâu, có thể đến hàng trăm năm. Cây sở có thân cứng, ưa sáng, yêu cầu về đất đai không cao lắm, vì nó là loài cây có tính thích ứng cao. Nhưng để sở cho sản lượng hoa quả nhiều thì cần chọn nơi đất tốt, tầng đất dày 50cm trở lên, đất có nhiều mùn, thoát nước, hơi chua, độ PH 5-6. Nơi đất kiềm cây sở không mọc được. Sở tái sinh bằng hạt và tái sinh bằng chồi rất tốt. Những cây sở già cỗi người ta có thể chặt sát gốc, cây lại nảy chồi, chăm sóc tốt vẫn cho ra quả đều đặn hoặc lấy hạt chín ươm ở những nơi đất thịt nhiều mùn cho cây mọc và đem trồng vào mùa xuân để cây dễ sống và phát triển, sau 5 đến 6 năm sở sẽ cho thu hoạch.

     Cây sở có hai loại: sở chè và sở vả. Sở chè lá nhỏ, cành lá rậm rạp, sai quả nhưng quả nhỏ, tỷ lệ dầu ít nhưng nhiều quả nên sản lượng lại cao; còn sở vả lá to, cành lá thưa hơn, quả to nhưng ít, tỷ lệ dầu cao song ít quả nên sản lượng thường thấp, nên người dân thường thích trồng loại sở chè. Sau khi trồng được 5 đến 6 năm thì sở ra hoa, kết quả. Sở ra hoa tháng 11 - 12 Âm lịch, hoa sở có màu trắng, các cánh giống hoa chè, vào tháng giêng có quả non, quả chín vào tháng 8 - 9 năm sau. Khi quả chín vỏ quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng hoặc vàng xám là thu hái được. Quả sở có thể hái trên cây nhưng cũng có thể nhặt khi nó đã rơi rụng xuống đất. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, thường những quả thu lượm sẽ cho nhiều tinh dầu hơn những quả hái trực tiếp ở trên cây, vì chín đều, cơm dày nên lượng tinh dầu cao. Trước đây, dưới thời thực dân phong kiến khi diện tích trồng cây sở của làng trãi rộng từ quả đồi này sang đồi khác, chính quyền thường phân cho trai đinh trong làng mỗi người một sào, ngăn cách giữa các phần đất là những hàng chè để làm ranh giới. Đến mùa thu hoạch, để công bằng và tránh tình trạng mất mát, hái nhặt phần của nhau, theo quy định khi làng nổi hiệu lệnh bằng ba hồi thanh la dân làng mới được tiến hành thu hoạch quả sở. Thường trước lúc hái sở cần phải phát quang và làm sạch cỏ để dễ dàng thu nhặt quả chín khi nó rơi rụng xuống mặt đất. 

Quả sở về đem hong ở nơi thoáng gió 4 - 5 ngày thì quả sẽ tự tách để hạt rơi ra ngoài, cũng có thể phơi quả dưới nắng nhẹ vào sáng sớm để quả chóng tách hạt, đây là nguyên liệu chính để tiến hành ép dầu. Hạt sau khi tách ra khỏi vỏ sẽ có màu đen, phần cơm để cho tinh dầu có màu vàng sẫm. Ngày trước để ép được tinh dầu phải cho hạt sở vào cối đá để giả cho đến khi thành bột, nếu bột càng mịn càng cho nhiều dầu. Nhưng hiện nay, hạt sở đều được cho vào máy xay xát nên đỡ vất vã và tiết kiệm khá nhiều thời gian. Bột sở sẽ được hông chín giống như hông xôi, sau đó bỏ vào bao gai hay bao vải thô bó tròn thành từng bánh, theo kích thước đã định sẵn (đường kính khoảng 30cm) bằng các vòng tròn niền từ cây mây để giữ cho bánh dầu tròn và chặt khi bỏ vào bộng ép.

     Bộng/bộông ép dầu được làm bằng gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ cây trai, mít hay là cây vải. Cấu tạo bộng ép gồm có ba phần: Đế, bàn ép và côông. Đế bộng được làm bằng một tấm gỗ có kích thước (80cmx40cmx40cm), tấm gỗ càng dày càng tốt để giữ cho nó thăng bằng khi tiến hành ép dầu. Giữa đế khoét một hình chữ nhật để kẹp 2 bàn gỗ ép đồng thời xọi đường rãnh tạo máng để dầu chảy ra chậu hứng. Bàn ép khá dày cao khoảng 1m rộng 30cm và được gắn vào đế theo dạng hình chữ V, phần đáy vừa khít nhưng phía trên phải rộng ra để dễ dàng bỏ bánh dầu. Phần trên cùng của bộng ép là chốt trên mà người dân thường gọi là côông, đây là phần chủ yếu để tạo lực ép, côông được làm dài hơn đế và khá dày (1mx40cmx40cm) ở giữ khoét tạo ô hình chữ nhật để giữ 2 bàn ép và các chốt nêm. Thường trong bộng ép có 4 chốt nêm được tạo thuôn dần về phía dưới, dụng cụ để đóng các chốt nêm là đùi vồ bằng gỗ.

     Cách ép dầu rất thủ công và khá đơn giản, trước tiên cho bánh dầu vào giữa hai bàn ép, lắp phần côông vào sau đó cho 2 chốt nêm vào hai phía của rãnh côông, lấy đùi vồ đóng xuống, tiếp tục chêm 2 cái tiếp theo, càng chêm chặt bao nhiêu thì lực ép vào bánh dầu càng lớn, tinh dầu sẽ chảy qua đường rãnh và vào dụng cụ chứa dầu. Ép cho đến khi lượng tinh dầu ở bánh không còn nữa lúc đó mới tháo nêm và côông để lấy bánh dầu ra khỏi bộng, sau đó lại tiếp tục ép bánh khác.

Thường mỗi hông sẽ bó được một bánh dầu và mỗi bánh ép được 1 lít tinh dầu sở, sau khi ép xong cần phải lọc lớp cặn bả bằng vải thô hay lớp màn mỏng. Dầu sở có màu vàng sẫm, dù để bao lâu vẫn không thay đổi và ngã màu; đây là loại phụ gia rất tốt cho sức khỏe, là dầu thực vật nên rất phù hợp cho người già và trẻ nhỏ; đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch, huyết áp. Hàm lượng tinh dầu sở lớn gấp 5 lần tinh dầu lạc hay dầu nành, do vậy khi sử dụng chỉ cần một lượng rất ít. Theo giá thị trường hiện nay, 1 lít dầu sở khoảng 100.000đồng, tuy nhiên người dân An Thái sản xuất vẫn không đủ lượng để phục vụ nhu cầu của người dân gần xa. 

Trước đây, dầu sở ngoài việc phục vụ cho nhu cầu chế biến thức ăn, nó còn là nguyên liệu để thắp sáng trong các hộ gia đình bên cạnh tinh dầu lai. Chỉ cần đổ dầu vào một dĩa sành vấn tim đèn bằng vải người dân có thể thắp sáng trong gia đình, nó rất tiện ích và không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nên ngày nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao:

Ai ơi chớ phụ đèn dầu

Đèn chai khêu mỏi, đèn dầu khỏi khêu

     Khô dầu sở/bánh dầu sau khi ép khô được người dân cất giữ để bán cho bà con người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi vùng đồi núi phía tây Quảng Trị  hoặc sử dụng trong việc đánh bắt cá ở đầm hồ hay suối. Hiện nay khô dầu được bán với giá 30.000đồng/1 bánh. Cách sử dụng rất đơn giản đó là nghiền nhỏ bánh dầu sau đó đổ xuống hồ hay đoạn suối đã được ngăn lại, toàn bộ tôm cá ở đó bị khô dầu làm cay mắt sẽ nổi lên mặt nước, người dân chỉ cần lấy vợt hay rỗ rá để xúc và đưa về sử dụng. Ngoài ra, bánh dầu còn được nhân dân sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

     Dưới thời thuộc Pháp, nhân dân làng An Thái và các làng lân cận đều ép dầu sở, dầu lai và dầu phụng để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Diện tích trồng cây sở và cây lai rất lớn, trải dài dọc theo các ngọn đồi và vườn tược của người dân. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với chính sách phát quang đồi núi để xây dựng các công trình quân sự, dồn dân lập ấp... nên diện tích trồng cây sở, cây lai dần dần bị thu hẹp. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng người dân lại tiếp tục cải tạo lại diện tích trồng sở và ép tinh dầu bán cho các hợp tác xã thương nghiệp để trao đổi hàng hóa với các vùng trên địa bàn toàn tỉnh. Những năm sau này khi các loại cây như cao su, tiêu, thông và keo lai mang lại giá trị kinh tế cao hơn, nên nhiều hộ gia đình đã phá bỏ khá nhiều diện tích trồng sở. Tuy nhiên, trong vườn của các hộ gia đình và dọc các trền đồi trồng cao su và cà phê người dân vẫn trồng các hàng cây sở để làm ranh giới và các đường phòng hộ chống gió bảo và xói mòn. 

     Ngày nay, rất nhiều gia đình tại làng An Thái vẫn còn duy trì nghề ép dầu sở để sử dụng, nhưng tiêu biểu nhất là các hộ gia đình: ông Lê Minh, Nguyễn Mậu, Trần Luận và bà Trần Thị Hồng, mỗi năm ép khoảng 300 lít dầu để trao đổi và sử dụng. Ngoài ra, rất nhiều gia đình thường sử dụng dầu sở để làm quà biếu cho bạn bè, bà con xa xứ.

     Bên cạnh những cư dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì những làng nghề thủ công truyền thống là nét văn hoá đặc sắc, là di sản văn hoá phi vật thể quý giá của người dân Quảng Trị. Các làng nghề truyền thống là nơi bảo lưu những nét tinh hoa cổ truyền, nơi để các nghệ nhân đua tài, khoe sắc; nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình lao động sáng tạo; nơi cung cấp, trao đổi hàng hoá… Tuy hiện nay một số nghề thủ công truyền thống đã bị mai một dần và ngày càng đi vào quên lãng, khi mà cuộc sống sôi động và hối hả bởi nền kinh tế thị trường đang ngày một phát triển; nhưng vẫn còn những nghề thủ công mang lại nguồn kinh tế đáng kể, mà đặc biệt phục vụ tốt cho sức khỏe người dân như tinh dầu sở. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên vào cuộc để định hướng, giúp đỡ, động viên người dân trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông để “bức thông điệp nghề thủ công truyền thống” vẫn được ngàn năm lưu truyền. /.

                                                                                                                                                                                    Cái Thị Vượng

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG
NGHỀ GIA CÔNG KIM HOÀN LÀNG AN XUÂN VÀ LÀNG PHÚ HẬU NGHỀ CÀO HẾN VÀ MÓN CANH CHẮT CHẮT BẮP RANG TỪ DỤNG CỤ NẤU RƯỢU TẠI BẢO TÀNG QUẢNG TRỊ, TÌM  VỀ NGHỀ NẤU RƯỢU TRUYỀN THỐNG LÀNG KIM LONG NGHỀ LÀM QUẠT GIẤY LÀNG PHƯƠNG NGẠN NGHỀ LÀM MUỐI LÀNG TƯỜNG VÂN NGHỀ LÀM GIẤY Ở LÀNG PHỔ LẠI LÀNG LAN ĐÌNH VỚI NGHỀ THỦ CÔNG ĐAN LÁT