Di tích cấp tỉnh
GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐÌNH LÀNG HÀ TRUNG

Ở Quảng Trị, lịch sử hình thành các ngôi đình làng luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng. Các làng xã có quá trình hình thành sớm muộn khác nhau, nhưng sau khi đã ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là cần chăm lo đời sống tinh thần cho cả cộng đồng. Một trong những yếu tố cần phải quan tâm là ngôi nhà chung để làm nơi thờ cúng, nơi giao lưu, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho cả cộng đồng. Từ đó, ngôi đình dần dần được hình thành. Khác với nguồn gốc xuất hiện của đình làng ở miền Bắc, đình làng ở Quảng Trị không xuất phát từ đình trạm, lý do thôi thúc những tân dân cần có một ngôi đình là yếu tố tâm linh làm nơi thờ cúng các vị thần. Bởi mảnh đất Ô châu ác địa, buổi đầu đã làm cho con người cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên “Tới đây đất nước lạ lùng/ Con chim kêu em cũng sợ, con cá vùng em cũng kinh”. Hơn nữa, ở đây, ban đầu có sự va chạm, tranh chấp trong quá trình sinh sống của hai dân tộc Việt - Chăm. Nên tâm trạng của mọi người bất ổn, lo lắng, cùng với đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nạn hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên, luôn đe dọa tính mạng của họ. Do đó, việc mọi người tìm đến thần linh nhằm được chở che, bảo trợ về mặt tinh thần để sở cầu một cuộc sống yên ổn trên vùng đất mới cũng là điểu dễ hiểu. Từ đó các công trình tín ngưỡng, tôn giáo (đình làng, chùa làng) ra đời. Đây là những thiết chế cấu thành văn hóa làng. Trong những thiết chế văn hóa đó, đình có một vai trò đặc biệt quan trọng, là tài sản quý báu của mỗi địa phương. Ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và nhà hành chính xã thôn thông thường mà chính là linh hồn của làng. Ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, về nhận thức và về tâm linh con người.

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi làng mà họ dựng lên ngôi đình có nhà hay không có nhà (đình lộ thiên), quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhưng tựu trung lại, cũng chỉ để làm nơi thờ cúng thần linh, nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cả cộng đồng.

Trên vùng đất Quảng Trị, hiện không thể tìm thấy một ngôi đình nào có niên đại khởi tạo từ thế kỷ XVI trở về trước, mặc dù ở nhiều làng tương truyền đình làng mình có mặt từ rất sớm. Đình Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) là một ngôi đình được xây dựng sớm ở Quảng Trị còn giữ được những nét kiến trúc ban đầu. Theo bản “Lịch đại sự tích” được lưu giữ, cho biết đình làng được xây dựng vào năm 1690. Còn nhìn chung các ngôi đình làng ở Quảng Trị phần lớn xây dựng vào thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn, thậm chí có những đình làng được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XX. Việc các ngôi đình cổ ở Quảng Trị đến nay không còn nhiều và mặc dù còn, song cũng không được bảo lưu những được những nét nguyên bản. Bởi, Quảng Trị bị chiến tranh tàn phá, thiên tai làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ly tán, lâm vào cảnh khốn khó... đến việc gặp nhau còn khó khăn chứ nói gì đến việc chung tay xây dựng lại các công trình tín ngưỡng, tâm linh; trong đó có đình làng.

Lịch sử xây dựng đình làng Hà Trung

Làng Hà Trung được tạo lập vào những năm cuối kỷ cuối của thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Khi làng đã ổn định về dân số, địa vực thì đình làng Hà Trung cũng bắt đầu được khởi dựng.

Hiện ở làng Hà Trung không có một tài liệu thành văn nào ghi lại quá trình khởi tạo ngôi đình đầu tiên, quy mô, hình dáng như thế nào, chỉ biết rằng qua lời truyền khẩu của các thế hệ dân làng, thì ngôi đình lần đầu được tiền nhân dựng trên một khu đất khá cao cách khu vực đình hiện tại khoảng 300m về phía tây bắc làm nơi thờ cúng và sinh hoạt văn hóa. Tòa đại đình là một ngôi nhà rường khung gỗ, kết cấu 3 gian, 2 chái, mái lợp tranh, xung quanh đình không có tường che chắn mà để thông thoáng với bên ngoài. Đây là mô thức kiến trúc phổ biến của đình làng miền Trung ở các thế kỷ XVI - XVII. Ngôi đình tồn tại một thời gian khá dài sau đó bị hư hại.

Ngôi đình được tôn tạo lại cũng không được ghi chép cụ thể. Đến đầu thế kỷ XIX, dân làng cho đại trùng tu, lúc này đình Hà Trung trở thành một ngôi đình rộng lớn, quy mô, đẹp nổi tiếng trong vùng. Cả khuôn viên đình trông rất bề thế, ngôi đình lúc này là một ngôi nhà rường 5 gian, 2 chái, các cấu kiện gỗ đều được chạm trổ công phu, trong đình các khám thờ đều được sơn son, thếp vàng... đến năm Ất Dậu, niên hiệu Đồng Khánh (1885), đình bị đốt cháy. Mãi đến 18 năm sau, vào năm 1903, một người con của làng Hà Trung là ông Trần Đình Phác làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ trong triều đình nhà Nguyễn, trong một lần về thăm quê, nhìn thấy cảnh đình, chùa, miếu mạo bị đổ nát, điêu tàn nên cùng dân làng đã bàn bạc tái tạo lại ngôi đình. Trong lần tái tạo này, ngôi đình được chuyển về vị trí mới như hiện nay 1. Theo như nội dung văn bia dựng ở sân đình 2 cho biết ngôi đình được khởi công dưới thời vua Thành Thái, tháng 3 năm Quý Mão (1903), ngày 6-7-1903 thì thượng lương, đến tháng 9 thì hoàn thành. Văn bia cho biết thêm, kinh phí để tạo dựng lại ngôi đình một phần do tiền công quỹ của làng hơn 200 quan, ông Trần Đình Phác cũng góp một phần khá lớn tiền của, con dân trong làng người thì góp sức, kẻ góp công cùng đồng lòng dựng lại ngôi đình. Chính sự gấp rút để hoàn thành công trình trong một thời gian ngắn như thế, dẫn đến việc các đề tài trang trí, các họa tiết hoa văn trên bộ khung gỗ không được phong phú cho lắm, kể cả hệ thống tường bao quanh đình, trong khi đó nhân tài, vật lực có đủ khẳ năng để thực hiện!

Từ khi được xây dựng lại, cùng trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, của vùng đất, ngôi đình có bị hư hại một phần và đã trải qua nhiều lần tu sửa, hiện trạng ngôi đình hiện nay được sửa chữa lại vào năm 2012. Tuy có một số thay đổi như mái ngói từ ngói liệt được thay bằng ngói móc, lát sân, nền tòa đại đình nhưng kiến trúc ngôi đình vẫn được giữ nguyên như lần tạo dựng đầu thế kỷ XX.

Như vậy, từ khi khởi tạo cho đến nay, ngôi đình làng Hà Trung đã trải qua hàng trăm năm tồn tại. Cho dù sự tồn tại của nó cùng chịu chung những số phận, những biến cố xã hội của một vùng đất. Và cứ như thế, mỗi lần bị hủy hoại là một lần xây dựng, một lần toàn thể nhân dân làng Hà Trung phải đem sức người, sức của để tái tạo, để gìn giữ và không ngừng làm đẹp thêm cho ngôi đình của mình. Nó thực sự là không gian văn hoá hàm chứa nội dung diễn trình lịch sử của một làng; về lịch sử phát triển của nghệ thuật kiến trúc đình làng của một vùng, một miền. Và ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, những quan niệm triết lý về nhân sinh quan, vũ trụ quan của người dân làng Hà Trung.

Kiến trúc nghệ thuật đình làng Hà Trung

Đình làng Hà Trung tọa lạc tại xóm Làng Trên, trên một khu đất cao ráo và khá rộng có tên là Trạch Chánh Hạ. Ngôi đình mặt hướng về phía nam, trước là cánh đồng rộng lớn, hữu tình, lưng tựa vào xóm làng trù phú, tạo nên cảnh quan thơ mộng. Đây là một địa thế rất đẹp, hợp với phong thủy của người xưa. Kiến trúc của đình làng Hà Trung bao gồm một tòa đại đình nằm ngang theo kiểu “chữ nhất”, mặt trước có hệ thống tường thành và cổng trụ; phía trong sân có bình phong.

Từ bên ngoài vào, ngôi đình được bao bọc bởi một hệ thống tường rào và cổng trụ ở mặt trước. Nghi môn chính là hai trụ biểu hình vuông, bên trên mỗi trụ có gắn hình lồng đèn và hai bầu rượu, biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh, sự vươn lên của con người, của làng xóm và cũng là nhu cầu đón nhận những tinh hoa của trời đất, điều hoà âm dương trong mối giao cảm với con người. Cả ba mặt trụ biểu đều có gắn các câu đối bằng chữ Hán:

Mặt ngoài

Linh địa chung lai nhất đới tiên phong hùng thể thế

Trung thiên ngập lật song tiêu vũ trụ tráng bình phan.

Tạm dịch

Đất thiêng hun đúc tụ về, một dãi núi cao đứng sừng sững

Chót vót hiên ngang chiếm trọn cả một khoảng trời đất bao la.

 

Mặt trong

Linh cảm niệm yên vũ trụ trường tồn thiên thu cựu

Trung tàng mỹ hỷ đống lương quy hoach tứ thời tân.

Tạm dịch

Niệm linh cảm, vũ trụ trường tồn ngàn năm như cũ

Đẹp chứa trong rường cột quy hoạch bốn mùa đổi thay.

Câu đối ở trụ giữa:

Linh tú địa, tương liên Mai Xá, Trúc Lâm trường củng vệ

Trung bình thiên, tác đối Tịnh phong, Dương Thủy tịnh thanh cao.

Tạm dịch

Đất linh tú nối liền Mai Xá, Trúc Lâm mãi về chầu

Trời bình trung dựng đối Tịnh Phong, Dương Thủy đều thanh cao.

Tất cả những câu đối này đều ngợi ca cái thế địa cuộc tốt đẹp cùng với sự ngưỡng vọng, niềm tự hào về bề dày văn hoá của ngôi đình, của làng xóm quê hương. Ngoài lối đi chính dẫn vào đình, còn có hai cổng phụ được xây bằng gạch theo dạng vòm cuốn.  

Qua nghi môn đi vào sân đình là bức bình phong được xây bằng gạch theo dạng cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình “long mã phụ hà đồ” bằng kỹ thuật đắp vôi vữa và ghép mảnh sành sứ. Mặt trong là hình hổ phù miệng ngậm chữ Thọ cũng được tạo tác bằng kỹ thuật đắp vôi vữa và ghép mảnh sành sứ. Hai bên là hai câu đối: Cẩm bình huy bắc đẩu/ Hiểu chướng đối nam sơn (Đại ý: Bức bình phong huy hoàng, sáng sủa tựa như chòm sao Bắc Đẩu hiện dần ra giữa đất trời) và các tiểu cảnh trúc, mai, tùng lộc làm tăng thêm vẻ mềm mại cho bức bình phong. Bình phong trong quan niệm người xưa là để chắn tà khí, ngăn cản những cặp mắt soi mói từ ngoài đường nhìn vào nhà, nhưng bình phong nhằm mục đích cao nhất là tạo ra cái “ngưỡng” cần thiết, cái ngăn cách tạm thời cần có, giới hạn không gian bên trong của một ngôi đình với không gian bên ngoài nhằm kiểm tra và đều chỉnh thái độ của mọi người. Những mô típ trang trí trên bình phong một mặt là nhằm kiểm soát tâm hồn của người hành hương, nó vừa là hiện thân của trí tuệ, sự giác ngộ, sự sáng tạo vũ trụ và là con vật, chuyển tải sự luân chuyển của bầu trời, sức mạnh chinh phục thiên nhiên của cư dân nông nghiệp. Các mô típ hoa văn hoa lá, thực vật là những biểu tượng tự nhiên gắn với tín ngưỡng nông nghiệp như cầu mưa, thờ mặt trời, phản ánh âm dương, cầu phúc, lộc...

Qua khỏi bình phong là khoảng sân được lát bằng xi măng khá rộng, đây là không gian để tổ chức phần hội. Bên phải sân có nhà bia “Truy niệm tiền ân” và tấm bia ký “Trùng tu Thần Phật từ vũ bi” do Hiệp Biện Đại học sĩ, Phủ Doãn Thừa Thiên Trần Đình Phác chấp bút qua đợt đại trùng tu đình và chùa năm 1903. Bên phải sân đình, về phía đông chừng 100m là ngôi Tam công miếu hay gọi là miếu tiền khai được tạo ra bởi 2 nếp nhà song ngang theo kiểu chữ nhị, thờ thủy tổ ba dòng họ chính có công lập làng Hà Trung. Trong khuôn viên sân đình còn có các cây đa, cây si toả rợp bóng làm cho ngôi đình thêm vẻ thâm nghiêm mà gần gũi, cổ kính mà ấm cúng.

Tòa đại đình của đình làng Hà Trung (Ảnh Ngọc Thiệp)

 

Qua khoảng sân là tòa đại đình. Tòa đại đình được xây dựng với lối kiến trúc bao gồm một tòa nhà nằm ngang theo kiểu “chữ nhất” cấu trúc bởi một khung gỗ chịu lực, thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái thường thấy ở vùng Quảng Trị. Song nhờ sử dụng kỹ thuật chái kép trong cách xử lý tăng mặt bằng nên tạo được 5 gian, 2 chái. Bộ khung gỗ của đình được kết cấu theo kiểu vài chồng cột nóc, phân bố cột 6 hàng chân và 1 hàng cột hiên. Tường gạch xây bít 3 phía, mặt trước đại đình là hệ thống cửa “thượng song hạ bản” trải dài suốt 5 gian.

Bộ khung của đình là sự liên kết một cách chặt chẽ và đạt đến mức tinh xảo của một hệ thống các cấu kiện gỗ lại với nhau, bao gồm các bộ phận sau: Vài kèo thì có các tay kèo thượng, kèo hạ, kèo cù. Cột thì có cột hàng nhất, cột hàng nhì, cột hàng ba và hàng cột hiên, Toàn bộ các cột đều được đặt trên đá tảng chứ không chôn xuống đất nhằm tránh mối mọt, sụt lún. Từ hàng cột nhất tiền trở về trước giành cho không gian tế lễ, từ cột hàng nhất hậu trở về sau là không gian thờ cúng.

Liên kết hai cột hàng nhất (tiền và hậu) bằng cái trến/trếng. Liên kết các vài kèo giữa các gian chính bởi một đòn nóc hay đòn đôông ở phía trên cùng và bằng hai cái xuyên ở phía dưới (xuyên nối các cột hàng nhất lại với nhau). Ngoài các bộ vài chính, ở về hai phía đầu hồi còn có thêm hai gian chái. Gian chái được cấu thành do các tay kèo đấm, kèo quyết, cột đấm, cột quyết. Một gian chái được cấu trúc theo lối thông thường gồm có 2 kèo đấm, 2 kèo quyết nối từ 2 đầu cột hàng nhất tiền và hậu kéo xuống khớp mộng vào đầu hai cột đấm và hai cột quyết. Nơi các tay kèo đấm, quyết giao nhau với cột hàng nhất gọi là “xớ hàm ếch”. Hệ thống cột hàng ba của tòa đại đình là hàng cột hiên. Trên các kèo cù, cầu điếu là nơi tập trung cao nhất các mô típ trang trí bằng nghệ thuật chạm bong làm cho mặt tiền ngôi đình sáng hẳn lên nhưng chỉ chủ yếu đầu kèo cù và dưới bụng các cầu điếu.

Ngoài các bộ phận chính trên, bộ khung của ngôi nhà còn có hệ thống các xà thượng, xà hạ, xà tích... đòn tay ở cả bốn phía dùng để đỡ mái. Trên hệ thống đòn tay và xà đặt hệ thống rui, mè dùng để lợp ngói. Nhờ có sự liên kết một cách chặt chẽ các bộ phận nói trên mà khung gỗ chịu lực có thể đội trên mình nó một mái ngói lợp nặng nề nhưng vẫn vững chắc. Hơn nữa, tuy các hàng cột được đặt trên các hòn đá tảng nhưng vẫn đảm bảo được độ bền vững trước gió bão và những điều kiện khắc nghiệt khác của môi trường.

Hệ thống cột hàng hai, kèo hạ, đòn tay
(Ảnh Ngọc Thiệp)

 

Hệ thống cửa chính được làm theo kiểu “thượng song hạ bản” (trên là các thanh song vuông, dưới là ván bưng) mà người dân quen gọi là cửa "bản khoa". Các song cửa cũng như ván bưng tuy không trang trí hoa văn nhưng được chạm khắc tỉ mĩ bằng các đường xoi chỉ rất tinh xảo. Hệ thống cửa bản khoa chạy suốt dọc năm gian, mỗi gian bốn lá và mở vào phía trong.

Mỹ thuật trang trí ở đình làng Hà Trung tương đối đơn giản, các mảng chạm khắc trang trí trên các cấu kiện thuộc bộ khung gỗ chịu lực thì thường áp dụng kỹ thuật chạm nổi kết hợp với tạo dáng cho từng bộ phận. Ðầu trếng chạm cách điệu hình dây lá hóa rồng. Ðầu kèo cù chạm hình đầu rồng biến thể. Dưới bụng các cầu điếu chạm tam sơn - biểu tượng tam tài (thiên, địa, nhân). Các kèo thượng, kèo hạ trang trí bằng cách thức “lòng song chỉ nổi” với hình dạng uốn lượn, trau chuốt cùng với cách khớp mộng rất nghệ thuật, kỹ thuật đạt đến tỷ lệ hoàn chỉnh là những thành công đáng ghi nhận trong kiến trúc bộ khung gỗ ở đình làng Hà Trung.

Ngoài ra, bên trong nội thất ngôi đình ở các hàng cột được trang trí thêm bởi hệ thống các hoành phi, liễn, đối viết bằng chữ Hán được khắc trên gỗ bằng nghệ thuật chạm trổ kết hợp kỹ thuật sơn son, thếp vàng. Những câu đối, hoành phi này thường được các họ tộc, các gia đình có quyền thế trong làng phụng cúng sau mỗi lần tu tạo lại đình làng. Điều đặc biệt ở đình làng Hà Trung hiện còn lưu giữ được bức hoành phi bằng gỗ sơn son, thếp vàng khá lớn trên có ghi bốn chữ Hán “Mỹ tục khả phong” do vua Duy Tân ban tặng năm 1911. Đây là một cổ vật có giá trị hàm chứa nhiều nội dung liên quan đến truyền thống tốt đẹp của làng Hà Trung.

 

Bộ mái trước đây lợp ngói liệt. Năm 1989, do thiên tai nên bị hư hại một phần và được con dân trong làng tu sửa lại, thay bằng ngói móc vào năm 2012. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt; các bờ mái, đầu đao gắn hình lân, rùa, phụng bằng kỹ thuật đắp vôi vữa và ghép mảnh sành sứ, thủy tinh, như những điểm nhấn mỹ thuật, tỏa lên trời cao niềm ước mong mưa thuận gió hòa, thái bình, thịnh vượng và trường cửu của người dân làng Hà Trung.

Bức hoành phi “Mỹ tục khả phong” do vua Duy Tân ban tặng năm 1911 (Ảnh Ngọc Thiệp)

Hai tam giác đầu hồi tòa đại đình đắp nổi hình dơi ngậm kim tiền, cầu mong cho sự sung sướng, giàu sang... Hai đầu hồi ở phía hiên đắp và ghép mảnh sành sứ mô típ “ngư long hý thủy”“hổ phụ sinh hổ tử”. Trên các đầu cột hiên có chạm các bông sen đang nở, phía trước các cột đắp nổi các câu đối chữ Hán:

Linh ứng tự thiên thần trắc giáng

Trung phân thử địa diệu tài thành

Đại ý là: Ngôi đình linh thiêng từ khi thần linh trú ngụ. Cuộc đất này từ đó được bồi đắp thêm linh khí.

Linh chiếu thanh chung đường thụ mỹ

Trung chính thông minh đức thị thân

Đại ý là: Đình vũ nguy nga, tiếng chuông linh thiêng vọng mãi. Đức hạnh luôn đầy nhờ liêm khiết soi mình.

Nhìn chung, kiến trúc nghệ thuật đình làng Hà Trung với những gì còn lại đến nay, nhất là bộ khung gỗ có giá trị gì lớn về kiến trúc cổ truyền và có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu quá trình phát triển ngôi nhà rường truyền thống vùng Quảng Trị. Ðó thực sự là những di sản có giá trị của ông cha chúng ta để lại mà các thế hệ ngày nay cần phải trân trọng giữ gìn.

Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh sau khi người dân đã ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là cần chăm lo phát triển đời sống tinh thần cho cả cộng đồng. Một trong những yếu tố đó là cần phải xây dựng một ngôi nhà chung để làm nơi thờ cúng, nơi sinh hoạt văn hoá, xã hội và tín ngưỡng. Ngôi đình làng ra đời, đây là ngôi nhà chung, nơi cố kết người dân trong mối quan hệ tín ngưỡng, tâm linh. Ngôi đình là nơi duy trì các thuần phong, mỹ tục, nơi bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng những giá trị truyền thống về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hoá của đình làng Hà Trung vẫn còn nguyên giá trị. 

Bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương, kết hợp với cảm quan về địa thế hợp với phong thủy, dưới những bàn tay tài hoa của cha ông đã bố trí, sắp xếp, bố cục công trình, kết hợp với những thành quả sáng tạo về quy cách kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và tổ chức trang trí một cách hợp lý làm tăng thêm vẽ đẹp cho ngôi đình nhằm đáp ứng chức năng sử dụng, giá trị kiến trúc và nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của người dân làng Hà Trung. Đặc biệt, ngôi cổ đình này gắn với dòng họ Trần Đình nổi tiếng, với những danh nhân tài hoa như Trần Đình Ân, Trần Đình Khánh, Trần Đình Túc, Trần Đình Phác... không những làm rạng danh đất Hà Trung mà sử sách mãi còn lưu danh. Tất cả đó xứng đáng với bức hoành phi Mỹ tục khả phong mà nhà vua ban tặng. Ðó thực sự là những di sản có giá trị của tiền nhân để lại mà các thế hệ dân làng Hà Trung ngày nay cần ra sức trân trọng, giữ gìn./.

                                                                                        Hoàng Ngọc Thiệp

Chú thích

1 Giai thoại về việc chọn địa điểm để dựng đặt ngôi đình trong lần đại trùng tu này được ghi lại trong tập Lược khảo lịch sử làng Hà Trung như sau: Truyền rằng, khi ngài Tham chánh Trần Đình Ân về hưu tĩnh đạo tại chùa Bình Trung, chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh thoảng ra thăm và đàm đạo việc nước. Quan quân rước chúa đi bằng đường thủy từ biển vào Cửa Việt, sau đó đi theo sông Cánh Hòm vào Tân Minh, thuyền dừng tại Lại An. Nhờ có chúa ngự, nên sau này gọi là Bến Ngự. Quan quân rước chúa bằng kiệu đi theo đường bộ hướng về chùa Bình Trung, đi một đoạn đường xa, chúa cho quan quân nghỉ ngơi ngắm cảnh sơn thủy. Chúa phán rằng: Đất nước ta đâu đâu cũng giang sơn gấm vóc, nơi ta đứng ở đây là một vùng quý địa. Từ câu nói đó đã lưu truyền mãi, về sau ngài Trần Đình Phác cho xây dựng ngôi đình làng trên khu đất mà chúa đã dừng chân nghỉ mát, đó là một cơ duyên hiếm có của làng ta vậy. Lược khảo lịch sử làng Hà Trung. Bản đánh máy do ông Trần Ngọc Hoạt, Trần  Đình Truy sưu tầm và biên soạn năm Giáp Thân 2004. Trang 16.

2 Bia ghi bài văn do Trần Đình Phác chấp bút hiện được đặt trong nhà bia “Truy niệm tiền ân” nằm phía phải sân đình. Bia cao toàn thân 134cm, rộng 77cm, dày 13cm đặt trên bệ cao 40cm, khắc kiểu chữ chân phương, rõ và đẹp, trên đó ghi khá đầy đủ thông tin về việc trùng tu đình và chùa năm 1903.

XEM THÊM VỀ DI TÍCH CẤP TỈNH
NGHĨA TRŨNG ĐÀN - NGHĨA TRANG ĐẶC BIỆT TRONG LÒNG THỊ XÃ QUẢNG TRỊ VĨNH KHÊ - NƠI ĐẶT TRẬN ĐỊA TÊN LỬA TIÊU DIỆT MÁY BAY B52 ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM Di tích 1