Người Bru - Vân Kiều vốn sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi, nơi mà yếu tố rừng đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối đời sống vật chất và tinh thần của họ. Cùng với hái lượm, hoạt động săn bắt thú rừng không chỉ đem lại nguồn thực phẩm cần thiết bổ sung cho nhu cầu ăn uống thường ngày của người dân mà nó còn là một trong những hoạt động có tác dụng ngăn chặn thú rừng phá hoại hoa màu, bảo vệ mùa màng. Với hai hình thức săn bắt chủ yếu là săn cá nhân và săn tập thể, hoạt động này hầu như diễn ra quanh năm, nhưng thực sự mùa săn chỉ rộ lên vào những tháng 5, tháng 6 vào mùa đốt rẫy thú thường về ăn tro tàn và các tháng 8 đến tháng 10, thời điểm nằm giữa mùa mưa, khi lúa, hoa màu trên rẫy bắt đầu chín, thú rừng thường tập trung quanh rẫy để kiếm ăn.
Dụng cụ săn bắt của người Bru - Vân Kiều khá đa dạng và phong phú. Trong các loại vũ khí săn bắt trước hết phải kể đến nỏ (tù miềng), loại vũ khí này có cấu tạo phức tạp, nhưng đa năng có thể sử dụng săn các loại thú khác nhau với tính sát thương cao. Bên cạnh nỏ, vũ khí săn bắt thuở ban đầu của đồng bào là giáo (coi), giáo của người Bru - Vân Kiều thường dài khoảng 2,5m, lưỡi mỏng và rất bén thường sử dụng để đâm các loài thú. Ngoài ra, lưới cũng là một vật dụng không thể thiếu. Họ đã sáng tạo ra 3 loại lưới khác nhau: lưới nhỏ săn nhím, dúi; lưới vừa săn chồn, khỉ và lưới lớn săn lợn rừng, mang, nai... Trong đó hai loại lưới đầu là công cụ phục vụ cho các cuộc săn bắt cá nhân; riêng loại lưới thứ 3 được dùng cho hoạt động săn bắt tập thể. Cùng với nỏ, giáo, lưới là hệ thống bẫy. Người Bru - Vân Kiều chế tạo ra rất nhiều bẫy như: bẫy dây, bẫy sập, bẫy hầm... mỗi loại bẫy có nguyên lý hoạt động riêng. Chúng được đồng bào sáng tạo dựa trên đặc tính sinh học của các loài thú, đặc điểm địa hình mà không phải sự điều khiển của con người. Do vậy, để săn bắt có hiệu quả, người dân tiến hành phân loại bẫy sao cho tính năng của nó phù hợp với từng loại thú và từng loại địa hình. Trong đó, bẫy sập, bẫy dây thích hợp với các loài thú nhỏ di chuyển dưới mặt đất; bẫy hầm chủ yếu dành cho các loài thú lớn như nai, mang, lợn rừng, gấu...
Bên cạnh công cụ và kỹ thuật, người Bru - Vân Kiều còn sử dụng chất độc để việc săn bắn đạt được hiệu quả hơn. Họ thường sử dụng thuốc độc được lấy từ nhựa cây Amưng tẩm vào đầu mũi tên rồi bắn, hình thức này sử dụng chủ yếu khi săn các loai thú lớn.
Với người Bru - Vân Kiều, kinh nghiệm, kỹ thuật và sự từng trải là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả cao trong hoạt động săn bắt thú rừng. Nhưng, để quyết định sự thành công trong các cuộc đi săn, người dân luôn kết hợp nó với một dạng tri thức khác tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng. Đó là yếu tố chi phối rất lớn đến hoạt động săn bắt, họ quan niệm, thần (Yang) là đấng siêu nhiên luôn theo dõi họ. Do vậy, trong hoạt động săn bắt thú, những nỗ lực cá nhân của con người chỉ là yếu tố nhỏ, quyết định săn được hay không là ý muốn của Yang. Xuất phát từ niềm tin và tín ngưỡng như vậy nên người dân phải cúng trước khi đi săn và làm lễ tạ ơn sau khi săn được con thú. Ngoài ra, trước mùa săn bắt, người Bru - Vân Kiều còn làm lễ cúng thần rừng (Yang xứ/Yang Knée) - thần quản lý toàn bộ đất đai, cây cối, muông thú và cả con người trong một khu vực. Lễ cúng thần rừng với mục đích cầu mong thần đem đến cho cộng đồng một mùa săn bắt đạt kết quả tốt, những người đi săn tránh khỏi mọi tai nạn, không bị thương tật do thú tấn công...
Như đã trình bày, người Bru - Vân Kiều có hai hình thức săn bắt thú chủ yếu là săn cá nhân và săn tập thể. Tuy nhiên, nổi bật và ấn tượng nhất trong hoạt động săn bắt của người Bru - Vân Kiều là những buổi đi săn tập thể bằng lưới. Lưới của người Bru - Vân Kiều thường được làm từ vỏ cây trầm. Công đoạn chế tác chiếc lưới săn cũng lắm công phu. Cây trầm sau khi tách vỏ, tước thành sợi, đem ngâm nước khoảng 3 đến 4 ngày rồi xe sợi để đan. Mỗi tấm lưới thường dài khoảng 11m đến 15m, cao khoảng 2m. Mỗi gia đình người Bru - Vân Kiều trước đây đều có một tấm lưới để phục vụ cho việc săn bắt thú rừng.
Săn bắt tập thể là phương thức săn bắt cơ bản và phổ biến, mỗi cuộc đi săn phải huy động một lực lượng đông đảo các thành viên trong làng bản tham gia, phù hợp với vũ khí cũng như kỹ thuật săn của địa phương. Phương pháp săn này được đồng bào quy định thành tập quán, đòi hỏi có tính tổ chức cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận và tác dụng của các loại vũ khí.
Bắt đầu cuộc săn, từ sáng các thanh niên trai tráng trong bản lên rừng đi theo các lối mòn để tìm dấu chân con vật. Theo kinh nghiệm, nếu đi săn lợn rừng phải chú ý đến hiện trường xung quanh nơi có dấu vết đào bới, phá hoại; nếu săn con nai, con mang nên chọn những nơi cây rừng có quả chín rụng vì loài này hay ăn hoa quả rừng... Phải nói rằng, việc đi tìm dấu chân thú là một khâu hết sức quan trong bởi nó đảm bảo một nửa cho sự thành công của cuộc săn. Vì thế, người đi xem dấu chân thú thường phải giỏi, có kinh nghiệm phán đoán tình hình. Những thông tin về dấu cây rừng, dấu chân để lại trên mặt đất sẽ cho ta nhận định về thú: một con hay một đàn, là loại thú gì, to hay nhỏ và hướng di chuyển như thế nào... Và, để nhìn rõ dấu chân thú thợ săn phải đi vào sáng sớm, bởi khi đó trời còn sương sẽ in dấu chân thú rõ nhất trên cỏ giúp cho việc xác định dấu chân mới hay cũ được dễ dàng. Khi xác định là dấu chân thú mới đi, bằng linh cảm và kinh nghiệm họ liền xác định khu vực con thú đang lưu trú. Sau đó, người phụ trách công việc săn bắn của cộng đồng sẽ ra hiệu lệnh tập hợp toàn bộ người dân trong bản không kể già, trẻ, gái, trai kể cả chó để tiến hành cuộc săn. Khi đến nơi tập trung, người lớn tuổi trong nhóm sẽ tiến hành một lễ cúng với lễ vật là một quả trứng sống hoặc chỉ là 3 miếng cau trầu. Lễ vật được đặt ngay trên những tấm lưới săn. Chủ lễ mặt hướng về phía khu rừng mà đoàn săn đang hướng tới vái 3 lần rồi bắt đầu đọc lời cúng gọi Yang xứ/ Yang knée, trình bày lí do của cuộc săn, cầu mong thần giúp đỡ cho săn được thú và hứa nếu bắt được thú sẽ cúng thần bằng đầu và bộ lòng của con vật cùng một quả trứng, con gà, tùy thuộc vào con thú săn được to hay nhỏ.
Sau khi cúng xong mọi người đến khu rừng đã được xác định, họ liền hướng dẫn dân làng vây kín khu vực có con thú dừng chân và bố trí cách mai phục tùy theo địa hình. Phía địa hình thấp, họ tổ chức giăng lưới và cử người cầm giáo đứng đón. Đặc biệt khu vực giăng lưới phải tuyệt đối im lặng. Khi giăng lưới xong mọi người bố trí đội hình, khép chặt vòng vây, ai ai cũng trong tư thế sẵn sàng đánh bắt con vật. Sau đó mỗi tổ 3 người dẫn chó vào “trung tâm tọa độ” - nơi xác định con thú đang trú chân để săn. Khi phát hiện ra con vật, mọi người sẽ hô hoán báo cho nhau, theo đó các chú chó cũng liền chồm lên và sủa vang cả khu rừng. Đồng thời, tiếng tù và, tiếng người la hét, xua đuổi thú cũng vang lên náo động. Điều đó làm cho con thú hoảng sợ vùng chạy, và hướng nào mà con thú cảm nhận có một sự im lặng - phía đã giăng bẫy sẽ chạy về hướng đó, bất ngờ những con thú sẽ bị mắc lưới, có khi không chỉ 1 mà có thể 2 hoặc 3 con. Ngay tức khắc những người giữ lưới sẽ dùng giáo lao đến để hạ gục con thú. Cuộc săn kết thúc, họ đem sản phẩm về bản làm thịt và phân phối theo chế độ. Trong trường hợp thú săn bị thương bỏ chạy, người có kinh nghiệm sẽ lần theo những dấu máu đọng để phán đoán tình hình. Nếu nhìn thấy máu nhỏ liên tục, có máu đỏ tươi đó là thú bị thương rất nặng phải tìm cách đuổi theo; nếu máu đọng thành từng vũng cách quãng hoặc có dấu kéo trượt nghĩa là thú bị thương ở chân không đi xa được; vết máu ít hoặc có bọt trắng (máu phổi) thì thú chỉ bị thương nhẹ. Khi đó tùy vào tình thế mà đuổi theo hay không...
Khi phân chia chiến lợi phẩm, họ thực hiện một chế độ công bằng tùy thuộc vào công sức (ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít) và vũ khí đóng góp. Sự công bằng ấy gần như tuyệt đối. Tất cả những người đi săn đều được chia phần xương thịt như nhau, nếu có khách qua đường thì khách cũng được một phần, khách đến nhà nào thì nhà đó cũng được chia thêm một phần cho khách. Ai có lưới mắc thú thì được thêm một phần, ai có chó săn cũng được thêm 1 phần, ai là người phát hiện ra con thú cũng được chia thêm 1 phần, ai là người trực tiếp đâm con vật thì được hưởng phần thịt ngon nhất là thịt đùi.
Riêng đầu và bộ lòng thú cùng chén huyết đọng sẽ được giữ lại để tiến hành lễ cúng tạ ơn Yang Kneé tại nhà người phụ trách công việc săn bắt. Ngoài những thứ này, nếu con thú săn được là mang, lợn rừng, gấu... (là những loài thú to) người ta phải chuẩn bị thêm 1 con gà và một quả trứng. Trong lễ tạ ơn, người chủ lễ khấn mời Yang Kneé đến dự lễ và cầu cho thú đừng đến phá rẫy, nếu chúng đến phá rẫy thì phải chết, phải mắc lưới, mắc bẫy của người dân, trong những lần săn sau. Cúng xong, tất cả mọi người sẽ ăn bộ lòng và đầu thú, họ vừa ăn vừa uống rượu, có khi kéo dài cả đêm như là một ngày hội.
Ngoài tổ chức đi săn tập thể, đồng bào còn làm bẫy đặt ở những nơi thú thường xuyên đi qua và ở xung quanh rẫy. Đặc biệt, luật tục cũng quy định khi đặt bẫy phải làm dấu báo hiệu để người khác biết, tránh tai nạn, nếu không làm dấu báo hiệu mà người khác vô tình dẫm phải, chủ bẫy sẽ bị phạt và bồi thường.
Khi đi săn cá nhân, dù là dùng nỏ, đặt bẫy hay giăng lưới, người dân cũng tiến hành các nghi lễ cúng tế tương tự như khi đi săn tập thể. Với người đặt nhiều bẫy, chiếc bẫy đầu tiên đặt ở đâu thì họ cúng ở đó. Sau khi săn về, họ sẽ tự tiến hành lễ tạ ơn ngay tại gia đình mình. Thông thường các cuộc đi săn cá nhân chủ yếu là săn các loại thú nhỏ và vừa.
Đối với con hổ, một số người cho rằng họ vẫn tiến hành săn bắt như các loài thú khác nhưng không ít người thể hiện sự sợ hãi khi nghe nói đến, họ thậm chí không muốn nhìn thấy hổ. Việc săn bắt hổ chỉ là ngẫu nhiên hoặc trong trường hợp bắt buộc, như: bị hổ tấn công bất ngờ hoặc khi hổ tới làng bắt trâu, bò, lợn, dê... Trong trường hợp đó, sau khi giết được hổ, trừ mối họa cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người ta không ăn thịt hổ mà tiến hành chôn xác hổ ngay tại nơi con hổ bị giết.
Trong hoạt động săn bắt, để cuộc săn luôn thành công, không gặp rủi ro thì người Bru - Vân Kiều còn có nhiều điều kiêng kỵ hết sức nghiêm ngặt. Trước khi đi săn cấm không cho phụ nữ chạm vào các dụng cụ săn bắt như lưới, bẫy, nỏ... Họ cho rằng phụ nữ không sạch sẽ, nếu chạm vào thì cuộc săn sẽ không được thuận lợi, gặp xui xẻo. Khi đi săn không được chào hỏi nhau, nếu chào hỏi sẽ không săn được thú hoặc bị tai nạn bởi nếu hỏi, thú sẽ nghe và biết người đi săn; trong trường hợp đó, phải giải xui bằng cách bẻ một cành cây đưa cho người đi săn. Sau khi đi săn về, chén huyết động được dùng để cúng Yang Kneé trong lễ tạ ơn phụ nữ tuyệt đối không được đụng tay vào và sau khi cúng xong, chén huyết sẽ do người đàn ông rửa, người phụ nữ không được làm thay công việc này, vì họ quan niệm rằng phụ nữ không sạch sẽ, nếu đụng vào Yang Kneé sẽ nổi giận, bỏ đi và như vậy trong các cuộc săn lần sau Yang Kneé sẽ không phù hộ...
Có thể khẳng định hoạt động săn bắt thú rừng là một phương thức kiếm sống khá quan trọng của đa số cộng đồng người Bru - Vân Kiều trên vùng đất Quảng Trị. Với những kinh nghiệm trong hoạt động săn bắt không chỉ giúp cho người dân sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lợi do rừng mang lại mà còn đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên động vật rừng. Tuy nhiên, trước sự xâm hại ngày càng lớn của con người đã làm cho diện tích rừng bị thu hẹp, đồng nghĩa với với việc đó thì số lượng động vật ngày càng ít đi. Điều đó không chỉ làm cho nguồn lợi từ các hoạt động săn bắt trở nên nghèo nàn mà còn khiến các hình thức săn bắt truyền thống như săn bắt tập thể ngày càng bị mai một. Mặc dù vậy, cho đến ngày nay các hoạt động săn bắt cá nhân vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế truyền thống của người Bru - Vân Kiều trên vùng đất Quảng Trị./.
Trần Thị Nhàn
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chư. Người Vân Kiều săn bắt thú. Cửa Việt số 13, 1995.
2. Nguyễn Quốc Lộc. Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. Nxb Thuận Hóa. Huế, 1984.
3. Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông. Luật tục của người Tà Ôi, Cơtu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nxb Thuận Hóa. Huế, 2001
4. Viện dân tộc học. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1978.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN