Bài chòi là một trò chơi dân gian mang yếu tố văn hóa - văn nghệ dân gian khá độc đáo và hấp dẫn, đã từng tồn tại ở một số làng quê miền Trung và Quảng Trị, thường tổ chức vào những dịp xuân về, tết đến, phát triển khá phổ biến vào các thế kỷ XIX, XX.
Trên địa bàn Quảng Trị vào những năm trước Cách mạng Tháng 8 (1945), thú chơi bài chòi đã có mặt một số làng quê, mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang tính truyền thống của làng, về không gian, bố cục, trình tự trò chơi cơ bản vẫn dựa trên một nền tảng hình thức, nội dung nhất định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát vẫn cho thấy có sự khác nhau, sự khác biệt đó, thể hiện ở cách chơi, cách tổ chức, người tham dự chơi, đặc biệt là làn điệu hò và nội dung của câu hò qua những lần chơi.
Bài chòi được phát triển lên từ hình thức chơi bài tới. Bài tới là một hoạt động giải trí chủ yếu giành cho các phụ nữ ở độ tuổi trung niên trở lên ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẽ trong từng gia đình, rồi dần dần người ta ngồi chơi trên ghế và mọi người đứng xung quanh để xem và tham gia ý kiến, sau dần phát triển lên một bước về quy mô cũng như hình thức chơi. Dân làng dựng chòi và người tham gia chơi ngồi trên chòi để đánh. Lúc này thì xuất hiện người hô kèm theo hò với các làn điệu dân gian bằng những ca từ mộc mạc, giản dị, dễ đi vào lòng người đôi lúc lại pha chút hóm hỉnh để cuộc chơi thêm hào hứng và sôi động. Từ đó Hội bài chòi mỗi khi xuân về thực sự thu hút mọi người dân trong làng.
Trong đợt điền dã nghiên cứu về hội chơi bài chòi của người Việt Quảng Trị vào tháng 8 năm 2014 của cán bộ Bảo tàng Quảng Trị, chúng tôi nhận thấy: Từ năm 1945 trở về sau, do hoàn cảnh chiến tranh li loạn và sự nhìn nhận chưa đúng về hội bài chòi (bị xem là một hình thức đánh bạc) vì vậy hội bài chòi không được tổ chức trong các cộng đồng làng. Từ năm 1990 cho đến nay, một số làng quê đã khôi phục và gìn giữ hội chơi bài chòi vào ngày xuân như làng Tùng Luật (Vĩnh Giang), Đơn Duệ (Vĩnh Hòa), Ngô Xá Tây (Triệu Trung)...
Tại làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) cho dù không còn tổ chức chơi như trước đây nhưng người ta vẫn còn nhớ đến cách thức tổ chức chơi thậm chí những câu hò về các con bài vẫn còn in đậm trong ký ức của những người cao tuổi trong làng.
Hà Thượng là một trong những làng quê được thành lập khá sớm vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Theo Ô châu cận lục (1553) của Dương Văn An làng Hà Thượng và làng Lịch Tân/Lạc Tân ngày xưa có tên Hà Lạc Thượng, là 1 trong 65 xã của châu Minh Linh. Đến cuối thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, lúc này làng Hà Lạc Thượng không còn mà đã xuất hiện 2 làng: Hà Thượng và làng Lịch/ Lạc Tân thuộc tổng An Xá, huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa. Đến năm 1886, theo sách Đồng Khánh Địa dư chí thì Hà Thượng là một xã nằm trong 20 xã - thôn - phường của tổng An Xá, huyện Gio Linh, đạo Quảng Trị.
Việc mở cõi khai khẩn đất đai, dựng đặt hương hiệu để hình thành nên làng xóm trên mảnh đất làng Hà Thượng công lao thuộc về thủy tổ 10 họ: Lê Thiên, Nguyễn Thọ, Huỳnh, Lê Đình, Tạ, Nguyễn Thúc, Dương, Võ, Hoàng, Phan. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này là 2 vị thủy tổ họ Lê, ngài Lê Thiên Toản và thủy tổ họ Nguyễn, ngài Nguyễn Thọ Ứ là những người đã có công khởi tạo, khai phá hình thành nên làng Hà Thượng, đây là hai ngài tiền khai khẩn được người dân trong làng qua bao thế hệ vinh tôn và thờ cúng. Hà Thượng là một làng có các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng như: đình, chùa, đền, miếu… được bảo tồn, tôn tạo khá quy cũ và bề thế.
Theo các cụ cao niên làng Hà Thượng (Nguyễn Thị Đỉu: 93 tuổi, Lê Tích, Nguyễn Đức Ấu, Lê Thị Cháu…) cho biết: hội bài chòi của làng có từ rất lâu và tồn tại cho đến năm 1945. Từ sau năm 1945 đến nay, hội bài chòi làng Hà Thượng mặc dù không được tổ chức chơi, nhưng quy trình và những điệu hò bài thai vẫn còn in đậm trong tâm thức của người dân.
Hội bài chòi làng Hà Thượng được tổ chức thường niên vào dịp Tết nguyên đán (từ mồng 1 đến mồng 7), tại Chợ Cầu (nguyên xưa, chợ nằm trước cổng đình làng Hà Thượng trên một khu đất thoãi dài là nơi thuận lợi về giao thông: có đường sông Bến Sanh làm đường vận chuyển hàng hóa từ các vùng lân cận đến cập bến đò Rào Chợ.
Để bước vào hội chơi, ngay từ tháng 12 âm lịch, ban tổ chức hội chơi (gồm các vị chức sắc, hội đồng tộc trưởng và các vị bô lão...) tiến hành họp bàn và phân công cho các bộ phận thực hiện những nội dung công việc như: dựng chòi, chuẩn bị sân bãi, hậu cần, trang trí..., công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước ngày 25 tháng 12 âm lịch.
Chòi được dựng phía trước sân chợ, gồm 11 hoặc 7 chòi, bên trái có 5 (hoặc 3) chòi và bên phải có 5 (hoặc 3) chòi, gọi là chòi con và 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Chòi cao khoảng 2m, các cột của chòi làm bằng gỗ, sàn được làm bằng tre (cao 1,5m), mái lợp bằng tranh hoặc lá dừa, ba phía (phía sau và hai bên) được thưng bằng tấm phên/ cót tre (có khi để trống). Các chòi quân được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 10, trên mỗi chòi có một cái mõ làm bằng ống tre và treo một lá cờ hội.
Đối diện với chòi cái là bàn Hội đồng (Ban tổ chức) được đặt vị trí trang trọng. Trên bàn được bày biện các vật dụng như ống thẻ, những con bài cái, bài con, cờ thưởng được cắm trong một ống tre và tiền thưởng đặt trong một khay; ngoài ra còn có trà rượu cho các vị chức sắc và Ban tổ chức. Bên trái bàn Hội đồng là dàn cổ nhạc gồm trống con, mỏ, thanh la, trống đại, đàn nhị, kèn...
Về bài chơi: sử dụng bộ bài tới, gồm 60 con (30 cặp), thân bài được làm bằng nan tre rộng khoảng 3cm, cao khoảng 20cm, các con bài in bằng giấy và dán lên nan tre, phía dưới chân các nan tre của con bài có sơn các vạch trắng đỏ để phân biệt. Các còn bài được đựng trong 2 ống tre (mỗi ống đựng 30 con).
Về trang phục: ban tổ chức mặc áo dài, đầu đội khăng đóng; 3 người hiệu (1 hiệu hô, hai hiệu chạy bài) mang trang phục vàng, đỏ có thắt lưng, đeo mặt nạ mua vui, đầu đội nón chóp. Trong hội bài chòi, các ông/bà hiệu đóng một vai trò quan trọng, là những người tạo nên hội chơi sinh động và hấp dẫn thông qua các trò diễn, câu hò bài thai trong từng ván đấu.
Vào sáng mồng Một tết, dân làng tập trung tại sân đình, nghe đại diện ban tổ chức đọc bài diễn văn khai mạc và thông qua thể lệ hội chơi. Theo quy định của ban tổ chức, hội chơi được chia làm 2 phe (mỗi phe 5 chòi ở cùng một phía). Sau đó người chơi mua vé để lên chòi chơi, trên vé có đánh số chòi, người chơi mua trúng chòi nào thì lên chòi đó. Khi người chơi đã lên đủ trên các chòi thì hai ông hiệu chạy bài tiến hành phát bài cho 10 chòi quân, mỗi chòi được chọn ngẫu nhiên 3 con bài, 30 con bài còn lại đựng trong ống tre đặt ở chòi cái.
Sau khi các chòi đã chọn xong bài, ông hiệu hô (người hô) bước đến ống tre đựng cờ ở chòi cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài anh hiệu hô câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc, cắc, cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi" thì anh hiệu sẽ sai ngưòi phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này âm thanh của các nhạc cụ vang lên báo hiệu có người thắng/tới. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ ván cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác. Phần thưởng trao cho chòi thắng cuộc là tiền mặt.
Trong hội cờ chòi làng Hà Thượng, mỗi con bài ứng với các câu hò bài thai (tùy theo ông/bà hiệu ứng tác), dưới đây là một số câu thai về các con bài (chép theo trí nhớ của bà Nguyễn Thị Đỉu: 93 tuổi - một trong những người đã từng tham gia chơi bài chòi).
1. CON ĐẤU
Chim quyên đậu mái đình thành
Đứng xa thì thấy một cặp, lại gần thì một con.
2. CON NGŨ
Chợ đang đông răng em không ra giảo lượn hơn thua.
Để mần chi cho chợ tan quán tắt thì vò vọ với cua ghềnh em cũng quơ.
3. CON XE
Phải xa ra thì xa cho đứt cho mất,
Phải xích lại thì xích lại cho gần cho thành thất thành gia.
Đừng còn lâu lâu viếng tới cho dạ choa đây thêm sầu.
4. CON NGHÈO
Thầy và mẹ bên em răng hay nói nhiều điều thắc mắc.
Con trâu đi đường tắc đừng dắt lại đường rì.
Chàng mà xa thiếp thì khổ lắm ri ơi hởi trời.
Hoặc:
Bần sĩ cơ hàn, hai tay dắt mẹ xuống chốn Trường An mà kiếm tiền.
(theo tích Phạm Công, Cúc Hoa).
5. CON TỬ (THẦY TỬ)
Ngày xưa kia anh có mua cau lòng trứng mỗi chục mỗi giác,
Trầu hương mỗi ngọn mỗi tiền,
Rượu da ngũ bì nhất tảng nhất niên mà anh đem sang bên thầy với mẹ.
Thầy với mẹ nói thằng rễ nớ đảo điên không bằng lòng.
Hoặc:
Ngó ra ngoài biển mù mù
Có con bìm bịp ăn trù đỏ mui (môi)
6. CON TUYẾT (BẠCH TUYẾT)
Hột tiêu không lâu năm răng người ta gọi rằng hột tiêu thọ.
Cây chuối nọ không tơ tình răng cây chuối nọ có con.
Em nói em là người thủ tiết lòng son
Mà ới làm sao mà da em mỏng má em mòn rứa em.
7. CON LIỄU (PHẤT PHƠ)
Phất phơ tơ liễu buông mành
Chim ăn học nói trên cành liễu mai.
8. CON HAI (CHẠNG HAI)
Anh đi một khúc động thì anh ngồi anh ngó
Bước qua hai khúc động mà anh bỏ anh đi
Con cá nọ tróc vi cũng hiềm vì dòng nước chảy
Cành câu gãy vì bụi tre gòng
Bởi người mối lái không xong
Cam thường đạo ngãi (nghĩa) thiếp với chàng không thành chi.
9. CON BỒNG
Đường đi ngái lắm ơi con
Nhà ông ông ở trên non không vừa.
Hoặc:
Bần sĩ cơ hàn, đứng ngoài cửa ngõ ngó vô thấy cành ngọc lá vàng.
Cô ơi cô thương chi người không đẹp bụng thá (thế) gian.
Một mai cô lâm cái tội không biết thở than với ai chừ.
(theo tích Phạm Công, Cúc Hoa).
10. CON GIỐNG
Áo đương còn khô vì răng mà áo ướt.
Cũng vì chàng chậm bước nên chi thầy với mẹ bên thiếp mới gã trước thiếp đi.
Thôi thôi anh hãy lộn lui về, cứ an tâm kiếm vợ có chuyện chi mà anh buồn.
11. CON ẦM
Tôi đây vốn thiệt ông Ầm.
Ai ưng cứ đánh ai sợ lỗi lầm thì thôi.
12. CON THẦY (THẦY TRỘM, CỬU TRỘM)
Tiên tề kỳ gia hậu trị kỳ quốc.
Ngọn cờ phất ngọn khoai cũng phất.
Nồi đồng sôi thì nồi đất cũng cứ sôi.
Biết răng chừ mãn hạn cho rồi.
Ai phân duyên nợ để lại ngồi mà phân.
Hoặc:
Biết em từ thuở đánh bài
Em đi bát vạn em nài cửu văm.
13. CON MỎ (ĐÀO MỎ)
Rượu không uống mang bầu chịu tiếng
Dạ không uống mang giếng ngồi sầu
Em trách lòng anh răng trí hiểm mưu sâu
Đêm năm canh chung tình với vợ
Ngày sáu khắc thả lưới buông câu cho em lầm.
Ngó lên trên non thì thấy rún biển
Ngó xuống dưới biển thì thấy cây cỏ còng
Anh ở làm răng cho trọn điệu anh hùng
Kẻo cầu cao ván mỏng gió rung nhờ trời.
Hoặc:
Miệng kêu tay ngoắt chơi vơi.
Lòng em thương anh đây cảm động bốn biển trời đều hay.
Tang cha như tang chú, tang cụ như tang mạ.
Cây lá má tùng.
Anh có thương em thì chờ đợi em cùng,
Vì em còn mắc hai chữ hiếu trung chưa đền.
16. CON XƠ (LỤC CHUÔM)
Cươi (sân) anh ba năm răng em không thấy anh quét
Tréc (nồi) anh ba năm răng em không thấy anh chùi
Trọ (đầu) anh như cục bùi nhùi.
Ra hò nhơn ngãi (nhân nghĩa) với tui răng rồi.
17. CON ĐƯỢNG (NỌC ĐƯỢNG)
Em ơi răng mà xem lên thì sáng ràng sáng rạng,
Ngó lên đã thấy mặt trời.
Vì em sa giấc ngũ nên con bướm anh vô chơi lộng chừng.
Ngó lên trên trời thì thấy tàu bay tợ dường như con én liệng
Ngó xuống dưới đất thì thấy tàu điện chạy liên miên
Ơi tình ơi nợ ơi duyên.
Có nơi mô kết vấn thề nguyền.
Để mần chi bữa ni chờ bữa mai đợi để lợ căn duyên bạn cười.
Con chim ăn đồng nội,
Con gà gáy tại cội cầu đôi.
Ôi thôi rồi duyên mãn tình hồi.
Ai có điều chi thì phân đi nói lại kẻo trời rạng đông.
20. CON HƯƠNG (TỨ CẲNG)
Tứ ơi con ở với ông.
Ai kêu ông thì con chạy để con tìm chồng cho mau.
21. CON TRÒ
Nặng vì tình say sưa vì ngãi (nghĩa).
Vì ai cho nên xuân dại mai tàn.
Chuyện trò lắm lúc vương mang.
Nhớ là nhớ câu nguyện ngọc thề vàng chớ quyên.
Hoặc:
Để lo chi mãn khóa học hành
Vợ con chưa có nên chưa thành thất gia.
22. CON QUĂN
Tóc quăn lấy đá mà đằn
Đá đi đường đá tóc quăn lên trời.
23. CON TÁM TIỀN
Thầy với mẹ em giàu sắm cho em năm chiếc xe điện.
Chiếc lên Lào cất hàng gạo nếp,
Chiếc vô Sài Gòn bán sáo mua hương,
Chiếc ra Thừa Lương thuê đò nằm mát,
Chiếc vô Đông Ba coi hát tân bường.
Đôi ba nơi han hỏi mà em đây cứ nói nhớ với thương.
Chờ người quân tử gá nghĩa cam thường trăm năm.
24. CON GIÀY
Anh năng qua lại cho giày.
Nếu thầy mẹ không bán gã để em bày mưu cho.
25. CON SƯA
Lưới sưa đem bủa trên rừng,
Thỏ khinh thỏ mắc thỏ đừng than van.
26. CON BA (CHẠNG BA)
Đi ba động bảy đèo,
Không đi thì thương em,
Em khóc cheo leo một mình.
27. CON DỌN (THẠCH DỌN)
Anh đáo tới nhà em,
Em dọn cơm cho ăn một mâm cơm đủ mà chưa đủ,
Còn thiếu một dĩa bún tàu hủ tiếu kim châm,
Ăn rồi bắt phủ hoàn mâm,
Khuyên anh dọn lại chớ âm thầm với ai.
28. CON SÁU TIỀN
Tiền tài là phấn thổ,
Nghĩa trọng là thiên kim,
Con le le mấy thuở chết chìm,
Người nhơn (nhân) khó kiếm vàng tìm còn ra.
29. CON VOI
Ai cho tượng bước đầu ghềnh,
Mẹ thì cắm bông tha trái, con khớp bành tan hoang...
Hội bài chòi ở Hà Thượng là một sảm phẩm văn hóa được kết tinh từ vốn sống, là nét văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn. Hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần của người dân trong làng, thu hút cả người già và lớp trẻ ở khắp vùng tạo nên không khí vui tươi đầm ấm trong những ngày xuân. Chính vì vậy, cộng đồng làng mong muốn hội bài chòi được khôi phục lại, nhưng do điều kiện về mặt tài chính còn hạn chế không đáp ứng được cho như cầu tổ chức hội chơi, do đó cộng đồng làng đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ một phần kinh phí để làng khôi phục lại trò chơi truyền thống này, thiết nghĩ đây cũng là cơ hội cho chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị di sản - những tinh hoa được các bậc tiền nhân trao truyền, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Nguyễn Cường
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN