DI TÍCH ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI
KHU VỰC ĐÔI BỜ CẦU HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI: BIỂU TƯỢNG Ý CHÍ VÀ KHÁT VỌNG THỐNG NHẤT

Không chỉ là nơi từng phải oằn mình gánh chịu bom đạn ác liệt của Mỹ, Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải còn là nhân chứng lịch sử mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Ngày nay, khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành một Di tích Quốc gia đặc biệt và là một biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.

Khu vực Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải là tên gọi cho cụm di tích nằm tập trung 2 bên bờ sông Hiền Lương. Cụm di tích này nằm ở điểm giao nhau giữa sông Hiền Lương và Quốc lộ 1A (cũ) trên diện tích gần 9ha; trong đó, bờ nam thuộc thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, bờ bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, cách thị xã Đông Hà 22 km về phía bắc, cách trung tâm huyện Vĩnh Linh 7km về phía nam.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (ngày 20-7-1954), vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Hiền Lương được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời, sau hai năm, hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng sự thật lịch sử đã không diễn ra đúng như vậy, Mỹ và chính quyền VNCH âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, muốn biến miền Nam Việt Nam thành một quốc gia riêng lẽ, đối đầu với miền Bắc, đi ngược lại nguyện vọng, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Từ chỗ là giới tuyến quân sự tạm thời, sông Hiền Lương/Bến Hải trở thành nỗi đau chia cắt đất nước suốt 20 năm trời và nỗi đau ấy như một định mệnh khắc nghiệt làm cho Đôi bờ Hiền Lương trở thành chứng tích bi hùng trong hành trình chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Cách nhau chỉ một mái chèo

Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây (Thanh Hải)

Hôm nay, đến với di tích Khu vực Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải, du khách sẽ được trở về với ký ức về một thời kỳ đấu tranh bi hùng của quân dân đôi bờ giới tuyến trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt và chiêm ngưỡng những công trình mang tính tính tôn vinh như: Cầu Hiền Lương, Kỳ đài bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, Giàn loa phóng thanh, Tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam…

* Cột cờ giới tuyến

Cột cờ hiện nay được xây dựng dựa theo mẫu thiết kế của năm 1962, cao 38,6m, bên dưới được bổ sung thêm phần đài nhằm tôn vinh chiến thắng. Có lẽ, trong các cuộc chiến diễn ra tại Hiền Lương, “đấu cờ” trở thành một cuộc chiến gay cấn, cam go và quyết liệt nhất kéo dài trong suốt 14 năm. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên. Cuộc chiến “đấu cờ” liên tục diễn ra trong nhiều năm. Khi Mỹ và chính quyền VNCH ở bờ Nam nâng cột cờ lên cao nhất 35m thì năm 1962, chính quyền VNDCCH ở bờ Bắc đã dựng cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên đỉnh lá cờ với kích cỡ 96m2; cách đỉnh cột cờ 10m có một ca-bin để có thể đứng thu và treo cờ dễ dàng. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến trong cuộc “đấu cờ” và nó chỉ dừng lại khi Mỹ và chính quyền VNCH không nâng thêm chiều cao của cột cờ.

Liên tục trong nhiều năm, mặc dù phải hứng chịu “mưa bom, bão đạn” nhưng lá cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang, tung bay phấp phới. Để có được kỳ tích đó, các chiến sỹ Công an giới tuyến và nhân dân đã sẵn sàng hi sinh xương máu, tổ chức nhiều lần đánh trả trước sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ. Cuộc chiến đấu bảo vệ ngọn cờ đầu cầu giới tuyến kéo dài suốt 1440 ngày đêm. Biết bao chiến sĩ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ ngọn cờ tổ quốc. Cuộc chiến đấu bảo vệ cờ của các chiến sĩ công an và nhân dân Hiền Lương vẫn còn sống mãi trong kí ức nhân dân Vĩnh Linh và người dân cả nước. Đến với di tích Khu vực Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải bạn không thể bỏ qua khoảnh khắc ghi lại hình ảnh đẹp của cột cờ giới tuyến.

* Nhà Liên Hợp

Bên cạnh cột cờ giới tuyến ngày đêm tung bay phấp phới là hình ảnh một ngôi nhà Liên Hợp mái lợp lá cọ rất bình dị. Ngôi nhà này được phục dựng năm 2001 theo nguyên gốc với cấu trúc theo kiểu nhà sàn với diện tích 16x10m, gồm có 3 gian. Nhà Liên Hợp chính là nơi tiếp xúc, làm việc giữa lực lượng kiểm soát khu phi quân sự và tổ chức Quốc tế 76. Chức năng nhiệm vụ của tổ chức Quốc tế 76 là phối hợp cùng với lực lượng kiểm soát nhằm theo dõi, kiểm tra giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành những điều khoản trong Hiệp định; đồng thời, giải quyết những vi phạm, xung đột của các bên nảy sinh trong quá trình thực hiện và những đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân về việc vi phạm Hiệp định của Mỹ và chính quyền VNCH trong vùng phi quân sự. Đến năm 1968, Nhà Liên hợp bị sập hoàn toàn trước sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ.

* Sông Hiền Lương/Bến Hải

Đến với di tích Khu vực đôi bờ Cầu Hiền Lương, du khách không thể bỏ qua hành trình tham quan một con sông vô cùng thơ mộng nhưng mang trên mình nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc hơn 20 năm: sông Hiền Lương/Bến Hải.

Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.

Con sông lịch sử này có chiều dài gần 100km, nơi rộng nhất chưa tới 200m, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông rồi đổ ra biển Đông qua Cửa Tùng. Trước đây, dòng sông này mang tên Hiền Lương, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ kí kết, con sông mang tên là Bến Hải (tên do người pháp đọc chệch từ địa danh Bến Hai mà thành).

Sông Hiền Lương/Bến Hải trên vĩ tuyến 17 đã chứng kiến bao cuộc tiễn đưa người thân tập kết 300 ngày từ Nam ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ với lời hẹn ước hai năm sẽ trở về. Thế nhưng, Mỹ và chính quyền VNCH đã biến dòng sông hẹn ước ngày gặp lại thành nổi đau chia cắt nhân dân đôi bờ suốt 20 năm trời ròng rã. Dòng sông Hiền Lương/Bến Hải còn là nơi chứng kiến nỗi đau chồng bắc, vợ nam; con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán chỉ bởi sự nghiệt ngã của chiến tranh. Tiêu biểu cho sự đau thương, ly tán là trong đợt hành quân từ ngày 18 đến ngày 20-5-1967, Mỹ và chính quyền VNCH tập trung một lực lượng rất lớn với đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại thực hiện một cuộc hành quân vào các xã nam giới tuyến nhằm dồn dân vào trại tập trung Tân Tường để biến khu vực này thành một vùng trắng. Được sự giúp đỡ, tiếp sức của bà con bờ Bắc, rất nhiều đồng bào bờ nam đã lội qua sông Bến Hải để vượt tuyến sang bờ Bắc nhưng bị máy bay Mỹ ném bom làm chết rất nhiều người dân vô tội. Chiến tranh đã đi qua 45 năm, dòng sông Hiền Lương/Bến Hải hôm nay nước trong vắt, thơ mộng nhưng nỗi đau về một thời chia cắt vẫn ko thể nguôi ngoai trong lòng người dân vùng giới tuyến.

*  Cầu Hiền Lương

Khi đến tham quan di tích Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương chúng ta không thể bỏ qua chiếc Cầu Hiền Lương lịch sử. Cây cầu này bắc qua sông Hiền Lương tại Km 735 trên quốc lộ 1A (cũ), nối liền thôn Hiền Lương ở bờ bắc và thôn Xuân Hoà ở bờ nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương là nơi đã diễn ra cuộc đấu tranh về màu sơn giữa hai chế độ. Để phân chia bắc - nam, chính quyền VNCH đã kẻ một vạch sơn trắng rộng 1cm làm ranh giới giữa hai miền nhằm tạo ra sự đối lập. Một cuộc chiến màu sơn đã diễn ra ngay trên chiếc cầu Hiền Lương lịch sử. Khi chính quyền miền Nam chủ động sơn màu xanh ở nửa cầu phía nam thì với với ý nguyện “thống nhất non sông”, chính quyền bờ Bắc cho sơn nửa cầu bờ bắc bằng màu xanh cho hòa cùng một màu. Và cứ thế, mỗi lần Mỹ và chính quyền VNCH sơn một màu khác đi để tạo ra sự đối lập thì ngay lập tức, Công an giới tuyến bờ bắc lại sơn lại thành một màu chung thống nhất. Cuộc đấu tranh vì màu sơn trên cầu Hiền Lương đã kéo dài suốt 15 năm đến năm 1967 thì cây cầu bị bom Mỹ đánh sập.

Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị đã tiến hành sơn cầu Hiền Lương màu vàng - xanh da trời nhằm tạo điểm nhấn nổi bật cho khu di tích và giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về một giai đoạn đấu tranh gian khổ với khát vọng thống nhất của đất nước.

* Đồn công an giới tuyến

Đồn công an Hiền Lương là một trong 2 đồn chính nằm dọc bờ bắc sông Hiền Lương. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt, nghỉ ngơi của các chiến sĩ đồn công an giới tuyến Hiền Lương làm nhiệm vụ thực thi quy chế khu quân sự, kiểm tra người qua lại khu giới tuyến. Đến năm 1964, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc thì cũng là lúc hệ thống đồn bốt dọc hai bờ sông Hiền Lương tan rã và đồn công an Hiền Lương cũng chấm dứt vai trò của mình. Hiện nay, đồn công an Hiền Lương được phục dựng theo kiến trúc nguyên mẫu đồn Công an những năm 1955 - 1967. Tham quan địa điểm này, du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về một thời kỳ đấu tranh không tiếng súng nhưng vô cùng gay go, quyết liệt giữa lực lượng công an và cảnh sát của 2 bờ nam - bắc nhằm giữ gìn quy chế khu phi quân sự.

* Hệ thống loa phóng thanh

Với những giàn loa phóng thanh được phục chế ở bờ bắc và bờ nam sông Hiền Lương có thể giúp bạn tái hiện về một cuộc chiến không kém phần căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là cuộc chiến về loa phóng thanh. Với 5 cụm loa được phân bố với chiều dài 1.500 mét hướng về bờ nam, hàng ngày mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đến nhân dân miền Nam, kịp thời tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, đường lối đấu tranh thống nhất đất nước cùng những thành tựu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc; đồng thời, đấu tranh vạch trần luận điệu xuyên tạc, âm mưu chia cắt đất nước, đàn áp cách mạng và nhân dân của Mỹ và chính quyền VNCH. Tuy nhiên, Mỹ và chính quyền VNCH cũng gắn ở bờ nam những cụm loa có công suất lớn, phát inh ỏi, lấn át cả loa của phía miền Bắc để “đấu khẩu” với những cán binh tâm lý chiến, mỗi ngày nói từ 14 đến 15h đồng hồ. Cuộc chạy đua về kỹ thuật và âm thanh đã diễn ra rất căng thẳng, quyết liệt trong nhiều năm cả về nội dung, phương tiện kỹ thuật, cách thức thể hiện cho đến mục đích chính trị.

* Cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam và nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất non sông”

Sau khi tham quan những công trình phục chế, phục dựng theo kiến trúc của những năm chiến tranh, du khách sẽ chiêm ngưỡng Cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ nam. Cụm tượng đài với hình ảnh những lá dừa cao vút và hình tượng bà mẹ miền Nam đi cùng với đứa con đã nói lên khát vọng ngày thống nhất, đoàn tụ của những người vợ, người mẹ cùng những đứa con với người thân tập kết ra Bắc; đồng thời thể hiện một niềm tin của nhân dân miền Nam vào một ngày mai thống nhất.

Ngoài ra, nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất non sông” còn là nơi trưng bày rất nhiều ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc trường chinh gần 20 năm của nhân dân vùng tuyến lửa.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, di tích Khu vực Đôi bờ cầu Hiền Lương đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo và hàng năm, di tích đón hàng trăm lượt khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan di tích. Với những giá trị lịch sử nổi bật, ngày 9-12-2013, Di tích Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383QĐ-TTg trong đó Khu vực Đôi bờ cầu Hiền Lương với những hạng mục như: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất non sông... đã làm cho khu di tích trở thành một quần thể gắn kết, một không gian tôn vinh và lưu niệm những chiến tích, sự kiện liên quan đến cuộc đấu tranh của quân dân vùng giới tuyến.

Hiền Lương - Bến Hải hôm nay được cả nước biết đến như một biểu tượng của khát vọng thống nhất, của sự kiên cường, anh dũng đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc. Quá khứ hào hùng của quân và dân đôi bờ Hiền Lương sẽ mãi đọng lại trong tiềm thức của nhân dân cả nước cùng bạn bè năm châu và Hiền Lương - Bến Hải trở thành một điểm sáng trên con đường thiên lý Bắc – Nam; một điểm dừng quan trọng cho tất cả những ai từng mong mỏi và biết về dòng sông giới tuyến lịch sử, về Quảng Trị khói lửa kiên cường./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                              Trần Thị Khánh Ly

XEM THÊM VỀ DI TÍCH ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI