Những di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội
LÀNG LAM THỦY VÀ NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU

1.  Đôi nét về lịch sử, văn hóa làng Lam Thủy

Làng Lam Thủy là một làng quê thuần nông nằm dọc theo bờ sông Vĩnh Định thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; phía đông giáp làng Thi Ông (xã Hải Vĩnh); phía tây giáp các làng La Duy, Duân Kinh và Trà Lộc (xã Hải Xuân); phía nam giáp làng Thuận Đức và Thi Ông (xã Hải Vĩnh), làng Cu Hoan (xã Hải Thiện) và làng Thượng Xá (xã Hải Thượng); phía bắc giáp làng Phương Lang (xã Hải Ba) và làng Tam Hữu (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong).

 Lam Thủy là một trong số các làng được hình thành khá sớm trên vùng đất Hải Lăng/Quảng Trị, vào khoảng thế kỷ XV. Theo “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An (1555) thì Lam Thủy là một trong 49 xã thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong 1. Dưới thời các chúa Nguyễn, xã Lam Thủy thuộc tổng An Khang, huyện Hải Lăng 2. Thời Nguyễn và thời thuộc Pháp, làng Lam Thủy thuộc tổng An Thái, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong 3. Sau Cách mạng tháng Tám, làng Lam Thủy thuộc xã Hải Lý 4. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng Lam Thủy thuộc xã Hải Hưng. Dưới thời VNCH làng Lam Thủy thuộc xã Hải Vĩnh, quận Hải Lăng. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 2-1976, làng Lam Thủy thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi tỉnh Quảng Trị tái lập (1-7-1989), huyện Triệu Hải được tách thành 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong (23-3-1990) 5, làng Lam Thủy là một trong 6 làng thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Nguồn gốc dân cư làng Lam Thủy chủ yếu từ vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh vào theo chính sách di dân của các triều đại phong kiến Đại Việt. Các thế hệ đầu tiên có công lập nên làng Lam Thủy thuộc 8 dòng họ: 6 họ Nguyễn (Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục) 6, họ Võ và họ Lê. Nhưng theo lưu truyền thì người có công đầu tiên trong việc kiến lập hương hiệu của làng là vị thủy tổ họ Ngô, tên Nam, tự Tráng và được phong là Tiền khai khẩn của làng. Ké tiếp là vị Nguyễn Đĩnh được phong là Hậu khai canh cùng với các vị thủy tổ các họ Võ, họ Lê.

Làng Lam Thủy xưa được tổ chức thành 9 xóm, bao gồm: xóm Tả, xóm Hói, xóm Cồn, xóm Làng, xóm Bắc sông, xóm Nam sông, xóm Nam tả (xóm Trường), xóm Rú trong và xóm Rú ngoài. Hàng năm, đến ngày 1 tháng 7 âm lịch là ngày tế làng và cũng chính là ngày hội của làng. Lễ tế của làng được diễn ra ở đình làng, miếu Tiền khai khẩn và lăng Hậu khai canh. Trong quá trình hình thành và phát triển, có một số dòng họ mới nhập cư sau này như: Họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Trần. Con cháu của làng trải qua nhiều thế hệ với nhiều dòng họ khác nhau nhưng tất cả hòa nhập vào đời sống làng xã, cùng đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng quê hương Lam Thủy ngày càng phát triển.

Lam Thủy là một làng quê có bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa. Khi làng xã nơi đây được hình thành thì cũng đồng hành theo đó là sự ra đời của các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Ngày nay, Lam Thủy còn bảo tồn được các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, như: đình, chùa, miếu Thành hoàng, miếu Cao các, miếu Bà thủy, Bà hỏa, miếu Ba ông, miếu Bà cô, miếu vọng…; mỗi xóm có mỗi miếu âm hồn và cô hồn, các họ đều có nhà thờ làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của con dân trong họ.

Bên cạnh đó, làng Lam Thủy còn là nơi lưu dấu nhiều di sản văn hóa truyền thống, trong đó điển hình là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi cho rằng đây là những di sản tiêu biểu của làng xã truyền thống ở vùng đồng bằng Hải Lăng như: Hội cờ chòi, hội đua thuyền, nghề làm giá đỗ, nghề đan kiềng/rế, canh ám làng Lam… Từ bao đời nay, nguồn sống của người dân làng Lam Thủy lấy nông nghiệp làm căn bản, cho nên các mặt trong đời sống văn hóa ở nơi đây đều gắn liền với hoạt động nông nghiệp, những di sản văn hóa phi vật thể của người dân làng Lam Thủy đã phần nào phản ánh điều đó.

2. Những di sản văn hóa phi vật thể làng Lam Thủy

* Hội cờ chòi

Cũng giống như một số làng quê khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chơi cờ chòi ở làng Lam Thủy thường được diễn ra trong các ngày đầu năm, những dịp lễ tết để mang lại không khí đầm ấm, vui tươi, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã. Chơi cờ chòi xuất phát từ trong dân gian theo kiểu chơi cờ quân của những người lớn tuổi, dần dần được các nghệ sĩ chân đất đưa lên sân khấu và trở thành trò chơi truyền thống của người dân các làng quê Quảng Trị trong mỗi độ tết đến xuân về hay trong hội làng.

Xưa, địa điểm tổ chức hội cờ chòi là một khu đất ở trung tâm làng; về sau được chuyển về trong khuôn viên của hội trường hợp tác xã Lam Thủy.

Để tổ chức được hội cờ chòi, trước hết phải dựng chòi. Chòi được dựng ở trung tâm của khu vực tổ chức với 5 chòi (4 chòi quân ở xung quanh và 1 chòi cái ở giữa); khoảng cách giữa mỗi chòi cách nhau chừng 10m. Trên mỗi chòi canh có đánh số 1, 2, 3, 4. Chòi được dựng theo kiểu chòi canh có 4 cột tre làm chân đế. Từ mặt đất lên 1 - 1,2m được tạo ra một khung chòi có sàn làm sạp ngồi có chiều rộng mỗi bề khoảng 1,2m. Ba phía của chòi gắn các thanh tre tạo như lan can và được thưng liếp tre hoặc tranh, bên trên lợp mái tranh/cọ. Trước chòi có bắc một cái thang bằng tre để người chơi lên, xuống.

Ở chính giữa 4 chòi có 1 chòi cái. Gọi là chòi cái nhưng thực chất ở đây chỉ bố trí 1 bàn phụ trách công tác trọng tài để điều khiển trò chơi mà thôi. Chòi cái này gồm 3 người: 1 ông cai, 1 người đánh trống và 1 người sắp cờ.

Sau khi làng khai mạc hội xuân, những người tham gia chơi đăng ký với Ban tổ chức để chơi.

Trong một hội chơi, mỗi chòi có từ 2 - 3 người chơi tùy theo quy định. Tất cả những người chơi đều phải ngồi trên chòi. Bên dưới mỗi chòi có 1 người chạy cờ có nhiệm vụ nhận cờ và trao cờ giữa các chòi quân với chòi cái khi chơi. Trên mỗi chòi có 1 cái mõ làm bằng ống tre dùng để làm hiệu khi đánh cờ.

Tại chòi cái (bàn trọng tài) có đặt 1 cái bàn để cờ, 1 cái trống đại. Trên bàn là 32 ống tre, bên trong đựng 32 quân cờ và 1 cái vụ 4 mặt có đánh các chấm từ 1 đến 4. Ống đựng cờ này được làm bằng tre dài 30cm, đường kính khoảng 2 - 3cm.

Quân cờ là một que tre dài 32cm, bên trên gắn một mảnh vải nhỏ màu đỏ hoặc trắng hình tam giác. Có 16 quân đỏ và 16 quân trắng. Cũng có khi mảnh vải này màu đỏ và màu đen hoặc màu đỏ và màu vàng để phân biệt. Trên tấm vải viết tên các quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã… giống như cờ tướng. Các quân cờ này được quấn lại và đặt vào ống tre.

Cờ chòi được chơi theo hình thức chơi cờ quân.

Sau khi các chòi đã ổn định. Ông cai đánh 1 hồi và 3 đùi trống (gọi là 1 hồi 3 đùi) ngay lập tức 4 người chạy cờ của 4 chòi chạy đến chòi cái (bàn trọng tài).

Ông cai quay vụ, khi vụ dừng lại, mặt trên có bao nhiêu chấm thì chòi đó được bắt cờ trước và cứ như vậy các chòi luân phiên nhau bắt cờ giữa bàn. Mỗi chòi sau khi bắt cờ xong sẽ có 8 quân cờ, 4 người chạy cờ mang cờ trở về chòi mình và đưa lên cho những người trên chòi sắp cờ và nghiên cứu nước đi.

Chòi được bắt cờ trước tiên đồng thời sẽ trở thành người làm cái trong nước đi đầu tiên của hội chơi. Sau khi nghiên cứu xong, họ quyết định số lượng quân cờ sẽ đi và ra hiệu thông qua tiếng mõ (gõ 1 tiếng mõ tương ứng với 1 quân cờ, gõ 2 tiếng mõ tương ướng với 2 quân cờ, gõ 3 tiếng tương ứng với 3 quân cờ...) để cho các chòi khác được biết. Cách này thay cho tiếng hô khi chơi cờ quân, nhưng vì không gian giữa các chòi cách biệt nên thay bằng hiệu lệnh mõ. Các chòi khác nghe tiếng phát lệnh đó mà chuẩn bị quân cờ mang ra ứng thí.

Lúc này, người chạy cờ ở các chòi mang quân cờ của mình đến chòi cái (bàn trọng tài) để đánh. Sau khi đọ quân, chòi nào có quân lớn thì giành phần thắng, được mang cờ về cất ở chòi mình và đồng thời giành quyền làm cái trong ván đấu tiếp theo. Những chòi còn lại bị thua thì để cờ lại ở bàn trọng tài.

Và cứ như vậy, các chòi tiếp tục chơi cho đến hết ván đấu. Phần thưởng cho chòi chiến thắng là số tiền mà các chòi đã đặt cược cho mỗi quân cờ trước khi vào hội chơi. Ngoài ra còn được làng tặng một phần thưởng mang tính khích lệ, động viên.

Luật chơi và cách ăn giống như luật chơi của cờ quân. Có hai cách ăn là ăn lùa và ăn kết.

Ăn lùa là hình thức ăn hết, nghĩa là chòi nào có số quân cờ thắng hết trong các lần đọ quân của ván đấu, hay gọi là 8 ăn 9, nghĩa là mỗi chòi thua 3 quân. Ăn kết là các chòi có số quân thắng sau cùng (trừ quân tướng), số quân thắng càng nhiều thì phần thưởng của ván đó được tăng thêm, có các cách ăn sau: nếu chòi nào có số quân thắng sau cùng là 1, thì ăn kết là 1 ăn 2; thắng 2 con thì ăn kết 2 ăn 3 và cứ tiếp tục như thế để tính lên. Nếu chòi nào có số quân thắng trong ván đấu đó là 3 quân thì không thua, còn chòi nào không có quân nào thắng cả thì chỉ thua 3 quân. Trong ván chơi, nếu quân Tướng về sau cùng tức là ván cờ hòa, không bị thua kết, chòi nào có 2 quân thắng trong ván đấu đó là đủ, nghĩa là không phải thua, còn chòi nào không thắng được con nào thì chỉ thua 2 quân.

* Hội đua thuyền

Cũng như nhiều làng quê khác trên vùng đất Quảng Trị, Lam Thủy là một làng quê sống chủ yếu bằng nghề nông, vì vậy họ thường tổ chức đua thuyền vừa là một trò chơi mang tính chất thi thố đồng thời để thực hiện một nghi lễ với thủy thần, mang ý nghĩa cầu mong việc trồng trọt cũng như việc đánh bắt được thuận lợi.

Thời gian tổ chức hội đua thuyền được tổ chức vào khoảng tháng 10 dương lịch hàng năm. Không gian diễn ra hội đua thuyền là trên đồng (khu vực ruộng bàu ở phía đông bắc của làng).

Thành phần tham gia là mỗi xóm thành lập một đội; có những xóm nhỏ thì 2 xóm ghép lại thành một đội. Làng Lam Thủy có 9 xóm thì thành lập từ 7 - 8 đội đua.

Phương tiện sử dụng trong hội đua thuyền là những chiếc ghe nan. Thời kỳ đầu là những chiếc ghe nan do người dân tự đan hoàn toàn bằng tre, dần dần về sau người ta mới chuyển sang dùng loại ghe nan nhưng nẹp bằng gỗ. Ghe này có thể là do người làng tự đan hoặc thuê thợ từ Huế ra đan. Ghe chỉ được sử dụng vào mục đích đua hoặc cứu nạn trong mùa mưa lụt. Dù là loại ghe nào thì kích thước vẫn bằng nhau theo quy định: Ghe dài khoảng 11m, rộng khoảng 1m.

Một đội đua có 11 người, bao gồm: 1 chèo mũi, 1 chèo lái, 1 tát nước và 8 tay chèo, đội đua thường được tuyển chọn từ những tráng đinh khỏe mạnh, dẻo dai nhất. Vài tuần trước khi diễn ra cuộc đua, đội đua được tập trung để bắt đầu tập luyện nhằm đạt đến sự nhuần nhuyễn của toàn đội và tăng cường sức bền bỉ, dẻo dai cho từng thành viên. Việc luyện tập chủ yếu vào ban đêm và thực hiện ở trên cạn.

Trước khi luyện tập, người ta tiến hành lễ hạ thổ chiếc ghe có từ mùa đua trước để sửa chữa, tu bổ, trang trí lại, chuẩn bị cho cuộc đua mới. Khi việc luyện tập trên cạn đã khá nhịp nhàng, người ta hạ thủy chiếc ghe vừa tu sửa xong để đội đua tập chèo trên đồng một vài lần, trước khi vào hội.

Quân bơi cũng được lựa chọn kỹ lưỡng từ những tráng niên nam theo quy định tuổi từ 18 đến 40, có sức khỏe. Trang phục trong một đội thuyền thì giống nhau, nhưng lại khác các đội bạn để dễ dàng phân biệt.

Đến ngày đua, trước giờ khai mạc, trưởng làng và đội trưởng của các đội đua đến thắp hương tại miếu Thành hoàng và chuẩn bị một lễ tùy tâm gọi là “hạ nề” nhằm xin thổ thần hạ ghe xuống nước và mong cho ghe mình được chiến thắng, đồng thời thông báo nội quy đua trước khi khai mạc (Quy định đua bao nhiêu vòng, số tiền cho các giải là bao nhiêu…).

Địa điểm đua thuyền ở trên vùng ruộng bàu phía đông bắc của làng. Đây là một khu vực ruộng trủng chỉ cấy lúa một mùa. Đường đua gồm “3 vòng 6 tráo/tao”. Ở hai đầu đều được cắm tiêu/vè làm mốc. Trọng tài cuộc đua là các chức sắc và các cụ cao niên trong làng.

Đến ngày tổ chức hội đua thuyền, những chiếc ghe đủ màu sắc của các đội đua được tập hợp về vị trí xuất phát mà Ban tổ chức định sẵn trước cánh đồng cùng những đội đua mặc áo quần có màu sắc khác nhau, sẵn sàng chờ lệnh. Một hồi trống nổi lên, trọng tài phất cờ lệnh, tiếng chiêng trống rộn rã, tất cả các quân bơi đều nhanh chóng nhảy vào thuyền của đội mình. Người cầm lái hướng mũi thuyền vào cuộc theo hiệu gõ, các tay bơi đều dồn hết sức lực vào mái chèo, mái chầm để đưa thuyền lướt sóng trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem.

Cuộc đua thường diễn ra từ sáng sớm, nếu có ít đội đua thì đến giữa trưa là chấm dứt. Nếu có nhiều đội đua thì cuộc thi diễn ra cả buổi chiều. Mỗi lượt tranh tài, đội đua phải bơi đủ “3 vòng 6 tráo” trên một quãng đồng dài khoảng 500m - 600m được giới hạn bởi hai cọc tre tươi làm cọc tiêu (gọi là vè thượng và vè hạ), trước khi lái chính tháo mái chèo mang lên bờ nộp cho ban giám khảo.

 Mỗi cuộc đua thường có 04 loại giải thưởng:

Giải cúng: Là giải thưởng trao cho tất cả các đội đua về đến đích (không kể về trước hay về sau). Theo quan niệm của người dân trong làng thì thuyền về đến đích, không bỏ cuộc giữa chừng là “đầu xuôi đuôi lọt”. Giải thưởng được trao bao gồm 1 lá cờ bằng vải, hình tam giác (ý nghĩa như là cờ lưu niệm) trên lá cờ đó có ghi ngày tháng năm đua thuyền của làng.

Giải phá: Là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua cuối cùng vào buổi chiều. Phần thưởng của giải là một lá cờ đỏ không có hiện vật kèm theo, nếu trường hợp năm đó không có đội nào giành được giải tam liên thắng thì đội được giải phá sẽ nhận được tiền thưởng (số tiền tùy thuộc vào kinh phí và quy định hàng năm của ban tổ chức). Lá cờ này chính là biểu tượng của cuộc đua.

Giải tam liên thắng: Là giải thưởng dành cho đội nào về nhất ba lần trong một cuộc đua. Phần thưởng cho giải này tương đối có giá trị, đó là một con heo để mổ thịt ăn mừng và một lá cờ có ghi dòng chữ giải “Tam liên thắng”. Nếu có 2 đội đạt giải tam liên thắng thì cũng sẽ có 2 con heo để trao thưởng cho 2 đội.

Giải nhất, nhì, ba: Là giải thưởng dành cho 3 đội có thành tích cao nhất trong cuộc đua. Phần thưởng bao gồm tiền mặt và 1 lá cờ, tùy theo thứ hạng mà số tiền mặt được thưởng nhiều hay ít. Lá cờ trao giải có kích thước rộng khoảng 30cm nhưng độ dài khác nhau: Đội nhất được nhận lá cờ dài nhất (khoảng 2m); đội nhì thì lá cờ chỉ dài khoảng 1,8m; đội đứng thứ ba thì lá cờ dài khoảng 1,5m. Trên mỗi lá cờ đều có ghi dòng chữ giải nhất, giải nhì hay giải ba.

Đua thuyền là một trò giải trí mang tính đồng đội cao, vừa là dịp rèn luyện sức khỏe, vừa để giúp vui cho cộng đồng. Đó cũng là một phần trong các hoạt động lễ hội thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp của người dân làng Lam Thủy nói riêng, người Việt vùng đồng bằng Quảng Trị nói chung.

* Nghề làm giá đỗ

Nghề làm giá đỗ là một trong các nghề truyền thống tồn tại khá lâu đời ở làng Lam Thủy. Từ xa xưa các bậc tiền nhân của làng đã biết đến giá trị dinh dưỡng của món ăn này, vì thế nên nghề này đã được lưu truyền từ bao đời nay trên vùng đất làng Lam Thủy. Đặc biệt từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay thì nghề làm giá đỗ làng Lam Thủy phát triển khá mạnh. Hiện tại trong làng có khoảng 80 hộ làm nghề này (trong đó có 21 hộ sản xuất thường xuyên và hơn 50 hộ sản xuất không thường xuyên vào các thời điểm nông nhàn và vào dịp Tết nguyên đán), doanh thu từ các hộ sản xuất thường xuyên hàng năm khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng 7

Nguồn nguyên liệu làm giá đỗ đó là hạt đỗ xanh được trồng tại địa phương hoặc mua thêm ở các chợ địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hạt đỗ để làm giá phải đảm bảo độ khô, đỗ xanh thu hoạch đúng vụ mùa, không quá già hoặc quá non. Hạt đỗ phải chắc, tròn, không bị sâu bệnh, không bị nảy mầm. Nước dùng để ngâm giá phải là nước sạch (chủ yếu là nước giếng đã xử lý bằng bể lọc). Nước có độ PH từ 6,5 - 7,5 là được, nước không bị phèn hoặc vôi.

Dụng cụ làm giá đỗ trước đây dùng lu, hiện nay dùng thùng tôn (loại 40 lít); thau, chậu; rá, rổ, trẹt, mâm (loại lớn); lá tre, lá hóp hoặc cỏ tranh tươi; que tre; bao gai (loại bao gai đay).

Cách làm: Đậu xanh sau khi đem về, người ta tiến hành chọn những hạt đậu tốt, ngâm vào nước nóng (nhiệt độ khoảng 50 - 540C), ngâm ngập nước trong thời gian từ 3 đến 6 giờ cho đến khi hạt đỗ nứt đều, sau đó vớt ra rá để ráo nước.

Thùng tôn sau khi đã rửa sạch thì cho đỗ vào, dùng lá tre tươi phủ kín miệng thùng sau đó dùng que tre gài chặt miệng thùng. Cho nước vào thùng ngâm khoảng 15 đến 30 phút lại đổ hết nước ra.

Hàng ngày, cho nước lạnh vào thùng ngâm trong vòng 1 đến 2 giờ sau đó đổ nước ra, úp miệng thùng xuống dưới để ráo nước. Nếu trời nắng thì ngâm giá trong nước ngày 4 lần, trời mưa thì ngâm giá trong nước ngày 3 lần. Nếu vào mùa hè thì phải dùng bao tải tẩm ướt nước đắp lên đáy thùng cho giá mát và để giá vào phòng kín, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 4 ngày đêm thì giá mọc đều có thể đổ ra rá để sử dụng.

Trong quá trình làm giá đỗ, nếu muốn cho mầm giá béo nục thì mỗi lần cho nước chỉ nới nhẹ que gài; còn muốn cho mầm giá ốm dài thì mỗi lần cho nước phải nới lỏng que gài.

Khi sản phẩm làm xong thì được đưa đi bán ở các chợ hoặc các nhà hàng, quán ăn… Đây là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng vì nó vừa bổ dưỡng lại có nhiều cách chế biến thành những món ngon hấp dẫn, thu hút người thưởng thức.

Trải qua quá trình phát triển, nghề làm giá đỗ đã gắn liền với cuộc sống của bà con làng Lam Thủy từ bao đời nay. Việc duy trì và phát triển làng nghề và liên kết phát triển sản xuất kinh doanh là nhu cầu cần thiết để góp phần nâng cao mức sống của người dân đồng thời bảo tồn được nghề truyền thống của địa phương.

* Nghề đan kiềng/rế

Nghề đan kiềng/rế là một nghề đặc trưng của xóm Rú, làng Lam Thủy, xã Hải Vĩnh. Do là một làng thuần nông nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, để cải thiện đời sống người dân nơi đây tranh thủ thời gian lúc nông nhàn đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công truyền thống nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, trong đó có nghề đan kiềng. Đây là một nghề thủ công truyền thống xuất hiện từ xưa và tồn tại cho đến ngày nay.

Nguyên liệu để đan kiềng gồm 2 loại cây là cây hóp và cây lồ ô/mung. Tuy nhiên cây hóp thường được sử dụng phổ biến hơn. Đây là một loại cây thuộc họ lồ ô nhưng vỏ dày và độ dẻo cao. Cây lồ ô do vỏ mỏng nên người ta ít dùng làm nguyên liệu để đan kiềng.

Cây hóp thường có sẵn ở làng nên người dân thường sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, cũng có khi cây hóp chưa phát triển kịp thì họ vào vùng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh) để chặt cây hóp mang về.  

Hóp sau khi chặt về được chẻ làm bốn hom, vót sạch ruột chỉ để lại phần vỏ/cật bên ngoài, sau đó đem ra đan kiềng lúc hóp còn tươi. Nếu hóp nhiều quá không đan hết kiềng lúc còn tươi thì người ta đem ngâm cây hóp xuống nước, tránh để hóp bị héo (nếu bị héo thì hóp sẽ bị giòn dễ gãy trong lúc đan).

Công việc đan kiềng khá đơn giản, không phải tốn nhiều sức lực mà chỉ cần chăm chỉ, vì thế người dân thường tận dụng thời gian nông nhàn để làm. Để đan được 1 cái kiềng cần có 24 hom (1 nhánh hóp chẻ được 4 hom) chia làm 8 mặt (1 mặt gồm 3 sợi hom gộp lại) và 2 sợi gồng (gồng được vót bằng một thanh tre uốn lại thành hình tròn). Người ta dùng 8 mặt hom luồn qua sợi gồng làm vành miệng, sau đó đan theo kiểu gọi là “lồng mốt” hom dưới luồn qua hom trên, cuối cùng lại luồn qua sợi gồng làm đáy và siết lại các múi hom là được.

 

Kiềng làm ra chủ yếu để kê/đựng các loại soong, nồi, chảo, ấm... nó vừa bảo vệ được các vật dụng không bị vỡ, hư hỏng, móp méo mà còn thuận tiện trong việc bưng bê dễ dàng, sạch sẽ.

Nghề đan kiềng ra đời và đã gắn liền với cuộc sống của bà con làng Lam Thủy từ bao đời nay. Mặc dù giá của một cái kiềng rất thấp nhưng chăm chỉ thì cũng góp phần nâng cao mức sống của người dân; đồng thời bảo tồn được nghề truyền thống của địa phương. Đối với những người thợ lành nghề, mỗi ngày đan được từ 40 - 50 cái. Sản phẩm được thu mua tại nhà hoặc cũng có thể đem đi bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

* Canh ám

Nhắc đến làng Lam Thủy người ta sẽ nghĩ ngay đến món canh ám - một món ẩm thực nổi tiếng của vùng đồng bằng Quảng Trị. Canh ám theo lý giải của người dân, đây chỉ là một thuật ngữ địa phương để chỉ sự trong suốt của nồi canh.

Nguyên liệu chính để nấu canh ám là cá lóc/tràu/quả và cây rau sôông. Cá phải chọn loại cá sống trong môi trường tự hiên (cá đồng), nếu cá có trứng là càng ngon. Cá sau khi được làm sạch, thái từng lát với kích thước vừa phải đem ướp các gia vị gồm: ném hạt, dầu ăn, muối, bột ngọt, nước mắm và một ít tiêu; sau đó đem um qua cho cá được thấm đều. Rau sôông là một loại cây rau dại rất dễ trồng, thân có nhiều gai nhọn như cây hoa hồng, lá có vị chua (vì có vị chua nên nhiều nơi gọi là cây rau chua), lá có dạng như bàn tay; cây già có hoa màu vàng. Để nấu canh phải chọn rau tươi, vừa hái trên cây xuống, rửa sạch. Rau ở đây gồm cả lá và thân non của cây. Thân cây có thể cắt làm từng đoạn hoặc bó thành cuộn để dễ vớt ra khi nấu; nếu nấu canh chỉ lấy phần lá sẽ làm cho nước canh mất hẳn vị ngon.

Để nấu một nồi canh ám, trước hết là cho một lượng nước lã vào soong rồi đun lửa mạnh, thêm một ít ruốc (ruốc bỏ vào chén nhỏ, đỗ nước khuấy đều cho tan để lọc phần cặn; nếu ruốc không được lọc cặn thì nước canh sẽ bị đục) khi nước thật sôi mới cho rau sôông vào. Khi nước sôi một hồi, nếm thử nước canh có độ chua vừa phải thì vớt rau ra, sau đó cho cá đã um vào, đun sôi lại là được để tránh cho cá khỏi bị dập nát; lúc này, nồi canh đã hoàn thành. Những người nấu canh ám nhiều kinh nghiệm khi nấu xong trứng cá lóc được phi gia vị sẽ nổi trên mặt nồi, lấp lánh vàng đỏ, nhìn rất hấp dẫn. Trong khi đó thì nước canh sẽ có màu trắng nhạt, có thể nhìn được những lát cá chìm dưới đáy soong.

Nước canh ám có vị chua, vị chát của lá sôông, vị béo của cá… Thông thường đi kèm với món ăn này phải có rau sống. Rau sống phải bao gồm các loại sau: cây chuối sứ non bóc bỏ phần vỏ bên ngoài chỉ lấy sườn của bẹ chuối thái mỏng, rau tía tô, lá chanh non, cánh hoa vạn thọ, hoa trang và một ít giá... Để cho hương vị đậm đà và độc đáo hơn, canh ám được dùng chung với rau sống chấm nước lèo; loại nước được pha chế từ các loại gia vị gồm gừng củ giả nát, ớt bột, nước mắm ngon, mè rang.

Cách ăn: Canh ám là món ăn chủ yếu được người dân dùng trong các bữa ăn hàng ngày hoặc trong các dịp giỗ chạp... Khi ăn, canh được chan lên bát, rồi bỏ rau sống chấm nước lèo vào ăn cùng thì đúng là một món ăn ngon khó quên.

Nguyên liệu để chế biến món canh ám (Ảnh NTH)

Quảng Trị mặc dù không phải là mảnh đất có nền văn hóa ẩm thực cầu kỳ và nổi tiếng như những vùng khác, nhưng với sự khéo léo trong cách chế biến món ăn nên dẫu không phải “sơn hào hải vị” vẫn có được những món ăn ngon hợp khẩu vị mà canh ám làng Lam là một ví dụ điển hình.

Có thể nói, những giá trị văn hoá phi vật thể đang tồn tại làng Lam Thủy chính là sản phẩm được kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của cộng đồng cư dân được hình thành trong suốt quá trình sống, lao động để hình thành làng mạc, quê hương. Ngày nay, khi đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, thiết nghĩ việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở làng Lam Thủy là vấn đề cấp thiết, cần có những chính sách phù hợp và sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương nhằm động viên người dân có thêm động lực để trân trọng, nâng niu và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp đó./.

                                                                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Hà


1 Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Nxb Thuận Hóa. Huế, 2001, tr. 34

2 Lê Qúy Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Văn hóa Thông tin, 2007, tr 101.

3 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sách điện tử. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin, tr. 1385.

4 Huyện Hải Lăng thời kỳ này có 14 xã: Hải Văn, Hải Lý, Hải Điền, Hải Trung, Hải Châu, Hải Trình, Hải Đạo, Hải Đức, Hải Long, Hải Minh, Hải Tân, Hải Hòa, Hải Lộc, Hải Trân

5 Quyết định 91-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 12-3-1990. Dẫn lại: Ban chấp hành Đảng bộ xã Hải Chánh. Lịch sử Đảng bộ xã Hải Chánh (1930-2010). Quảng Trị, 2014, tr. 29.

6 Họ Nhất: phái Nguyễn Đức; họ Nhị qua 6 đời hiện không còn tồn tại; họ Tam: phái Nguyễn Thanh và Nguyễn Văn; họ Tứ: phái Nguyễn Đức và Nguyễn Ngọc; họ Ngũ: phái Nguyễn Văn, Nguyễn Viết và Nguyễn Đăng; họ Lục: phái Nguyễn Trí và Nguyễn Quang.

7 Theo ông Nguyễn Trí Nồng, sinh năm 1947, hộ sản xuất giá thường xuyên tại Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH TẬP QUÁN XÃ HỘI
THỜ CÚNG TỔ NGHỀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ TỤC ĐI SIM CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐÌNH - CHỢ LÀNG QUẢNG TRỊ TỤC THỜ ĐÁ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ BÁNH HỘC, BÁNH IN - MỘT NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG CỦA LÀNG NHĨ THƯỢNG HOẠT ĐỘNG SĂN BẮT THÚ RỪNG CỦA NGƯỜI BRU -  VÂN KIỀU QUẢNG TRỊ