Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài người Kinh chiếm đa số thì đây cũng là địa bàn sinh tụ từ lâu đời của hai tộc người thiểu số là Bru - Vân kiều và Pa Cô. Trong đó về dân số người Bru - Vân kiều chiếm phần lớn khoảng 55.079 người phân bố chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, người Tà ôi có dân số ít hơn khoảng 13.961 và phân bố chủ yếu ở các xã giáp Thừa Thiên Huế của huyện Đakrông 1. Cả hai tộc người này đều có tiếng nói thuộc đại chi Môn - Khơmer. Về nhân chủng thì thuộc loại hình Indonésien của tiểu chủng Mongoloide phương Nam. Địa bàn cư trúa của người Bru - Vân kiều và Pa Cô tập trung ở những vùng núi cao dọc theo dãy Trường Sơn. Cách đây không lâu vùng đất này rất giàu về tài nguyên rừng. Trong nữa thế kỷ trở lại đây tổng diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa nên sự thiếu ẩm và thiếu mưa làm cho mùa khô rất khắc nghiệt, mùa mưa chiếm 85 - 90% lượng nước trong năm, lại thêm sông, suối dốc nên trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Nói chung nguồn nước chính phục vụ cho canh tác chủ yếu là nước mưa.
Do đặc điểm của địa hình, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống nên đã tác động rất lớn đến đặc điểm sinh hoạt canh tác của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô sống ở vùng miền núi Quảng Trị. Từ lâu hai tộc người Bru - Vân Kiều và Pa Cô đã chuyển từ săn bắt, hái lượm sang hoạt động săn sản xuất, nhưng các hình thái kinh tế chiếm đoạt vẫn còn đóng một vị trí nhất định trong đời sống tộc người. Tuy nhiên, loại hình kinh tế chủ đạo của đồng bào là trồng trọt, làm nương rẫy. Bên cạnh cây lúa còn có ngô, sắn và các loại cây làm nguyên liệu như thuốc lá, các loại cây gia vị. Công cụ sản xuất của họ hết sức thô sơ: rìu, dao, rựa để phát rẫy, gậy chọc lỗ và giỏ đựng thóc giống tra hạt, các loại cuốc để làm cỏ, gùi đựng lúa và vận chuyển lúa… Nói chung từ bao đời nay, họ chỉ biết đến loại hình canh tác hoả canh với đặc điểm du canh và quy trình phát, cốt, đốt trĩa sơ khai, sản lượng hoàn toàn bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, thời tiết). Bên cạnh đó, do điều kiện cư trú biệt lập, ít tiếp xúc với đời sống văn minh bên ngoài nên nhận thức của con người nơi đây còn nhiều hạn chế nên không thể giải thích được vì sao có năm được mùa, có năm lại sinh ra mất mùa, cơ cực. Tất cả đó là những nguyên nhân nảy sinh, cũng là lí do để người Bru - Vân Kiều và Pa Cô rất coi trọng các vị thần, họ tin vào các thần linh huyền bí (Yang/giàng), họ coi vạn vật hữu linh và thờ cúng các vị thần ấy. Chính vì vậy, một hệ thống lễ nghi tín ngưỡng đã ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống của các bản làng người Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng đó, lễ cầu mùa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào.
Đối với người Bru - Vân Kiều và Pa Cô lễ cầu mùa là tín ngưỡng dân gian liên quan đến các hình thái tôn giáo nguyên thủy, trước hết và chủ yếu là quan niệm vạn vật hữu linh, họ cho rằng cây lúa có linh hồn/thần lúa (Yang Abôn/Yang Xro). Hồn lúa giữ sinh mệnh của lúa, chi phối sự sinh sôi của cây lúa và cả mùa trồng trọt vì vậy phải sử dụng một số ma thuật trong sản xuất tác động đến hạt lúa để cầu sinh sôi nảy nở. Người Pa Cô quan niệm thần lúa là một vị nữ thần được gọi là Acả Abon (Acả nghĩa là bà, Abon là tên của vị nữ thần), liên quan đến quan niệm này là tập tục coi trọng mẹ lúa, là bà chủ kho thóc trong quá trình sản xuất nương rẫy. Truyền thuyết liên quan đến quan niệm này có nguồn gốc xa xưa gắn chặt với tên tuổi của bà là người đã đem hạt lúa đến cho dân bản.
Vì quan niệm có hồn lúa nên liên quan đến cây lúa có nhiều tập tục và kiêng cữ. Với người Bru - Vân Kiều, thần lúa (Yang Abôn) được tượng trưng là một tẻ lúa sai hạt được bỏ vào quả bầu khô buộc vào cột cái ngôi nhà và cứ đến kỳ phát rẫy, trỉa hạt, tuốt lúa đều phải cúng thần lúa. Hoặc trong quá trình chăm sóc kiêng không bón phân cho lúa, sợ lúa bẩn vì họ quan niệm phân dơ bẩn thì hồn lúa sẽ bỏ đi. Với người Pa Cô, thần lúa (Yang Xro) cũng hết sức được coi trọng và được thờ chung tại gia đình trưởng họ, những hạt lúa tuốt đầu tiên phải đưa về và bỏ vào một vật dụng dạng ống được đan bằng tre (armã) treo ở góc nhà, khu vực thờ hồn lúa không ai được phép nằm ngủ và không được đụng đến. Khi thu hoạch chỉ tuốt bằng tay, nếu ai dùng dao để cắt hay dùng các vật khác tác động vào lúa thì động đến thần lúa, làm thần lúa đau sẽ có hại và vụ mùa sau sẽ không được mùa. Ngày nay, người ta có thể dùng dao để cắt, nhưng trước đó phải làm 1 mâm lễ để cúng xin thần lúa cho phép sử dụng dao để thu hoạch. Người Pa Cô còn có quan niệm khi trong làng có đám tang thì đàn ông phải sau 5 ngày còn phụ nữ phải sau 4 ngày mới được lên rẫy, nếu trong thời gian đó nếu lên rẫy thì sẽ đem điều xấu đến cho cây trồng và ảnh hưởng đến năng suất. Ngày nay quan niệm này vẫn còn, nhưng chỉ bó hẹp trong phạm vi dòng họ. Liên quan đến nhận thức lúa có linh hồn và nghi lễ cầu mùa là lòng tin của đồng bào về điềm báo qua giấc mơ. Qua giấc mơ người ta quyết định các công việc trong chu kỳ sản xuất nương rẫy có nên và cần thiết thực hiện hay không.
Trong tín ngưỡng của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô, ngoài thần lúa còn một số vị thần khác đóng vai trò quan trọng trong đời sống tin thần của đồng bào như thần rừng, thần sông, thần núi, thần đất… tất cả các vị thần là chỗ dựa tinh thần, để cầu xin, phò trợ cho những công việc vượt quá sức người. Chính vì vậy, trước khi bước vào vụ sản xuất mới và trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng cho đến lúc thu hoạch, người Bru - Vân Kiều và Pa Cô đều tổ chức các nghi lễ cúng Yang một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức thủ tục và đó là tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất hay còn gọi là lễ cầu mùa, thông qua các nghi thức cúng tế để cầu mong thần linh phù hộ cho đất đai màu mỡ, quá trình lao động được an toàn, cầu cho chim muông thú rừng đừng phá hoại nương rẫy và cầu mong cho cây lúa sinh sôi nảy nở, cho vụ mùa được bội thu, mọi người được ấm no (cho nên các lễ thức tín ngưỡng của hai tộc người Bru - Vân Kiều và Pa Cô đều hàm chứa ý nghĩa phồn thực).
Lễ cầu mùa không chỉ là một lễ thức đơn giản, được tổ chức chỉ một lần và thu hẹp trong phạm vi một gia đình mà là một chuỗi lễ thức được tổ chức nhiều lần trong một năm liên quan đến toàn bộ chu kỳ sản xuất nương rẫy của đồng bào, từ khi chọn rẫy cho đến sau khi thu hoạch. Nó mở rộng ra phạm vi một làng, nghĩa là cả cộng đồng. Có thể lấy một số lễ thức cầu mùa của người Bru - Vân kiều và Pa Cô để có thể hiểu rõ hơn vấn đề này.
Một chu kỳ sản xuất nương rẫy của người Bru - Vân Kiều thường trải qua nhiều giai đoạn và ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với một nghi thức cúng tế nhất định:
+ Khâu chọn đất.
Từ xa xưa đồng bào Bru - Vân Kiều chỉ biết đến loại hình canh tác hoả canh với đặc điểm du canh du cư và quy trình phát, cốt, đốt trĩa sơ khai. Do đó, theo chù kỳ rẫy chỉ được sử dụng một thời gian sau đó bỏ hóa vài năm cho rừng tái sinh rồi tiếp tục canh tác lại. Bằng kinh nghiệm dân gian, họ tìm đến những cánh rừng có đất đai màu mỡ chọn làm nơi canh tác. Sau khi đã thống nhất chọn nơi canh tác mới thì trưởng làng (già làng) sẽ đại diện dân làng khấn với các thần linh (Yang) xin được sử dụng vùng đất này làm rẫy. Công việc chọn đất làm nương rẫy được cộng đồng làng/bản tiến hành sau khi ăn tết. Theo kinh nghiệm của đồng bào những đám đất có khả năng làm rẫy tốt là những đám đất ở lưng chừng núi, những khu rừng già, đất có màu đen... Để chọn một khu đất làm nương rẫy như mong muốn, ngoài những kinh ngiệm có tính kỹ thuật, khoa học, người Bru - Vân Kiều còn dựa vào yếu tố tâm linh, dựa vào sự mách bảo của thần linh thông qua những giấc mơ. Hơn thế nhiều khi yếu tố tâm linh lại mang tính quyết định. Trước khi làm rẫy nếu đêm về nằm mơ thấy nước ngọt, trẻ con, người đến nhà chơi, đám ma... là những dấu hiệu tốt lành, đám rẫy sẽ được sử dụng. Nếu mơ thấy bơi sông không qua, trèo đèo bị ngã, hỏa hoạn, đám cưới... là giấc mơ xấu, đám rẫy sẽ bỏ không làm. Sau khi chọn được rẫy xong phải báo với thần linh, đồng thời cũng làm lễ xin dựng miếu thờ (lape) tại khu đất mới. Khu đất đặt miếu thờ (lape) thường ở bìa rừng, gần với các nguồn nước, tách biệt với nơi cư trú, đây là vùng đất thiêng, khu vực cấm không cho người, trâu, bò vào. Nếu nhà nào vi phạm sẽ bị phạt gà và rượu, nếu vi phạm lần thứ 2 thì sẽ bị phạt nặng hơn lễ vật là một con heo.
Lễ dựng/đặt miếu thờ (lape) là một lễ lớn của cả cộng đồng làng/bản người Bru - Vân Kiều, theo thông lệ thì đến ngày làm lễ toàn thể cộng đồng làng tập trung tại miếu (lape) để tiến hành các nghi thức tế tự, lễ vật dâng cúng, theo quy định mỗi gia đình phải đóng góp 1 con gà ,1 chai rượu, 2 lon nếp, sau khi cúng xong tổ chức ăn uống tại chỗ. Theo quy định trước đây trong lễ đặt miếu cứ 5 năm tiến hành tế lớn và tổ chức đâm trâu 1 lần với thời gian kéo dài 2 ngày 1 đêm. Có thể nói chức năng thờ cúng của ngôi miếu của người Bru - Vân Kiều nó giống như các ngôi miếu thần nông của người Kinh ở vùng đồng bằng, vì vậy các hoạt động nghi lễ được tiến hành hàng năm ở đây.
+ Vào mùa vụ.
Theo tục lệ, hàng năm sau khi dân làng làm lễ cúng tại miếu (lape) xong thì dân làng mới được lên nương làm các công việc như phát rẫy, đốt rẫy và trỉa hạt. Trước khi làm lễ phát rẫy thì trưởng làng đại diện cho dân làng đem lễ vật đến miếu và cầu xin thần linh cho dân làng bắt đầu vào vụ mới và cầu mong được thần linh phù hộ để dân làng phát rẫy an toàn không găp tai nạn. Lễ vật trong lễ cúng này cũng đơn giản, mỗi gia đình đóng góp một con gà, 1 chai rượu, 2 lon nếp; sau khi cúng sẽ ăn uống tại chỗ. Đến lúc trỉa hạt cũng làm lễ cúng tại miếu nhằm mục đích cầu mong các thần linh phù trợ cho mưa thuận gió hòa, các loài chim, chuột… đừng ăn hạt giống để cây lúa lên mầm, nảy nở. Lễ vật trong lễ cúng này cũng tương tự như các lễ trước, do các gia đình tự đóng góp.
Theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa đều có các nghi lễ cúng tế đó là các lễ: cầu cây (giai đoạn lúa đang phát triển) mong cho cây phát triển tươi tốt; cầu bông/cầu chẹn (giai đoạn lúa trổ bông) mong cho cây lúa trỉu bông, chắc hạt. Lễ vật trong nghi lễ này đơn giản hơn chỉ có 1 con gà, xôi, rượu và do trưởng làng cúng.
+ Khâu thu hoạch, mừng lúa/cơm mới.
Thu hoạch lúa rẫy là khâu cuối cùng của chu kỳ sản xuất, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đồng bào. Vì vậy khi lúa chín, người Bru - Vân Kiều tiếp tục làm lễ cúng xin phép thần linh để bước vào thu hoạch. Các gia đình trong cùng một dòng họ thường đem gà đến nhà trưởng họ để cúng. Sau khi tất cả mọị gia đình trong họ đã thu hoạch xong, riêng trưởng họ không được thu hoạch hết phải để lại trên rẫy 4, 6 hoặc 8 bụi lúa tốt sai hạt. Chờ cho mọi gia đình trong họ thu hoạch xong lúc này trưởng họ sẽ lên rẫy cắt lúa về và đặt 4 chẹn lúa lên bàn thờ đồng thời cũng làm 1 con gà để trình các vị thần linh, tổ tiên rằng vụ thu hoạch đã xong, lúa đã về nhà. Sau nghi lễ này thì tất cả mọi người dân trong làng sẽ bàn bạc và chuẩn bị cho một nghi lễ lớn - lễ cúng cơm mới (Cha đôi tamay). Theo như kế hoạch đã thống nhất từ trước đến ngày tổ chức lễ mừng cơm mới, tất cả mọi người trong làng tập trung tại miếu để làm lễ và ăn mừng. Lễ vật mỗi gia đình đem đến miếu cúng gồm 1 con gà, 2 lon gạo mới, 1 chai rượu và chung cho cả làng là 1 con lợn, riêng lễ vật là lợn thì phân công cho một gia đình nuôi và cứ thay phiên nhau trong cộng đồng. Ngày nay, trong lễ cúng này chỉ cần 2 con gà, còn lợn thì góp tiền lại để mua, trong ngày này tất cả dân làng đều tập trung ăn uống tại miếu, các vật phẩm dang cùng phải ăn hết tại chỗ không được mang về nhà.
Sau khi cộng đồng làng làm lễ cúng cơm mới xong nếu gia đình nào có điều kiện thì làm lễ cúng cơm mới để tạ ơn thần linh và báo cáo với tổ tiên về kết quả của một vụ mùa vừa qua.
Với người Pa Cô các lễ thức nông nghiệp được coi trọng hàng đầu, từ các bước như xin đất, gieo một khoảnh lúa tượng trưng để báo cáo với Yang Tro, đến lúc lúa phát triển cho đến khi thu hoạch đều được tổ chức cúng Yang một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức thủ tục.
+ Vào mùa vụ.
Cũng như người Vân Kiều, người Pa Cô trước khi bước vào một mùa vụ mới vào khoảng từ tháng 2 âm lịch, người dân tiến hành các thủ tục là xem đất, chọn rẫy và cũng thông qua giấc mơ để họ quyết định việc làm hay không làm ở đám rẫy mới. Trong giấc mơ họ gặp người yêu, gặp con gái, gặp bạn bè, đi chơi... là những dấu hiệu tốt lành, đám rẫy sẽ được sử dụng. Nếu mơ thấy đi săn, giết trâu bò, giết thú rừng, đánh nhau, mơ người chết ... là giấc mơ xấu, đám rẫy sẽ bỏ không làm. Sau khi đã chọn được đất thì người Pa Cô sẽ tiến hành quy trình phát, cốt, đốt. Trước khi trỉa lúa sẽ tiến hành làm lễ xuống đồng (tiếng Pa Cô gọi là Apiar) để trình báo Yang. Lễ được tổ chức vào tháng 4 âm lịch và theo từng dòng họ, địa điểm cúng tại nhà trưởng họ. Lễ vật gồm 1 con gà, 1 mâm xôi và người chủ lễ là trưởng họ. Sau khi làm lễ cúng xong thì toàn thể con dân trong họ sẽ tâp trung đến một đám rẫy tốt của một gia đình trong dòng họ để làm nghi thức trỉa lúa. Khu vực trỉa lúa là một đám đất nhỏ có diện tích khoảng 1m2, 4 góc xung quanh thửa đất này người ta cắm 4 cây bông lúa (Anoi Apiar) được vót bằng tre có dạng hình tua rua ở phía trên. Trước khi chọc lỗ, trĩa hạt thì người ta sẽ chặt cây ở rẫy để vót gậy chọc lỗ (A pất), cây lấp lỗ (Apoi). Trưởng họ sẽ là người làm nghi thức chọc lỗ và đi sau thường là một người phụ nữ nhiều tuổi có uy tín trong dòng họ và có kinh nghiệm trong sản xuất vừa trỉa vừa lấp lỗ. Sau khi trỉa xong thì các dụng cụ như cây chọc lỗ, cây lấp lỗ đều phải cắm lại 1 bên thửa đất vừa trỉa giống. Khoảng 7 ngày sau đó trưởng họ sẽ quay lại thửa đất này, nếu thấy lúa đã nảy mầm đều, tốt, không bị các loài chim, thú phá hoại thì sẽ về báo lại với dân làng và họ cho rằng đó là điềm báo cho một vụ mùa tươi tốt, còn ngược lại thì đó là một điềm báo xui xẻo cho vụ mùa sắp tới. Sau nghi thức này thì dân làng sẽ bước vào công đoạn trỉa lúa.
Trong chu kỳ phát triển của cây lúa, thời kỳ lúa bắt đầu làm đồng đóng một vai trò rất quan trọng, quy định đến năng suất cây lúa, chính vì vậy trong giai đoạn này người Pa Cô cũng tổ chức những nghi lễ (tiếng Pa Cô gọi là Puuh booh) để cầu mong cho cây trồng tươi tốt, nhiều bông và mẩy hạt; lễ được tổ chức vào tháng 7 âm lịch và được cúng theo khu vực rẫy. Những gia đình có rẫy gần nhau (chia theo khu vực) thì cùng đóng góp lễ vật và cúng trong một ngày. Theo quy định ở khu vực làm rẫy gia đình nào phát rẫy đầu tiên thì sẽ làm chủ lễ. Lễ vật bao gồm: 1 con lợn, 1 con gà, một mâm xôi, rượu tất cả đều phải đem đến khu vực tế để báo cáo với thần linh trước, sau đó mới tiến hành làm thịt và chế biến thành các món để dâng cúng. Địa điểm để diễn ra lễ Puuh booh là khu vực thiêng, nằm gần các con suối, người dân không được đi vào khu vực này, nếu người nào vi phạm như chặt cây, săn bát thú... sẽ bị phạt. Mục đích của nghi lễ này là cầu mong các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa để cây lúa được tốt tươi thuận lợi trong lúc làm đồng và khi trổ bông được chắc hạt, mong cho dân bản có sức khỏe đẻ tiếp tục lao động trong vụ mùa sau. Khi hoàn tất các nghi thức cúng tế thì khấn cảm tạ các vị thần và tiễn họ trở về nơi trú ngụ của mình. Sau khi kết thúc phần lễ, tất thì tất cả mọi người sẽ tập trung ăn uống tại chỗ, và phải ăn hết không được đưa về.
+ Mừng lúa/cơm mới.
Hằng năm, sau khi thu hoạch, người Pa Cô tổ chức lễ ăn cơm mới (lễ Ada), vừa để tạ ơn thần linh, vừa để vui mừng về kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả; đồng thời cũng là dịp để kết thúc năm cũ bước sang năm mới. Đây là lễ hội lớn trong năm của người Pa Cô.
Sau khi tất cả các dòng họ trong làng kết thức hoạt động thu hoạch thì già làng sẽ mời các trưởng họ đến họp và ấn định ngày tổ chức lễ, thông thường lễ được tổ chức vào tháng 11 hoặc 12 âm lịch và thường được tổ chức vào những ngày trăng tròn (14, 16) vì họ cho rằng ngày chẵn là ngày tốt. Lễ mừng cơm mới được tổ chức theo từng dòng họ, nhưng tất cả các dòng họ trong một làng/bản sẽ tổ chức cùng 1 ngày. Tuy nhiên, nếu trong vòng 2, 3 năm liền được mùa lớn hoặc xảy ra mất mùa thì sẽ tổ chức lễ mừng cơm mới chung cả cộng đồng làng, lúc này già làng là người làm chủ lễ. Để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ theo đúng nghi thức, trước khi diễn ra lễ tế 10 ngày trưởng họ phải làm lễ khấn xin thần linh, tổ tiên cho phép dòng tổ chức lễ mừng cơm mới, bằng cách bỏ gạo hoặc nếp, tro bếp vào trong 1 ống tre và đứng trước cửa nhà khấn sau đó đem cất giữ ống tre này vào nhà, đến ngày làm lễ Ada thì đưa ống tre đi đỗ.
Lễ vật dâng cúng trong lễ Ada do các hộ gia đình đóng góp, theo quy định mỗi gia đình phải đóng góp: 1 mâm gà cùng với các loại động vật săn bắt được (cá, chuột, dúi…); 1 mâm xôi và bánh 1; 1 mâm cơm, 1 - 2 chai rượu và chung cho cả dòng họ là 1 con lợn hoặc 1 con dê. Trước khi vào lễ trưởng họ phải gieo quẻ (tựa như cách khấn âm dương của người miền xuôi) để xin thần linh và tổ tiên có cho phép làm lễ hay không, người Pa Cô dùng hai nửa miếng trúc (dài 10cm, rộng 2cm) nắm thảy xuống, nếu 1 sấp, 1 ngửa có nghĩa là thần linh và tổ tiên đã chấp nhận cho dòng họ làm lễ và việc cầu xin đã được như ý, nếu không họ sẽ làm cho đến khi quẻ thuận, nhưng không được quá 5 lần. Sau đó, trưởng dòng họ tiếp tục gieo quẻ để dâng lễ vật nếu 2 mặt cùng ngửa thì có nghĩa là thần linh đã nhận lễ. Trong trường hợp đến ngày lễ mà trưởng họ bị ốm đau không thể làm chủ lễ được thì vợ hoặc con trai trưởng sẽ đứng ra làm lễ cúng, tuy nhiên không được gieo quẻ. Lời khấn trong lễ tế có nội dung cơ bản như sau: Một năm đã đi qua, vụ mùa đã xong dòng họ xin dâng lễ vật báo cáo với tổ tiên, thần linh (thần lúa, thần đất, thần núi, thần nước)… để làm lễ Ada và chứng giám, mong tổ tiên, các vị thần linh phù hộ cho năm sau được mùa, cho dân bản được sức khỏe, bình an. Trong lễ Ada của dòng họ những năm lớn cũng được hiến lễ vật là trâu và trước khi làm lễ đâm trâu thì phải xin phép làng nếu được làng đồng ý thì tổ chức lễ đâm trâu tại sân làng còn nếu làng không đồng ý thì chỉ được phép mổ trâu tại nhà trưởng họ và không được đánh trống, thanh la, nhảy múa, chỉ được đánh trống và thanh la khi làm lễ tế.
Theo phong tục của người Pa Cô, trong lễ Ada có một số kiêng cữ như: trong vòng 10 ngày trước khi diễn ra nghi lễ, con em trong dòng họ không được đi sim, không được ngoại tình, không được bán bất kể vật phẩm gì chỉ được mua vào; những khách không nằm trong danh sách được mời, nếu họ đến bất ngờ thì mời họ ra ngoài phạm vi tổ chức lễ, sau khi cúng tế xong mới được mời họ vào ăn uống...
Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến bối cảnh tộc người, nó là cơ sở để từ đó nảy sinh lễ cầu mùa của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô ở Quảng Trị. Đồng thời cũng đã điểm qua những nghi lễ trong lễ cầu mùa của của hai tộc người này, qua đó có thể thấy sự phong phú và đa dạng của các lễ thức, ý nghĩa nổi bật và vai trò quan trọng của các nghi lễ trong đời sống tinh thần của tộc người. Và, có lẽ do có nguồn góc lịch sử gần gũi với nhau, hơn thế nữa 2 tộc người lại cộng cư trên một vùng đất, trải qua nhiều thế hệ nên không thể không học tập, tiếp thu lẫn nhau nhiều yếu tố trong các lễ thức nông nghiệp. Vì vậy, có thể nhận thấy những nét tương đồng giữa hai tộc người Bru - Vân Kiều và Pa Cô trong các mặt đời sống xã hội nói chung và trong lễ thức nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển của mình, mỗi tộc người có những nét đặc thù riêng, nên trong các lễ thức cầu mùa của từng tộc người cũng mang những nét độc đáo riêng biệt. Có một điều đáng chú ý là hiện nay các lễ thức cầu mùa của người Bru - Vân kiều và Pa Cô đã bị pha tạp và mai một rất nhiều. Đặc biệt là các bước để tiến hành một nghi thức tế lễ truyền thống cũng bị giản lược đáng kể so với trước đây. Thực tế này vốn phát xuất từ rất nhiều lý do khác nhau, nhưng xét cho cùng thì nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ xu thế phát triển của xã hội. Không gian sinh hoạt và lao động của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không còn bó hẹp trong một vùng núi đồi hoang sơ với lối sống tự cung tự cấp nữa. Ngược lại, họ đã được tiếp xúc, giao lưu với các luồng văn hóa từ bên ngoài. Điều này đã phần nào tác động trực tiếp đến nhận thức và làm thay đổi tư duy sinh hoạt của con người nơi đây. Bên cạnh đó, sự thay đổi về cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác, cũng như tác động của yếu tố kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến lối sống cổ truyền và làm biến dạng các nghi thức tế lễ của đồng bào. Tuy nhiên, chừng nào mà cơ sở nhận thức và cơ sở kinh tế - xã hội của lễ cầu mùa còn tồn tại thì chừng ấy lễ cầu mùa vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bru - Vân kiều và Pa Cô ở Quảng Tri./.
1 Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009 tỉnh Quảng Trị. Nxb Thống kê, 2010.
1 Bánh gồm các loại: Bánh đòn được gói bằng lá chuối dài 30cm, đường kính 15cm; Bánh A coát dùng lá đót cuộn 2 góc tạo thành hình dạng giống sừng trâu; Bánh Ăng coo đeep (bánh ống tre) lấy 1 ống tre non 1 đầu để mắt dùng lá sả hoặc lá đót lót vào ống tre sau đó đổ nếp vào và nung trên lửa.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN