Những di sản thuộc loại hình Lễ hội
LỄ ĐẠI TỰ KỲ AN/KỲ PHƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ NHÌN TỪ GỐC ĐỘ TÍN NGƯỠNG TÂM LINH

Trong cơ cấu lễ hội hàng năm của các làng quê người Việt Quảng Trị hầu như không làng nào là không có lễ Đại tự kỳ an/Kỳ phước. Không rõ lễ tế này đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó hiển nhiên tồn tại và được duy trì từ đời này qua đời khác.

Vào các thế kỷ đầu mở nghiệp, những nhóm cư dân Việt định cư trên vùng đất Quảng Trị thường xuyên phải đương đầu với rất nhiều thử thách liên quan đến sự sinh tồn của cộng đồng như hạn hán, lũ lụt, xã hội chưa ổn định... Nền kinh tế buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, phải làm ra của cải vật chất để đảm bảo cuộc sống, nhất là cái ăn cái mặc trong một tình hình hết sức bấp bênh do phương thức sản xuất, công cụ lao động, kỹ thuật canh tác lẫn nhận thức xã hội đều còn hết sức thô sơ. Do đó, họ đã hướng đến một thế giới siêu hình, những vị thần đầy quyền năng dù khuất mặt khuất mày nhưng có thể chi phối đến cuộc sống, ngày đêm giám sát theo dõi, có thể trừng phạt hay phù hộ che chở thông qua việc con người thể hiện thế nào trong nghi tiết hướng về đối tượng này. Vì vậy, cho dù cảnh nghèo khổ túng thiếu có thể họ sẽ gác qua, đơn giản hoá một số hoạt động sinh hoạt khác nhưng với cõi thiêng thì luôn được người dân đặc biệt coi trọng. Niềm tin đó đã tạo nên những hoạt động tương ứng biểu hiện qua các nghi lễ cúng tế để rồi trở thành những tập quán xã hội không thể tách rời với đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Người ta đặt sự tôn kính, vọng tưởng và thực hiện việc cúng tế, thờ phụng thần linh một cách hết sức nghiêm túc. Trong số các nghi lễ đó thì nổi bật hơn cả chính là tập quán tế lễ Đại tự kỳ an (còn gọi là Kỳ phước/Kỳ yên/Cảnh quân/Đông chí) tại các làng quê. Mặc dù thời gian tổ chức nghi lễ này trong một năm tại các làng quê không đồng nhất; có làng diễn ra vào ngày rằm tháng 2, có làng diễn ra vào ngày rằm tháng 6, tháng 7, tháng 8; lại có làng tiến hành vào ngày đông chí... Quy mô và bài bản tổ chức nghi lễ tuy nơi này khác với nơi kia phụ thuộc vào điển lễ và tiềm lực kinh tế nhưng xét cho cùng thì đây là một nghi lễ đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người dân từ bao đời nay.

Trong những năm chiến tranh, do hoàn cảnh li loạn cũng như điều kiện kinh tế quá khó khăn nên lễ Đại tự kỳ an tại các làng quê tạm thời bị gián đoạn. Sau ngày đất nước thống nhất, phần lớn các làng đã nhanh chóng khôi phục lại và duy trì một cách đều đặn cho đến ngày nay.

Lễ Đại tự kỳ an là nghi thức cúng tế nhằm tri ân công lao bảo trợ, che chở và khai cơ sáng nghiệp của các bậc thần linh và tiền nhân trị vì trong cõi. Đồng thời với đó là sự cầu mong về một cuộc sống bình yên thịnh vượng; cầu cho quốc thái dân an, nhân yên vật lợi, mưa thuận gió hoà, mọi người không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, nhân dân ấm no hạnh phúc, vong hồn người đã khuất được siêu thoát… Đây còn là ngày hội của làng, nơi mà con cháu từ mọi miền tạm thời gác lại những lo toan thường nhật để tìm về với cội nguồn, tề tựu đông đủ trong không khí sum vầy đoàn tụ sau những ngày xuôi ngược buôn ba làm ăn sinh sống.

Lễ Đại tự kỳ an ở các làng quê là một nghi lễ mang tính tâm linh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một cộng đồng làng, tập hợp đông đảo người dân tham gia. Cũng chính vì vậy mà nghi lễ này đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị nhất định.

Thông thường trước khi diễn ra đại lễ khoảng 10 ngày dân làng tập trung tại đình làng để họp bàn và bầu ra các bộ phận, các ban phụ trách những công việc liên quan.

Lễ rước thần linh trong hội làng Tùng Luật,
xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (ảng sưu tầm)

 

Ban nghi lễ: chịu trách nhiệm lo việc cúng tế. Gồm có 1 vị chủ tế (người đứng lạy chính trong buổi lễ), 1 vị tướng lễ (chỉ huy buổi lễ), 2 vị đông bồi và tây bồi (lạy căn phía đông và phía tây), 1 vị bồi tế, 6 vị lạy bổn xã, 3 vị thầy văn, 2 vị chấp lệnh (1 người đánh chiêng, 1 người đánh trống đại), 6 người học trò dẫn và 6 người hầu hương. Ở một số làng trước đây còn có 6 người vác lỗ bộ đứng ở ngoài sân lúc tế nhưng nay thì hầu như không còn nữa. Trong ban nghi lễ có đội nhạc cổ gồm 5 người thay nhau chơi các loại nhạc cổ gồm 2 trống con, 2 kèn, 1 sáo và 1 đàn nhị...

 

Ban hậu cần: chịu trách nhiệm lo lễ vật cúng tế và thực đơn cho toàn bộ buổi lễ. Trong ban hậu cần có bộ phận tể sanh/sinh chịu trách làm thịt bò, heo cho lễ tế.

Ban trang hoàng: chịu trách nhiệm trang hoàng, dọn dẹp trước, trong và sau nghi lễ.

Về trang phục và dụng cụ thường dùng của các bộ phận tế lễ. Chủ tế bên trong mặc bộ bà ba trắng, ngoài áo dài màu đỏ, chân đi tất trắng, đầu đội mũ gia lễ màu đỏ. Những người còn lại trong ban nghi lễ mặc áo dài màu xanh, trong mặc bộ bà ba trắng. Chân đi tất trắng. Đầu đội mũ gia lễ màu xanh. Đội nhạc cổ mặc áo dài đen, đội khăn đóng màu đen, bên trong mặc bộ bà ba trắng, hông đeo thắt lưng bằng vãi màu đỏ, chân đi guốc mộc.

Ngày xưa, thường trước khi diễn ra lễ tế thì chủ tế, tướng lễ và 2 người lạy đông tây phải ăn chay nằm đất tại đình làng 1 tuần. Những người khác nằm trong ban nghi lễ thì ăn chay nằm đất 3 ngày. Làng quy định chủ tế không nhất thiết phải là Hội chủ làng mà có khi chỉ là một người hiểu biết rõ nghi thức tế tự, có uy tín với làng và đặc biệt là gia đình không vướng tang chế. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, sáng ngày hôm trước toàn thể dân làng tập trung tại đình trang hoàng và bắt đầu tiến hành nghi thức tế lễ. Đi vào phần chính lễ được tiến hành theo trình tự các bước cụ thể như sau:

Phần sơ yết:

Lễ rước thần linh: Khoảng 14 giờ chiều, ban hậu cần chuẩn bị lễ vật gồm hương, đèn, hoa quả, cau, trầu, rượu, giấy vàng mã... để ban nghi lễ, trưởng các họ, các bậc hào lão và con cháu trong làng mang đến các ngôi miếu, các nhà thờ họ làm lễ cáo. Khi đi có gánh theo long đình (bàn rước linh). Sau khi cáo xong thì rước thần vị và bát hương các vị thần linh của làng, thủy tổ của các dòng họ về đình để dự lễ tế.

Lễ cáo giang sơn: Sau khi rước thần linh, các vị thủy tổ về đình, làng bắt đầu tiến hành làm lễ cáo giang sơn. Ban hậu cần đặt lễ vật gồm hoa quả, cau, trầu, rượu, trầm trà lên bàn thờ. Lễ này tuyệt nhiên không tế đồ mặn. Lúc này ban nghi lễ bắt đầu tập trung sát chiếu lễ để sẵn sàng chuẩn bị vào vị trí tế lễ. Chiếu lễ được trãi ra giữa đình theo 3 hàng, tính từ ngoài vào: hàng ngoài cùng gọi là hạ tịch, hàng giữa gọi là trung tịch và hàng trong cùng gọi là thượng tịch. Chủ tế cầm hương đứng trước bàn lễ lạy cáo với giang sơn và thông báo cho các vị thần linh biết hôm nay làng tổ chức lễ Đại tự kỳ an. Các vị tộc trưởng đứng ở xung quanh lạy theo.

Phần chính tế:

Thường tiến hành vào khuya hoặc sáng sớm ngày hôm sau. Về cơ bản, nghi thức của phần chính tế cũng giống như phần sơ yết, chỉ khác là ở phần chính tế có 3 tuần rượu gọi là sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Còn phần sơ yết chỉ có 1 tuần rượi là Hiến lễ (Hành hiến tửu lễ) mà thôi.

Lễ vật: Đối với phần chính tế thì lễ vật cúng có khi làm đồ chay, có khi làm đồ mặn. Ngoài những lễ vật cần thiết như hương đèn, hoa quả, cau trầu rượu, giấy vàng mã… nếu là cúng chay thì ban hậu cần sẽ làm đồ chay. Còn nếu cúng mặn thì có thể chọn 1 trong 3 loại lễ vật để cúng. Nếu cúng 1 con bò (hoặc heo) thì gọi là lễ sanh vật, nếu cúng 3 con vật là bò, heo và dê hoặc heo, gà, vịt thì gọi là lễ tam vật. Sau phần sơ yết phải làm lễ cáo thổ thần để xin được giết vật tế sau đó ban hậu cần sẽ giết vật để bày soạn lễ vật tế thần.

Trong quá trình diễn ra lễ cáo giang sơn cho đến khi kết thúc phần chính lễ, đội nhạc cổ có nhiệm vụ diễn xướng với các điệu nhạc mang âm hưởng vui tươi yên bình như Kim tiền, Lưu thủy, Long âm, Du xuân, Tam luân cửu chuyển, Phát hiệp, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Long điệp, Đăng điển, Xàng xê, Phú lục…

Kết thúc phần chính lễ thì xem như nghi thức tế lễ đã hoàn thành. Mọi người cùng nhau dự liên hoan ẩm thực, trao đổi thông tin và chuyện trò trong không khí đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm và sau đó trở lại công việc. Ban tế lễ có nhiệm vụ mời thần vị và bát hương các vị thần linh của làng, thủy tổ của các dòng họ về lại vị trí cũ.

Lễ Đại tự kỳ an - một tập quán xã hội vốn đã hình thành từ lâu đời trong lịch sử. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cư dân các làng xã người Việt Quảng Trị từ bao đời nay. Thông qua nghi lễ phản ánh một cách sâu sắc quan niệm và nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan và đặc biệt thông qua nghi lễ này một lần nữa đã khẳng định truyền thống và đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của người dân./.

Trịnh Cao Nguyên

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH LỄ HỘI
LỄ HỘI CẦU NGƯ LÀNG TRUNG AN LỄ HỘI CẦU NGƯ LÀNG BÁCH LỘC LỄ CẦU MÙA CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU VÀ PA CÔ Ở QUẢNG TRỊ LỄ HỘI A RIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI Ở QUẢNG TRỊ LỄ BỎ MẢ VÀ TƯỢNG NHÀ MỒ CỦA NGƯỜI TÀ ÔI Ở QUẢNG TRỊ VAI TRÒ CỦA CÁC NGHI LỄ NÔNG NGHIỆP TRONG ĐỜI SỐNG LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU VÀ TÀÔI/PA CÔ Ở MIỀN TÂY QUẢNG TRỊ