Đôi nét về làng Bách Lộc
Làng Bách Lộc là một đơn vị hành chính của xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng Bách Lộc: Phía bắc giáp sông Bến Hải, phía nam giáp sông Cụt (bên kia sông là làng Thủy Khê), hai phía tây và đông tiếp giáp làng Xuân My.
Bách Lộc là một làng thành lập rất muộn so với các làng khác thuộc xã Trung Hải. Vào thời vua Thiệu Trị triều Nguyễn, có người họ Trần tên là Hiếu tập hợp các gia đình trong số 36 trợ đăng lại và chia thành bốn giáp: Đông - Tây - Nam - Bắc. Các giáp này là cơ sở để hình thành nên phường Bảo Lộc - đơn vị hành chính tập hợp các nhóm dân vạn chài sinh sống trên sông nước của cả khu vực dọc sông Minh Linh và Cánh Hòm. Trong bốn giáp của Bảo Lộc thì giáp Bắc được gọi là giáp Cái - nơi có mộ và miếu thờ của ông Trần Hiếu chính là cơ sở để hình thành nên thôn Bách Lộc sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thôn Bách Lộc hình thành trên đất đai của xóm Eo, làng Xuân My bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX và định hình chính thức thành một đơn vị cư trú - hành chính từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với tên gọi là thôn Bách Lộc.
Từ tháng 3-1946, thôn Bách Lộc thuộc xã Xuân Lộc; từ tháng 1-1947, thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Vĩnh Linh; đến tháng 9-1950 thì thuộc xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh. Từ tháng 7-1954, thôn Bách Lộc thuộc xã Trung Hải, quận Trung Lương và sau khi đất nước thống nhất thì thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho đến tận ngày nay.
Bộ phận dân cư xuất hiện đầu tiên tại Bách Lộc thuộc về những người họ Ngô; nhưng công lao tạo lập nên làng Bách Lộc trước hết thuộc về ông Trần Hiếu, người được tôn phong là tiền khai khẩn của thôn Bách Lộc, tiếp theo là những người con dân thuộc họ Trương. Ngoài ra, các dòng họ khác như: Lê Hoàng, Nguyễn cũng đều là những họ tộc có công trong việc canh điền, lập ấp, xây dựng và phát triển thôn xóm qua nhiều thời kỳ cho đến tận ngày nay [1].
Lễ hội Cầu Ngư của làng Bách Lộc
Nằm ở vị trí sát bờ sông Bến Hải, địa hình thấp trũng có nhiều rào, hói, ao, đầm nhưng lại ở vào cuối nguồn nước của công trình hồ chứa Kinh Môn, nên người đân làng Bách Lộc gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất cây lúa! Hàng trăm năm qua, tận dụng nguồn nước tự có, người nông dân Bách Lộc chỉ gieo cấy được một vụ lúa với diện tích 30ha. Do đó, nghề khai thác tôm cá tự nhiên, nuôi trồng thủy hải sản theo dạng ao đìa, chuôm có một vị thế hết sức quan trọng trong đời sống của người dân Bách Lộc. Hàng năm với truyền thống lâu đời của địa phương, vào ngày rằm tháng Giêng (âm lịch) làng Bách Lộc lại tổ chức lể Cầu ngư mở đầu cho mùa đăng đèn đơm đó khai thác tôm cá trên sông, trên rào. Với mục đích cầu mong cho trời đất thuận hòa, cây cối tốt tươi, cá tôm phong phú để phục vụ cho cuộc sống của con người nên người dân làng Bách Lộc tổ chức lể Cầu ngư một cách rất thành kính. Trước đây lể Cầu ngư được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch, nhưng từ sau giải phóng năm 1975 dân làng đã kết hợp lể Cầu ngư và Cầu yên thành một lể và được tổ chức ngày 15 tháng giêng âm lịch.
Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, là một hình thức sinh hoạt văn hóa - sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển để rồi truyền lưu qua nhiều thế hệ. Lễ hội mang những nét độc đáo, riêng biệt của một làng nghề - nghề đăng đèn đơm đó khai thác cá, tôm trên rào, trên sông, với mục đích lớn nhất là cầu quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài cho dân làng, cầu mưa thuận gió hòa với những mẽ lưới nhiều tôm nhiều cá, gặp niều may mắn.
Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ câu chuyện kể rằng: Cách đây đã mấy trăm năm, dân làng Bách Lộc sống rất cơ cực vì thiếu nguồn nước để sản xuất cây lúa. Dân làng tha phương đi làm ăn khắp nơi, chỉ dịp tết âm lịch mới về làng. Nhiều người còn vào mãi vùng Thuận An thuộc Thừa Thiên Huế để làm ăn, năm ba năm mới về làng. Trong làng có một ông lão sống độc thân, thường gọi là ông Ngư. Ông Ngư không tha phương đi làm ăn như mọi người mà vẫn bám làng. Ông dựng chòi sống bằng nghề đìa cá. Một năm trời hạn lâu ngày, nước trong các rào hói, ao đìa khô cạn. Đìa của ông Ngư cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Thương đàn cá quằn quại dưới đáy bùn nhão vì thiếu nước, hàng ngày ông Ngư phải cố sức qua làng bên xin từng ang nước đổ vào đìa cá. Nhưng do đường xa, sức yếu, trời lại nắng nóng, nên đến ang nước cuối cùng ông đã kiệt sức và qua đời bên đìa cá của mình. Cảm động trước tấm lòng của con người với chúng sinh, trời đã cho mưa xuống, nước nổi đầy đồng, cá tôm sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Dân làng tha phương đi làm ăn khắp nơi biết chuyện, tìm về làm đám ma cho ông Ngư và xây miếu thờ ông Ngư tại cồn đất nơi ông dựng lều sinh sống là Cồn Nghèng. Miếu thờ hiện nay vẫn còn, sau chiến tranh dân làng đã tổ chức trùng tu lại miếu, và hàng năm, đến ngày rằm tháng giêng dân làng lại tổ chức cúng bái, cầu xin ông Ngư phù hộ cho dân làng ăn nên làm ra. Lể cầu ngư làng Bách Lộc ra đời từ đó. Và ông Ngư được dân làng xem là vị Thành Hoàng có công khai canh nên làng làm lể rất to [2].
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội quan trọng nhất trong một năm của dân làng Bách Lộc, là lễ hội đặc trưng mang tính nhân văn cao cả, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một cộng đồng làng vì thế được tiến hành một cách quy mô và hết sức bài bản. Nghi lễ này tập hợp được toàn thể người dân trong làng tham gia.
Để lễ hội được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi thì đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức cẩn thận và chu đáo từ trước ngày 14 tháng giêng. Từ việc chọn địa điểm để lập đàn cúng tế đến việc thành lập ban nghi lễ, lựa chọn phẩm vật dâng cúng đều được tính toán và sắp xếp một cách cẩn trọng, kỷ lưỡng để tránh xảy ra những sai sót, vì theo quan niệm của người dân địa phương thì bất cứ một sơ suất nào trong lễ hội đều đem đến điềm rủi ro trong năm cho mọi người.
* Giai đoạn 1: Công tác chuẩn bị
Trước khi lễ hội diễn ra khoảng ngày 10 tháng giêng, họp làng với thành phần là đại điện của toàn thể các hộ gia đình trong làng. Nội dung của buổi họp bao gồm việc chuẩn bị cho lể, bầu ban hội chủ (hội chủ được chọn phải là người lớn tuổi, gia đình không có tang chế, phải là người sống vui vẻ hòa đồng, tốt bụng và là người biết các loại nghi lễ, phong tục tập quán của làng), thành lập ban tổ chức nghi lễ (trưởng làng, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể, trưởng các họ tộc), ban giúp việc (các đoàn thể trong đó đoàn thanh niên lo việc vệ sinh đường làng ngõ xóm, đi xủi mã cho 50 ngôi mộ vô tự ở trong làng vào ngày 13 tháng chạp; hội phụ nữ lo hậu cần; hội người cao tuổi lo chiêng trống;… ), lựa chọn vật phẩm dâng cúng. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là bàn về tài chính để phục vụ cho lễ hội. Kinh phí chủ yếu là do người dân trong làng đóng góp và các cá nhân có điều kiện ủng hộ. Tất cả các công việc trên đều được tính toán và sắp xếp một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng để tránh xảy ra những sai sót và phải hoàn thành trước ngày 14 tháng giêng âm lịch.
- Địa điểm dựng đàn tế lễ: Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức ngay tại Cồn Mưng. Tại đây, dân làng sẽ tiến hành đặt 3 bàn gồm bàn thượng, bàn trung và bàn hạ. Bàn thượng thờ ngài sông nước (thờ thần Hà Bá), bàn trung thờ Lang Lại Dị Đại tướng quân (ngài Rái cá), bàn hạ thờ vong. Vật phẩm đặt ở mâm thượng gồm đầu heo , hoa quả, giấy áo..
Bàn trung là rượu thịt, gà xôi…
Bàn hạ là nơi đặt các mâm cơm của các hộ gia đình trong làng đem tới cúng.
- Trang phục và dụng cụ của các bộ phận tế lễ:
+ Hội chủ mặc áo dài màu xanh, quần màu trắng, chân đi giày, đầu đội khăn đóng màu đen.
+ Các vị còn lại trong ban nghi lễ bao gồm cả đội nhạc cổ mặc áo dài màu đen, đầu đội khăn đóng màu đen.
* Giai đoạn 2: Cơ cấu lễ hội
Lễ hội Cầu Ngư làng Bách Lộc bao gồm 2 phần rõ rệt: Phần lễ và phần hội. Phần lễ thiên về chức năng phục vụ thần linh diễn ra trang trọng và thiêng liêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho thần sông nước “phò hộ” đầy ắp tôm cá. Còn phần hội là không khí sôi nổi của hàng trăm trai tráng trong làng thi thố tài năng bằng những màn đua thuyền, bịt mắt đập om, bắt vịt trên sông với mục đích nhằm rèn luyện cho sức khỏe được dẻo dai để làm nghề sông nước.
Phần lễ
- Lễ cáo giang sơn: Vào sáng sớm ngày 15 tháng giêng, khi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất Hội chủ làng thay mặt dân làng thắp hương khấn vái ông Ngư tại cồn Nghèng sau đó rót rượu đổ xuống sông, tượng trưng cho việc mời ông ngư thưởng tửu và lên cồn hưởng lể.
- Lễ chính: Đúng 9h00 sáng ngày 15 tháng giêng, khi những già làng của thôn Bách Lộc đã tề tựu đông đủ để chỉ bảo cho con cháu soạn lễ cúng tế. Bên cạnh đó, thanh niên trai tráng mang các loại vật được chuẩn bị sẵn đưa ra “đài khấn”. Khi lễ vật được bày biện sẵn cũng là lúc chủ tế cho nổi một hồi chiêng trống làm hiệu lệnh, sau đó khấn vái giang sơn và chư vị thần linh về chứng giám và dự lễ.
- Lễ cộ của các hộ gia đình trong làng: mỗi gia đình đêm 14 đều thức để chuẩn bị một mâm cộ cúng ông Ngư và cũng chuẩn bị các ngư cụ cần thiết để sau lể hội sẽ nhập ngư. Lễ vật trong buổi tế tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế từng hộ gia đình. Vật phẩm dâng cúng bao gồm trầm, trà, hoa, quả, hương đèn, cau trầu, rượu, cổ xôi, gà, giấy tiền, vàng, bạc…... Theo quan niệm của người dân trong làng thì gà là con vật luôn thể hiện sức mạnh, sự nhạy cảm, nhanh nhẹn; sau lễ cúng các quẻ sẽ ứng vào chân gà, khi bói toán sẽ đoán được vận mệnh của gia đình trong năm.
Phần hội
Bên cạnh phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, thiêng liêng với những nghi thức tâm linh, là phần hồn của lễ Cầu Ngư thì phần hội là phần không thể thiếu và được tổ chức một cách chặt chẽ, chu đáo với những trò chơi tiêu biểu như: đua thuyền, nhảy bao bố, bịt mắt đập om, bắt vịt trên sông… làm cho không khí thêm vui tươi, náo nhiệt. Đây là thời gian mà toàn thể dân làng được vui chơi, nghĩ ngơi, giải trí để xoá tan những lo âu vất vả trong cuộc sống mưu sinh, chuẩn bị một vụ đánh bắt mới đầy hứa hẹn. Trò chơi trong lễ hội cũng phần nào thắt chặt thêm mối đoàn kết, động viên mọi người rèn luyện tài năng, sáng tạo trong lao động sản xuất.
- Đua thuyền:
Hội đua thuyền truyền thống của làng Bách Lộc có từ lâu đời. Hiện nay trong làng không ai nhớ rõ chính xác là hội đua thuyền có từ lúc nào. Đua thuyền là một hình thức đề cao việc rèn luyện sức khỏe và sự nhanh nhẹn khéo léo của người dân vùng sông nước. Trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng dân làng Bách Lộc vẫn lưu truyền và gìn giữ hội đua thuyền truyền thống của làng.
Vị trí đua trước đây là tại cồn Ngèng và được tổ chức hàng năm. Ngày nay dân làng thường đua trên sông Bến Hải và 3 năm thì làng mới tổ chức đua một lần.
Tham gia thi đấu là các ngư dân khỏe mạnh ở trong làng. Làng được chia làm 4 đội mỗi đội 1 thuyền, trên mỗi thuyền có 6 thành viên gồm 1 mũi, một lái và 4 chầm, theo các xóm ở trong làng: xóm 1, xóm 2, xóm 3 và xóm 4.
Thuyền đua được ban hội chủ làng chọn ra từ các thuyền của các gia đình có thuyền trong làng. Thuyền được chọn phải là thuyền dài 15 thước, còn tương đối mới và thuyền đó trong năm khi làm nghề không có rủi ro bất trắc.
Thể thức đua là 3 vòng 6 tao. Có 3 vè là vè hạ vè trung vè thượng. Các thành viên đua ngồi sẳn trên thuyền khi dứt tiếng trống lệnh thứ 3 của Hội chủ làng thì bắt đầu đua.
Thuyền đua phải vòng qua vè trung rồi lên tới vè thượng vòng xuống vè hạ khi đủ 3 vòng 6 tao thì lộn vè trung về đích. Đội nào về trước và không vi phạm luật thì chiến thắng và tiếp tục lần lượt đến đội về thứ 2, thư 3, thứ 4.
Trước đây làng chỉ tổ chức đua thuyền cho nam giới nhưng gần đây đã có tổ chức cho nữ giới tham gia.
Phần thưởng của hội đua thuyền chỉ mang tính chất động viên về mặt tinh thần là chủ yêu. Hội đua thuyền làm cho không khí của lể hội Cầu Ngư thêm phần sôi nổi góp vui cho dân làng dịp đầu năm và cũng để nhắc nhở con cháu về nghề sông nước của làng Bách Lộc.
Ngày trước, khi tổ chức lể hội làng có làm Long Châu (thuyền nhỏ bằng giấy), ngày nay dân làng kết bằng bè chuối, trên đó bỏ thịt, xôi, hương, hoa quả. Sau đó đưa bè ra giữa sông và thả sau khi làm lể cầu ngư và trước khi hội đua thuyền diễn ra. Mục đích của việc làm này là dân làng muốn thả trôi, xua đuổi hết những xu uế, những điều không may của năm để rước những may mắn, tài lộc về cho dân làng.
Hội thi bắt vịt trên sông là một trò chơi độc đáo và mang đậm dấu ấn nghề nghiệp của ngư dân làng Bách Lộc. Hội thi diễn ra trên sông Bến Hải.
Theo quan niệm của người dân, vịt là con vật bơi rất giỏi, có cuộc sống gần gủi với nhữn người làm nghè sông nước. Thi bắt vịt trên sông thể hiện sự khéo léo, bền bỉ, dẻo dai từ đó phản ánh tài năng của ngư dân, hướng mọi người đến việc nâng cao sức khỏe giúp họ vượt qua nhưng tai ương, bất trắc khi làm nghề sông nước.
Quy định cuộc thi rất rỏ ràng, làng sẻ thả một só lượng vịt nhất định khoảng từ 10 đến 20 con ra giữa sông, sau đó khi dứt tiếng trống lệnh thì mọi người không phân biệt già trẻ gái trai, chỉ cần đủ sức tham gia trò chơi thì bơi ra giữa sông để bắt vịt. Người tham gia trò chơi không được dùng thuyền, dùng lưới hay bất cứ dụng cụ nào -khác mà chỉ được bơi lặn và dùng tay không để bắt vịt. Ai bắt được con nào thì đó cũng chính là phần thưởng của do làng trao tặng cho mình. Hội thi bắt vịt vì thế không kém phần hấp dẫn và thu hút người xem và người tham gia.
Lễ hội Cầu Ngư làng Bách Lộc là một loại hình văn hóa dân gian của một làng nghề - nghề đăng đèn đơm đó khai thác cá, tôm trên rào, trên sông, có nguồn gốc từ lâu đời và truyền lưu qua nhiều thế hệ. Đây là lễ hội mang hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không mang tính huyền bí siêu nhiên mà thật gần gũi với đời sống của ngư dân. Lễ hội là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và trần thế, giữa thần thánh và con người, giữa đạo và đời. Mục đích của lễ hội là tưởng nhớ công ơn của các bậc thần linh, các bậc tiền nhân đã có công lập làng, mở cõi, truyền dạy lại nghề, giúp đỡ, phù hộ cho con cháu trong làng làm ăn gặp nhiều thuận lợi để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, lễ hội còn có vai trò lớn trong việc tích lũy, kế thừa và củng cố sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng ngày càng bền chặt. Để bảo tồn, phục hồi và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội Cầu Ngư không chỉ là nhu cầu cấp thiết đặt ra cho nhân dân làng Bách Lộc mà cần sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của tất cả các cấp chính quyền, các ban ngành trong toàn tỉnh. Lễ hội cầu ngư là một lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức, bài bản, đồng thời gắn với phần lễ là phần hội mang tính cộng đồng và tinh thần rèn luyện sức khỏe cho mọi người.
Hồ Khánh Tâm
Chú thích
1. Ban chấp hành Đảng bộ xã Trung Hải. Lịch sử Đảng bộ và Nhân đân xã Trung Hải (1930 - 2010). Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, năm 2012. Sđd. Tr, 41.
2. Theo lời kể của ông: Lê Viết Trình. Năm sinh: 1933. Sinh sống tại Làng Bạch Lộc - xã Trung Hải - huyện Gio linh - tỉnh Quảng Trị.
[2] Theo lời kể của ông: Lê Viết Trình. Năm sinh: 1933. Sinh sống tại Làng Bạch Lộc - xã Trung Hải - huyện Gio linh - tỉnh Quảng Trị.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN