Cầu Ngư là một lễ hội truyền thống và đặc trưng đối với cư dân sống ở vùng ven biển Quảng Trị nói riêng, cư dân sống ở dọc dãi đất ven biển miền Trung nói chung. Ở Quảng Trị, hiện nay, lễ hội này vẫn còn tồn tại khá đậm nét ở các làng Bình An, xã Triệu Vân; làng Cang Gián, làng Cát Sơn, làng Hà Lợi Trung, xã Trung Giang; làng Thái Lai, xã Vĩnh Thái; làng Xuân Khánh, làng Bách lộc, xã Gio Việt; làng Bách Lộc, xã Trung Hải; làng Hà Lợi Thượng, xã Gio Hải; làng Mỹ Thuỷ, xã Hải An; làng Phú Hội, xã Triệu An; làng Thâm Khê, làng Trung An, xã Hải Khê; làng An Hội, làng Ba Lăng, xã Triệu Lăng; làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch...
Sống bằng nghề đi biển, luôn đối mặt với sóng to, gió lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào, cuộc sống của họ gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào về biển. Vì thế, trong quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng, cùng với những đặc điểm về địa lý và lịch sử, đã sản sinh nhiều giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và độc đáo. Một trong những hoạt động văn hóa độc đáo của cư dân nơi đây chính là Lễ hội Cầu Ngư.
Lễ hội cầu ngư là một nghi lễ quan trọng của toàn thể dân làng, nghi lễ này được diễn ra hàng năm và không thống nhất về mặt thời gian (có nơi tổ chức vào rằm tháng giêng như làng Thâm Khê, làng Trung An, xã Hải Khê; có nơi lại tổ chức vào tháng 2 âm lịch như làng Bình An, xã Triệu Vân, làng Phú Hội, xã Triệu An... cũng có nơi tổ chức vào tháng 6 âm lịch như làng An Hội, xã Triệu Lăng…). Mặc dù có khác nhau về thời gian tổ chức, nhưng nhìn chung lễ hội cầu ngư thường gồm 2 phần: phần lễ và phần hội và tồn tại từ xưa cho đến tận ngày nay.
Theo người dân ở các làng ven biển Quảng Trị, thì lễ hội Cầu Ngư được hình thành từ lâu trong các cộng đồng làng xã, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, cầu mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Ngoài ra, lễ hội cầu ngư còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nơi giáo dục tình yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, tôn vinh sức mạnh của ngư dân. Mỗi dịp tổ chức lễ hội cũng là cơ hội để những ngư dân can trường trong sóng gió khẳng định niềm tin sắt đá, ý chí vững vàng vượt qua mọi thử thách để làm chủ vùng biển quê hương và vươn lên làm giàu từ biển. Lễ hội cầu ngư làng Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.
Lễ hội Cầu ngư của làng Trung An được diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, là một hình thức sinh hoạt văn hóa - sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển để rồi trao truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội mang những nét độc đáo, riêng biệt của một làng nghề - nghề biển với mục đích lớn nhất là cầu quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài cho dân làng, cầu mưa thuận gió hòa với những chuyến xa khơi may mắn. Lễ hội đã tập hợp được toàn thể người dân trong làng tham gia. Không gian lễ hội được tổ chức ngay tại bãi biển, bao gồm 2 phần : phần lễ và phần hội. Phần lễ thiên về chức năng phục vụ thần linh, nghi lễ tiến hành trang trọng và thiêng liêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho thần biển “phò hộ” đầy ắp tôm cá. Còn phần hội là không khí sôi nổi của hàng trăm trai tráng trong làng, những ngư dân một đời lăn lộn với biển cả, đối mặt với sóng gió có dịp để thể hiện sức mạnh từ đôi tay rắn chắc và sức vóc của mình trước cộng đồng bằng những màn đấu vật với mục đích nhằm rèn luyện cho sức khỏe được dẻo dai để bám biển.
Mọi công việc chuẩn bị để cho lễ hội được dân làng tiến hành cẩn thận và chu đáo từ trước ngày 14 tháng giêng. Từ việc chọn địa điểm để lập đàn cúng tế đến việc thành lập ban nghi lễ, chuẩn bị phẩm vật dâng cúng đều được tính toán và sắp xếp một cách cẩn trọng, kỷ lưỡng để tránh xảy ra những sai sót.
Ban nghi lễ: Ban nghi lễ gồm các cụ cao niên trong làng, đặc biệt đứng tế là 03 ông trưởng họ, ông đứng giữa là chủ tế. Chủ tế phải là người hay chữ, hiểu biết nghi lễ, phong tục tập quán của làng.
Địa điểm tế lễ: Lễ hội Cầu ngư được tổ chức tại đàn âm hồn của làng.
Ngoài việc chuẩn bị các công việc chung của cả làng, mọi người tham gia làm vệ sinh đường sá, nhà nhà đều tổ chức cúng tế, các thuyền bè đều kết đèn, giăng hoa góp phần làm cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt.
Phần lễ
Khi vào lễ, nghi thức đầu tiên là Lễ cáo giang sơn: Từ tờ mờ sáng ngày 15 tháng giêng (trong những năm gần đây thời gian cúng tế được người dân trong làng chuyển sang gần buổi trưa), khi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, những già làng của thôn Trung An đã tề tựu đông đủ tại nền âm hồn để chỉ bảo cho con cháu soạn lễ cúng tế. Bên cạnh đó, thanh niên trai tráng mang các loại lễ vật được chuẩn bị sẵn đưa ra bày biện tại đàn. Khi lễ vật được bày lên, cũng là lúc lễ cúng cầu ngư được bắt đầu. Hương án hướng ra mặt biển nghi ngút khói trầm hương. Hội chủ làng và các vị trưởng tộc là những người được cử đứng lễ khấn nguyện thần biển. Sau lễ cáo giang sơn, Ban tế lễ đến làm lễ nghinh rước bài vị Thành hoàng, thần Bổn thổ từ các miếu về an vị tại đàn tế.
- Lễ rước ngư ông lên an vị tại miếu. Miếu ngư ông nằm ở vị trí cách nền âm hồn khoảng 200m về phía tây. Chủ tế đứng trước biển, cầm nén nhang khấn mời ngư ông lên an vị tại miếu ngư ông để dự lễ với dân làng.
- Lễ nghinh rước thần biển: Lễ này nhằm mời thần biển và những người trong làng bị chết biển lên dự lễ.
- Lễ đưa hoa quả: Lễ này để cúng cho các cô hồn thập phương không có nơi nương tựa đến phối hưởng. Lễ vật bao gồm các loại như chuối, hoa quả, cau trầu, rượu, giấy áo, gạo muối… tất cả được đặt trên 2 bàn đặt ở ngoài hiên hướng ra biển. Sau khi tàn nén nhang, tống tiễn những điều xấu cùng những linh hồn không nơi nương tựa này đi nơi khác và để lại những điều may mắn cho dân làng.
- Lễ tiến cúng tại miếu âm hồn: Đây là nghi lễ quan trọng nhất. Chủ tế đọc bài văn khấn có nội dung cầu may mắn, hạnh phúc, cầu quốc thái dân an đến với mọi người, mọi nhà; cầu mong các vị thần che chở, giúp dỡ, phù hộ cho dân làng khi ra khơi đánh cá tránh được những tai ương, giận dữ của biển cả, được mùa tôm cá đầy thuyền… với sự hỗ trợ của ban bồi tế, đội nhạc cổ và sự chứng kiến của toàn bộ dân làng.
Lễ vật trong buổi tế tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế từng năm mà chuẩn bị lớn hay bé nhưng thường phải có cỗ “tam sanh”; năm lớn thì mổ bò cùng với heo, gà; năm bé thì thay bò bằng dê và các thứ trầm, trà, hoa, quả, hương đèn, cau trầu, rượu, giấy áo… Kết thúc buổi lễ là nghi thức rước bài vị các vị thần về an vị tại trú sở của họ. Lúc nay lễ hội Cầu Ngư mới kết thúc trong sự hân hoan, vui vẻ của mọi người dân.
Phần hội
Bên cạnh phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, thiêng liêng với những nghi thức tâm linh, là phần hồn của lễ Cầu Ngư, thì phần hội là phần không thể thiếu và được tổ chức một cách chặt chẽ, chu đáo với trò chơi tiêu biểu là đấu vật nhằm góp phần tạo không khí lễ hội thêm vui tươi, náo nhiệt. Đây là thời gian mà toàn thể dân làng được vui chơi, nghĩ ngơi, giải trí để xoá tan những lo âu, vất vả trong cuộc sống mưu sinh, chuẩn bị một vụ đánh bắt mới đầy hứa hẹn. Trò chơi trong lễ hội cũng phần nào thắt chặt thêm tình đoàn kết, động viên mọi người rèn luyện tài năng, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Ngày xưa, phần hội trong lễ hội cầu ngư làng Trung An bao gồm các trò chơi dân gian như: đua truyền, gánh cát, đánh đu, xâu kim, đấu vật… Tuy nhiên, hiện nay một số trò chơi đã bị mai một, trong phần hội chỉ có hội vật là vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm.
Khi phần lễ cầu ngư kết thúc cũng là lúc hội đấu vật được diễn ra. Đấu vật là một trò chơi dân gian đề cao việc rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, mưu trí và khéo léo của người dân. Ngày xưa, vật võ cũng là một hình thức để chọn quân, phong tướng bởi thế nó còn thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Đấu vật là một hình thức thi đấu rất phổ biến ở nhiều hội xuân ở miền Bắc cũng như miền Trung, nhằm tuyển chọn và trao thưởng cho những thanh niên có lòng can đảm, sức mạnh và mưu trí.
Hội vật truyền thống làng Trung An đã có từ lâu đời và không ai biết rõ nó xuất hiện từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng người dân làng Trung An vẫn lưu truyền và gìn giữ hội vật như một gia sản quý báu và là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong lễ hội cầu ngư của làng Trung An, xã Hải Khê.
Sới vật là một khoảng đất cát trắng dọc bờ biển của thôn, xung quanh được chắn bằng rào tre hoặc những sợi dây thừng.
Trước khi vào thi đấu, người ta làm một lễ cúng sân vật, lễ vật đơn giản bao gồm các loại giấy áo, hoa quả.
Trước đây, các đô vật tham gia hội chỉ diễn ra giữa các họ tộc hay các gia đình trong thôn, nhưng hiện nay, đối tượng tham gia được mở rộng ra cả xã, cả huyện. Thành phần tham gia thi đấu bao gồm người ở khắp nơi về dự hội, không quy định độ tuổi, hạng cân. Sau hiệp đấu khai hội mang tính nghi thức của hai bậc cao niên trong làng là cuộc đua tài của thiếu nhi, kế đến mới là các hiệp đấu của người lớn. Ngày xưa, người nào vật thắng tất cả các trận thì mới được giải, nhưng hiện nay người dân có quy định lại là người nào thắng liên tục 4 trận thì sẽ giành chiến thắng. Nếu có nhiều người thắng thì sẽ vào vật vòng chung kết và trao giải nhất, nhì… Những người có tham gia đấu vật nhưng không chiến thắng cũng được trao quà nhằm khuyến khích, động viên tinh thần hăng hái tham gia hội. Người giành giải nhất cuộc thi sẽ được giải thưởng giá trị nhất, buổi tối sau ngày thi đấu đó, người chiến thắng mang giải thưởng và cờ, mua thêm 1 dĩa cau trầu, rượu, vàng bạc đến cúng miếu ngư ông, báo cáo về chiến thắng của mình trong hội vật, sau đó treo cờ tại miếu và mang giải thưởng về.
Lễ hội Cầu Ngư làng Trung An là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của một làng nghề - nghề biển, có nguồn gốc từ lâu đời và truyền lưu qua nhiều thế hệ. Đây là lễ hội mang hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không mang tính huyền bí siêu nhiên mà thật gần gũi với đời sống của ngư dân. Lễ hội là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và trần thế, giữa thánh thần và con người, giữa đạo và đời. Đây cũng là dịp để thể hiện sức mạnh đoàn kết, sự cộng cảm cộng đồng; khơi dậy, truyền dẫn ý thức nhớ về nguồn cội, tổ nghề và những người đã có công lao với làng, với nước. Tham gia lễ hội là nhu cầu tinh thần của con người, là cơ hội để mọi người giải toả, giải bày những uẩn khúc trong đời sống và trao gửi những mong ước của mình với thần linh vì khát vọng hướng tới những điều tốt lành. Bảo tồn, phục hồi và phát huy loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội Cầu Ngư không chỉ là nhu cầu cấp thiết đặt ra cho nhân dân làng Trung An mà cần sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của lãnh đạo các cấp chính quyền hữu quan./.
Hoàng Ngọc Thiệp
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN