LỄ MỪNG CƠM MỚI (A DA ) - NGÀY TẾT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI PA CÔ Ở QUẢNG TRỊ
Người Pa Cô thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và là một trong số những tộc người có nguồn gốc bản địa, cư trú lâu đời trên địa hình Trường Sơn nói chung và trên địa bàn xã A Bung nói riêng. Trong quá trình phát triển, bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nhân bản của mình với tất cả sự năng động, sáng tạo để phù hợp với điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử đã không ngừng sáng tạo ra các giá trị di sản văn hoá truyền thống, sớm khẳng định được một sắc thái văn hóa riêng mang đậm tính bản sắc tộc người góp phần làm nên sự đa dạng văn hoá trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, lễ mừng cơm mới (A da) là một trong những lễ thức mang tính truyền thống của cộng đồng người Pa Cô nói chung.
Trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, người Pa Cô quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cũng tồn tại với thế giới thực tại, để che chở, mang điều tốt lành, hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, thờ phụng cúng tế các thần linh trong thiên nhiên xung quanh họ là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của người Pa Cô.
Có thể xuất phát từ ý niệm “vạn vật hữu linh” của cư dân Đông Nam Á, người Pa Cô quan niệm mọi vật thể tồn tại, phát triển được nhờ có linh hồn, và số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất, được người Pa Cô gọi là Yang/giàng, và thiên nhiên quanh họ như trời, đất, núi, sông, cây cối... đều có các Yang ngự trị. Các Yang là lực lượng siêu nhiên được họ sùng bái, cúng tế - là chỗ dựa tinh thần, để cầu xin, phò trợ cho những công việc vượt quá sức người, nhưng quan hệ lại rất gần gũi, bình đẳng, không cách biệt lớn với thánh, thần như trong quan hệ tín ngưỡng của người kinh, mà sống chung, giao hòa... Tập thể Yang/giàng này sống cùng họ, sẵn sàng đến với họ để cùng giải quyết mọi khó khăn lớn, nhỏ trong cuộc sống. Tóm lại, mối quan hệ bình đẳng đó được thể hiện với những giao ước đơn giản thường thấy trong các lời khấn: Nếu Yang đã hưởng những lễ vật do bản làng cúng, thì Yang phải có trách nhiệm đem đến cho bản làng mọi điều tốt lành, yên vui...
Như đa số các dân tộc ít người sinh sống ở Trường Sơn, người Pa Cô là cư dân làm nông nghiệp nương rẫy ở trình độ thấp, được hay mất mùa thường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, vì vậy họ phải dựa vào thần linh: trời, đất, sông, nước qua các nghi thức cúng tế để cầu mong cho bản thân đất đai và mùa màng tươi tốt (cho nên các lễ thức tín ngưỡng của hầu hết các dân tộc ít người đều hàm chứa ý nghĩa phồn thực). Cũng như vai trò của cây lúa, các lễ thức nông nghiệp được người Pa Cô coi trọng hàng đầu, từ các bước như xin đất, gieo một khoảnh lúa tượng trưng để báo cáo với Yang, đến lúc lúa chín, trước khi tuốt lúa, thu hoạch.v.v... đều được tổ chức cúng Yang một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức thủ tục.
Trong những lễ thức nông nghiệp của người Pa Cô thì lễ mừng cơm mới/A da (còn được gọi với các tên khác như: Tết cơm mới, Lễ tri ân cây lúa hay Tết cổ truyền) là một trong những truyền thống văn hóa đặc sắc của người Pa Cô, một cái tết của đồng bào khi kết thúc vụ mùa, là cái tết tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Lễ mừng cơm mới một năm được tổ chức một lần vào những ngày chẵn trăng tròn (ngày 14 hoặc 16, theo quan niệm của người Pa Cô thì ngày chẵn là ngày tốt) của tháng 11 hoặc 12 âm lịch. Với đồng bào Pa Cô đây là dịp để tạ ơn các thần linh đã phò trợ cho cộng đồng làng/bản trong vụ mùa đã qua đồng thời cầu mong nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu, nhà cửa bình an, mọi người trong nhà khỏe mạnh, không ốm đau, năm mới phát đạt, no ấm, con cái học hành tiến bộ hơn hoặc cũng để giải tỏa những bất hòa giữa 2 làng, hai họ tộc với nhau.... Tết cơm mới/A da cũng là tết đoàn tụ, người Pa Cô dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng cố gắng về quê, sum họp cùng gia đình, cùng làng/bản/viel như người Kinh về nhà ngày tết Nguyên Đán. Có lẽ vì thế, Lễ mừng cơm mới mang màu sắc tết của gia đình, dòng họ và của cộng đồng làng/viel. Do đó, trong lễ không chỉ để cúng thần nông nghiệp mà bao gồm cả một tập hợp Yang/giàng: Yang núi rừng, sông suối, Yang trời đất... Vì tính chất là một lễ hội nên lễ mừng/ăn cơm mới là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa... với đặc tính nguyên hợp của chúng, nên, cũng là nơi bộc lộ tương đối rõ nét truyền thống, bản sắc của tộc người.
Lễ mừng cơm mới được tổ chức dưới hai cấp độ là theo từng dòng họ tại nhà trưởng họ và tổ chức chung cho cả cộng đồng làng tại ngôi nhà chung (nhà cộng đồng/nhà làng). Tổ chức ở cấp độ chung cho cộng đồng làng thường là vào những dịp được mùa lớn liên tục hoặc bị mất mùa hay có những bất trắc xảy ra trong 2 năm liền, vào dịp này có mời đại diện của các cộng đồng làng liền kề nhằm mục đích giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cộng đồng làng trong mọi hoạt động để tạo tính cố kết, hướng đến cuộc sống ngày một phát triển và đoàn kết. Dù được tổ chức ở cấp độ nào cùng không nằm ngoài mục đích cầu mong các vị thần linh (yang/giàng) luôn dõi theo, bảo vệ mùa màng, cuộc sống của cộng đồng người Pa Cô, đồng thời cầu mong thần linh hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà con người phạm phải.
Để tổ chức lễ mừng cơm mới, công tác chuẩn bị hết sức quan trọng, nhất là khi tổ chức chung cả cộng đồng làng. Khi tất cả các hộ gia đình trong cộng đồng làng hoàn tất công tác thu hoạch thì già làng mời trưởng các dòng họ đến họp bàn để ấn định ngày tổ chức lễ mừng cơm mới. Nếu tổ chức chung cho cả cộng đồng làng thì tiến hành phân công cho các gia đình, dòng họ chuẩn bị lễ vật để dâng cúng thần linh, tổ tiên; nếu được tổ chức theo từng dòng họ thì trưởng họ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cũng như quy định lễ vật dâng cúng cho từng hộ gia đình trong dòng họ.
Mười ngày trước khi diễn ra lễ mừng cơm mới, trưởng các dòng họ phải làm lễ xin thần linh, tổ tiên cho phép dòng họ được tổ chức lễ mừng căm mới bằng cách cho một ít nếp hoặc gạo cùng với tro bếp vào một ống tre, đứng trước cửa nhà khấn mời thần linh và tổ tiên về tham dự lễ mừng cơm mới cùng với con cháu, sau khi làm lễ xong thì thì đưa ống tre vào cất giữ trong nhà, đến ngày chính thức làm lễ mừng cơm mới thì đổ gạo, tro và đưa/bỏ ống tre đi. Trong thời gian 10 ngày trước khi diễn ra lễ mừng cơm mới, người Pa Cô có một số cấm kỵ như: mọi người không được đi săn bắn, các gia đình không được bán các vật phẩm ra ngoài... nếu ai vi phạm thì tùy theo mức độ mà bị phạt gà, lợn hoặc dê... Và trong lúc lễ cúng diễn ra, khách không được ở trong làng mà phải ra ngoài chờ cho đến khi xong mới được vào.
Trong lễ mừng cơm mới, nếu tổ chức chung cả cộng đồng thì lễ được diễn ra tại nhà chung hoặc khu vực rừng cấm (người Pa Cô gọi là Tăng kin) và do già làng (a rieh viel) làm chủ lễ, trong dịp này ngoài lễ vật hiến sinh là lợn, dê hoặc trâu (đó là những năm được mùa lớn hoặc mất mùa và cuộc sống có những bất trắc thì phải làm lễ lớn để tạ ơn cũng như cầu mong thần linh và tổ tiên che chở cho con dân không gặp những rủi ro trong cuộc sống), thì mỗi dòng họ trong làng/bản phải dâng cúng một mâm lễ vật gồm 1 con gà, xôi, bánh nếp (bánh A quát - bánh được làm bằng nếp, gói bằng lá của cây đót, tạo dáng hình sừng trâu - thể hiện sức mạnh và bánh Ăng coo đeep - bánh ống tre), cơm gạo tẻ và một số thực phẩm (thịt gà, cá, chuột..) cùng rượu. Các mâm lễ vật được trưởng họ sắp xếp thứ tự tại gian giữa nhà chung (nhà làng) - nơi linh thiêng nhất của làng. Tất cả con cháu được tập trung đầy đủ và ngồi sát nhau tại góc phải của nhà. Già làng (chủ làng) đồng thời cũng là người chủ trì lễ tế, nên già làng phải ngồi trước mâm cúng, sau đó là các trưởng họ và chủ gia đình.
Khi lễ mừng cơm mới được tổ chức theo dòng họ, ngoài lễ vất hiến sinh chung là lợn hoặc dê, nhưng cũng có lúc vật hiến sinh là trâu (nếu vật hiến sinh là trâu thì dòng họ đó phải xin phép già làng), tùy theo điều kiện của từng dòng họ mà quy định lễ vật đóng góp cho mỗi hộ gia đình, nhưng thông thường mỗi gia đình trong dòng họ phải dâng cúng một mâm (Pa điền) lễ vật như trên, gồm: xôi, bánh A quát (bánh được làm bằng nếp, gói bằng lá của cây đót, tạo dáng hình sừng trâu - thể hiện sức mạnh), bánh Ăng coo đeep (bánh ống tre), cơm cùng một số thực phẩm (thịt gà, cá, chuột..) và thức uống không thể thiếu trong nghi lễ này là rượu. Các mâm cỗ được trưởng họ sắp xếp thứ tự tại gian thờ - nơi linh thiêng nhất của cả dòng họ. Tất cả con cháu được tập trung đầy đủ và ngồi sát nhau. Trưởng họ là người chủ trì cúng bái, ngồi trước mâm cúng, sau đó là đại diện các hộ gia đình trong dòng họ.
Lễ mừng cơm mới/A da có sáu lần khấn: mời giàng/yang về dự lễ, dâng lễ vật, mời thần linh và tổ tiên thưởng thức vật phẩm dâng cúng, ơn nghĩa, cầu xin, tiễn giàng. Già làng hoặc trưởng họ khấn rằng: Một năm đã qua, vụ mùa đã xong, cộng đồng làng (dòng họ) xin mời thần linh và tổ tiên về dự lễ; xin dâng lễ vật cúng cơm mới để báo với thần linh (thần lúa, thần đất, thần nước...) và tổ tiên biết và chứng giám, mời thần linh cùng chung vui với con cháu làng bản; mâm cỗ này là lòng thành của con cháu xin các giàng vui lòng đón nhận; con cháu làng bản luôn biết ơn giàng trời đã che chở, giàng đất đã ban cho nơi trồng trọt, giàng mưa đã tưới mát cho cây trồng tốt tươi, sinh sôi nảy nở, nuôi dưỡng con cháu làng bản sung túc no đủ; già làng cùng con cháu cầu xin các vị giàng lúa, đất, trời, nắng, nước, giúp đỡ con cháu phát, cốt, đốt, trỉa thuận lợi hơn. Cầu mong các giống mẹ lúa, ngô, bầu, bí... bông dài mẩy hạt, cây to, củ lớn, tốt tươi hơn nữa, để con cháu được sung túc no đủ hơn, cho lễ a da năm sau to hơn, vui vẻ hơn1.
Kết thúc nghi lễ, đã đến lúc giàng phải trở về nơi trị vì của mình. Để thể hiện lòng tôn kính với các đấng thần linh, già làng (hoặc trưởng họ) tiếp tục thực hiện bước khấn cuối cùng: Ơ giàng! thịt gà thơm, cơm bánh ngọt giàng đã ăn no, rượu trong ché giàng đã uống cạn, bây giờ con cháu kính tiễn giàng vui vẻ trở về ngôi nhà của giàng. Hẹn lễ a da năm sau con cháu lại mời giàng đến. Lúc này, già làng và con cháu đều cúi lạy thành kính tiễn giàng về nơi trú ngụ của mình 2.
Trong các lần cầu khấn, đôi lúc cũng không tránh khỏi sơ suất làm cho giàng phật lòng. Để nhận biết điều này, già làng (hoặc trưởng họ) cầm trên tay một cặp a xiêu, vật linh thiêng của làng/dòng họ, thường được truyền từ đời này sang đời khác chứ không làm mới, a xiêu được làm bằng tre, có kích thước nhỏ, mỏng (dài 5 cm, rộng 2cm), cứ sau mỗi lần khấn là lại xin/gieo quẻ thả xuống mặt chiếu 1 lần. Tùy vào từng giai đoạn nghi lễ sẽ có cách gieo quẻ khác nhau, khi khấn xin làm lễ cơm mới thì 1 sấp 1 ngửa, nhưng khi khấn dâng lễ vật thì cặp a xiêu cùng ngửa... lúc này mọi việc đều suôn sẻ, thần linh và tổ tiên đã mới đồng ý. Nếu khi gieo quẻ chưa như ý muốn (mọi việc không được tốt) thì tiếp tục khấn và gieo quẻ để xin thần linh và tổ tiên đồng thuận. Tuy nhiên, là người âm hiểu về tập tục, có nhiều kinh nghiệm trong cúng bái, nên già làng (hoặc trưởng họ) có thể thả (gieo quẻ) làm sao cho a xiêu luôn thuận theo ý muốn.
Lễ mừng cơm mới/A da là lễ hội truyền thống, là tết cổ truyền của đồng bào Pa Cô (kể cả các tộc người Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy). Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo cần được gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm đúng theo chu kỳ của nó. Bởi lễ mừng cơm mới không chỉ là lễ hội, ngày tết vui tươi nhộn nhịp, mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng con người từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội này cũng thể hiện rất rõ tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu trong dòng họ, làng/bản. Mặc dù đến nay lễ mừng cơm mới đã có nhiều thay đổi, nhưng đáng mừng là hiện nay các cộng đồng làng/bản của người Pa Cô vẫn còn trân trọng duy trì lễ thức này./.
Nguyễn Cường
Chú thích
1, 2 Tư liệu điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Pa Cô trên địa bàn huyện Đak rông năm 2016