Từ bao đời nay, người Pa Cô ở Quảng Trị sống trong môi trường rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, hoạt động kinh tế nương rẫy mang tính chất khép kín tự cung tự cấp với trình độ phân công lao động thấp, hình thức phân phối bình quân bằng hiện vật và lối sống du canh du cư. Những nền tảng xã hội đó quyết định sự hình thành các yếu tố văn hóa trong đó có loại hình văn nghệ dân gian. Loại hình văn nghệ dân gian đã được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, trong môi trường sống, trong mối quan hệ cộng đồng bền chặt và được thể hiện trong đời sống hằng ngày, qua các phong tục tập quán, các mùa lễ hội. Kho tàng văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị không bằng được các dân tộc vùng Tây nguyên và nhiều nơi khác nhưng cũng khá đa dạng và phong phú. Đối cới các câu truyện cổ tích của người Pa Cô thì tư tưởng bao trùm lên tất cả là đề cao sự chung thủy, khuyến giáo đạo lý làm người, phê phán những kẻ thống trị tàn bạo, những hạng người xảo trá, lừa lọc trong quan hệ gia đình, xã hội. Đối với âm nhạc, họ đã sáng tạo ra nhiều làn điệu dân ca và dùng nó để phục vụ những nhu cầu trong sinh hoạt tinh thần của mình. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đưa ra một số làn điệu dân ca của người Pa Cô đã được ghi chép lại qua những đợt điều tra văn hóa phi vật thể trên địa bàn vùng núi Đakrông tỉnh Quảng Trị
Dân ca của người Pa Cô là những giai điệu đơn giản, hoang sơ và dân dã, xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, đời sống tinh thần và qua các kỳ lễ hội. Tuy không được biết đến nhiều như các tộc người khác, nhưng nó thể hiện một cách rõ nét về tính bản địa, tính độc đáo riêng biệt của mình. Trong nghệ thuật diễn xướng, hình thức và cấu trúc, tính chất và thể loại có những điểm nổi bật. Người Pa Cô không có chữ viết nên các làn điệu dân ca không được sao chép thành văn mà chỉ tồn tại dưới dạng truyền miệng. Các làn điệu dân ca được ra đời và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người ta có thể hát một người hoặc một nhóm người và trong tâm trạng buồn hay vui; cũng như hát trong mọi hoàn cảnh như đi làm nương rẫy, trong các lễ hội, trong cưới xin, đi sim bày tỏ tình yêu trai gái hoặc là quây quần bên bếp lửa…
Qua tìm hiểu thực tế tại địa bàn các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt, chúng tôi thấy người Pa Cô thường có các làn điệu dân ca như: Cà lơi, Ta/Cha chấp, Adền, Xiêng, Tăng i. Hầu hết những làn điệu dân ca của người Pa Cô so với Vân Kiều có những điểm chung về tên gọi, tuy nhiên tuỳ cảm xúc của từng cá nhân sẽ có sự thay đổi trong cách trình bày hoặc ứng tác. Họ sáng tạo nội dung tuỳ theo môi trường diễn xướng để có những làn điệu phù hợp. Từ đặc điểm ứng tác làn điệu, thì dân ca có tính chất hát gần như nói, điều đó luôn được thể hiện khá rõ ràng. Bằng ngôn ngữ của mình, đồng bào thể hiện những nguyện vọng, tâm tư thông qua âm nhạc. Do ngôn ngữ nói có âm vực cạn hẹp, hầu như không có dấu, chính điều nay làm cho những làn điệu hát mà gần như nói. Hát và nói trong dân ca Pa Cô gần như có một sự đồng điệu nhất định, điểm quan trọng đặc biệt nói có giai điệu lên xuống để phù hợp với âm điệu của nhạc cụ đi kèm. Trong một số các làn dân ca Pa Cô thường có các nhạc cụ hỗ trợ. Các nhạc cụ dân tộc của người Vân Kiều, Pa Cô đều hoàn toàn giống nhau về chủng loại, tên gọi và cách diễn xướng chỉ có khác là về làn điệu. Về bộ gõ có các loại chiêng, còng, thanh la và trống. Chiêng thường dùng riêng từng chiếc chứ không phối âm với nhau. Thanh la và chiêng có các loại lớn, nhỏ khác nhau. Về nhạc khí bộ hơi có các loại kèn như kèn amam, kèn tarial, kèn khui, kèn pi, kèn angnal (kèn môi), kèn paratek. Về nhạc khí bộ dây có đàn plư, đàn abel, đàn ta lư, đàn achung. Ngoài ra còn có các loại nhạc khí khác như tù và làm bằng sừng trâu, sừng tê giác, xập xõa, lục lạc, mõ, chuông... được đồng bào sử dụng trong các nghi lễ và kết hợp phối âm với các loại nhạc cụ khác. Dân tộc Pa Cô có nhiều bài hát giao duyên độc đáo riêng của từng thể loại dân ca. Muốn thể hiện “hồn” trong từng lời ca cần có đầy đủ các loại nhạc cụ. Tất cả hòa quyện trong những âm thanh khi trầm, khi bổng, lúc rộn rã vui tươi, khi đượm buồn ai oán, đưa con người chìm đắm vào những giai điệu khác nhau của cung bậc cảm xúc. Đó là tinh hoa trong đời sống tinh thần đồng bào Pa Cô kết tinh từ lao động sáng tạo và đấu tranh vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tạo hóa để tồn tại và phát triển.
Các làn điệu dân ca Pa Cô được diễn xướng theo lối tự do, nó thuộc loại hình âm nhạc dân gian thuần tuý, không pha tạp, vì vậy âm điệu đơn giản, mộc mạc không có điểm chuyên nghiệp. Có thể nói làn điệu dân ca trong âm nhạc Pa Cô phần nào đã khắc hoạ được những nét nhân bản sâu xa, sự rung cảm tự nhiên trước cuộc sống, ngân vang xa thẳm giữa núi rừng, sông suối, làng bản và đi vào lòng người bằng những giai điệu hoang sơ nhưng đầy sự quyến rũ và thuyết phục.
Ông Hồ Xuân Tham, 68 tuổi (người Pa Cô thuộc bản Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông), sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, bố mẹ đam mê đàn hát. Từ nhỏ ông rất thích thổi khèn và biết thổi rất hay nhiều loại khèn, biết hát và hát rất hay. Trong các dịp lễ hội như lễ A riêu ping, lễ mừng lúa mới bao giờ ông cũng tham gia thổi khèn và ca hát. Ông không chỉ là người có niềm đam mê âm nhạc sâu sắc mà ông còn biểu diễn thành thạo tất cả các làn điệu dân ca Pa Cô. Theo ông, trước đây trong bản có rất nhiều người biết thổi khèn và hát các làn điệu dân ca của người Pa Cô nhưng bây giờ nhiều người đã chết, số còn lại thì đã quá già. Ông còn cho biết thêm, theo tục lệ của người Pa Cô, người nào lúc còn sống sử dụng khèn thì khi chết khèn được chôn theo. Gia đình ông nghèo, chỉ có một cái khèn của bố mẹ, nên khi bố mẹ chết đi ông Tham do không có tiền để mua khèn mới nên phải thường xuyên mượn khèn của người khác để sử dụng.
Dân ca của người Pa Cô được thể hiện qua các làn điệu như sau:
Điệu Ca lơi
Điệu Ca lơi thường dùng trong các dịp lễ lớn của gia đình, dòng họ hoặc của cộng đồng làng. Đặc biệt là điệu Ca lơi thường chỉ có các cụ cao tuổi mới có thể hát bởi Ca lơi chứa đựng dụng ý rất sâu xa. Lời hát của làn điệu Ca lơi không bao giờ tranh cải, phần nhiều hát Ca lơi đều để khen ngợi, điều dở trở thành hay, điều ác trở thành hiền, người lười nhác trở thành người chăm chỉ, biến nổi buồn thành niềm vui, những điều bức xúc sẽ được xoa dịu. Mặc dầu chỉ là lời ca tiếng hát, không mang tính quyết định để giải quyết vấn đề nhưng lễ hội nào mà có hát Ca lơi đều được cảm hòa, mang lại cho con người những điều nhẹ nhàng, thanh thản.
Hỡi thần nước, thần núi và ma quỷ. Thần lúa, thần đất, thần mặt trời/ Các thần đã bao che cho đời người/nào mời các ngài đã về đây/Trâu, bò, lợn, dê xin mời thần/Xôi thịt, hoa trái hủ rược cần. Mong rằng mùa màng sau tốt hơn. Dân làng bình yên vững muôn đời.
Toàn thể già trẻ vòng cây nêu. Gái trai nhảy múa suốt cả đêm. Tất cả mọi người đều chứng kiến. Tài năng trai tráng đâm trâu gục. Vận mệnh sẽ biết hướng trâu ngã. Lễ hội có vui khách không mời. Lượn quanh xóm làng khắp mọi nhà. Xin ăn, trêu chọc, châm biếm hội. Chứng kiến mức độ hội diễn ra/Hoan hô ngày hội chúng ta. Thành công rực rở ngàn hoa đời đời.
Ca lơi thường hát trong những trường hợp có uống rượu cần. Nhà trai và nhà gái hát đối đáp khi đi rước dâu. Họ có thể có những lời cám ơn hoặc xin lỗi về vấn đề nào đó. Ca lơi cũng có thể hát khi diễn ra lễ hội A riêu ping, hoặc bạn bè lớn tuổi gặp gỡ nhau họ cũng hát để cảm thông hay chia sẽ với nhau trong từng hoàn cảnh sống của từng người. Làn điệu Ca lơi ca ngợi tình đoàn kết dân tộc, ca ngợi tinh thần cộng đồng, cùng giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống. Ông Tham cho rằng điều đặc biệt là các cặp nam nữ không thể hiện tình yêu qua làn điệu Ca lơi.
Điệu Cha/Ta chấp
Khác với làn điệu Ca lơi, điệu Cha chấp có thể hát bất cứ lúc nào và hát đơn lẽ (1 người) hoặc nhiều người hát đều được. Hát trong mọi hoàn cảnh và những tâm trạng khác nhau: Lúc buồn, lúc vui, lúc lên nương rẫy hái ngô, vào rừng bẻ măng, xuống suối xúc cá, bắt ốc… Họ hát kể về cuộc đời của mình, về tình yêu khi còn trai trẻ. Hát Cha chấp gần giống như những điệu hò, lời hát ví von, câu sau khớp vần câu trước. Nội dung lời hát của điệu Cha chấp hàm chứa ý nghĩa rất rộng lớn như kêu gọi, khen chê, kể khổ, tục tếu, châm biếm, xin xỏ điều gì đó hoặc các câu chuyện liên quan đến ai đó. Trong các dịp hội làng thì điệu Cha chấp thường được hát tập thể. Đặc biệt trong lế hội A riêu ping, người ta có thể sáng tác rất nhiều bài hát thuộc làn điệu Cha chấp xin ăn. Hát càng hay sáng tác càng hấp dẫn thì sẽ xin được nhiều cái ăn. Già trẻ trai gái đều có thể hát Cha chấp. Trong đời sống hiện đại làn điệu Cha chấp thường cất lên cất lên mừng Đảng, mừng xuân, mừng cuộc sống mới…
Hò...ơ…ơ ngày hội đã đến rồi. Những ai còn ở trên đồi cao/hãy về làng ta cùng chung vui. Bao năm nhọc nhằn việc nương rẫy. Giờ ta hội tụ sau mùa màng. Già trẻ gái trai chung ý niệm. Đời đổi thay nét không phai.
Điệu Xiêng
Điệu hát Xiêng được phỏng tác từ lời khóc than của người phụ nữ vì chồng chết, khóc nhiều, hát càng nhiều về thân phận của mình, lời hát kể lể với trời đất núi sông... Ngày nay làn điệu Xiêng không riêng chỉ hát than thở mà còn hát giao duyên giữa nam và để tìm hiểu về nhau, người hát sử dụng tài năng ứng tác của mình với những lời đối đáp tự phát. Làn điệu Xiêng được nhiều người thích hát, đặc biệt là lớp trẻ hát đối đáp trong những dịp khi đi sim, đi chơi nhằm bày tỏ tình cảm của mình với người bạn khác giới.
Ví như bài hát: Mong trăng mãi
Nam: Đêm thanh trăng sáng dục tìm ai. Một mình trong đêm dưới bóng cây/Sao vắng lẽ chỉ nghe tiếng dế kêu. Em còn nhà sao không thấy ra.
Nữ: Đêm thanh trăng sáng em chờ anh. Một mình trong nhà ngắm trăng đêm. Hé mở của sao không thấy ai đến. Chỉ nghe tiếng khèn hòa tiếng suối.
Nam: Trăng đêm nay gợi niềm thương nhớ. Bao điều chờ mong dưới đêm thâu. Thì thầm trong làn gió mai nhẹ. Trăng tàn rồi lại trăng vẫn cứ trẻ
Nữ: Đêm tàn trong em trăng vẫn còn. Bao điều thương nhớ gợi trong lòng. Thì thầm thốt ra khi có anh. Trăng rồi lại trăng em vẫn chờ.
Nam: Trăng đêm nay sáng hơn mọi hôm trước. Vì có em trong nhịp điệu khèn. Xuyên qua khe suối lời em ca. Tâm tình hai đứa mong trăng mãi.
Nữ: Trăng đêm nay gần sáng càng thấy êm. Tiếng khèn em hát lời thiết tha. Núi đồi khe suối sẽ giúp sẽ giúp ta. Trăng vẫn còn đó ta về với nhau.
Điệu A dền
Điệu A dền thường hát trong lễ cưới, lễ A Da, lế A riêu Ping. Điệu A dền mang tính tâm tình, xẻ chia, gắn bó tình cảm của anh em, chú bác họ hàng và tình đoàn kết giữa các cộng đồng làng. Người ta hát để hỏi thăm nhau về sức khỏe, về công việc, ôn lại những kỷ niệm xưa của tình anh em, họ hàng hoặc những buồn vui trong cuộc sống.
Hỡi anh em gần xa. Nào ta về dự hội. Cùng tham gia phục vụ. Cùng hưởng lợi tương lai. Cùng chung vui ngày hội. Không ai bị ốm đau. Làm sao tránh buồn tủi. Mọi người đều hạnh phúc. Sự nghiệp đều thành đạt. Mọi việc đều thành công. Sự đời được giải thông...
Điệu Tăng i
Điệu Tăng i là điệu hát ru ngủ, gần giống điệu hát ru con của người Kinh. Điệu hát có ngắt hơi, tạo nhịp điệu nhẹ nhàng, ngân hò lên xuống khi nhấn mạnh những câu nói đặc biệt, đầy sức quyến rũ, thuyết phục mọi người, thấy được việc mình làm sai hiểu được việc mình cần làm. Thông qua lời hát, làn điệu Tăng i thay mặt già làng để giải quyết về vấn đề phong tục tập quán, về hôn nhân gia đình, về đạo đức con người, về luật tục, về duy trì tổ chức, sắp xếp công việc…
Nối vòng tay nhân ái. Thương yêu kẻ bất hạnh. Không để cho ai đói. Không còn ai nghèo khổ. Chín chắn cùng lời nguyện. Ước hẹn đẹp mai sau. Tươi sáng đời con cháu. Tương lai mọc mầm theo. Trước sau vẫn như mộ. Suốt đời một ý thôi.
Trong đời sống của người Pa Cô ở miền tây Quảng Trị, dân ca của có một vai trò quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Đối với họ, dân ca không chỉ thông thường là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Người thể hiện các làn điệu dân ca ngoài lòng đam mê ca hát cần phải có năng khiếu âm nhạc, biết sáng tác thành văn, hiểu và nắm rõ các làn điệu dân ca để hát thích hợp trong từng hoàn cảnh, thường được vận dụng thông qua trí nhớ và được truyền miệng qua mọi thế hệ. Nhận thức được vai trò, vị trí của dân ca trong đời sống cộng đồng cũng như những cái hay, cái đẹp của nó nên nhiều năm qua các già làng, trưởng bản cùng những nghệ nhân đã tìm cách gìn giữ và duy trì có hiệu quả. Dù lên nương, lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong đời sống thường ngày thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn. Âm nhạc hòa quyện trong tiếng khèn vang vọng núi rừng vào những đêm Sim của các đôi trai gái, bên bờ suối của mỗi đêm trăng về bản, bên ánh lửa bập bùng của những mùa lễ hội, là lúc khơi dậy niềm đam mê dân ca của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai. Họ hát để thể hiện sự đủ đầy sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về làng mới, hát để trao duyên sau những ngày hẹn hò. Nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc được tổ chức thành các lớp học đã thu hút được nhiều thế hệ tham gia. Tại đây, nhiều làn điệu dân ca của người Pa Cô đã được các nghệ nhân có kinh nghiệm sưu tầm và truyền dạy. Trong thời gian nhất định các học viên đã được các nghệ nhân thể hiện và truyền đạt các làn điệu dân ca Ca lơi, Cha chấp, A dền, Tăng i và dịch từ tiếng địa phương sang ngôn ngữ thuần Việt. Nội dung của các làn điệu là: Đón mừng làng mới, tìm hiểu tình yêu đôi lứa, lời tỏ tình với người thiếu nữ, những dòng tâm sự... Đây là các làn điệu thể hiện những suy tư, triết lý về tự nhiên, xã hội và khơi dậy tâm hồn, tình cảm, tình yêu đồng bào dân tộc mình bằng âm thanh, nhịp điệu, giai điệu qua mỗi ca từ...
Khơi nguồn và phát triển dân ca Pa Cô ở miền tây Quảng Trị là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Qua không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của đồng bào thì những làn điệu dân ca luôn hiện hữu và tạo ra màu sắc riêng biệt cuốn hút người xem bởi sự phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung. Đồng thời đây là sân chơi thể hiện tình cảm, sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở./.
Nguyễn Thị Lệ Hiền
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN