1. Đôi nét về làng Phương Ngạn
Phương Ngạn là một làng chuyên canh nông nghiệp, thuộc xã Triệu Long - một xã nằm ở trung tâm đồng bằng Triệu Phong; phía tây làng là xóm Kiệt, giáp bờ sông Thạch Hãn; phía nam giáp hói bàu và rú làng - nơi có nhiều cây sim cho nguồn nguyên liệu làm hồ dán trong nghề làm quạt giấy; phía đông giáp làng Bố Liêu và phía Bắc là làng Phù Lưu. Tuy là một làng nằm ở trung tâm trọng điểm của vựa lúa nhưng diện tích tự nhiên rất hẹp, chỉ hơn 60ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ là 14 ha, Phương Ngạn có 150 hộ gia đình với hơn 1000 nhân khẩu; bình quân đầu người chỉ hơn một sào đất sản xuất nông nghiệp.
Cũng như nhiều làng xã khác ở huyện Triệu Phong - nhất là các làng xã ở xung quanh Thành cổ Quảng Trị, do chiến tranh tàn phá nặng nề, lại thêm lụt bão hàng năm thường xuyên xảy ra nên Phương Ngạn không biết bao nhiêu lần đã trở thành bình địa. Chính vì vậy, dân làng cũng không giữ gìn được các tư liệu thành văn, kể cả các tộc phả để minh chứng một cách cụ thể về quá trình hình thành làng xã và nghề nghiệp của mình. Việc khẳng định một cách chính xác thời điểm hình thành làng và xuất hiện nghề nghiệp quả là một vấn đề hết sức khó khăn.
Truyền thuyết của dân làng cũng như lời kể của các cụ cao niên cho hay: Vào khoảng giữa thế kỷ XIV có hai vợ chồng tên là Nguyễn Cảm và Nguyễn Thị Sen từ Nghệ An vào đây khẩn hoang lập làng. Hai vợ chồng sinh hạ được 6 người con. Con trai đầu làm quan đến chức tham tri phó tướng Bửu Ngãi Hầu dưới triều Lê. Lúc mới vào, vì điều kiện làm ăn nên các con chia nhau ra mỗi người lập nghiệp một xứ. Một người ở lại Hà Tĩnh lập nên làng Cần Ngạn, một người ở Gio Linh lập nên làng Phú Ngạn, một người vào Huế lập nên làng Cát Ngạn, và một ở Triệu Phong khai phá miền đất này lập nên làng Phương Ngạn. Còn hai người con khác thì có một người là vô tự không con cháu và người con gái út lấy chồng ở làng Vũ/Võ Thuận (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong), hiện có miếu thờ bà ở đó. Vì điều kiện thời gian không cho phép và trong khuôn khổ yêu cầu của nội dung nghiên cứu chúng tôi chưa có điều kiện để lần theo các địa danh trên nghiên cứu đối chiếu nhằm làm rõ nguồn gốc của làng mà chỉ dừng lại ở đôi nét ban đầu theo như lời kể của các cụ mà thôi.
Qua gia phả của họ Nguyễn - cũng mới được biên soạn sau này, hiện thế hệ con cháu trong họ tộc đã trải qua 25 đời; như vậy cho thấy làng lập nghiệp ở đây cũng đã trên 500 năm. Theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An thì Phương Ngạn lúc bấy giờ có tên là Hoa Ngạn và là một trong số 49 xã thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong 1. Dưới thời các chúa Nguyễn, theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Hoa Ngạn là một trong những xã thuộc tổng An Dã, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa 2.
Đến những năm đầu thời nhà Nguyễn do kỵ hụy với tên thật của Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa là vợ đầu của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng, người đã sinh hạ vua Thiệu Trị, nên tên Hoa Ngạn được đổi thành Phương Ngạn và theo sách Đồng Khánh Địa dư chí thì Phương Ngạn là một xã nằm trong số 23 xã, phường, giáp thuộc tổng An Dã, huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị 3.
Như vậy, có thể khẳng định rằng khẳng định rằng: Phương Ngạn là một làng được hình thành khá sớm trên mảnh đất Triệu Phong. Tuy vậy, các nguồn tài liệu trên không đề cập đến nghề nghiệp và tổ nghề của làng. Hàng năm đến ngày Ðông Chí làng tổ chức giỗ tổ ngài khai khẩn và văn tế cũng chỉ tôn thờ ngài khai khẩn và các con chứ không nhắc gì đến vị tổ nghề. Phải chăng trong quá trình an cư, xuất phát từ điều kiện đất đai chật hẹp, lại ở ngay trong vùng có nhiều nguyên liệu nên các bậc tiền nhân phải tìm cho mình một nghề thích hợp để tạo dựng cuộc sống. Ðiều này cũng phù hợp với quan điểm của tác giả Vũ Huy Thiều khi nói về sự hình thành các làng nghề truyền thống nước ta: "Có những làng nghề hình thành do học được nghề ở nơi khác đem về, cũng có làng tự tìm tòi và phát triển dần mới thành nghề, có những làng dựa vào ưu thế về nguyên liệu, về địa thế gần chợ, gần sông, cũng có làng chỉ có tay nghề" 4.
Cụ Nguyễn Thu - một cao niên kỳ cựu với nghề làm quạt giấy khẳng định: Nhất định nghề làm quạt giấy có từ lâu lắm rồi, đã từng tồn tại trên mảnh đất này hàng trăm năm nay. Tuy không khẳng định được thời điểm ra đời một cách cụ thể nhưng có một thực tế ai cũng biết: Từ xưa, cùng với việc sản xuất các vật dụng khác như quang gánh, rọ, kiềng/rế... Quạt giấy đã là một nghề thủ công nổi tiếng ở Phương Ngạn và chính nghề làm quạt đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây từ thế hạ này qua thế hệ khác và tồn tại mãi cho đến hôm nay.
2. Các công đoạn sản xuất quạt giấy
Sản xuất được một chiếc quạt cần phải hội đủ các nguyên liệu chủ yếu như: Tre làm xương quạt, rễ cây sim làm hồ dán và giấy bổi dán lên xương tạo thành chiếc quạt.
Tre nứa là loại cây trồng phong phú bao quanh làng Phương Ngạn trước đây và cả những làng lân cận. Nguyên liệu này rất sẵn, dễ khai thác. Tre đốn về được lựa chọn rất kỹ, những cây già, dày đốt, cong thường được chọn ra để sản xuất các mặt hàng như làm đòn gánh, đan rọ, đan kiềng... Những cây tre thẳng, không tỳ vết, không sâu mọt được lựa chọn cho việc sản xuất xương quạt. Từ cây tre người ta chia ra làm từng đoạn khoảng 2m, đem nướng (hơ) trên lửa rơm. Thời gian nướng trên lửa khoảng 30 phút, khi tre có độ vàng đều vừa phải là thích hợp, không để cho tre đen cháy, mục đích là làm tăng thêm độ dẻo của tre. Ðoạn tre được nướng vàng xong đem chia thành những khúc nhỏ có độ dài khoảng 30 - 40cm. Từ những khúc này người ta đem chẻ nhỏ, mỏng, chuốt trơn theo dạng thon dần - thường ở phần ngọn bé hơn phần gốc chút ít, gọi là các nan quạt. Ðem ráp các nan lại với nhau tạo thành từng bộ xương quạt. Mỗi bộ xương quạt thường có từ 14 - 18 chiếc nan, các nan được đặt đều lên nhau rồi dùng khoan khoan lỗ ở góc các nan quạt, sau đó đóng ngạt chặt vào lỗ sẽ tạo thành những bộ xương quạt. Ngạt đóng lỗ có thể bằng tre, gỗ, đồng hoặc thép. Ngày trước ngoài bộ xương quạt bằng tre (là chủ yếu) nhiều người thợ còn tạo nên những chiếc quạt có chất lượng cao hơn, quý phái hơn thì phải dùng cây lại (màu đen) hoặc cây nguyệt quý (màu vàng) để tạo xương và đóng ngạt bằng đồng. Trên quạt có nhiều họa tiết trang trí chim, hoa lá... màu sắc hài hòa tươi tắn, những chiếc nan bên ngoài có chạm khắc các hoa văn tinh tế khác. Làm ra được những chiếc quạt như thế có khi phải mất cả ngày công nhưng giá trị của nó thì rất lớn cả về nhiều phương diện: giá cả thì gấp cả chục lần chiếc bằng tre, giá trị sử dụng thì bền - có khi dùng tới hàng chục năm, giá trị nghệ thuật thì đẹp, thanh cảnh, quý phái. Những loại như thế này thường bán cho các gia đình địa chủ giàu có hoặc những người có chức sắc ở các làng, trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Muốn chẻ và chuốt xương quạt thì phải dùng tới một dụng cụ có tên gọi là Mác (một dạng của cây rựa). Mác có cấu tạo hình cung, đầu trước to, sau đuôi nhỏ dần, mặt trong của mác khuyết, chỉ như vậy mới chuốt được bộ nan quạt vừa bóng, vừa đều lại vừa nhanh. Không thể dùng dao hay rựa để chẻ và chuốt xương quạt một cách đơn giản như bây giờ.
Hồ để dán giấy vào xương quạt được làm từ rễ cây sim - có nhiều trên rú của làng. Rễ cây sim đào về được rửa sạch, bóc lấy lớp vỏ ngoài đem giã nhỏ, cho nước lã vào ngang với bã sim rồi đem ngâm trong thời gian khoảng 5 ngày nước sẽ có màu đà, sền sệt thì đưa ra lọc, chắt lấy nước để làm hồ dán. Loại nước này khi dán có độ kết dính rất chắc và bền, quạt dùng đến lúc hỏng cả giấy và xương thì độ bám của giấy cũng không bong ra được.
Giấy để dán lên xương quạt là loại giấy gió được đưa từ Huế ra. Khi dán vào xương quạt thì dùng thước vênh theo hình cánh quạt, rồi đặt lưỡi mác xén, mỗi lần vênh từ 30 - 40 tờ. Sau đó lần lượt quết hồ vào từng bộ xương quạt và dán giấy lên ở hai mặt xương. Cuối cùng là dùng nước sim phết mỏng, đều lên lớp giấy bên ngoài mặt quạt - mục đích là làm cho giấy bóng, nhẵn và dẻo bền khi sử dụng, rồi đưa quạt ra phơi nắng. Sau khi phơi nắng từ 5 - 7 ngày sẽ có được những chiếc quạt giấy bền, chắc trông rất trang nhã và xinh xắn.
Theo cụ Nguyễn Thu - là người làm quạt từ lúc 10 tuổi đến nay cụ đã ngoài 70, cho biết: Ngày trước làm một chiếc quạt giấy rất công phu, tỉ mĩ và cẩn trọng chính vì thế mà sản phẩm làm ra nổi tiếng cả một vùng và đặc biệt là được tiêu thụ với số lượng rất lớn ở Huế. Với điều kiện đất đai ở đây chật hẹp nên tạo nghề nghiệp cũng chính là tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình và quan trọng là tạo cho người già và trẻ em có việc làm ổn định, vừa sức. Nếu làm thật chăm chỉ trong một ngày thì một người cũng tạo nên được từ 20 - 30 chiếc quạt. Trước năm 1975 nhiều gia đình ở đây chỉ sống nhờ vào nghề làm quạt, chứ làm nông nghiệp chẳng đáng là bao. Do vậy họ tập trung sản xuất với số lượng lớn và địa bàn tiêu thụ cũng lan tỏa ra các tỉnh lân cận. Không kể bán rải rác ở trong vùng, cứ mỗi tuần họ chuyển vào Huế từ 1500 - 2000 chiếc. Ðó là các hộ gia đình như ông Sỏ, ông Phúc, ông Thu, ông Thí... Chính thu nhập từ nghề làm quạt mà các gia đình này có đời sống ổn định, sung túc. Theo các cụ cho biết, ngày xưa nghề cũng không phụ người, những chiếc quạt đổi lấy bát cơm, tấm áo khá đầy đủ cho người làm ra nó. Cả làng Phương Ngạn ngày trước không có gia đình nào không làm quạt, tuy là nghề phụ nhưng có khi thu nhập lại cao hơn cả làm nông. Bây giờ sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, làng quê nào cũng có điện lưới nên họ chỉ sử dụng quạt máy chứ không mấy ai lại đi mua quạt giấy để dùng; làng quạt Phương Ngạn đứng trước thách thức lớn, nguy cơ nghề nghiệp ngày càng mai một dần. Hiện tại cả làng chỉ còn rất ít hộ theo nghề nhưng cũng không sản xuất thường xuyên mà chỉ làm theo thời vụ. Thanh niên nam nữ không ai còn theo nghề nữa, chỉ ở lớp tuổi người già vẫn đang chí cốt với nghề. Thu nhập từ nghề không đáng là bao, giá mỗi chiếc quạt bán ra thị trường chỉ 2000 - 3000 đồng. Nếu một người làm được 20 chiếc trong ngày và trừ đi chi phí các nguyên vật liệu thì thu được chỉ 30 - 50 nghìn đồng. Giá cả bọt bèo, tiêu thụ khó khăn, nhiều người nản lòng bỏ cuộc, người còn kiên trì với nghề nghiệp cũng không hứng thú cải tiến mẫu mã, trau chuốt sản phẩm để làm cho bền đẹp như xưa. Cụ Nguyễn Thu thở dài nói thật lòng: Làm quạt bán cho người ta bây giờ tôi thấy xấu hỗ với nghề; vừa hẹp, vừa thô, vừa lỏng lẻo; cứ ngạt sắt, nan tre, giấy bản bình thường - và có khi còn dùng cả giấy báo, giấy xi măng thô tháp nữa; nhưng dẫu có bền đẹp và công phu đến mấy thì chẳng ai thèm chú ý làm gì tới cây quạt giá vài ngìn đồng, chẳng qua chỉ cần những lúc nóng nực, ngối trên tàu, trên xe, lúc mất điện... phần phật vài trong chóc lát, xong tiện tay vứt đánh xoẹt xuống lề đường; đẹp hay xấu cũng cùng chung số phận hẩm hiu như thế cả. Than thở với nghề nghiệp cụ còn cho biết rằng, dạo trước có một ông Việt kiều từ Úc về đặt tôi làm mấy cái quạt quý như đã nói đến để mang ra nước ngoài; tôi đành từ chối vì những vật dụng làm loại quạt ấy không còn nữa, phải mất nhiều ngày để làm lại một bộ mới, chắc gì đã được. Tâm sự của cụ Nguyễn Thu cho thấy rằng dẫu nghề làm quạt ở Phương Ngạn hôm nay vẫn còn tồn tại, nhưng nghề nghiệp bây giờ đã mai một đi rất nhiều so với nghề truyền thống. Trăn trở của cụ cũng như những người làm quạt đã gắn bó với nghề từ 60 - 70 năm nay là mong sao cho nghề quạt ở đây không bị triệt tiêu đi cùng thời gian, làm sao có cơ hội để sản xuất ra được những chiếc quạt quý, bền, đẹp truyền thống ngày xưa. Ðể cho những trăn trở đó của những người làm nghề trở thành hiện thực, nên chăng cần phải tập trung đầu tư cho một số hộ gia đình làm nghề quạt truyền thống phục hồi phát triển trở lại những sản phẩm ngày trước, đồng thời nâng cao hơn lên để trở thành những mặt hàng mỹ nghệ phục vụ cho du khách và làm cho sản phẩm đó trở thành hàng hóa xuất khẩu. Làm tốt điều đó âu cũng chính là tìm hướng đi thích hợp cho một nghề truyền thống nhằm giải quyết tốt công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chính nó cũng góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay./.
1 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Nxb Khoa học Xã hội - Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội 1998, tr. 42.
2 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 2007, tr. 101.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đồng Khánh địa dư chí lược. Sách điện tử, tr. 1384.
4 Vũ Huy Thiều. Những biến đổi của làng nghề truyền thống. Tạp chí Văn hóa dân gian, số 34, tháng 12/1991, tr. 59.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN