Đàn Nghĩa Trũng tọa lạc trên một khu đất có diện tích chừng 3.000m2; nằm về phía tây nam của làng Thạch Hãn xưa (nay là khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị) là nơi an nghĩ của những vong linh vô chủ, gồm hàng trăm hài cốt của nghĩa binh Tây Sơn áo vải, cờ đào đã bỏ mình trên đường ra Bắc đánh dẹp quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đã được quan Tuần phủ Hà Nội là Hoàng Hữu Xứng, người họ Hoàng làng Bích Khê (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đưa hài cốt vượt dặm trường từ đất Bắc vào an táng.
Lịch sử Nghĩa Trũng Đàn bắt nguồn từ ông Hoàng Hữu Lợi (1809 - 1876), người làng Bích Khê (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), tước Trung Nghị đại phu Phó đô ngự sử. Ngài vốn là người giỏi nho học nhưng thi không đỗ vì phạm trường quy, nên sống ở làng, gần gũi với thiên nhiên, thích ngâm vịnh... Trong những lần thả hồn vào thiên nhiên, ông nhận thấy những nấm mồ vô chủ nằm dọc theo bờ sông Thạch Hãn, vào mùa mưa lũ xói lở bị trôi hoặc phơi lộ hài cốt lên mặt đất. Ông động lòng từ tâm, bỏ tiền nhà ra mua mảnh đất hơn 7 sào của người dân làng Thạch Hãn để làm nơi quy táng những hài cốt bạc phận kia. Xuất phát từ suy nghĩ hết sức đơn giản “trồng cây nhân đức” cho con cháu đời sau được hái qủa ngọt. Đấy là vào năm Tự Đức thứ 25 (1872), những lưu dân trên bước đường Nam tiến bỏ thây nơi bãi lau, biền cỏ bên dòng Thạch Hãn nhất loạt đều được con cháu của ông quy về Nghĩa Trũng này, hàng năm chăm lo hương khói. Nếu chỉ thế thì Nghĩa Trũng cũng chỉ là một “nghĩa địa tình thương” chứ đâu thể gọi là “Nghĩa trang”? Nhưng phải đến đời người con trưởng của ông Hoàng Hữu Lợi là Hoàng Hữu Xứng mới bồi bổ thêm cho Nghĩa trang - Nghĩa Trũng đàn này 1.
Ông Hoàng Hữu Xứng (1831 - 1905) là danh thần nhà Nguyễn ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong lịch sử Việt Nam 2. Là vị quan trải qua thời kỳ đầy sóng gió dưới thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Tự Đức (1852) đến vua Thành Thái (1890), Hoàng Hữu Xứng được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, thăng dần đến chức Hiệp biện Đại học sĩ sung Quốc sử quán Phó. Chính trong những năm làm Tuần phủ Hà Nội, một trong những việc làm bác ái, từ tâm nối tiếp truyền thống nhân bản của dòng họ, ông đã quy tập rất nhiều mộ chí nghĩa quân Tây Sơn đưa về Nghĩa Trũng Đàn. Nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang vô chủ, hỏi han kỳ lão quanh vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nơi đây, trãi qua hàng chục năm không ai nhang khói chăm sóc nên trở thành những nấm mộ hoang. Quan Tuần phủ họ Hoàng ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương, tập cốt chôn thành mười hai gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế, sau này (năm 1851) nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh, nên Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là Đặng Văn Hòa cho quy về một cái gò khác thành ra tất cả có mười ba gò. Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác chôn sấp, dập ngữa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Quan Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng đã thuê người cất bốc, thu gom hơn sáu trăm hài cốt bộ, rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng tại đàn Nghĩa Trũng - mảnh đất mà thân phụ của ông đã mua. Đến đây thì Nghĩa Trũng Đàn ở làng Thạch Hãn dẫu vô tình hay cố ý cũng đã nghiễm nhiên trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào. Từ đấy nối đời, con cháu họ Hoàng thay nhau hương khói, chăm sóc những mộ phần trong Nghĩa Trũng Đàn.
Từ khi khai dựng năm 1872, đến nay, do sự phong hóa của thiên nhiên, đặc biệt là sự hủy diệt của bom đạn trong chiến tranh, các hạng mục công trình của Nghĩa Trũng Đàn đã nhiều lần bị tàn phá. Năm 1990, trước sự trăn trở của bà con, ông Hoàng Hữu Dai, hậu duệ đời thứ 16 họ Hoàng làng Bích Khê, đã chủ xướng quyên góp tài lực trong con cháu nội ngoại gần xa để lên kế hoạch trùng tu. Năm 1994, Nghĩa Trũng Đàn được tái thiết lại toàn diện dưới sự trực tiếp chỉ đạo của ông Hoàng Hữu Chỉ. Đến tháng 8-1996, con cháu họ Hoàng trong và ngoài nước cùng các hương thân, kỳ lão làng Thạch Hãn đã đóng góp tiền của, công sức để tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang với việc xây thành ở hai phía đông - tây khu mộ địa, dựng bia tưởng niệm. Trong lần tái thiết này, nội dung văn bia ở Nghĩa Trũng Đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 (cháu ông Hoàng Hữu Xứng) chấp bút. Văn bia có đoạn: “Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời...”. Năm 2019, cùng với sự góp công sức của con cháu họ Hoàng làng Bích Khê và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Nghĩa Trũng Đàn được trùng tu, nâng cấp và mở rộng thêm 2ha, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, khu lăng mộ, nhà bia, cổng tam quan và khuôn viên cảnh quan. Trước mặt tiền là bức bình phong và có hệ thống tường thành bao bọc xung quanh... Khu mộ của những vong linh vô chủ và nghĩa binh Tây Sơn vẫn là một gò đất cao giữa 4 bề ruộng lúa, những bong cỏ lau như những ngọn nến, nén hương thắp cho những linh hồn từ vạn cổ, tấm bia đá khắc những dòng cảm khái trĩu nặng lòng biết ơn của con dân trong họ.
Đã năm thế hệ nối tiếp nhau, không ai bảo ai, dù ở đâu làm gì họ đều hướng về Nghĩa Trũng Đàn và có nghĩa vụ như nhau. Đó là một nghĩa cử, truyền thống đẹp không chỉ có ở họ Hoàng làng Bích Khê mà bao nhiêu dòng họ khác khắp nơi trên mãnh đất Quảng Trị đã và đang thực hiện ở các mức độ khác nhau để phần nào an ủi những vong hồn không nơi thờ tự.
Có thể nói rằng, việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập những vong hồn bất hạnh không nơi thờ tự, những người lính Tây Sơn xả thân đã ngã xuống trong cuộc Bắc tiến chinh phạt quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789 là một việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn cao cả, đã được con cháu trong dòng họ Hoàng làng Bích Khê, từ đời này tiếp nối đến đời khác luôn quan tâm chu tất thực hiện. Từ khi được hình thành cho đến nay, Nghĩa Trũng Đàn đã quy tập hơn 600 hài cốt từ các nơi về đây an táng; trong đó phần lớn là phần mộ của những nghĩa binh Tây Sơn.
Hàng năm, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch và 25 tháng chạp, Nghĩa Trũng Đàn đều được hương khói chăm sóc chu đáo. Người dân trong vùng cũng thường xuyên đến thăm viếng, nhang khói làm cho cảnh quan hết sức ấm cúng. Vậy là những vong hồn phiêu tán, những nghĩa binh Tây Sơn được quy táng ở Nghĩa Trũng Đàn đã không còn cô độc, hoang lạnh nơi bãi cỏ, bờ sông, từ công đức của hai cha con ngài Hoàng Hữu Lợi và Hoàng Hữu Xứng cũng như tấm lòng trắc ẩn của những người dân trong vùng tiếp nối tận ngày nay.
Với các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Nghĩa Trũng Đàn được UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Từ nay trở về sau, với sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương, sự nhiệt tình chăm sóc hương khói của dân làng Thạch Hãn cùng với sự chung tay góp sức của con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê, xã Triệu Long, tin tưởng rằng Nghĩa Trũng Đàn sẽ từng bước được tôn tạo trang nghiêm, bề thế và toàn diện hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa văn hóa của di tích này cũng như góp phần tạo nên một địa điểm du lịch tâm linh mới cho Quảng Trị./.
Trần Thị Tình
Chú thích
1. Y Thi. Đôi điều về Nghĩa Trũng Đàn và nhân vật lịch sử Hoàng Hữu Xứng. Tạp chí Cửa Việt, số 215 tháng 8-2012, tr. 89 - 90.
2. Xem thêm: Hoàng Hữu Hạch, Hoàng Hữu Hoài. Xương Khê Hoàng tộc thống phổ. Tu chỉnh và ấn hành năm 2001, tr. 65 - 66.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN