Những di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội
THỜ CÚNG TỔ NGHỀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ

Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề của người Việt Quảng Trị xuất hiện và đồng hành cùng với các ngành nghề thủ công và làng nghề truyền thống. Đây là một nét văn hóa tốt đẹp thể hiện lòng tri ân, biết ơn những người sáng lập, mở mang tri thức, phát triển các ngành nghề để góp phần xây dựng, chăm lo đời sống của cả cộng đồng. Nó thể hiện đạo lý cao đẹp “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Quảng Trị. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề có ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng cư dân người Việt trên vùng đất Quảng Trị.

Cùng với nghề nông, người Việt Quảng Trị còn sinh sống bằng nhiều nghề thủ công truyền thống khá phong phú và đa dạng; hàng năm, những người hành nghề thủ công truyền thống đều tổ chức một ngày giỗ vị tổ sư nghề mình với những nghi thức trang trọng, uy nghiêm. Con cháu đời sau cứ thế mà tôn vinh, noi gương, lấy đó để phấn đấu, học tập, mở mang và phát triển nghề truyền thống mà cha ông để lại. Bởi vậy, thờ cúng tổ nghề luôn có vai trò quan trọng, ngoài việc tri ân, tưởng nhớ, còn là dịp để thể hiện trong việc giáo dục đạo đức cho các thế hệ, văn hóa ứng xử, lòng tự hào, ngưỡng mộ, tinh thần hướng về nguồn cội, với ý thức luôn trau dồi học hỏi, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để đi đến thành công trong cuộc sống.

1. Thờ cúng tổ nghề

- Giổ tổ nghề cào hến

Các làng Vĩnh Phước, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Vân An, Mai Xá, Giang Hến, Trung Yên, An Lợi... đây là những làng quê sinh sống quanh lưu vực các con sông lớn Quảng Trị như Thạch Hãn và Hiếu Giang, Hiền Lương, Ô Lâu… từ xa xưa các làng quê này đã hình thành một nghề thủ công truyền thống rất đặc trưng - nghề cào hến. Đây chỉ là nghề bắt đầu bằng hoạt động tự phát để thích nghi, khai thác môi trường tự nhiên phục vụ nhu cầu con người. Lúc đầu chỉ một vài người, một vài gia đình, về sau phát triển rộng ra thành nghề chính - nghề cào hến .

Vào ngày Rằm tháng 2 Âm lịch, những người dân làm nghề tổ chức lễ rước  và giổ tổ nghề cào hến. Đây là dịp khởi đầu mùa cào hến trong năm, khoảng 3 giờ sáng, nhân dân các làng từ Mai Xá, Giang Hến, Lập Thạch ... chèo thuyền ngược dòng Thạch Hãn đến làng Phường Hến (Giang Hến), sau đó kết thuyền lại giữa dòng sông, khấn vọng và rước tổ về làng. Bài văn tế Tổ nghề của nhiều làng với nội dung chung chung, không nói rõ lai lịch, hành trạng, công tích vị tổ là ai, tên gì mà chỉ cầu cho hến sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều lên. Mãi đến giờ Ngọ các thuyền rước mới về đến bến sông của làng mình để hòa nhập vào không khí rộn ràng, vui vẻ của lễ hội. Các trò chơi dân gian lễ giổ tổ nghề cào hến chủ yếu là đua ghe/ bơi trải được tổ chức hàng năm, nhưng cứ ba năm thì tổ chức lớn để quy tụ nhiều ghe đua cả vùng. Đến Rằm tháng Bảy, các làng làm nghề cào hến lại tổ chức làm Lễ cầu an tại bến sông để cầu cho dân làng làm ăn thuận lợi, may mắn; tạ ơn vị tổ đã truyền dạy nghề cào hến và cho loài hến sinh sôi, phát triển ngày càng nhiều. Tín ngưỡng này đã đi vào sâu thẳm trong tâm thức của những người hành nghề cào hến bao đời nay: "Rằm tháng Hai cầu rạy, Rằm tháng Bảy cầu an"1.

- Giổ Tổ nghề thầy pháp  

Phú Hải là một làng nằm về phía đông bắc huyện Hải Lăng, cách biển đông khoảng 3 km. Vốn là nơi đất đai khô cằn, phần lớn là cát trắng nên từ xưa đến nay dân làng không thể mưu sinh bằng nghề nông mà chủ yếu nhờ vào nghề dệt vải, làm hàng mã, bát âm cổ nhạc và đặc biệt nhất là nghề thầy pháp. Theo người dân làng Phú Hải thì nghề này được hình thành từ lâu trong cộng đồng làng, ông tổ của nghề là Thái Thượng Lão Quân - ông là người đạo cao đức trọng, thánh hiệu Tổ pháp truyền sư.

Thông qua quyền năng của các thầy pháp và sử dụng các bí quyết như bùa chú, bắt ấn và các công cụ bổ trợ như: Ấn thần huyền (pháp ấn), gươm hành trì, nhãn hương và khăn ấn trừ tà để sai khiến các thế lực phù trợ (thần thánh, âm binh) giúp đuổi ma, trừ tà và đem lại sự bình yên của gia chủ. Nghề thầy pháp là một nghề cổ truyền của người dân làng Phú Hải, các thầy pháp của làng thường cúng và trừ tà ma theo yêu cầu của người dân, chủ yếu trong các lễ sau: Lễ cúng đất, lễ tạ mộ, lễ trai đàn, lễ chiêu hồn nhập mộ, cúng quan sát (trẻ sơ sinh hay ốm đau), những người đau ốm bị thần linh quở trách, cúng nhà mới, lễ mở cổng nhà…

Hiện nay, bất kỳ nhà nào có hành nghề thầy pháp và hàng mã đều có thờ cúng tổ nghề. Vào ngày Rằm tháng hai Âm lịch họ tổ chức giổ tổ, những năm giổ nhỏ, toàn thể dân làng tập trung tại chùa làng Phú Hải; nhưng cứ 3 năm một lần đến dịp những kỳ lễ lớn làng phải cử đại diện vào chùa Linh Hựu - Thành phố Huế để rước ngài về cúng tế tại chùa làng với không khí trang nghiêm.

- Giổ tổ nghề kim hoàn

Giổ tổ nghề kim hoàn được tổ chức vào ngày 27 tháng 2 Âm lịch hàng năm, trong ngày này hầu như tất cả thợ kim hoàn, những người kinh doanh vàng bạc, đá qúy trên địa bàn toàn tỉnh đều hướng về ngày giổ tổ với tấm lòng tưởng nhớ, biết ơn đến những người đã truyền dạy lại nghề cho lớp lớp con cháu đời sau. Theo sử sách lưu lại, người có công khai sáng nghề kim hoàn chính là hai vị tổ sư họ Cao: Cao Đình Độ và Cao Đình Hương.

Ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của đạo Nho. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng nhưng ông có niềm đam mê lớn là trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Năm 1783, Ông đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, con trai ông - Cao Đình Hương, tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, hai cha con ông có thu nhận đệ tử khắp nơi trong vùng để truyền nghề cho họ.

Từ đó về sau, những người thợ kim hoàn và những người làm nghề kinh doanh vàng bạc, đá quý không chỉ ở Quảng Trị mà khắp khu vực miền Trung đều tổ chức giổ tổ, có khi tại tại quê nhà; nhưng khoảng vài ba năm khi tổ chức đại lễ, họ lại tụ hội ở làng Kế Môn để tổ chức lễ giổ tổ.

Dù ngày nay, nữ trang vàng bạc được sản xuất chủ yếu trên dây chuyền hiện đại, nhưng tổ nghề vẫn được coi trọng và tôn thờ trang nghiêm trong lòng các nghệ nhân kim hoàn ở Quảng Trị.

- Giổ tổ nghề mộc

Giổ tổ nghề mộc được tổ chức vào ngày 20 tháng 12 Âm lịch. Tương truyền, tổ sư của nghề mộc là Lỗ Ban. Tên thật của ông là Công Du Ban, cũng còn gọi là Công Du Tử, người nước Lỗ (Trung Quốc). Cũng thường gọi là Ban Ban, hoặc Lỗ Ban. Ông là một người thợ xây dựng nổi tiếng và thợ thủ công trong lịch sử Trung Quốc và từng một lần làm quan trong bộ Công. Ông đã sáng tạo ra nhiều công cụ kỳ diệu và dạy nhiều học trò. Nghề thủ công của ông đã lưu truyền qua hàng nghìn năm, nhận được sự kính trọng của mọi người. Về sau, mọi người đều suy tôn Lỗ Ban như là ông tổ của nghề mộc và tổ chức giỗ chạp hàng năm nhằm ghi nhớ công ơn của ông.

- Giổ tổ nghề rèn

Giổ tổ nghề rèn ở Quảng Trị được tổ chức vào ngày mồng Chín tháng Giêng âm lịch. Ngay từ đêm hôm trước, các thành viên hành nghề tập trung về một lò rèn danh tiếng trong vùng để làm lễ. Lễ vật cúng tùy thuộc vào kinh tế của các gia đình, có năm làm lợn, năm làm bò cùng với mâm xôi, vàng mã. Người cao niên nhất trong nghề đốt đèn đuốc lên trước án hương trầm nghi ngút bái lạy tổ tiên, người đã lập và truyền dạy nghề; sau đó cầu mong cho con cháu mạnh khỏe, nghề rèn ngày càng được thịnh vượng.

Theo truyền tích: Tổ sư nghề rèn là tướng quân Cao Lỗ không chỉ là tướng chỉ huy quân đội mà ông còn được vua An Dương Vương giao cho trọng trách chỉ huy “binh công xưởng” sản xuất, rèn đúc binh khí cho quân đội Âu Lạc - trong đó loại vũ khí lợi hại nhất là “nỏ thần” và những “mũi tên thần”. Vào những năm cuối đời khi cáo quan rời khỏi triều đình, Cao Lỗ đi chu du thiên hạ, về đến vùng Cao Xá (Diễn Châu, Nghệ An), thấy có mỏ sắt, nên dừng chân tại đây và dạy dân khai thác quặng sắt, lập lò rèn chế các dụng cụ bằng sắt để mở rộng canh tác ở các vùng lân cận. Sau khi mất ông được nhân dân lập đền, tôn thờ làm Thành hoàng, với tên hiệu là Lư Cao Sơn và tấn phong là thánh tổ của nghề rèn.

Xuất phát từ truyền thống tốt đẹp là thờ phụng tổ nghề, hàng năm, những người làm nghề rèn Quảng Trị, cứ đến ngày giỗ tổ thì bày soạn lễ vật để cúng tế nhằm thể hiện lòng trân trọng, biết ơn đối với các bậc hiền nhân đã có công truyền bá nghề cho các thế hệ sau này, đồng thời cầu mong cho công việc hành nghề được thuận lợi, phát đạt. Bên cạnh đó còn là sự tôn vinh, khẳng định thương hiệu của nghề.

- Giỗ tổ nghề nề

Những người làm thợ nề ở Quảng Trị thường tổ chức giỗ tổ nghề vào ngày 24 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Tổ sư của nghề thợ nề là Hoàng Ngọc Quý (Hoàng Ngọc Quốc Công). Vào khoảng thế kỉ XVI, Chúa Nguyễn Hoàng trong khi Nam tiến, đã chiêu mộ rất nhiều thợ thủ công giỏi để thực hiện mưu đồ xây dựng nền móng của một triều đình riêng. Do vậy, đòi hỏi nghề thợ nề với lượng nhân lực lớn để phục vụ nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Tới thế kỉ XIX, khi Phú Xuân (Huế) trở thành kinh đô của vua Nguyễn, trong điều kiện đất nước tiếp tục mở mang, các công trình tiếp tục được xây dựng, Bộ Công đã lập ra “Nề ngõa tượng cục”. Nhu cầu phát triển ngành xây dựng nên nhiều thợ nề khắp nơi được huy động về kinh đô làm việc. Trong điều kiện đó, nhà Nguyễn đã cắt một dải đất nằm dọc theo con “hói hàng Tổng” (nay là xóm Ngõa Tượng) để làm nơi cư trú cho họ2. Xây dựng xong Đại Nội (Hoàng Thành), vua Nguyễn cho xây Nê ngõa tượng đường làm nơi thờ tổ sư ngành nề. Trong bài vị có nhắc tới ông tổ nghề Hoàng Ngọc Quý (Hoàng Ngọc Quốc Công).

- Giổ tổ nghề nhạc lễ cổ truyền

Nhạc lễ cổ truyền là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính đặc trưng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là một phần không thể thiếu trong các nghi thức cúng tế như: Lễ Đại tự kỳ an, tế minh niên, tất niên, giổ họ (việc họ), tang ma, tạ mộ, tế cô hồn … nhằm tăng thêm phần long trọng, tính trang nghiêm, ấm cúng cho nghi thức tế tự.

Đặc biệt, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, nhạc lễ cổ truyền được coi là một phần không thể thiếu trong nghi thức thiết triều cũng như các lễ hội sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Từ đó làm cho nhạc lễ cổ truyền dần trở thành một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian rất đặc trưng của vùng đất miền Trung.

Trên địa bàn Quảng Trị, loại hình âm nhạc này đã hình thành từ khá sớm ở rất nhiều làng quê mà điển hình có thể kể đến đó là làng Bích Khê (xã Triệu Long), làng Đại Hào (xã Triệu Đại), làng Ngô Xá Tây (Triệu Trung) - huyện Triệu Phong; làng Điếu Ngao (Phường 2 - thành phố Đông Hà), làng Hà Trung (xã Gio Châu - huyện Gio Linh)... Sự ra đời của các đội nhạc lễ cổ truyền vốn xuất phát từ nhu cầu thực tế của đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân.

Từ xa xưa cho đến ngày nay, những người hành nghề nhạc lễ tổ chức giỗ tổ vào ngày 16 tháng 10 Âm lịch. Vào ngày này, họ tụ họp về nhà nhạc trưởng để tổ chức cúng tế tạ ơn vị tổ sư đã sáng lập ra nghề, đồng thời cầu mong cho cháu con của họ mạnh khỏe để tiếp tục nối nghiệp và bảo lưu nghề truyền thống.

2. Vai trò tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong đời sống người Việt Quảng Trị

2.1. Trong đời sống kinh tế

Từ sự cố kết với nhau trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề có ảnh hưởng và quyết định đến các hoạt động của các nghề thủ công truyền thống. Kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp và làm ăn buôn bán được các gia đình gặp gỡ, trao đổi vào dịp giỗ tổ nghề, hoặc lễ tế xuân thu nhị kỳ khi tất cả cùng nhau hàn huyên trong ngày giổ tổ. Đối với mỗi nghề thủ công truyền thống, lễ giỗ tổ là ngày quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh cao nhất trong một năm lo toan tất bật mưu sinh. Trong những ngày này, ngoài thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân cũng là dịp đoàn viên của các phường nghề để ôn lại quá trình sản xuất trong một năm; qua đó trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, những bí quyết nghề để cải tiến dụng cụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Và quan trọng hơn cả, trong những dịp lễ, các phường nghề thường có lễ trình nghề, một hình thức giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm mới của nghề mình. Từ đây, nhiều mối làm ăn, buôn bán được thiết lập, tạo dựng niềm tin, thương hiệu của mỗi nghề. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn phát triến sản xuất, giúp nhau nguồn nhân lực, giá cả buôn bán, kinh doanh, tiêu thụ sản phẫm, trao đổi nguyên vật liệu, mở mang mạng lưới thị trường để buôn bán, tiêu thụ sản phẫm cũng như định hướng phát triển thương hiệu nghề trong tương lai. Mối quan hệ đó được gìn giữ thông qua các qui định của các thành viên làm nghề và mỗi gia đình trở thành một mắt xích thực hiện, kết nối truyền thống từ thời này qua thời khác.

2.2. Trong đời sống văn hóa tinh thần

- Giáo dục đạo đức truyền thống

Tín ngưỡng tổ nghề có vai trò nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần, trong quan niệm của mỗi người, bất cứ một nghề nào đều có những người thầy để làm điểm tựa tinh thần cho họ trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Hình tượng tổ nghề có thể bằng xương bằng thịt, có thể là nhân vật huyền thoại nhưng đều là những người học rộng tài cao, hiểu sâu biết rộng, thông minh, tức thời, nhạy bén trước thời cuộc. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng nổ lực vượt qua và thành công trong sự nghiệp. Hơn thế, đa số các vị tổ nghề đều có vai trò quan trọng với làng nước và đặc biệt với những người hành nghề truyền thống mà tổ đã khai sáng. Họ vừa là tổ nghề, một trí thức bậc cao và cũng có những vị tham gia vào các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, cứu nước, cứu dân… Người đời sau vì thế mà tôn vinh, noi gương, lấy đó để phấn đấu, học tập. Bởi vậy thờ cúng tổ nghề luôn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho các thế hệ con cháu cách ứng xử trong văn hóa, lòng tri ân, tự hào, ngưỡng mộ, tinh thần hướng về cội nguồn dân tộc, ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để đi đến thành công.

- Mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc

Tục thờ tổ nghề là phong tục tập quán, nghi lễ linh thiêng của người dân đang hành nghề truyền thống. Hàng năm, lễ cúng tổ nghề thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của vị tổ nghề, nếu không biết được ngày sinh, ngày mất của vị tổ nghề, thì người dân tổ chức vào ngày hội làng. Những người hành nghề tin rằng thờ cúng tổ nghề sẽ được ngài phù hộ cho họ sức khỏe, làm ăn tấn tới, để bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của mình. Tục thờ tổ nghề cũng chính là đạo lý thờ cúng tổ tiên, trở thành sợi dây liên kết, gắn bó mọi người lại với nhau, thể hiện đạo hiếu trong nhân sinh quan của người Việt Nam. Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Khôi, cho biết: “Đạo hiếu gắn với thờ cúng tổ nghề. Chuyện thờ các vị tổ nghề chứng tỏ là chúng ta thể hiện thái độ tri ân của những kẻ hậu sinh, nhớ công lao những người đi trước đã khai thông, mở lối cho mình. Nếu như chúng ta không có thái độ biết ơn, tri ân như thế chắc chắn sau này chúng ta không thể mở mày mở mặt ra được3.

Với đạo lý: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, “ly hương, bất ly tổ”; những nghệ nhân, thợ thủ công truyền thống luôn gắn bó máu thịt với quê hương nơi mình sinh ra và được học nghề; nhưng vì một lý do nào đó mà rời làng quê đến vùng đất mới sinh sống, lập nghiệp, thì họ luôn ý thức việc giữ nghề, truyền nghề cho con cháu đời sau. Lòng tri ân những vị tổ nghề trong họ không hề mất đi mà trái lại họ gieo vào vùng đất mới những hạt giống của lòng biết ơn bằng cách hành nghề, tạo lập nghề mới và thiết lập truyền thống thờ vị tổ nghề - tục thờ tổ nghề ở các làng Quảng Trị ra đời từ đó.

Sinh hoạt văn hóa tâm linh được thể hiện rõ nét nhất qua ngày giỗ tổ, ngày lễ xuân thu nhị kỳ, những ngày tuần tiết, sóc vọng. Đây là dịp để mỗi người thợ thể hiện lòng tri ân với tổ nghề, đồng thời củng cố tính cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tạo niềm tin trong làm ăn, buôn bán, cách ứng xử của mỗi thành viên trong phường nghề. Những nghi thức thờ cúng, tế lễ… chính là sự kết nối giữa con người với thế giới thần linh để tạo nên sự thiêng hóa của vị tổ nghề.

Cùng với nghề nông, người Việt Quảng Trị còn sinh sống bằng nhiều nghề thủ công truyền thống khá phong phú và đa dạng, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề của người Việt Quảng Trị xuất hiện và đồng hành cùng với các ngành nghề thủ công và làng nghề truyền thống; đây là một đạo lý cao đẹp của người Quảng Trị và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng cư dân người Việt. Tuy vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề Quảng Trị chưa thật sự phong phú và mang tính chuyên nghiệp theo từng làng nghề truyền thống riêng biệt ở từng vùng cụ thể như các làng nghề miền Bắc; bởi vì: các nghề thủ công truyền thống tuy xuất hiện khá sớm nhưng nó luôn gắn liền với các vùng nông nghiệp, ngư nghiệp; họ xem ngành nghề thủ công là nghề phụ giải quyết khoảng thời gian nông nhàn để làm ra những mặt hàng thiết yếu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, do trong quá trình giao lưu, trao đổi, họ đã học tập lẫn nhau để làm ra các các sản phẩm thủ công, đồ gia dụng, mỹ nghệ… Và cứ thế nghề thủ công được lưu truyền theo kiểu cha truyền con nối, ít có các vị tổ sư nổi tiếng trong vùng.

Thờ cúng tổ nghề là tín ngưỡng của một bộ phận người Việt hành nghề thủ công, nó mang màu sắc riêng biệt của mỗi nghề truyền thống trên vùng đất Quảng Trị, thể hiện ở các phong tục tập quán, nghi lễ, các quy ước của cộng đồng nghề mang lại. Tín ngưỡng này góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của người Việt Quảng Trị./.

                                                                                                                                                              Cái Thị Vượng

Chú thích

  1. Cầu rạy: là cầu cho con hến sinh sôi, nảy nở ngày một nhiều thêm.

2. Xóm Ngõa Tượng nằm giữa hai làng Địa Linh và La Khê, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về phía Bắc. Địa danh này trước đây thuộc làng Địa Linh, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nay thuộc xã Hương Vinh, thành phố Huế .

3.Trích trong tập tài liệu Hội thảo “Tục thờ Tổ bách nghệ tại Việt Nam”. Tr.52.

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH TẬP QUÁN XÃ HỘI
TỤC ĐI SIM CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐÌNH - CHỢ LÀNG QUẢNG TRỊ TỤC THỜ ĐÁ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ BÁNH HỘC, BÁNH IN - MỘT NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG CỦA LÀNG NHĨ THƯỢNG TÍN NGƯỠNG THỜ THỦY THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ