Những di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội
TỤC ĐI SIM CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

Ở mỗi dân tộc, con người có những cách bày tỏ tình yêu và hôn nhân khác nhau; người Vân Kiều ở Quảng Trị quan niệm rằng, tình yêu và hôn nhân là bước đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người, khi đó con người tự ý thức được và quyết định cuộc đời của mình. Bước đường từ tình yêu đến hôn nhân đối với trai gái người Vân Kiều khá phức tạp, tốn kém và phải thực hiện nhiều nghi lễ theo quy định của luật tục. Người con gái kể từ khi tiếp nhận những món quà nhỏ trong các lần đi sim cho đến lúc trở thành ma nhà chồng có biết bao nhiêu niềm vui nhưng cũng không ít những lo toan. Người con trai kể từ lúc hoàn tất xong công việc cà răng cho tới lúc trở thành người chủ gia đình phải gánh vác biết bao công việc. Bước đi đầu tiên trên chặng đường đó mà các đôi trai gái phải trải qua là đi Sim, hạnh phúc lứa đôi có bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn này. 

Đi sim - Pa oar/Pở la ngợp là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái dân tộc Vân Kiều từ bao đời nay, là nét đẹp lãng mạn, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên người Vân Kiều. Trai gái đến tuổi cập kê đều có quyền tham dự những mùa Sim. Đi Sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng, khi ánh trăng vừa nhô lên đầu ngọn núi, tiếng sáo gọi bạn tình vang vang khắp các bản làng cũng là lúc những chàng trai, cô gái bắt đầu những cuộc hẹn hò cho buổi Sim. Vì thế, mùa trăng được xem là thời điểm lý tưởng nhất cho những buổi đi Sim, thời điểm mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều luôn trông ngóng, đợi chờ. Hết mùa trăng này đến mùa trăng khác, nam nữ thanh niên Vân Kiều vẫn giữ lấy tập tục này. Họ cảm nhận điều này như một lẽ tự nhiên không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Chuẩn bị cho đêm đi sim, các chàng trai, cô gái chọn cho mình những trang phục đẹp nhất và những nhạc cụ thay cho lời thổ lộ tâm tình của mình. Họ thường tập trung ở các bờ sông, con suối hay ở ngôi nhà chung (xu hay gươl) để chuyện trò, hát sim, thổ lộ tâm tình. Có khi họ tập hợp lại thành tốp năm, tốp bảy kéo nhau từ bản này sang chơi bản khác. Cứ thế lúc về khuya trăng thanh gió mát, các “liền anh liền chị” khi đã có tình ý với nhau thì dẫn nhau ra chòi rẫy hay ra bờ suối thanh vắng để tình tự tùy theo sở thích của mỗi người. Trong những lần hò hẹn ấy không thể thiếu những khúc hát giao duyên. Đó cũng được xem là sợi tơ hồng se duyên cho chàng trai cô gái gặp nhau. Họ ngồi bên nhau, say sưa hát để bày tỏ nỗi lòng, bày tỏ tình yêu, những lời ước hẹn thủy chung và cả những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Những làn điệu dân ca được các chàng trai, cô gái sử dụng đối đáp trong những buổi hẹn hò đó là: Oát và Ta oải. Đây là loại hình hát đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hò hẹn. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.

Bước qua giai đoạn đầu bở ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc và giúp những đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca, điệu hát. Những câu hát Oát như là người mai mối dẫn dắt họ mạnh dạn tìm đến với nhau để bày tỏ mong ước kết đôi, khát khao yêu đương cháy bỏng, họ thấy không thể sống thiếu nhau và mong muốn được bên nhau trọn đời. Cứ như thế, hết mùa trăng này đến mùa trăng khác, thanh niên nam nữ Vân Kiều tìm đến nhau, hát cho nhau nghe những bài hát của quê hương, của cha ông và những bài hát do bản thân mình tự sáng tạo ra. Sau mỗi lần đi sim người con trai thường tặng cho người con gái những vật kỷ niệm như vòng bạc, chuổi cườm... Nếu cô gái nhận lấy các kỷ vật có nghĩa là đã ngầm hẹn ước với chàng trai. Còn nếu như cô gái từ chối không nhận kỷ vật có nghĩa là không đồng ý tiếp tục tìm hiểu, chàng trai phải chuyển sang đối tượng khác. Vật kỷ niệm cũng sẽ được hoàn lại cho chủ nhân nếu như sau này vì những lý do nào đó mà đôi trai gái không trở thành vợ chồng.

Ở giai đoạn tìm hiểu này, luật tục của người Vân Kiều cũng có những quy định rất nghiêm khắc, rõ ràng. Con trai con gái đến tuổi trưởng thành đều có thể đi Sim để tìm bạn đời, người con trai được phép qua nhà con gái chơi bất cứ lúc nào. Tục lệ của người Vân Kiều còn cho phép nếu chàng trai đã phải lòng với cô gái nào thì khi màn đêm buông xuống thì chàng trai được phép chủ động đến dưới chỗ nằm của cô gái, rẽ vách bật tín hiệu bằng cách dùng cành cây gõ vào gỗ nhà sàn. Nếu đồng ý, cô gái sẽ mở cửa và hai người dắt nhau ra rừng, ra chòi canh rẫy để tìm hiểu nhau. Bên cạnh đó, luật tục cũng quy định những điều tối kị đó là không được ép buộc con gái yêu mình, không được tranh người yêu và phải nhường cho người đến trước. Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua thời gian tìm hiểu, khi tình cảm và sự chọn lựa đã chín muồi, phải được sự mai mối của người làm mối, được sự đồng ý của hai gia đình, hai dòng họ. Bất luận trong mọi trường hợp, con cái chưa được sự đồng ý hoặc cưỡng lại quyết định của cha mẹ, tự ý thực hiện những điều không được phép làm đều bị ghép vào tội bất hiếu. Trong luật tục cũng như quan niệm của đồng bào Vân Kiều, khi chưa là vợ chồng của nhau thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục vì như thế sẽ làm vẫn đục danh dự của dòng họ và làm kinh động đến thần linh. Nếu đôi nam nữ nào lỡ “ăn cơm trước kẻng” mà chưa được sự cho phép của gia đình, trưởng bản thì sẽ bị phạt rất nặng.

Khi hai người đã tâm đầu ý hợp thì họ sẽ báo cho bố mẹ mình biết. Khi bố mẹ đồng thuận sẽ nhờ người mai mối (Kôn kana, Kăn kana). Kôn kana - Kăn kana đóng vai trò ngoại giao, thông báo tiến triển công việc cho hai bên gia đình biết và khi câu chuyện hôn nhân giữa hai gia đình đã chín muồi, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi (Xơ đăng/Pở ra cẩy) và sau khi chọn được ngày lành tháng tốt thì gia đình hai họ sẽ tiến hành tổ chức đám cưới (Ra beng/Ra pun) cho đôi bạn trẻ.

Như vậy, đi sim là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong trong đời sống cộng đồng của người Vân Kiều. Con trai, con gái Vân Kiều khi đến tuổi trưởng thành đều mong đợi những đêm sim trữ tình, lãng mạn. Ấy là nét đẹp của tục đi sim xưa. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển và du nhập của hệ thống truyền hình, các mạng thông tin điện thoại và cùng với sự cộng cư, xen cư với người đồng bằng đã làm thay đổi trong một số nhận thức của người dân ở đây, dẫn đến tập tục này không còn giữ được yếu tố truyền thống và đang đối diện với nguy cơ mai một. Vì thế cần có các phương án để gìn giữ, bảo tồn tập tục này trong đời sống của đồng bào người Vân Kiều và để cho những mùa trăng, con khe, bờ suối giữ mãi hơi ấm cùng nhịp đập con tim của trai gái người Vân Kiều.

                                                                                                                                                                  Hoàng Ngọc Thiệp

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH TẬP QUÁN XÃ HỘI
THỜ CÚNG TỔ NGHỀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐÌNH - CHỢ LÀNG QUẢNG TRỊ TỤC THỜ ĐÁ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ BÁNH HỘC, BÁNH IN - MỘT NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG CỦA LÀNG NHĨ THƯỢNG TÍN NGƯỠNG THỜ THỦY THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ TỤC UỐNG RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU XÃ LINH THƯỢNG