1. Ý nghĩa của tục thờ đá
Có thể nói rằng, đá là chất liệu đầu tiên, gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh. Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loài người. Với một khoảng thời gian lớn như thế, thì ấn tượng về đá trong con người chắc hẳn phải rất sâu sắc. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với hang (đá), đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa… Nói chung, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong (hang) đá, và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Quan niệm đó được huyền thoại hoá thành các câu chuyện ở nhiều dân tộc.
Đặc điểm cơ bản của đá là cứng rắn và con người có thể lợi dụng, tạo ra hiệu quả trong lao động. Từ đó, con người thấy rằng mình có thể dựa vào tính cứng rắn của đá. Tính cứng rắn có thể được hiểu là có một vị thần ở trong đá tạo ra. Vị thần Đá phản ánh nhận thức của con người về sự vật luôn có tính hai mặt là vật chất và linh hồn. Trong đó linh hồn mới là cái bất diệt, và chính nó tạo ra sự cứng rắn của đá. Cho nên, đối với người xưa, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là công cụ lao động, mà chúng còn có ý nghĩa ma thuật. Những công cụ bằng đá mà họ luôn mang bên mình là vật để trừ tà, để tránh ma quỷ không làm hại.
Mặt khác, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật để đạt được mục đích cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc…
Hiện nay, hình thức thờ đá đã có những biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, yếu tố gốc của một số phong tục, tín ngưỡng gắn với thờ đá vẫn được bảo lưu. Một đặc điểm độc đáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là tín ngưỡng thờ cây và thờ đá; đó cũng là tín ngưỡng mang tính phổ biến của nhân loại. Thờ đá là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian sớm nhất xuất hiện ở Việt Nam và tham gia vào nhiều các hình thức thờ phụng khác của người Việt. Ngày nay thờ đá cũng đã biến đổi, bị/được kết nạp vào những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác như: tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng nông nghiệp, tôn giáo…
Để hiểu hơn về tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ với các loại hình tín ngưỡng và thấy được quá trình biến đổi cũng như các lớp nội dung, ý nghĩa của chúng, bài viết này tập trung nghiên cứu một số biểu hiện về tục thờ đá của người Việt Quảng Trị.
2. Một số biểu hiện của tục thờ đá người Việt Quảng Trị
a. Thờ đá trong tín ngưỡng Thành hoàng
Thờ cúng Thành hoàng là một hình thức thờ phụng mà chúng ta vay mượn của người Trung Hoa (với ý nghĩa là thần bảo trợ thành trì). Nhưng ở Việt Nam, hình thức thờ Thành hoàng đã thay đổi. Thành hoàng ở Việt Nam mang ý nghĩa là vị thần bảo trợ cho làng, nên còn được gọi là Thành hoàng làng.
Tín ngưỡng này tuy bó hẹp trong phạm vi địa lí nhất định “Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” là câu ca nói về hiện tượng thờ cúng này. Nhưng nó lại có khả năng bao trùm lên mọi tín ngưỡng dân gian khác. Bởi vì, Thành hoàng có thể được phong cho mọi vị thần, từ cao đến thấp, từ cao quý đến dân dã, từ thần đến người… miễn là đối tượng đó có công với làng.
Vì Thành hoàng có ý nghĩa là thần bảo trợ cho một làng, trong dân gian nhiều khi thần đá cũng được tấn phong là Thành hoàng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó. Truyền thuyết về Thành hoàng làng Phương Sơn là một điển hình.
Tục truyền ngày xưa ở làng Phương Sơn có một chàng trai nghèo chuyên sống bằng nghề dũi cá. Một hôm, như thường lệ, anh vác dũi ra đồng. Anh làm việc cật lực, từ sáng đến trưa mà vẫn không kiếm được một con tép. Thế mà cứ mỗi lần dũi xuống là cứ thấy nặng ì không đẩy nổi, dở lên chỉ thấy một hòn đá nằm ở trong. Nhiều lần như thế, chàng trai sinh nghi bèn khấn rằng: nếu có thần linh thì phù hộ cho con được nhiều cá con sẽ đem ngài về thờ tự. Quả nhiên sau đó các mẽ dũi đều nhiều cá vô kể. Chàng trai mừng lắm bèn đem viên đá về đặt lên bàn thờ ngày đêm hương khói. Ít lâu sau, hòn đá bỗng lớn lên trong thấy, lại mọc cả tay chân trông rất giống hình người. Sợ quá, chàng bèn báo cho làng xóm cùng biết. Dân làng thấy vậy bèn xin chàng thỉnh hòn đá về thờ rồi tôn xưng là Thành hoàng và thờ cúng rất thành tâm. Từ đó làng cầu gì được nấy.
Thực ra viên đá ấy là một tác phẩm nghệ thuật của người Chăm tạc hình thần Shiva ngồi ở tư thế thiền, hai chân xếp bàng. Đó là một pho tượng bằng đá có hình hài của một vị nam thần được tạc dưới dạng phù điêu. Vị thần này được dân làng coi là thần Thành hoàng và đã được nhà nước phong kiến Nguyễn nhiều lần sắc phong là thượng đẳng thần.
Sự tích miếu Nghè Phương Sơn với việc phong Thành hoàng cho tác phẩm điêu khắc đá Chămpa chính là quá trình huyền thoại hóa để thiêng hóa một vật đá mang trong mình bản chất thần (thần Shiva) của một dân tộc khác thành vị thần bảo trợ cho dân tộc mình. Ðó chính là một thái độ ứng xử rất văn hóa của người Việt Phương Sơn/Quảng Trị đối với các di sản văn hóa của quá khứ cần được trân trọng và tự hào 1.
Như vậy, tín ngưỡng thờ đá đã được gắn thêm một lớp văn hoá nữa là tục thờ Thành hoàng. Hai loại hình tín ngưỡng dân gian dễ dàng hoà nhập với nhau để trở thành những phúc thần bảo trợ cho cộng đồng, làng xóm. Trong sự kết hợp đó, nội dung thờ đá dần dần bị mờ đi, chỉ còn lớp bề mặt, là hình thức thờ Thành hoàng hiện diện.
b. Hình thức thờ đá liên quan đến nghi lễ nông nghiệp
Đá được sử dụng làm biểu tượng trong các nghi lễ phồn thực, cầu tự… Bởi vì đá là đặc trưng của núi, cho nên nó có thể truyền sinh lực của Trời - Đất với nhau. Người ta lấy đá làm biểu tượng để truyền tải niềm tin không lí giải được và lòng mong muốn cha Trời hoà thuận với mẹ Đất để cho sinh khí trời đất giao hòa, đối đãi với nhau giúp cho muôn vật, muôn loài sinh sôi nảy nở. Một trong những biểu hiện đó là việc cầu mưa của người dân làng Ba Thung (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) thông qua bia/ cột đá “Hạ Vũ trị thuỷ”.
Người dân làng Ba Thung đã sử dụng cột đá và khắc dòng chữ Hán “Hạ Vũ trị thuỷ” để cầu mưa lấy nước tưới cho cánh đồng ở vùng đồi cao. “Hạ Vũ trị thuỷ” được lấy từ điển tích vua Đại Vũ nhà Hạ (Trung Quốc), ông trị vì đất nước từ năm 2205 - 2198 trước công nguyên và là vị vua hiền tài, rất giỏi việc trị thủy, ông có công đào vét, ngăn sông, giúp nhân dân tưới tiêu và phòng chống lũ lụt.
Trong quan niệm của người dân, đá có khả năng điều khiển mây trên trời là do hình thù của đá có sự “đồng cảm” nào đó với mây, sấm, sét và có cùng nguồn gốc từ các yếu tố tự nhiên, có cùng tổ tiên xa xưa. Đá cũng gắn bó mật thiết và song hành cùng với nước. Các hòn đá lấy được ở dưới nước còn có hình dạng liên quan đến các loài vật như cá, ếch, rắn hoặc giống một biểu hiện thủy ngư nào đó... Chính vì vậy, đá được sử dụng trong nghi lễ cầu mưa. Nhiều dân tộc sử dụng những hòn đá có nguồn gốc hoặc hình thù kì lạ để thực hành nghi lễ cầu mưa. Đá thiêng thường là vật bất li thân của các thầy cúng, pháp sư. Người ta tin rằng, những hòn đá đó có thể thấu hiểu những lời cầu của các thầy pháp và mang lời khẩn cầu đó đến với các vị thần. Đồng thời, đá cũng thực hiện chức năng truyền những lời phán dạy của thần linh qua thầy pháp tới con người.
c. Tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ Việt - Chăm
Quá trình Nam tiến của người Việt không chỉ chứng kiến sự mở mang bờ cõi, mà còn cho thấy sự thay đổi lớn về đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt là đời sống văn hoá. Cuộc giao lưu văn hoá Việt - Chăm đã diễn ra một cách tương đối hoà bình, bởi hai nền văn hoá này có những nét tương đồng, dễ dàng tiếp thu, tiếp nhận những giá trị của nhau, để làm giàu cho vốn văn hoá của mình. Một trong những biểu hiện của sự giao lưu, tiếp biến văn hoá đó là sự chuyển hoá diễn ra trong tục thờ đá mà điển hình là tục thờ sinh thực khí. Đây là tục thờ những vật tượng trưng cho sinh thực khí của đàn ông và đàn bà. Tục thờ này gắn bó chặt chẽ với tục thờ đá trong hình thức thờ cúng các vật thiêng.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy tục thờ đá xuất hiện khá rõ nét ở các di tích đền tháp Chăm. Hiện tượng thờ đá - sinh thực khí là tín ngưỡng của người tiền trú (người Chăm) mà về sau người Việt đã kế thừa để thờ tự và hợp thức hoá chúng để trở thành đối tượng thờ của mình.
Đá liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở một nét biểu trưng của đá đó là “sự sống và có khả năng đem lại sự sống”. Con người tin rằng sự kết hợp giữa đá và các đối tượng thờ cúng sẽ tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, có thể đem lại hiệu quả, tạo ra sự sinh sôi, nảy nở. Bản chất sự sống ở trong đá sẽ tiếp thêm sinh lực cho sự sinh sản để đáp ứng nguyện vọng của con người, của cây cối và vật nuôi.
Người Chăm chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo. Họ thờ thần đá dưới dạng biểu tượng thần Shiva. Biến tướng của sự thờ cúng này là nhiều nơi thờ tự của người Chăm có những linh tượng, linh phù dạng sinh thực khí bằng đá. Vì đá với bản chất là “sự sống và có khả năng tái sinh”, nên nó dễ kết hợp với tín ngưỡng thờ thần Shiva, vị thần tối cao, đem lại sự sống. Những hiện tượng thờ cúng ở các khu đến tháp của người Chăm xưa rất tiêu biểu cho tục thờ này. Mặc dù ngày nay các khu đền tháp Chăm đã trở thành phế tích, nhưng các thế hệ người Việt vẫn kế thừa và thờ tự các biểu tượng mang tính phồn thực này như ở khu phế tích tháp Chăm Dương Lệ, xã Triệu Thuận hay ở Quảng Điền, xã Triệu Đại thuộc huyện Triệu Phong; khu phế tích tháp chăm Trà Lộc (xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng)...
Ngoài ra, trong sinh hoạt tinh thần ở một số vùng miền quê của người Việt hiện nay vẫn phổ biến hiện tượng thờ cúng những tảng đá có hình thù đặc biệt (giống hình người, hình con vật, hay đồ vật sinh hoạt…) nằm ở vị trí đặc biệt (như trên ngọn núi, hay dưới gốc cây cổ thụ…). Dân gian thường gọi hiện tượng này là “Bụt mọc”, “Phật Lồi”. Trong tâm thức của người Việt, sở dĩ những tảng đá có hình thù đặc biệt như vậy, bởi chúng là vật hóa thân và là nơi trú ngụ của các thần linh. Vì thế, thờ cúng những tảng đá thần là để cầu mong nhận sự bảo trợ từ thần. Thường thần đá đều là các “thần lành”, tức những vị thần dùng sức mạnh và uy lực của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người, nên dân gian mới gọi những vị ấy là “Bụt mọc” hay “Phật lồi”.
Chùa Bụt mọc (làng Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh) với truyền thuyết kể lại rằng: ngày xưa có một người dân trong làng cày ruộng ở khu vực gần đền, không may cày bị gãy lục lòi (náng), người cày ruộng liền cầm rựa vào khu vực cây cối rậm rạp để chặt cành cây làm lại lục lòi. Vì cán rựa hơi lỏng ông ta liền thổ cán rựa vào hòn đá, chẳng ngờ hòn đá bị vỡ và ứa máu. Người cày ruộng sợ quá, vội chạy về báo cho dân làng biết. Mọi người đến xem kỹ thì thấy hòn đá trong giống pho tượng, dân làng liền tổ chức tang lễ và táng pho tượng ngay dưới khu vực này. Từ đó về sau dân làng thờ tự và gọi đó là chùa Bụt mọc.
Chùa Bụt mọc được người dân thờ tự với một ý niệm đây là một vị thần hộ pháp có uy lực trấn áp mọi ma quỷ quấy nhiễu dân lành. Chính vì vậy, những gia đình quanh vùng khi có con hay đau ốm thường đến đây để cầu khấn và gửi đứa trẻ cho thần để thần che chở và trấn áp các loại tà ma làm hại.
Chùa Phật Lồi ở làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ngày nay chỉ còn là một khu đất hoang phế, nhưng các nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là địa điểm của một đền tháp Chăm.
Sự tích chùa Phật Lồi ở làng Nhan Biều (Triệu Thượng, Triệu Phong) và câu chuyện về chùa Bụt Mọc ở làng Liêm Công (Vĩnh Thành, Vĩnh Linh) tuy có khác nhau về tình tiết nhưng thực ra là sự giải thích về những hiện vật Chăm được người Việt phát hiện rồi đem thờ để giải quyết mối lo ngại từ cõi thiêng. Chữ ''lồi'' là gọi theo cách của người Việt Quảng Trị thường dùng để chỉ cho các di tích Chăm và chữ ''bụt'' là từ dùng để chỉ những tượng Chăm (đồng nghĩa với tượng Phật). Cả hai đều được gọi là chùa 1.
d. Các hình thức thờ đá khác
Tín ngưỡng thờ đá trong dân gian cũng có thể được xuất phát từ tâm lí e sợ nguy hiểm. Trên những địa hình ghềnh thác dọc theo các con sông thì đá luôn là những vật cản gây nên những tai họa. Để giải quyết về mặt tâm lý, thông thường ở những khúc sông này người ta thường dựng nên các miếu thờ thần đá. Những vị thần đá cư ngụ ở những nơi này chính là những vị thần linh được nhân cách hoá.
Những thần đá được người Việt tôn thờ dọc theo các con sông thường là một tảng đá khác biệt do hình thù kì dị hiếm có, hoặc do nguồn gốc, tính chất phức tạp, nhưng thông thường là những tảng đá có tính tự nhiên. Những tảng đá tự nhiên được thần hóa có mặt rất nhiều nơi ở Quảng Trị như tảng đá chặn giữa sông Thạch Hãn/Ba Lòng đoạn qua thôn Đá Nỗi, thôn Trinh Thạch (xã Ba Lòng, huyện Đakarông), hay núi đá ở Thác Mệ thuộc thôn Văn Vận (xã Hải Phúc, huyện Đakrông)...
Tại thôn Trinh Thạch (xã Ba Lòng, huyện Đakrông) và thôn Văn Vận (xã Hải Phúc, huyện Đakrông) có những tảng đá rất lớn nằm sát bên bờ hữu ngạn của sông Ba Lòng (Thạch Hãn), khiến dòng sông phải lượn về trái và tạo thành một cái thác gây nguy hiểm cho thuyền bè khi qua đây, nhất là về mùa mưa. Người dân địa phương cũng như những người dân đi làm ăn đã thần linh hóa và thần kính thờ cúng với một ước vọng vị thần ngự ở tảng đá này giúp đỡ ghe thuyền tránh được những hiểm nguy khi qua thác ghềnh của đoạn sông này.
Một hình thức thờ đá khác được biểu hiện dưới dạng đá mốc (ông mốc). Trên địa bàn Quảng Trị có rất nhiều mốc đá hay đá trấn được thần linh hóa và được người dân địa phương thờ cúng không khác gì các vị thần tại các ngôi đền.
Đó là những đá trấn đặt ở những vị trí để làm cho dòng sông chuyển hướng không đâm vào làng (như mốc đá ở làng Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), tảng đá trấn ở đình làng Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị); hay một con đường của làng bên cạnh đâm thẳng vào làng trước khi chuyển hướng như mốc đá ở làng Tùng Luật (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh); hoặc các đền, miếu, đình chùa của làng bên cạnh đối diện với làng mình… và cả những mốc đá làm ranh giới giữa các làng mà người dân goi với tên rất kính trọng “ông mốc”. Tất cả đó là những điều không lành, nên người ta phải trấn áp. Chức năng của đá trấn là trừ tà ma đến quấy nhiễu, gieo tai họa cho làng, người dân địa phương thông qua vị thần đá để loại trừ những điềm xấu xâm nhập vào làng của mình.
Bên cạnh việc trấn giữ để không cho tà ma vào quấy phá dân làng, các mốc đá, hay đá trấn còn là nơi mà những gia đình hiếm con thường đến để cầu xin được sinh con, hay gia đình có con hay đau ốm, khó nuôi đều đem đến gửi cho thần/ ông Mốc… Trong cuộc sống, có rất nhiều những điều mong muốn của con người không trở thành hiện thực. Khi đó, người ta sẽ cầu viện đến những thế lực siêu nhiên, có quyền năng vô hạn. Ví như khi khả năng sinh nở của con người không theo quy luật là do một trở lực nào đó. Cho nên, việc cầu tự chẳng qua là để xoá bỏ những trở lực đó cho con người và họ đã cầu viện đến những tảng đá thiêng. Đá có thể truyền đạt lời thỉnh cầu của con người đến Trời, Đất, các vị thần, khiến cho các thế lực đó cảm động và trợ giúp con người.
Tại chợ Thuận (làng Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong) có phiến đá Dương dựng dưới gốc cây đa cổ thụ che phủ một góc chợ. Mỗi lần làm lễ, người dân quét vôi trắng và viết lên phiến đá hai chữ Hán “Phược quỷ” nghĩa là trói quỷ. Thầy pháp cầm một nắm thẻ tre có vẽ bùa, làm phép xong cắm một thẻ vào chân phiến đá với ý nghĩa giam cầm ma quỷ không cho chúng quấy nhiễu dân chúng trong làng.
Để cho những cột mốc mà mình dựng lên có sự huyền bí, tăng thêm lòng kính sợ của nhân dân các làng khác, người ta đã gắn cho những tảng đá - cột mốc đó những huyền thoại. Những câu chuyện dân gian về sự linh thiêng của thần đá tạo một lớp sương mù bao phủ lên một phạm vi rộng lớn, khiến cho các tảng đá vốn đã vững chãi, ngày càng trở nên bất khả xâm phạm. Quá trình “thiêng hoá” diễn ra khiến cho không những hiện tượng thờ đá được bảo lưu mà ý định lập cột mốc giữ đất đai cũng được tôn trọng. Đó là ý nghĩa của đá - cột mốc/thần mốc đối với nhân dân miền xuôi. Cũng như người Việt, sớm hơn, “cột mốc đá” phân định ranh giới làng, người miền núi đã có tục lệ dùng đá đánh dấu ranh giới đám nương do mình đã đến khai phá trước.
Sự phân chia hiện tượng thờ đá của chúng tôi như ở trên chỉ mang tính chất tương đối, để thuận tiện hơn cho việc mô tả các hiện tượng. Bởi vì, hiện tượng thờ đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian bản địa và các tôn giáo có những sự giao thoa, hoà nhập, không loại trừ lẫn nhau để tạo thành những hiện tượng tín ngưỡng mang tính chất tổng hợp, bao gồm rất nhiều lớp tín ngưỡng chồng chéo lên nhau. Do đó, tục thờ đá có biểu hiện vô cùng phong phú, nó hiện diện trong rất nhiều nghi lễ thờ cúng. Đá là một trong những biểu tượng được nhiều bộ phận dân cư dùng để thờ phụng với nhiều ý nghĩa khác nhau và tục thờ đá luôn hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt./.
Nguyễn Cường
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN