Những di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội
TỤC UỐNG RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU XÃ LINH THƯỢNG

Trên địa bàn Quảng Trị, người Bru - Vân Kiều cư trú lâu đời ở những vùng rừng núi phía tây, dọc theo dãy Trường Sơn hùng vỹ, tập trung ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa. Sau này, qua các đợt di dân, đồng bào cứ bám theo dọc các con sông, suối qua những triền núi cao để tiến dần ra phía bắc. Linh Thượng là một xã nằm ở vùng núi phía tây của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phía đông giáp xã Gio An, phía tây giáp 2 xã: Hướng Sơn (Hướng Hóa) và Hướng Hiệp (Đakrông), phía Nam giáp xã Cam Thành (Cam Lộ), phía bắc giáp xã Vĩnh Trường (Gio Linh). Hiện nay, người Vân Kiều chiếm 95% tổng số dân trong toàn xã số còn lại là người Kinh. Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử người Vân Kiều xã Linh Thượng nói riêng và người Bru - Vân Kiều tỉnh Quảng Trị nói chung đã sáng tạo nên những nét văn hóa riêng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của mình, đó chính là những cái làm nên bản sắc độc đáo của tộc người này.

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác trên đất nước ta, tục uống rượu cần đã trở thành một tập quán của người Bru - Vân Kiều, là một thức uống không thể thiếu của đồng bào qua các mùa lễ hội và vào các dịp sinh hoạt cộng đồng. Trong đợt đi điều tra văn hóa phi vật thể trên một số địa bàn của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã được tiếp cận và tìm hiểu về tục uống rượu cần của người Bru -Vân Kiều xã Linh Thượng. Trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, sau phần nghi lễ long trọng đồng bào thường tổ chức vui chơi nhảy múa, ăn và uống rượu cần. Theo các già làng trưởng bản, tục uống rượu cần của người Bru -Vân Kiều xã Linh Thượng đã có từ rất lâu đời, khi họ sinh ra thì đã tồn tại rồi. Rượu cần được chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên với bao nhiêu rễ, lá rừng, men, gạo nếp cùng với vò rượu, cần nứa... tất cả hòa quyện thành một thứ chất men say ngây ngất khi đã được thưởng thức một lần rồi khó mà quên được.

Rượu được chưng cất trong những chiếc ché/vò/hủ. Đây là loại rượu đặc biệt khi uống không dùng đến ly/cốc như các loại rượu khác của người Kinh mà phải dùng cần trúc để uống/hút. Đặc biệt trong các dịp hội lớn của làng cần phải dùng đến vài ba ché rượu cần trước là để cúng các vị thần linh, sau là để mọi người cùng nhau uống (Trong nghi thức lễ Mừng lúa mới phải có ba ché rượu cần: một ché cho lễ dựng nêu, một ché cho lễ đâm trâu và một ché cho lễ cúng thần lúa).

Có thể nói tục uống rượu cần của người Vân Kiều tỉnh Quảng Trị nói chung và xã Linh thượng nói riêng đã trở thành một tập quán mang tính đặc sắc, một loại hình văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn.

Từ bao đời nay rượu cần đã có không gian lan tỏa rất rộng, đây là thức uống không những được đồng bào ưa chuộng mà người Kinh cũng rất  thích thú khi được thưởng thức. Nguyên liệu chính để làm rượu là những sản phẩm mà người Bru - Vân Kiều tự làm ra như sắn, ngô, gạo tẻ, gạo nếp,  nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp, bởi vì gạo nếp cho sản phẩm thơm, ngon, đậm đà nhất và cho ra nhiều rượu nhất. Trước mỗi mùa lễ hội bà con dân bản lại rộn ràng cả tháng trời để chuẩn bị rượu cần. Rượu cần truyền thống phải tự tay người Bru - Vân Kiều ngâm ủ, ủ càng lâu thì rượu càng ngon.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết về hình thức bên ngoài, rượu cần của người Bru-Vân Kiều xã Linh Thượng cũng như của người Bru-Vân Kiều sống ven dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị không khác mấy so với rượu cần của đồng bào vùng núi phía Bắc hay Tây nguyên. Thế nhưng, điều dị biệt sẽ được tìm thấy khi đầu lưỡi của bạn chạm được vào thứ nước “thơm thơm, ngòn ngọt” chạy lên theo ống nứa ấy tất cả điều đó tạo nên nhờ men. Từ cách làm men và ủ rượu độc đáo đến cách thưởng thức rượu đều mang nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền.

Để giữ gìn thương hiệu rượu cần của mình, đồng bào Vân Kiều đã phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cách ngâm ủ rượu. Bởi vậy, chỉ những người thực sự kiên trì, chăm chỉ và có tâm huyết mới chế biến được rượu cần. Rượu cần có hương vị thơm dịu, cay nồng, không đậm như rượu đế nhưng rất hấp dẫn người uống. Để có được hũ rượu cần thơm, những người làm rượu rất quan tâm đến những bộ phận cấu thành như nguyên liệu làm rượu, men rượu, cần uống và ché rượu. Chế biến rượu cần phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc phải lặn lội vào rừng sâu, len lỏi qua từng con khe, con suối để hái các loại lá và rể cây làm men, tìm và chặt cành trúc làm cần khi uống đến việc chọn thứ gạo nếp đầu mùa thơm dẽo ngâm ủ, rồi việc chưng cất pha chế… và chờ đợi ché rượu ngon tinh khiết để dâng lên thần linh rồi cùng nhau thưởng thức. Thế nên, mỗi ché rượu cần là sự kết tinh quá trình lao động vất vả của người Vân Kiều. Già làng Hồ Văn Số 70 tuổi thôn Đồng Dôn xã Linh Thượng cho biết hàng năm ông đều chuẩn bị cho mình vài ba ché rượu cần. Rượu ông làm rất được bà con dân bản ưa thích vì ông rất kỹ càng trong từng công đoạn chế biến. Ông cho rằng mỗi vùng miền đều có những bí quyết khác nhau để ủ rượu cần. Có thể nói rằng từ cách làm men, ủ rượu đến cách thưởng thức rượu đều mang những mang nét văn hóa độc đáo và đặc sắc.

+ Cách làm men: Men ủ rượu được làm từ gạo nếp thơm dẽo và các loại rễ, lá cây hái từ nương rẫy, quanh bản hoặc trong rừng như: cây sâm rừng (pê ra đao), cây rêla nghiêng, cây tà rủi, cây paly, cây đùng (kanong), rễ cây gừng trắng (curưng), rễ cây cau, cây rê vắt, cây rê xoang, cây hành bồ (poong moan), củ một (mù moàng). Người Bru - Vân Kiều có thể sử dụng một số loài cây này để làm thuốc chữa các bệnh về gan, dạ dày, mụn nhọt, hoặc có thể dùng để nhuộm răng (như cây tà rủi). Đặc biệt, già làng Hồ Văn Số nhấn mạnh thêm trong số các loại rễ và lá cây này thì rễ cây gừng trắng rất quan trọng, hầu như không thể thiếu được trong khi làm men. Rễ cây gừng trắng tạo cho viên men thứ hương vị đặc trưng, khi ủ thành rượu có mùi vị đậm đà ngon, ngọt.

Tất cả các loại rễ, lá cây này đem rửa sạch phơi khô, thái nhỏ, sau đó dùng cối giã mịn thành bột. Gạo nếp chọn loại ngon, không sâu mọt, dùng 5 lon vo sạch, để khoảng 30 phút cho khô ráo, sau đó dùng cối giã nhỏ thành bột. Bột gạo nếp được trộn đều chung với bột rễ cây rừng, rồi cho khoảng 0,5 lít nước đun sôi để nguội vào thành một hỗn hợp dẽo, sau đó dùng tay viên lại thành những viên men nhỏ có đường kính 3 - 4 cm rồi đem phơi khô đến khi viên men nứt ra là được. Theo kinh nghiệm của đồng bào cứ 10 kg rễ cây thì được 100 viên men.

+ Cách ủ rượu: Gạo nếp được nấu chín, khô đều vừa phải, không để chín nát quá, sau đó đổ ra nong cho nguội (nếu cơm nếp còn nóng thì rượu sẽ bị chua, không ngon). Men sau khi đã phơi khô đem giã nhỏ, trộn đều với cơm nếp rồi cho vào một cái thau có lót lá chuối sạch, ủ cho thật kín. Theo kinh nghiệm truyền thống, cứ 10 lon gạo nếp thì dùng 2 viên men. Hỗn hợp này được ủ kín trong 3 ngày 3 đêm đến lúc có nước tiết ra dùng thìa nếm thử, nếu cảm thấy nhạt thì cho thêm 1/3 viên men vào trộn đều. Lấy vỏ trấu đãi thật sạch đổ vào trong ché rồi cho cơm nếp đã ủ men vào. Lưu ý mỗi công đoạn chế biến đều có một nguyên tắc riêng, như các dụng cụ ủ rượu đều phải rửa thật sạch bằng nước nguồn, ché phải được xông trước khi ủ rượu. Người ta dùng 3 - 4 quả ớt khô đốt vào lửa rồi lấy ché úp xuống để xông với quan niệm giải độc, đồng thời làm như vậy rượu sẽ được ngon hơn. Hỗn hợp cơm nếp và men được cho vào ché và nén thật chặt, dùng lá chuối khô ém lại rồi tiếp tục cho trấu lên trên. Đậy kín ché rượu bằng cách lấy tro bếp hòa với nước để trám vào miệng ché làm chất keo dính chặt mục đích không cho không khí được lọt vào. (Sau này, người ta thường không sử dụng cách này mà có thể dùng ni lông để bịt miệng ché). Để được một ché rượu ngon đồng bào thường phải kỳ công ngâm ủ trong vòng 3 tháng, còn bình thường ủ khoảng nửa tháng là có thể đem ra uống được. Khi uống cạn người ta thường cho thêm nước vào rồi tiếp tục uống. Người Bru-Vân Kiều thường ủ rượu trong những cái hủ, ché có chất liệu sành sứ mua từ người Kinh về. Chính vì sự phổ biến trong cách uống rượu cần mà nhà nào cũng có ít nhất một vài chiếc hủ/ ché dùng để ủ rượu. Những gia đình bình thường thì họ sử dụng những chiếc hủ hoặc ché bằng sành, gốm, đất nung, còn những gia đình giàu có thì họ sử dụng những chiếc ché sứ lớn, có trang trí đẹp và nhất là ché sứ men nâu, men lam được sản xuất tại các lò gốm miền Bắc Việt Nam hoặc các lò gốm ở Trung Quốc. Ché đựng rượu cần loại này không chỉ là vật dụng mà còn là tài sản biểu thị quyền thế, sự giàu có của các gia đình - gia tộc trước cộng đồng làng bản, nó thường ít được sử dụng trong đời sống mà chỉ được đưa ra sử dụng trong các dịp lễ tết, hội hè.

+ Cần uống rượu: Cần uống rượu được chọn từ những thân trúc nhỏ có mắt thưa cách đều nhau dài độ chừng 0,8m - 1m. Thân trúc được hơ qua lửa cho mềm dẽo, dùng một thanh sắt nhọn xoi thông ruột rồi uốn cho cong. Phần dưới cùng của thân trúc nơi tiếp giáp với rượu được xoi thông 3 lổ nhỏ trên thân để khi hút rượu được lưu thông một cách dễ dàng. Các cần trúc được cắm một đầu sâu xuống đáy ché xuyên qua lớp gạo nếp còn đầu kia thì đưa vào miệng để hút. Lưu ý mắt cuối cùng của thân trúc không được giữ nguyên với mục đích không cho trấu lọt vào gây tắc cần rượu trong khi uống. Theo già làng Hồ Văn Số thì 1 ché rượu cần chỉ sử dụng 4 hoặc 2 cần trúc (số chẵn). Khi uống lần lượt 2 hoặc 4 người cùng uống một lần chứ không được để dư cần trúc nào trong ché. Ché có 4 cần trúc thì dùng trong các dịp hội lớn của làng, còn ché có 2 cần trúc thì dùng cho các gia đình riêng lẽ. Đó là quy định bắt buộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhắc nhở các thế hệ sau không được quên. Được làm từ thiên nhiên nên rượu cần có vị ngọt, thơm, càng uống càng ngon. Khi vít cần rượu, người ta chỉ có cảm giác thoảng qua hương nồng của men. Bởi vậy, khi tham gia lễ hội người ta có thể quây quần bên ánh lửa, bên ché rượu cần cứ thế uống rượu thông qua cần trúc và vui chơi, nhảy múa trò chuyện đến thâu đêm.

Như vậy, rượu cần là một sản phẩm được chế biến khá công phu bằng cách ngâm ủ và là một thứ đồ uống rất được đồng bào ưa chuộng. Đây không phải là một đồ uống thông thường mà là một đặc sản không thể thiếu để dâng lên thần thánh trong những dịp lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cúng Yàng, trong cưới xin, tang ma, trong sum họp gia đình, khi có khách đến bản… 

Rượu cần từ lâu đã đi vào đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều như một nét văn hóa đặc sắc. Ché rượu mang hương vị rất riêng của núi rừng đã trở thành một nét độc đáo và thu hút được sự quan tâm của khá nhiều du khách khi đến nơi đây. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài, nhất là sự tác động về văn hóa, kinh tế đã làm biến đổi trên mọi phương diện đời sống xã hội của đồng bào. Trên thị trường xuất hiện tràn lan các loại rượu. Rượu nội, rượu ngoại được đóng chai với nhiều giá cả, hình thức lại đẹp mắt, tiện lợi khi sử dụng. Bên cạnh đó, người biết chế biến rượu cần ngày càng ít, vì vậy rượu cần truyền thống của người Bru - Vân Kiều đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Bảo tồn, gìn giữ văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, một mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương V khóa VIII đã khẳng định:“…xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thực hiện mục tiêu đó, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm của ngành văn hóa, trong những năm qua các lễ hội văn hóa truyền thống đã được cộng đồng các tộc gười tổ chức theo đúng phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy, tục uống rượu cần truyền thống cũng đã và đang được khôi phục và duy trì trong các dịp tổ chức sinh hoạt cộng đồng của người Bru - Vân Kiều. Một số nghệ nhân tại các thôn Ka Lu (xã Đakrông), Phú An (xã Hướng Hiệp), Tà Rụt 1 (xã Tà Rụt)... đã tổ chức hướng dẫn chế biến rượu cần cho con em trong thôn bản. Nhiều người đã làm tốt các công đoạn: trộn men, nấu nếp, ủ rượu. Thế nên, những bếp lửa trong hoạt động chế biến rượu cần đã và đang tỏa khói ngày càng nhiều ở các bản làng của người Bru - Vân Kiều tỉnh Quảng Trị. Ngày nay, rượu cần không chỉ để dùng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng mà đang trở thành món ẩm thực và là món quà quý “níu chân” thực khách khi đến nơi đây.

 Có thể nói, tục uống rượu cần đã trở thành một nét văn hoá có sức sống lâu bền trong đời sống của đồng bào, là hình thức biểu lộ tình cảm và mang ý nghĩa truyền thống, đồng thời là sợi dây liên kết cộng đồng của người Bru - Vân Kiều. Giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ, trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, trong không khí vui tươi của mùa lễ hội, ngất ngây với men rượu cần, con người càng trở nên gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Nếu ai có hiềm khích chuyện cũ, trong các dịp này cũng bỏ qua. Nếu ai có lỗi lầm gì thì luật tục "phạt rượu" cũng là cớ để cùng hòa giải, để xóa đi cái mặc cảm mà hòa nhập trong sự cảm thông của cộng đồng. Trong các dịp vui mừng của lễ cưới hỏi, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu hay sum họp gia đình hoặc buồn thương trong các lễ tục đám chay, người uống rượu cần còn tùy thuộc vào hình thức nghi lễ mà có cách mời chào, cách thưởng thức rượu khác nhau cho phù hợp hoàn cảnh. Qua đây chúng ta còn thấy được sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc trong phong tục tập quán và ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng trị. Đây là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy./.

                                                                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Lệ Hiền

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH TẬP QUÁN XÃ HỘI
THỜ CÚNG TỔ NGHỀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ TỤC ĐI SIM CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐÌNH - CHỢ LÀNG QUẢNG TRỊ TỤC THỜ ĐÁ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ BÁNH HỘC, BÁNH IN - MỘT NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG CỦA LÀNG NHĨ THƯỢNG LÀNG LAM THỦY VÀ NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU HOẠT ĐỘNG SĂN BẮT THÚ RỪNG CỦA NGƯỜI BRU -  VÂN KIỀU QUẢNG TRỊ