Những di sản thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian
TUỒNG CHỢ CẠN - DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN

Quảng Trị, vùng đất nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài bắc nam của giang sơn hình chữ S, là nơi dừng chân của tiên chúa Nguyễn Hoàng trong sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương nam, là vùng tiếp giáp với cố đô Huế của nhà Nguyễn nên nơi đây đã hội tụ khá nhiều các dấu ấn văn hóa khá đặc sắc và tiêu biểu. Trong số những loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hình thành trên vùng đất Quảng Trị thì Tuồng Chợ Cạn là một di sản văn hóa phi vật thể điển hình.

Chợ Cạn vốn là một trung tâm thương mại được hình thành khá sớm ở xứ Đàng Trong, thuộc huyện Đăng Xương, Phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Chợ Cạn vẫn đóng vai trò là đầu mối trung tâm của cả một vùng (Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thuận, Triệu Trung và Triệu Lăng). Chợ Cạn lúc bấy giờ cứ 10 ngày họp một phiên. Nhờ vào vị trí đắc địa này mà nơi đây đã từng tồn tại một loại hình nghệ thuật nổi tiếng ở miền Trung mà nhân dân quen gọi là tuồng Chợ Cạn. Mặc dù vậy nhưng để trả lời câu hỏi: Tuồng Chợ Cạn ra đời và lịch sử hình thành như thế nào thì chưa ai có câu trả lời thỏa đáng.

       Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng tuồng Chợ Cạn được hình thành dưới thời vua Tự Đức (1848 - 1883), một ông vua rất giỏi văn chương và đam mê các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là tuồng; cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuồng Chợ Cạn xuất hiện khá muộn vào những năm đầu thế kỷ XX (dưới thời vua Khải Định (1916 - 1923)). Vấn đề nguồn gốc xuất xứ và thời điểm hình thành tuồng Chợ Cạn là một đề tài lý thú cần phải được đi sâu nghiên cứu để có thể tìm ra lời giải đáp một cách khoa học và mang tính thuyết phục cao .

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã được những người cao tuổi trong làng Thượng Trạch kể lại rằng, dưới thời nhà Nguyễn có ông Võ Luận - người làng Hiền Lương (tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm quan thất phẩm nên dân làng thường gọi là ông Thất Luận, ông này đã từng được làm quan tại Huế và là người tham gia trong ca vũ cung đình dưới triều vua Khải Định. Trong thời gian này ông vẫn thường gặp gỡ các đội trưởng đội tuồng ở Huế cũng như nhiều lần được trình diễn cùng các nghệ nhân xuất sắc của Huế tại rạp Đồng Xuân Lâu - một rạp hát dân gian có quá trình hoạt động lâu nhất ở Huế (1923 - 1983). Đến tuổi về hưu ông về làng Thượng Trạch (quê vợ của ông) thấy phong cảnh hữu tình, dân cư đông đúc nên ông đã đưa gia đình về sống ở làng đồng thời tuyển chọn diễn viên và tổ chức đội hát tuồng ở đây. Diễn viên tham gia vào đội hát là những người có năng khiếu biểu diễn được tuyển chọn chủ yếu ở ba làng Thượng Trạch, Đạo Đầu và An Lưu. Sau khi tổ chức, tập luyện thành thạo đội hát đã đến biểu diễn ở nhiều nơi như Hải Lăng, Đông Hà thậm chí có khi ra tận Quảng Bình (tùy theo yêu cầu của những tổ chức, những làng xã nào muốn xem tuồng Chợ Cạn).

Thời kỳ tuồng Chợ Cạn phát triển mạnh là lúc tuồng ở Huế nói riêng và tuồng miền Trung nói chung đang từng bước bị suy thoái. Tuồng cung đình không còn được giới quý tộc nâng niu, say mê thưởng ngoạn như vào những năm cuối thế kỷ XIX thì riêng tuồng Chợ Cạn vẫn giữ được những nét truyền thống và tiếp tục phát triển. Nhà hát tuồng Chợ Cạn (ca trường) được xây dựng theo lối truyền thống gần giống với trường hát Đồng Xuân Lâu ở Huế. Ca trường vừa là nơi ở vừa là nơi luyện tập của các diễn viên và thậm chí thỉnh thoảng người ta cũng diễn tuồng tại đó.

Năm 1947 khi thực dân Pháp đánh vào Chợ Cạn thì tuồng Chợ Cạn đã bị đứt gánh, tan rã. Từ đó về sau tuồng Chợ Cạn đã bị lụi tàn. Tuy nhiên, với mục đích khôi phục lại tuồng Chợ Cạn - một gánh tuồng thôn dã, đại diện hiếm hoi của môn nghệ thuật sân khấu tuồng cổ điển của một vùng đất, tại làng An Lưu, xã Triệu Sơn vào năm 1985 và 2011 con cháu trong làng đã tổ chức diễn lại hai lần; năm 1998, nghệ sĩ Xuân Lư, nguyên là trưởng đoàn nghệ thuật Bình - Trị - Thiên đã tổ chức tập luyện và diễn tuồng trong 2 đêm với 2 vỡ diễn là Phạm Công - Cúc Hoa và Thoại Khanh - Châu Tuấn tại làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Địa bàn hoạt động, biểu diễn của tuồng Chợ Cạn trước hết dựa vào lợi thế của những phiên Chợ Cạn (chợ họp theo phiên cứ 10 ngày nhóm họp một lần); khi có công chúng tập trung đông đúc thì đoàn tổ chức biểu diễn. Ngoài ra đoàn tuồng cũng thường biểu diễn ở các đình chợ trong tỉnh như đình làng Câu Nhi (huyện Hải Lăng), chợ Phiên (Cam Lộ), chợ đình Bích La (Triệu Phong), chợ đình Mai Xá (Gio Linh), đình làng Lập Thạch (Đông Hà)… đặc biệt, có năm đoàn tuồng Chợ Cạn ra tới Quảng Bình hoặc được mời vào diễn tại Huế. Đoàn hát theo hai phương thức hoặc là tự tổ chức hoặc được mời tới diễn. Nếu tự tổ chức thì tự bán vé, trả tiền cho nơi diễn về khoản thuê rạp. Ngược lại, nơi nào đó mời thì tiền bán vé nơi mời tự thu, họ chỉ trả cho đoàn thù lao từng vỡ diễn theo thỏa thuận nhưng tiền thưởng thì đoàn được hưởng riêng. Thời gian diễn vì vậy cũng tùy theo yêu cầu mà đôi bên thỏa thuận. Thường một vỡ diễn kéo dài hơn 1 tuần. Nếu rút ngắn thì còn 3 đêm diễn gọi là dàn vỡ, còn dài nhất là khoảng nửa tháng.

Trong một gánh tuồng thường có khoảng 15 người gồm: đào, kép, chạy cờ, tiếp rượu, bán vé, nhắc vở (nhắc tuồng), ráp nhạc. Tùy theo nội dung vỡ diễn mà có số lượng diễn viên tham gia sao cho hợp lý. Thời kỳ ông Thất Luận làm trưởng đoàn tuồng Chợ Cạn thì số diễn viên thường được phân bổ gồm các vai diễn như sau: Vai kép; vai đào; nhắc tuồng; ngoài ra còn có các thành phần chạy hiệu và các đào kép ở các nơi khác được mời về tham gia.

Trang trí sân khấu được thể hiện khá công phu, đẹp mắt nhưng thường chỉ vẽ một cảnh (không thay đổi và không có các loại phông màn khác). Nhạc cụ trong tuồng Chợ Cạn thường được sử dụng là hai trống chầu đặt ở hai đầu, trong những lần biểu diễn người cầm chầu là một khán giả thạo tuồng được đoàn mời đến (chủ yếu là đánh trống thưởng; thưởng có tiền thì giục một hồi, khen nghệ thuật diễn thì điểm một trống). Trống chầu được đặt trên chòi, ngoài ra nhạc cụ còn có thanh la, đàn bầu, sanh, sứa (sứa là một loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu và có tiếng kêu rất trong). Về diễn xuất tuồng chợ Cạn người ta phân làm 2 loại: Loại tuồng đồ (lối diễn xướng như hát bộ tự nhiên, giản dị); loại tuồng pho (diễn theo lối chương, hồi có lớp, vở theo điển tích, điển cố, các vở tuồng có thầy thông thạo về tuồng dàn dựng, bày vẽ diễn xuất). Về điệu thì chủ yếu sử dụng các làn điệu như: Nam, Khách, Tẩu mã. Nam (có Nam thương, Nam bình, Nam ai… tùy theo tâm trạng mà dùng); Khách (là làn điệu vương trượng, sang trọng thường dùng cho tướng lĩnh, vua chúa); Tẩu mã (dùng khi ra trận, chinh chiến, theo tiếng vó ngựa)…

Trang phục của các diễn viên tham gia diễn tuồng giống như trang phục cung đình. Tùy theo vở diễn và vai diễn mà diễn viên được mang những bộ trang phục và phục trang phù hợp, tuy nhiên người thủ vai chính là người có phục trang rườm rà và rắc rối nhất.

Thời kỳ phát triển rực rỡ, tuồng Chợ Cạn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong nhân dân nhờ những vai diễn đặc sắc. Phần lớn các vở diễn của tuồng Chợ Cạn phần lớn được rút từ tích truyện của Trung Quốc như “Mạnh Lệ Quân”, “Tam Hạ Nam Đường”, “Tam Quốc”, “Tây Du”, nhưng cũng có những vở rút từ các tích truyện cổ dân gian như: Lý Thông - Thạch Sanh; Lâm Sanh - Xuân Nương; Thoại Khanh - Châu Tuấn; Phạm Công - Cúc Hoa; Tấm - Cám; Lục Vân Tiên... Một số vở bi hùng khác lấy đề tài từ trong những cuộc tranh chấp chính tà để giành ngôi báu rất thích hợp với khán giả đương thời, như “Đào Phi Phụng”, “Tam Nữ Đồ Vương”… đặc biệt là vở “Sơn Hậu”, đây là một vở tuồng đặc sắc của đoàn tuồng Chợ Cạn. Các nghệ nhân thủ vai chính trong vở này vẫn được người dân truyền tụng và nhắc đến với lòng ngưỡng vọng như: ông Thất Luận (vai Phân Định Công), ông Kiểm Ưng (vai Tạ Ôn Đình), ông Trần Dục (vai Khương Linh Tá), ông Trần Hùng (vai Đổng Kim Lân)…

Những năm của thập niên 90 (thế kỷ XX), ngành văn hóa của tỉnh Quảng Trị đã tổ chức diễn lại tuồng đặc biệt là vai trò đạo diễn của nghệ sĩ Xuân Lư, nhưng tuồng Chợ Cạn vẫn không phát huy được tác dụng. Năm 2011, tại làng An Lưu, xã Triệu Sơn có một nhóm nghệ nhân đã tự tổ chức diễn lại tuồng và từ đó đến nay tuồng Chợ Cạn không còn được tổ chức nữa.

Mặc dù tuồng Chợ Cạn thể hiện quá trình hình thành và phát triển của một loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc và điển hình trên vùng đất Quảng Trị; Phản ánh sự phong phú, đa dạng và tài năng của người Việt Quảng Trị trong đời sống nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay tuồng chợ Cạn đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi lẽ những nghệ nhân biết tổ chức và diễn tuồng hiện nay còn quá ít lại quá già không còn đủ sức tổ chức và truyền dạy. Các thế hệ trẻ trong làng hiện đang ít quan tâm đến việc xem tuồng cũng như học diễn tuồng…

Vì vậy, để loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như tuồng Chợ Cạn không bị mai một thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm tiến hành công tác điều tra, kiểm kê và cần nhanh chóng khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng bằng cách biên soạn, truyền dạy cách diễn xướng theo các tích tuồng cổ; cần dàn dựng chương trình, bảo tồn và phát triển thông qua các hoạt động biểu diễn và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có như thế thì mới bảo lưu được tuồng Chợ Cạn - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của vùng đất Quảng Trị./.

                                                                                           Nguyễn Thị Nương

XEM THÊM VỀ NHỮNG DI SẢN THUỘC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN DÂN GIAN
HỘI BÀI CHÒI LÀNG HÀ THƯỢNG HÁT SẮC BÙA NGÀY XUÂN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN PHẢI BẢO TỒN MÚA XẾP CHỮ LÀNG CÁT SƠN MỘT SỐ LÀN ĐIỆU DÂN CA CỦA NGƯỜI PA CÔ Ở QUẢNG TRỊ CHÈO CẠN - DI SẢN VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA NGƯ DÂN QUẢNG TRỊ MÚA ĐỒNG NÁP LÀNG HÀ TRUNG CỜ CHÒI - TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐẶC SẮC Ở QUẢNG TRỊ