GIỚI THIỆU VỀ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
Địa đạo Vịnh Mốc thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng 38km; cách thị trấn Hồ Xá - huyện lỵ Vĩnh Linh khoảng 15km về hướng đông nam; cách UBND xã Vĩnh Thạch khoảng 3km về phía đông bắc.
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử tiêu biểu nằm trong cụm di tích “ Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” đã được thủ tướng chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2408/QĐ – TTG ngày 31 tháng 12 năm 2014.
Sự ra đời và tồn tại của địa đạo Vịnh Mốc trong những năm chiến tranh ác liệt đã không chỉ đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn và duy trì sự sống của con người vùng tuyến lửa mà còn có vai trò quan trọng trong công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường Miền nam; góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ,cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là một hình thức phòng tránh hoàn thiện và có hiệu quả cao nhất, thể hiện một nghị lực phi thường, tinh thần kiên cường, bám trụ và là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc có chiều dài đường hầm 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng: Tầng 1, sâu cách mặt đất từ 8 - 10m, có chiều dài 421,82m; tầng 2, sâu cách mặt đất từ 12 - 15m, dài 508,08m; tầng 3, sâu cách mặt đất 20 - 23m, dài 130,35m. Dọc hai bên đường hầm, người ta cho khoét sâu vào bên trong vách, tạo ra các ngách nhỏ (căn hộ gia đình) có thể đủ chỗ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Ngoài ra, trong đường hầm còn có Hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người, dùng để làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ và một số công trình khác như: Bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẩu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm)… Đặc biệt, trong những năm chiến tranh ác liệt, 17 cháu bé đã ra đời tại đây.
Địa đạo Vịnh Mốc là công trình, thể hiện trí tuệ, nghị lực phi thường, ý chí và lòng quyết tâm của quân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ và lực lượng Đồn Công an vũ trang 140. Địa đạo Vịnh Mốc không đơn thuần chỉ là nơi để con người ẩn nấp phòng tránh bom đạn của kẻ thù, mà đây còn là nơi để nhân dân và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn có thể vận dụng một cách linh hoạt, hợp lý và khoa học để đánh trả có hiệu quả các cuộc tấn công của kẻ thù, góp phần đáng kể cùng với quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Đây là công trình kỳ vĩ, mang tính kiến trúc nghệ thuật cao và là một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và khai thác du lịch.
Để đi đến địa đạo Vịnh Mốc có thể đi theo các hướng chính.
+ Từ bắc vào hoặc từ nam ra theo quốc lộ 1A đến km 712+072 thuộc địa phận xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Phía bắc di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải), rẽ theo tỉnh lộ ĐT574 (Tỉnh lộ 70 cũ) hướng về bãi tắm Cửa Tùng, qua cầu Đúc 100m, tiếp tục rẽ phải theo đường Quốc phòng/đường du lịch ven biển (tuyến đường chạy ven biển từ Cửa Tùng đến di tích địa đạo Vịnh Mốc) khoảng 6 km sẽ đến địa điểm di tích tọa lạc.
+ Từ bắc vào hoặc từ nam ra theo Quốc lộ 1A đến km 721, thuộc địa phận thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, rẽ trái theo đường ĐT572 (đường Cáp Lài) ngã 3 đường của thôn An Đông rồi rẽ trái theo đường liên xã đến ngã tư giao với 2 nhánh đường về UBND xã Vĩnh Thạch, tiếp tục rẽ trái khoảng 2km thì đến khu vực di tích tọa lạc.
+ Từ Thành Phố Đông Hà, theo đường 9 về Cửa Việt, rẽ trái theo đường Quốc phòng/ đường du lịch ven biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng, qua cầu Đúc 100m, tiếp tục rẽ phải theo đường Quốc phòng/đường du lịch ven biển (tuyến đường chạy ven biển từ Cửa Tùng đến di tích địa đạo Vịnh Mốc) khoảng 6 km sẽ đến địa điểm di tích tọa lạc.
+ Từ Thị xã Quảng Trị đến Cửa Việt theo tỉnh lộ 49C, theo đường Quốc phòng/ đường du lịch ven biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng, qua cầu Đúc 100m, tiếp tục rẽ phải theo đường Quốc phòng/đường du lịch ven biển (tuyến đường chạy ven biển từ Cửa Tùng đến di tích địa đạo Vịnh Mốc) khoảng 6 km sẽ đến địa điểm di tích tọa lạc.