Thành cổ Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị; cách quốc lộ 1A 2km về phía đông; cách thành phố Đông Hà - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 14km về phía nam và cách thành phố Huế hơn 60km về phía bắc. Đây chính là hệ thống giao thông quan trọng nối liền thị xã Quảng Trị với các vùng trong tỉnh và đặc biệt là với thành phố Huế.
Thành cổ Quảng Trị được khởi công xây dựng dưới thời Gia Long và hoàn thiện dưới thời Minh Mạng. Qúa trình xây dựng thành Quảng Trị kéo dài trong gần 28 năm (1809 -1837), Thành lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch theo kiến trúc vauban, bốn góc nhô hẳn ra ngoài, dùng làm pháo đài canh giữ. Thành có 4 cửa ra vào: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây hình vòm cuốn, phía trên có vọng lâu, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt thành.
Dưới triều Nguyễn (giai đoạn 1802 - 1885), thành Quảng Trị có vị thế quan trọng về quân sự, kiến trúc thành lũy; chính trị - hành chính; thực hiện các quyền quản lý và điều hành tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên toàn địa hạt; ổn định trật tự xã hội và chống lại các thế lực xâm lược từ bên ngoài. Trong suốt thời kỳ thuộcPháp, thị xã tỉnh lỵ và Thành cổ Quảng Trị tiếp tục trở thành trung tâm chính trị, hành chính, quân sự của tỉnh Quảng Trị.
Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, là nơi hình thành và phát triển nhiều phong trào yêu nước, cách mạng. Đặc biệt, là các cuộc đấu tranh của các tù nhân tại Lao xá trongThành cổ Quảng Trị đã có một ý nghĩa to lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh. Sau Hiệp định Geneve (7-1954), thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội. Quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn biến Thành Cổ (lúc này được gọi là thành Đinh Công Tráng) thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Lúc này, Thành cổ Quảng Trị đã có sự thay đổi cả về diện mạo lẫn chức năng.
Cuộc chiến chống quân Mỹ và VNCH phản kích tái chiếm diễn ra trong 81 ngày đêm năm 1972 với chiến sự vô cùng ác liệt, Thành cổ Quảng Trị hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Chỉ trong vòng 81 ngày đêm, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã ném xuống đây hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25-7-1972, Thành cổ Quảng Trị hứng chịu hơn 5.000 quả đại bác. Trước cuộc tấn công cực kỳ tàn bạo của đối phương, Quân Giải phóng và nhân dân Quảng Trị dù số lượng không đông song với ý chí quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu kiên cường đã bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm. 81 ngày đêm, có những lúcThành cổ Quảng Trị “mỗi mét vuông đất là cả một mét máu”!
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị của Quân Giải phóng đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại; viết nên bản anh hùng ca tuyệt vời về ý chí, sức mạnh, về sự hy sinh cao cả của những anh hùng bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thành cổ Quảng Trị đã được nhìn nhận, đánh giá đúng với vị trí, vai trò mà nó đã đảm nhận trước lịch sử.Thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 235/VH - QĐ ngày 12/12/1986. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Công cuộc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Quảng Trị đã và đang đạt được những thành quả hết sức to lớn. Ngoài việc từng bước phục dựng được gì có thể, xóa dần vết thương chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị còn được tôn tạo thêm một số công trình để vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, vừa tri ân các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống... Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Đài tưởng niệm trung tâm, Nhà trưng bày (Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị), Đài chứng tích sinh viên Thành cổ Quảng Trị… Không gian thiêng 81 ngày đêm bao hàm toàn bộ khu vực thị xã Quảng Trị và vùng lân cận, trong đó Thành cổ là hạt nhân, là điểm nhấn chính của không gian này. Thành cổ Quảng Trị trở thành một Công viên văn hoá tưởng niệm; là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân và dân Quảng Trị anh hùng; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau; đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương.
Trần Thị Phương Lan