Cập nhật ngày: 6/12/2023 8:08:07 AM
Ái Tử từ xưa từng là một làng có tiếng về phong thổ. Câu ca dao: “Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử. Vợ trông chồng ra đứng núi Vọng Phu” đã đi vào văn học dân gian với tên địa danh của một làng mang đầy tính nhân văn. Tên làng Ái Tử 愛子với nghĩa yêu con không chỉ là một mỹ tự cho người làng Ái Tử tự hào mà còn gợi nhắc cho mọi người về một truyền thống đạo hiếu, gia phong; một địa danh ẩn chứa nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa qua nhiều thời kỳ.
Ái Tử được biết đến trong quá khứ là nơi chúa Nguyễn Hoàng đặt chân đầu tiên khi vào Thuận Hóa làm Tổng trấn - nơi khởi nghiệp của các chúa Nguyễn; thủ phủ/lỵ sở của Quảng Trị xưa dưới thời chúa Nguyễn với tên gọi Dinh Cát (1 trong 12 dinh của Đàng Trong) - nơi có Chùa Sắc Tứ/Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (đất tổ của Phật giáo Quảng Trị thuộc hệ phái Liễu Quán) và là trung tâm hành chính của dinh Quảng Trị dưới thời Gia Long (1801 - 1809). Ái Tử cũng được biết đến là nơi một thời có sân bay Ái Tử khởi lập từ thời thuộc Pháp và được quân đội Mỹ và VNCH cho xây dựng quy mô với đường băng dài 2km để trở thành một sân bay lớn nhất của Vùng Một chiến thuật phục vụ đắc lực cho nhu cầu chiến tranh thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Ngày 27-4-1972, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, lực lượng quân giải phóng của Trung đoàn bộ binh 24, Sư 304 và tiểu đoàn bộ binh 1 của Trung đoàn 48, Sư 320B tấn công căn cứ và sân bay Ái Tử, giải phóng huyện Triệu Phong, góp phần phá vỡ thế phòng ngự của quân Mỹ và VNCH, tạo điều kiện để tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị ngày 1-5-1972.
Từ tháng 8-1994, Ái Tử trở thành thị trấn - Trung tâm huyện lỵ của huyện Triệu Phong với 6 đơn vị cư trú gọi là tiểu khu (3 tiểu khu 1, 2, 6 vốn thuộc làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng; 2 tiểu khu 1, 3 vốn thuộc làng Ái Tử, xã Triệu Ái và tiểu khu 5 vốn thuộc phường Giang Hến). Song hành, làng Ái Tử với phạm vi khu vực dân cư còn lại nằm phía trên và dưới đường xe lửa tiếp giáp với xã Triệu Giang vẫn tồn tại với tư cách một đơn vị cư trú thuộc xã Triệu Ái.
Tên Ái Tử xuất hiện đầu tiên trong thư tịch cổ mà hiện nay chúng ta biết được là trong tập sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, viết năm Ất Mão (1555), nhưng địa danh này có quá trình sinh thành và phát triển trải qua một quá trình lịch sử dài lâu, để lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa đậm nét về một vùng đất có thể coi là địa linh.
1. LỊCH SỬ
Trước khi thuộc về người Việt (nửa đầu thế kỷ XIV), mảnh đất Ái Tử hiện nay là một phần của đất châu Ô (xứ ULy) của vương quốc Champa. Từ năm 1306, dưới thời nhà Trần, nhờ cuộc tình duyên lịch sử giữa công chúa Ðại Việt là Huyền Trân với quốc vương Chăm là Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) mang lại cho dân tộc Việt một vùng đất hai châu Ô, Lý “vuông nghìn dặm” nên phần đất kéo dài từ phía nam sông Hiếu, Quảng Trị hiện nay - châu Ô của Champa thuộc về Ðại Việt 1. Tháng giêng năm Ðinh Mùi (1307), nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận; sai Hành khiển Ðoàn Nhữ Hài vào tuyên bố đức ý của triều đình, vỗ yên nhân dân, cấp ruộng đất và tha thuế 3 năm 2. Sau Ðoàn Nhữ Hài là một số quan lại cao cấp được vua Trần cử vào trấn nhậm hai châu Thuận, Hoá. Dân nghèo vùng Thanh Nghệ hưởng ứng đợt vận động di dân vào lập làng ở vùng đất mới. Cuối thời Trần, suốt thời Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ, mảnh đất Ái Tử hiện nay là một phần của huyện Lợi Ðiều thuộc châu Thuận trấn/phủ/lộ Thuận Hoá 3. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất phía nam sông Hiếu thời kỳ này chủ yếu là các làng Chăm còn ở lại sống cộng cư với các nhóm chiến binh Việt. Các làng Việt và cư dân Việt còn rất thưa thớt. Các làng xã của người Việt chỉ xuất hiện đồng loạt trên vùng đất phía nam sông Hiếu, sau cuộc đại di dân vào khai phá vùng Thuận - Quảng dưới thời nhà Hồ (Hồ Quí Ly, 1400 - 1406) và thời Lê (Lê Thánh Tông 1471 - 1497).
Từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, châu Thuận được cải đặt thành hai huyện: Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ/Võ Xương (8 tổng, 53 xã) cùng với 2 châu: Sa Bôi (10 tổng, 68 xã) và Thuận Bình (6 tổng, 26 xã) ở miền Tây, thuộc phủ Triệu Phong nằm trong thừa tuyên Thuận Hóa 4. Mảnh đất Ái Tử vào thời Lê - Mạc (giữa thế kỷ XVI - 1555) thuộc huyện Vũ/Võ Xương (tương ứng với huyện Triệu Phong ngày nay) nằm trong châu Thuận, thừa tuyên Thuận Hoá cùng với 59 làng/xã 5.
Như vậy, có nhiều khả năng các nhóm cư dân của người Việt có mặt đầu tiên trên mảnh đất của làng Ái Tử hiện nay trong khoảng thời gian dưới thời nhà Hồ (1400 - 1406). Hương hiệu Ái Tử được hình thành trong thời gian này và thuộc một trong số các xã/làng của huyện Lợi Ðiều thuộc châu Thuận trấn/phủ/lộ Thuận Hoá. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, thì tên làng Ái Tử chính thức đi vào danh mục các đơn vị hành chính trong tổng số 59 làng/xã của huyện Vũ/Võ Xương, châu Thuận.
Thời thuộc Minh, Ái Tử và vùng Thuận Hoá là địa bàn đứng chân của cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần. Nhân dân làng Ái Tử đã từng tham gia trong đội quân khởi nghĩa này. Tháng 2-1409, trước cái chết oan nghiệt của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân do Trần Ngỗi giết hại, 2 người con là Ðặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đem quân về Thuận Hóa, ly khai khỏi lực lượng Trần Ngỗi, rồi tôn Trần Quý Khoáng lên làm minh chủ lấy niên hiệu là Trùng Quang. Nguyễn Súy người Quảng Trị được cử làm Thái phó, Ðặng Dung giữ chức Ðồng bình chương sự 6. Tháng 8-1413, Trương Phụ cho quân đánh thành Thuận Châu. Nguyễn Súy và Ðặng Dung cho quân phục kích ở sông Ái Tử - Ái Mẫu (kênh Sái Già) để chặn đánh quân Minh. Tháng 9-1413, Ðặng Dung đem quân đánh úp đại bản doanh của Trương Phụ, nghĩa quân nhảy lên thuyền định bắt sống Trương Phụ nhưng do không nhận diện được nên Trương Phụ trốn thoát. Quân Minh tan vỡ đến một nửa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết. Sau đó, vì việc chỉ huy giữa Nguyễn Súy và Ðặng Dung không thống nhất nên bị quân Trương Phụ đánh quật lại, nghĩa quân tan vỡ. Từ đó, sự nghiệp cứu nước của nhân dân Quảng Trị lâm vào tình thế không cứu vãn nổi. Trương Phụ truy kích nghĩa quân đến sông Ái Tử, nghĩa quân bị thua. Ðặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đưa 700 quân, theo ngã Lào, ra Bắc nhưng bị bắt và lần lượt sau đó, Trần Quý Khoáng và Nguyễn Súy đều bị bắt. Tháng 4-1414 trên đường bị giải về Trung Quốc, Trần Quý Khoáng, Ðặng Dung, Nguyễn Súy đều nhảy xuống sông tự tử để giữ tròn khí tiết.
Dưới thời các chúa Nguyễn, mảnh đất Ái Tử thuộc tổng An Ðôn, huyện Ðăng Xương (do huyện Vũ/Võ Xương đổi thành), phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá, nằm trong khu vực của thủ phủ chúa Nguyễn - Dinh Cát. Trên đất Ái Tử từng là nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn đặt dinh phủ đầu tiên của nhà Chúa từ 1558 - 1570. Ngoài ra, khu vực Ái Tử cũng là nơi chúa Nguyễn đặt các đồn binh, kho tàng... suốt thời gian 68 năm (1558 - 1626).
Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết (1545), sự phân hóa nội bộ nhà Lê dẫn đến cái chết của Nguyễn Uông (con trai trưởng Nguyễn Kim) và đặt lãnh binh Nguyễn Hoàng (con trai thứ Nguyễn Kim), trước sự đe dọa về an toàn tính mạng. Ðể tránh nguy cơ bị anh rể là Trịnh Kiểm hãm hại, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ ở Thuận Hóa mang theo câu tham vấn của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" trong ý đồ phân lập, cát cứ của mình 7.
Sử chép rằng: Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Ðoan Quận Công cùng những người tùy tùng theo đường biển ra cửa Ðại An, vượt Ðông Hải tiến thẳng vào cửa Việt Yên (Cửa Việt) đến Ái Tử. Năm ấy, ông 34 tuổi. Những người đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng đi theo, trong đó có: Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Uy Quốc công Mạc Cảnh Huống... 8. Vừa mới đặt chân lên cồn cát Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã được các cụ bô lão làng Ái Tử dâng cho 7 vò nước trong. Bảy vò nước trong mà các cụ bô lão làng Ái Tử cung tiến không chỉ là “điềm lành trời cho được nước” 9 để làm liều thuốc trợ tim đối với Nguyễn Hoàng ngày đầu tiên ở nơi xứ lạ mà còn là sự gởi trao niềm tin, hy vọng về một xu thế mới của người Quảng Trị. Cũng chính nhờ vậy mà đất Ái Tử/Vũ Xương/Quảng Trị trở thành thủ phủ của nhà Chúa trong suốt thời gian dài 68 năm, nhận lấy sứ mệnh ươm mầm, dung dưỡng cho một xu thế lịch sử mới.
Vùng đất Ái Tử nằm trên địa hình của cồn cát trong (hay còn gọi là dải tiểu trường sa). Từ đây có thể ra biển qua Cửa Việt, lên rừng theo đường sông Thạch Hãn, qua Lào bằng sông Hiếu. Ái Tử không phải là địa thế hiểm trở, nhưng là nơi vừa tiếp giáp với đồng bằng vừa kề cận vùng rừng núi, đứng một chỗ có thể nhìn được đằng trước, trông rõ đằng sau, lấy núi sông làm phên dậu, làng mạc làm thế che chắn, dân cư làm chỗ dựa, nên cũng là vị trí khả dĩ an toàn và hội đủ các yếu tố cho một trung tâm hành chính, chính trị/lỵ sở của một thế lực muốn ly khai trong thời điểm thế và lực chưa đủ mạnh.
Hơn nửa thế kỷ của buổi ban đầu dựng nghiệp Ðàng Trong, Nguyễn Hoàng đã nhiều lần cho dời lỵ sở nhà chúa đến tại các địa điểm bên bờ bắc sông Thạch Hãn, lấy Cửa Việt làm cửa ngõ ra vào: lần thứ nhất dinh được xây dựng ở Ái Tử (1558 - 1570); lần thứ hai ở Trà Bát (1570 - 1600) và lần thứ ba là ở Dinh Cát (1600 - 1626). Cứ mỗi lần như thế lại gắn với một sự kiện quan trọng liên quan đến việc củng cố và khẳng định thế lực của vị chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên hành trình đi tìm “miền đất hứa”. Gò phù sa/Sa Khưu thuộc làng Ái Tử là nơi đặt doanh trại (le camp, le camp militaire) của chúa Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn.
Dinh Ái Tử toạ lạc tại tả ngạn của sông Thạch Hãn. Về mặt chiến lược, đoạn sông uốn cong này là một thế phòng thủ đường thuỷ đắc địa, có lợi cho cả 3 mặt bắc, đông, nam của doanh trại. Còn ở phía tây có một chi lưu bao bọc đó là sông Ái Tử, nhân dân địa phương gọi là Rào Ái.
Dinh Ái Tử đóng tại một cồn cát gọi là gò Phù Sa (Sa Khư/Sa Khưu) về sau gọi là Cồn Cờ, nằm phía tây sông Thạch Hãn thuộc làng Ái Tử, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Gò Phù Sa/Cồn Cờ chạy dọc theo sông Thạch Hãn, phía tây khu vực dân cư phường Giang Hến. Cồn Cờ theo L. Cadière là nơi “Nguyễn Hoàng đã cho kéo lên lá cờ, dấu hiệu của quyền lực của ông. Cái cồn chắc hẳn chỉ là một đống cát, cột cờ là một cây sào, nhưng lá cờ của Nguyễn Hoàng trong đó có mầm mống của tương lai triều đại và dân chúng khi vẫn còn dùng cho đến ngày nay một từ mà họ đã quên ý nghĩa chính xác của nó, đã giữ lại một cách kính cẩn và ý thức một ký ức có tầm quan trọng lớn” 10. Trên khu vực Gò Phù Sa/Cồn Cờ dưới thời Gia Long còn tồn tại “hai ngôi miếu cổ, một miếu thờ Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Trật công thần, gia Thuận Hóa Trấn Phủ Võ Tiệp dinh bổn xứ Luân Quận công (tức Tống Phước Hạp); một miếu thờ Bổn thổ Bổn xứ Phò hựu dân vật linh thần”, “kho mới Ái Tử” 11 và còn có cả ngôi miếu thờ thần Trảo Trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân cùng với miếu thờ danh tướng thời tiền triều là Tiết chế Thuận Nghĩa hầu (tức Nguyễn Hữu Tiến) do các cơ của dinh cũ dựng nên 12. Tất cả các miếu thờ này đều đã bị xóa dấu vết kể từ khi người Mỹ cho san bằng khu vực để thiết lập sân bay Ái Tử vào năm 1967 hoặc đã bị mất do sự xói lỡ và chuyển dịch dòng chảy của sông Thạch Hãn vào thời kỳ trước đó.
Địa điểm đóng dinh/doanh trại nằm trong khu vực phía tây của cồn cát/gò Phù Sa/Cồn Cờ, ven bờ tây sông Thạch Hãn. Kề cận dinh phủ về phía bắc có chợ Hôm, phía tây có công trình kho tàng. Đây chính là địa điểm đã được Lê Quý Đôn miêu tả trong Phủ biên tạp lục “Trấn dinh cũ của họ Nguyễn ở phía tây sông Ái Tử, từ dinh mới ra đường cái, sang cầu Ái đi về tay trái nửa khắc là đến nơi, nhà quân lính vẫn còn, tức là chỗ dinh của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn” 13. Địa điểm này ngày nay là khu vực còn lưu dấu tên gọi Cồn Kho gần chợ Hôm về phía tây nam, thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái. Chợ Hôm chính là “tàn tích của một cái chợ mà chúng ta thường thấy họp tại cửa của tất cả các dinh phủ quan lại và ở tất cả mọi nơi có quân lính đóng quân, ngày xưa cũng như ngày nay” 14. Các đội quân tiền, hậu, tả, hữu được bố trí ở các khu vực xung quanh (sau này thành các làng: Tiền Kiên, Trung Kiên, Hậu Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên). Lỵ sở này tồn tại trong vòng 12 năm. Sử không cho biết về quy mô dinh thự nhà chúa thời điểm này nhưng có thể thấy dinh phủ/dinh trại/trại quân của Nguyễn Hoàng thời kỳ này chắc chỉ mang tính chất tạm thời giống như là một quân doanh hoặc là một dinh trại mà thôi. Các công trình trong dinh phủ lúc bấy giờ chắc còn rất đơn sơ theo kiểu nhà khung gỗ/tre, mái lợp tranh, lá, xung quanh là hệ thống hàng rào tre, gỗ chứ chưa có những công trình kiên cố, càng khó có thể có hệ thống thành lũy cho dù được đắp bằng đất, cát.
Trong thời gian đóng thủ phủ ở Quảng Trị, chúa Tiên và chúa Sãi với chính sách cai trị khoan hòa “việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng để răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” 16. Ðặc biệt các chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc mở cửa giao thương, buôn bán với bên ngoài. Thuyền buôn một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Hà Lan đã vào Cửa Việt rồi lên ở Ái Tử để buôn bán với dân Quảng Trị. Sử cũ chép rằng: “tàu buôn các nước thường nhóm họp nơi lỵ sở của chúa, trấn trở nên một nơi đô hội lớn” 17.
Năm 1572, nhà Mạc sai tướng Lập Quận công Nguyễn Bạo đem 60 binh thuyền vào đánh. Sức yếu, thế cô, chúa đem quân chống giữ, đóng ở xã Ái Tử và nằm mộng thấy thần sông hiến “mỹ nhân kế”. Thực hiện kế sách này, Nguyễn Hoàng đã dùng thị nữ là Ngô Thị (Ngọc Lâm/Thị Trà) dụ tướng nhà Mạc là Lập Bạo vào ổ phục kích ở bờ sông Ái Tử, giết được rồi tiến quân đánh thẳng vào doanh trại quân Mạc ở Thanh Tương. Quân Mạc tan vỡ đưa nhau đầu hàng chúa Tiên. Hàng binh của nhà Mạc được Nguyễn Hoàng cho đưa lên vùng đất đỏ Cồn Tiên (tây Gio Linh ngày nay), đặt làm 36 phường.
Như vậy, làng Ái Tử một thời từng là thủ phủ của chúa Nguyễn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả 2 xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Sau khi dời đi, Ái Tử - Trà Bát được gọi chung là Cựu Dinh, trở thành một trong 12 dinh của cả nước. Nơi đây là trung tâm chính trị, hành chính của Cựu Dinh, cũng là trung tâm hành chính, chính trị của phủ Triệu Phong (gồm hai huyện Hải Lăng và Ðăng Xương) suốt trong các thế kỷ từ XVII - XVIII.
Năm 1801, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế (8-1801) đã cho tổ chức sắp xếp lại các địa danh hành chính trong cả nước. Trong bối cảnh đó, Quảng Trị cũng được sắp xếp lại bằng việc Gia Long cho lấy hai huyện Hải Lăng, Ðăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình, đặt thành dinh Quảng Trị 18 - một trong 4 dinh (doanh - đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh) thống thuộc đất Kinh kỳ. Công đường và lỵ sở của dinh Quảng Trị được đặt tại khu vực 2 làng Trà Bát - Ái Tử.
Ðất của làng Ái Tử dưới thời Nguyễn thuộc tổng An Ðôn, huyện Ðăng Xương, dinh/trấn/tỉnh Quảng Trị (năm 1827, đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị; năm 1831, đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị).
Sách “Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí” xác nhận rằng: Dưới thời Gia Long, trên khu vực Dinh Cát cũ có một “trung tâm hành chính” đã được thiết lập. “Công đường ở lỵ sở, tại địa phận hai xã Ái Tử và Trà Bát thuộc huyện Ðăng Xương, là nơi dinh thự, quan lại và trại quân cũ” 19. Ngoài ra, sách “Ðại Nam thực lục chính biên” cũng cho biết thêm vào tháng 5 - Ðinh Mão (1807) vua Gia Long cho dựng hành cung và công sảnh trong khu vực lỵ sở dinh Quảng Trị 20 và hai năm sau mới cho chuyển toàn bộ trung tâm hành chính này về làng Thạch Hãn.
Tại địa điểm đặt cung Phúc Châu của các Chúa Nguyễn và trụ sở làm việc của các trấn thủ Dinh Cát ở làng Trà Liên, Gia Long đã cho sửa chữa lại để đặt công sảnh của dinh Quảng Trị - nơi làm việc chính của các quan công đường như Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục.
Cũng như thời chúa Nguyễn, dưới thời Gia Long, bên cạnh hành cung, các doanh trại, cơ quan hành chính khác (như: Tả Thừa ty gồm các phòng Lại, Binh, Hình; Hữu Thừa ty gồm các phòng Hộ, Lễ, Công) đều được đặt tại những địa điểm xung quanh các làng Tiền Kiên, Tả Kiên, Trà Liên và Ái Tử. Trong đó, một phần lớn các cơ quan hành chính quan trọng đều được thiết lập tại địa phận của làng Ái Tử. Điều này đúng như một học giả người Pháp đã nhận định: “chắc là có nhiều cơ quan hơn nên làng Ái Tử được lấy tên để đặt cho dinh” 21: Cựu Dinh/Dinh Ái Tử. Những địa danh còn lại trong khu vực như: Mô súng, Tàu tượng, Thành ao, Bãi trận, Ruộng xưởng, Cồn kho, Chợ hôm... vừa mang dấu ấn sâu đậm của thời chúa Nguyễn, vừa như vẫn chứa đựng những gì còn lại của một thời không dài nhưng cũng không quá ngắn của những năm đầu Gia Long.
Từ khi lỵ sở của dinh Quảng Trị được tái lập ở Cựu Dinh thì quang cảnh ở đây được nhộn nhịp trở lại. "Ðến bến sông trước công đường, phía đông có bến đò ngang qua xã Ðâu Kênh. Công đường của dinh Quảng Trị ở về phía tây của sông này, trước mặt dinh có chợ, chợ đông vào buổi chiều, quán xá trù mật” 22. Xung quanh khu vực Ái Tử cũng là nơi đặt các kho tàng của nhà nước. Do nằm trên đường Thiên lý và cạnh sông Thạch Hãn, lại tiếp giáp với vùng đồng bằng hai huyện Ðăng Xương, Hải Lăng vốn là vựa lúa trong vùng nên Ái Tử là nơi có ưu thế cho việc vận chuyển, tập trung lương thực, hàng hoá và thiết lập một tổng kho dự trữ. Năm 1804, Gia Long cho dựng 2 kho thóc ở Ái Tử, đến năm 1811 lại cho dựng thêm 2 kho thóc nữa 23. Quan binh coi kho có khi lên tới 50 người 24. “Mục lục châu bản”triều Nguyễn còn ghi rõ quy mô của một tổng kho chứa lương thực dự trữ tại Ái Tử qua một bản lệnh truyền thời Gia Long, ngày 20 tháng giêng năm thứ 4 (1805): “Công đồng truyền dinh Quảng Trị đặng rõ: Kho ái Tử có 5 toà, cộng 126 gian bỏ trống, đổ đầy lúa hết 88 gian, chỉ còn 38 gian bỏ trống, nay nên làm thêm hai toà công khố, mỗi toà 22 gian để tiện trữ lúa năm nay” 25. Tổng kho dự trữ ở Ái Tử vẫn tiếp tục được giữ nguyên và phát huy cho đến các thời kỳ sau của triều đại nhà Nguyễn. Dưới thời Minh Mạng, vào năm 1835, ở tổng kho Ái Tử còn được dựng thêm một kho tiền, một kho muối 26.
Dưới thời Ðồng Khánh (1886 - 1888), huyện Ðăng Xương đổi thành huyện Thuận Xương. Đất Ái Tử thuộc tổng An Ðôn, huyện Thuận Xương, đạo Quảng Trị. Tổng An Đôn có tất cả 22 xã, 8 phường, 5 giáp 27.
Dưới thời thuộc Pháp, sau năm 1885, tuy có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính của tỉnh cũng như các phủ huyện, nhưng về cơ bản, các làng/xã vẫn không thay đổi. Làng Ái Tử vẫn thuộc tổng An Đôn, huyện Thuận Xương. Năm 1900, huyện Thuận Xương, chuyển thành phủ Triệu Phong.
Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Các huyện, thị trong toàn tỉnh tiến hành hiệp xã, bãi bỏ cấp tổng, sát nhập nhiều thôn, làng lại với nhau thành những xã lớn. Làng Ái Tử những năm đầu thuộc xã Phương Anh; sau năm 1950 thì sát nhập với xã Phong Hanh (thuộc Đông Lương và Đông Lễ hiện nay) và đổi thành xã Triệu Hoà, thuộc huyện Triệu Phong. Về phía chính quyền của Pháp, từ tháng 3-1947 đến 1954, vùng đất Ái Tử nằm trong vùng Pháp chiếm đóng và vẫn thuộc tổng An Ðôn, phủ Triệu Phong.
Thời chính quyền VNCH (sau năm 1958), làng Ái Tử thuộc đơn vị hành chính của xã Triệu Ái.
Ngày 1-8-1994, theo Nghị định số 79-CP của Chính phủ, một phần đất của làng Ái Tử được tách ra để hợp cùng một phần của xã Triệu Giang, một phần của xã Triệu Thượng thành lập nên thị trấn Ái Tử - trung tâm hành chính chính trị của huyện Triệu Phong 28.
2. VĂN HOÁ
Sách Ô châu cận lục khi luận về phong thổ vùng Thuận Hoá, Quảng Nam đã viết rằng: “Ái Tử nhà nhà đáng phong tặng” 19. Tuy chỉ là một câu ngắn gọn, nhưng đó là sự ghi nhận nhiều nét đẹp về phong tục tập quán của vùng đất làng Ái Tử từ nửa cuối thế kỷ XVI.
Làng Ái Tử, huyện Ðăng Xương trong nhiều thế kỷ XVI - XVIII, có nghề nấu đường trắng, đường đen nổi tiếng trong vùng 30.
Những năm niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê 1735 - 1739, Chùa Sắc Tứ được ra đời trên đất làng Ái Tử. Đây là ngôi tổ đình của Phật giáo Quảng Trị. Lúc mới lập, chùa có tên là Am Tịnh Ðộ. Năm Kỷ Sửu, Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trong một dịp ngự giá ra Quảng Trị, cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của nó trong dân chúng đã thân hành ngự bút viết 5 chữ Sắc Tứ Tịnh Quang Tự rồi cho làm bảng sơn son thiếp vàng để tặng cho ngôi chùa. Từ đó Am Tịnh Ðộ trở thành chùa Tịnh Quang với tên chữ là Sắc Tứ Tịnh Quang tự và dân chúng cũng từ đó quen gọi chùa bằng cái tên là Chùa Sắc Tứ (chùa được Nhà nước sắc phong).
Trải qua hơn hai thế kỷ tồn tại, biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử xã hội xảy ra trên vùng đất này làm thay đổi hết thảy những gì còn lại. Chín lần trùng tu lớn nhỏ trong số phận tồn vong của ngôi chùa đã làm cho tất cả những nét nguyên bản hoặc đã vĩnh viễn mất đi hoặc chỉ sót lại dưới lớp than tro và gạch vụn. Tuy nhiên, chùa Sắc Tứ hiện nay và mãi mãi về sau vẫn sáng rỡ sự khẳng định tầm quan trọng của mình trong lịch sử bằng cội nguồn nhân bản, truyền thống tốt đạo đẹp đời của đất và người Quảng Trị. Xứng đáng là đất tổ của Phật giáo trên một vùng đất vốn đã có bề dày lịch sử văn hóa.
Ngôi chùa đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 2009/QÐ-BVHTT ngày 15-11-1991.
Bên cạnh ngôi Quốc tự là chùa Tịnh Quang, trên địa phận làng Ái Tử còn có một ngôi chùa làng cũng được xây dựng khá sớm từ thế kỷ XVII. Ngôi chùa này tương truyền cũng đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong và đưa vào hàng Quốc tự (có lẽ vào thời Minh Mạng - năm tu sửa lại chùa - 1829) với tên chữ là: Sắc Tứ giác Minh tự.
Địa điểm cũ của ngôi chùa nằm phía tây đường tàu hoả, ở xóm Thiện An. Vì có ngôi chùa nên xóm này cũng gọi là xóm Chùa. Ngôi chùa trải qua chiến tranh đã bị hư hại toàn bộ. Tuy nhiên với những dấu tích nền móng, án thờ, các viên đá kê chân cột... hiện còn, có thể thấy rằng: Ngôi chùa nguyên là một kiến trúc có bộ khung gỗ chịu lực được kết cấu theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói. Bố trí mặt bằng theo chiều dọc, mặt tiền mở ra từ gian chái. Hướng chính quay về phía đông. Phối trí thờ tự trong chùa theo cách: tiền Phật, hậu Thần (tức là tiền điện thờ các vị chư Phật và bồ tát, còn hậu liêu thờ các vị thần như: Tiền khai, hậu khẩn, thuỷ tổ các họ tộc...).
Những di vật, cổ vật có giá trị còn lại thuộc về của ngôi chùa gồm: 1 pho tượng Quán Thế âm bằng gỗ có niên đại từ thế kỷ XVIII - XIX; 1 lọ đựng hương bằng gỗ, 2 cây đèn, 1 bộ Lỗ bộ bằng gỗ sơn son, 1 chuông gia trì bằng đồng thuộc thế kỷ XIX và một đại hồng chung bằng đồng đúc năm Minh Mạng thứ 9 (1828), do vị Nội đội trưởng năng tín hầu Châu Phước Năng phụng cúng cho chùa. Ngoài ra còn có 1 hòm sắc bằng gỗ, sơn son thếp vàng được tạo từ cuối thế kỷ XIX, bên trong đựng 16 đạo sắc phong thần của làng vốn được thờ cúng ở chùa Giác Minh gồm:
2 đạo sắc của thần Cao Các, do triều Nguyễn phong tặng vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1844) và năm Tự Đức thứ 3 (1850).
1 đạo sắc của thần Cao Sơn do triều Nguyễn phong tặng vào năm Tự Đức thứ 5 (1852).
1 đạo sắc của thần Thành Hoàng do triều Nguyễn phong tặng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).
1 đạo sắc của thần Cao Sơn, Cao Các và Thành Hoàng do triều Nguyễn phong tặng vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
4 đạo sắc của thần Trảo Trảo phu nhân, do triều Nguyễn phong tặng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 3 (1850), và Khải Định thứ 9 (1924).
2 đạo sắc của thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải, do triều Nguyễn phong tặng vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1841) và năm Tự Đức thứ 3 (1850).
2 đạo sắc của thần Cao Sơn; Cao Các; Phi vận tướng quân Tùng giang văn trung; Bổn thổ Thành Hoàng do triều Nguyễn phong tặng vào năm Tự Đức thứ 33 (1880) và năm Khải Định thứ 9 (1924).
1 đạo sắc của thần Đại Càn Quốc gia Nam hải tứ vị; Thiên y ana diễn ngọc phi; Qua Qua phu nhân do triều Nguyễn phong tặng vào năm Tự Đức thứ 33 (1880).
1 đạo sắc của thần Phi vận tướng quân Tùng giang văn trung do triều Nguyễn phong tặng vào năm Tự Đức thứ 3 (1850).
1 đạo sắc của thần Khai khẩn Nguyễn Đại Lang, do triều Nguyễn phong tặng vào năm Duy Tân thứ 7 (1913).
Bên cạnh đó, tại đình làng Ái Tử hiện còn lưu giữ 2 tấm bia đá do ông Châu Phước Năng tạo lập vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828). Tuy bị vỡ nhiều chỗ nhưng những nội dung chữ Hán còn đọc được cho thấy: Một tấm bia ghi nhận việc hình thành các loại ruộng đất do dân làng phụng cúng xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo với tổ tiên để trở thành ruộng hương hoả làng. Một tấm bia khác nói về việc nhân lần tu tạo lại ngôi chùa làng thì đúc chuông, lập bia đá (tức năm 1828) để ghi lại sự tích và ghi nhận diện tích của chùa gồm 1 mẫu, 8 sào cùng hướng toạ lạc.
Những di vật, cổ vật này đã được Bảo Tàng tỉnh Quảng Trị kiểm kê và đăng ký vào danh mục di vật, cổ vật của tỉnh (tháng 8-2004).
Trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn về phía tây, thuộc địa phận của làng Ái Tử còn có một ngôi miếu thờ từng gắn với chúa Tiên Nguyễn Hoàng và trận chiến giữa quân chúa Nguyễn với quân nhà Mạc vào năm 1572. Đó là miếu Trảo Trảo phu nhân.
Miếu thờ một vị nữ thần gọi là Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch tướng Hựu phu nhân. Huyền tích ngôi miếu kể rằng: Khi xưa lúc Nguyễn Hoàng đóng Dinh ở Ái Tử, có một đội quân nhà Mạc do một dũng tướng là Lập Bạo kéo vào tiến đánh. Hai bên đánh nhau nhiều lần mà không phân thắng bại, họ bèn hoãn binh tìm kế mới. Một đêm, đang đóng binh ở bên bờ sông bỗng nghe dưới sông có tiếng Trảo Trảo, chúa lấy làm lạ ra xem thì thấy sóng gió rất hãi hùng, bèn quì lạy khấn rằng: Thần sông linh thiêng thì cố trừ giặc giúp ta, ta đang bí nước. Ðêm ấy, chúa nằm mơ thấy người đàn bà mặc áo xanh, đẹp lộng lẫy đến gần chúa và bảo: Ngươi hãy dùng mỹ kế mới thắng đựơc giặc. Thức dậy chúa rất mừng vì được điềm lành. Hôm sau, sai người hầu là Ngô Thị mang lễ vật và thư giảng hoà đến doanh trại của Lập Bạo. Vốn là người hiếu sắc lại đang lúc đắc thắng, say sưa với rượu chè hát xướng, Lập Bạo thấy Ngô Thị là người con gái đẹp duyên dáng, mỹ miều liền đồng ý ngay. Xong việc, Ngô Thị cáo lui nhưng vẫn liếc mắt đưa tình ra chiều lả lơi. Lập Bạo không giữ được mình bèn rời doanh trại theo người con gái đẹp. Cứ thế nàng nhử Lập Bảo vào trận địa mai phục của quân chúa Nguyễn. Một phát súng lệnh nổ, quân mai phục toả ra, Lập Bạo biết mình bị lừa bèn lao nhanh xuống nước. Nhưng y lặn đến đâu thì trên mặt nước có con chim chài cá kêu vang theo đến đó, cho đến khi kiệt sức, nổi lên mặt nước bị quân Nguyễn bắt được. Sau đó quân Mạc vì mất tướng nên cũng tan tác theo. Nhờ đó, chúa Nguyễn đuổi được nhà Mạc, giữ yên bờ cõi 31.
Ðể nhớ ơn sâu thuỷ thần giúp đỡ, chúa Nguyễn cho lập đền thờ tại Ái Tử và phong là: Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu Phu Nhân. Ðời Gia Long liệt vào miếu Hội Ðồng. Năm Minh Mạng thứ 5 gia tặng: Nhu Hoà Ðoan ý Chiêu ứng Trợ Thuận Trai thục Trang huy dực bảo trung hưng trung đẳng thần. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) trên đường ra Bắc vua ghé thăm miếu thờ, cảm tác làm một bài thơ “Quá Ái Tử giang thuật cổ” và cho khắc vào bia đá dựng ở chùa Giác Minh. Nội dung bài thơ như sau:
過愛子江述古
晚泛輕舟過碧潯
江山感昔鉞旄臨
神功締造千秋在
聖武昭垂萬古欽
助順聲聲湫浪異
效靈陣陣賊船沈
河千廟貌傳香火
風動波鳴護國心
Phiên âm:
Quá Ái Tử giang thuật cổ
Vãn phiếm khinh chu quá bích phù,
Giang sơn cảm tích việt mao lâm.
Thần công đế tạo thiên thu tại,
Thánh vũ chiêu thuỳ vạn cổ khâm.
Trợ thuận thanh thanh tưu lãng dị,
Hiệu linh trận trận tặc thuyền trầm.
Hà can miếu mạo truyền huơng hoả,
Phong động ba minh trợ quốc tâm.
Dịch:
Qua sông Ái Tử thuật lại việc xưa
Duyềnh xanh thuyền nhẹ lướt như bay,
Trấn thủ vua ta đến đất này.
Vun đắp công thần muôn thu vững,
Soi ngời ơn thánh vạn thủa dày.
Giúp chính, bờ vang chim thứu hót,
Trợ thiêng, thuyền giặc đắm sông đầy.
Sông khôn miếu mạo luôn huơng khói,
Sóng gào gió động giúp nước này.
Ðáng tiếc là đến nay, tấm bia đá không còn. Nó đã mất đi cùng những gì phải mất khi quân đội Mỹ và VNCH cho xây dựng sân bay Ái Tử thành sân bay quân sự phục vụ cho mưu đồ chiến tranh.
*
* *
Ái Tử - Vùng đất chất chứa những trầm tích của bề dày lịch sử, văn hóa - Trung tâm mạch nguồn địa linh của Triệu Phong/Quảng Trị nằm ở vị thế đột khởi của long mạch chủ Thạch Hãn. Sự lựa chọn của thời đại/thời cuộc cũng chính là sự lựa chọn sáng suốt của con người từ trong chiều dài lịch sử đã để lại những di sản quý giá đang cần/chờ người dân đất này tiếp tục kế thừa và phát triển trong đời sống đương đại và hướng đến tương lai!
Mong lắm thay!
Lê Hoàng Nguyên
Chú thích
1, 4, 7, 13, 15, 16 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1977, tr. 44; tr. 142; tr. 50.
2, 6 Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 1. Bản dịch Nxb Văn hoá thông tin. 2004, tr. 568 - 569; tr. 226 - 233.
3 Học giả Ðào Duy Anh trong sách Ðất nước Việt Nam qua các đời (Nxb Thuận Hoá, 1994, tr. 159 - 160) cho rằng: Huyện Dạ Ðộ là vùng phía Ðông huyện Do Linh và phía Ðông huyện Triệu Phong, nằm ở hạ nguồn sông Thạch Hãn ngày nay. Huyện Lợi Ðiều là vùng thuộc huyện Thành Hóa/Cam Lộ. Căn cứ vào đường ranh giới là sông Hiếu giữa châu Minh Linh và châu Thuận chúng tôi cho rằng thời kỳ này, vùng đất Đông Lương hiện tại thuộc Lợi Ðiều. Sự phân định này còn chờ kết quả nghiên cứu chính thức về sau.
5, 29 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Bản dịch và hiệu chú của Trần Ðại Vinh, Hoàng Văn Phúc. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2001, tr. 52 - 53; tr. 83.
7 Xem: - Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Giáo dục. Hà nội, 2001, tr. 26 - 28; tr. 31.
- Nguyễn Khoa Chiêm. Nam triều công nghiệp diễn chí. Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội, 2003, tr. 23 - 26.
- Phan Khoang. Việt sử xứ Ðàng trong 1558 - 1777. Nxb Văn học, 2001, tr. 106 - 109.
8, 16, 17 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Giáo dục. Hà nội, 2001, tr. 26 - 28; tr. 31.
10, 14, 21 L. Cadière. Les Residentce Rois de Cochinchine (An Nam) Avant Gia Long (Dinh phủ các chúa Đàng Trong trước Gia Long). B.E.F.E.O (Tạp chí Hội khảo cổ Đông Dương), 1914 - 1916 (Bản dịch của Thúy Vi), tr. 108; tr. 114; tr. 118; tr. 122.
11, 12, 19, 22 Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Bản dịch Phan Đăng. Sđd, tr. 346 - 347; tr. 339.
18 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí, tập 1. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992. tr. 92.
20, 24 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục chính biên, tập 3. Nxb Sử học. Hà Nội, 1962. tr. 338; tr. 212.
23 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục chính biên, tập 18. Nxb Sử học. Hà Nội, 1962. tr. 185.
25 Uỷ ban phiên dịch tư liệu Viện Ðại học Huế. Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 1 (triều Gia Long). Huế, 1960. tr.3.
26 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam hội điển sự lệ. Tập 13, quyển 211. Viện KHXH Việt Nam - Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 186.
27 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sách điện tử. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, tr. 1383 - 1384.
28 Nghị định số 79-CP của Chính phủ ngày 1/8/1994. Dẫn theo Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danhà địa gới hành chính (1945 - 2002). Nxb Văn hoá Thông tin. Hà Nội. 2003, tr. 605.
31 Theo: Hồ Quốc Hùng. Văn học dân gian Triệu Hải. Sở VHTT Bình Trị Thiên xuất bản, 1988, tr. 42 - 43.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN