Cập nhật ngày: 6/12/2023 7:47:18 AM
Lịch sử vùng đất Quảng Trị là một quá trình phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn trải suốt theo dặm dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, kể từ buổi bình minh của thời tiền sử xa xôi đến tận ngày nay, nhưng lịch sử hình thành các làng xã của người Việt trên vùng đất Quảng Trị thì tương đối muộn màng hơn, gắn liền với những cuộc chinh phạt, mở mang bờ cõi về phương Nam của quốc gia Đại Việt từ thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê… với những sự kiện tiêu biểu, như: vua Lý Thánh Tông sai Lý Thường Kiệt thân chinh đem theo 5 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ và để bảo toàn tính mạng, Chế Củ đã xin dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt (2-1069); năm 1306, vua Trần gã công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân và nhận quà sính lễ là hai châu Ô, Lý thuộc về lãnh thổ của Đại Việt. Từ thời điểm này dòng người Việt bắt đầu tiến mạnh về phía Nam, một số làng xã của người Việt bắt đầu hình thành trên vùng đất Quảng Trị. Tiếp đến thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Đức năm thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành mở rộng biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên - chấm dứt sự tồn tại của vương quốc Champa. Sau đó thực hiện việc hoạch định lại đất đai, đặt định quan chế và tiến hành chiêu mộ dân đinh đến định cư làm ăn sinh sống. Đây là cuộc đại di dân lớn nhất trong lịch sử của người Việt tiến về phương Nam, trong đó có sự hình thành các làng xã trên vùng đất Quảng Trị. Tính đến thời Lê, trên địa bàn Quảng Trị đã hình thành 173 làng xã (châu Minh Linh: 65 xã; huyện Vũ Xương: 59 xã; huyện Hải Lăng: 49 xã) 1. Đến khi Nguyễn Hoàng vào đảm trách nhiệm vụ trấn thủ vùng Thuận Hóa, bằng tài năng và đức độ cùng với những danh vọng lớn lao của mình nên trong quá trình từ đất Bắc vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã được nhiều người hưởng ứng ủng hộ, hòa chung trong đoàn tùy tùng đi vào vùng đất mới để lập nghiệp. Dưới thời các chúa Nguyễn, các làng xã của người Việt đã hình thành khắp các vùng đồng bằng.
Khi các làng xã hình thành từ sớm, cư dân ban đầu đang còn ít nên việc chiếm cứ đất đai cũng không nhiều. Nhưng dần dà qua thời gian, các dòng họ trong một làng sinh con đẻ cháu làm cho dân số ngày càng phát triển. Ngoài ra, ở những vùng đồng bằng thuận lợi thì còn có những bộ phận cư dân mới xin nhập vào làng càng khiến cho dân số ngày một tăng thêm. Vùng đồng bằng mật độ làng xóm trở nên dày đặc, dân số tăng nhanh làm cho diện tích đất không còn đủ để đáp ứng nhu cầu canh tác. Để giải quyết những vấn đề “đất chật người đông”, một số bộ phận cư dân của các làng ở vùng đồng bằng đã ra đi tìm những vùng đất mới để tiếm cứ, mở rộng điền địa. Xu hướng thời bấy giờ là tiến về phía Tây, theo dọc các con sông lớn nơi có đất đai rộng rãi, rừng núi bao la để khai phá trồng trọt. Ban đầu họ dựng lều trại ở lại để làm ăn trong một thời gian ngắn rồi xuôi ngược lên về bằng thuyền bè, dần dần nhận thấy đất đai nơi đây màu mỡ, cây cối tốt tươi, việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi và những vụ mùa bội thu đã níu giữ chân họ ở lại. Từ đó bộ phận cư dân này quyết định lên đây sinh sống lâu dài, hình thành nên các làng mới.
Các thế hệ con cháu của làng chính/làng cái ở vùng đồng bằng ra đi tìm vùng đất mới thành lập nên các làng nhỏ/làng con, để ghi nhớ về nguồn cội, tổ tiên, các làng mới thường đặt tên theo làng gốc hoặc liên quan đến làng gốc, ví dụ như: làng Cam Lộ thành lập làng mới ở phía tây vẫn đặt tên là Cam Lộ (Cam Lộ thượng, Cam Lộ phường); làng An Mỹ ở Cam Tuyền, Cam Lộ có nguồn gốc từ làng An Mỹ ở xã Gio Mỹ, Gio Linh; làng Quật Xá ở xã Cam Nghĩa có nguồn gốc từ làng Quật Xá ở xã Cam Thành… Nhưng có những làng thành lập mới với hương hiệu mới.
Quá trình thành lập các làng nhỏ/làng con từ làng chính/làng cái là sự phát triển tất yếu của lịch sử theo xu hướng, tham vọng mở mang lãnh thổ của người Việt. Cơ chế quản lý đinh, điền của làng chính/làng cái đối với các làng con dưới thời kỳ phong kiến ở mỗi làng xã khác nhau: có những bộ phận cư dân sau khi thành lập làng mới thì tách hẳn với làng chính, thực hiện cơ chế “biệt đinh, biệt điền” nhưng có nhiều làng sau khi thành lập làng mới nhưng ruộng đất mới và mọi sinh hoạt văn hoá vẫn theo làng chính/làng cái thực hiện cơ chế “công điền, công thổ” và có những làng thì ruộng đất ở làng mới thành lập là tư điền nhưng ruộng đất ở làng chính là công điền thực hiện cơ chế “biệt đinh nhưng không biệt điền”.
Nằm trong tiến trình của lịch sử phát triển làng xã của người Việt trên địa bàn Quảng Trị với xu hướng tiếm cứ lên vùng đất phía tây. Làng Thượng Nghĩa trong hành trình phát triển của mình để mở rộng đất đai, con cháu các dòng họ đã toả đi nhiều nơi tìm vùng đất mới. Sau quá trình ổn định và phát triển đã thành lập các làng mới, đó là: Vĩnh An, Vĩnh Đại, Thượng Nghĩa ở Cùa, Vĩnh Thế ở vùng đất Cam Lộ và tại làng Thượng Nghĩa gốc thì tách ra thành lập thôn Vĩnh Ninh. Các làng mới thành lập gọi là “làng con”, còn làng gốc gọi là “làng cái”. Mặc dù thành lập làng mới nhưng tất cả con cháu các thế hệ của “làng con” vẫn tập trung về “làng cái”/làng Thượng Nghĩa gốc để thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Để thực hiện điều đó, “làng cái”/làng gốc Thượng Nghĩa có những cơ chế quản lý các “làng con” khác nhau.
1. Quá trình hình thành làng Thượng Nghĩa
Làng Thượng Nghĩa nay thuộc khu phố 4, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; phía đông giáp làng Đông Lai (nay là khu phố 3), phía tây giáp làng Nghĩa An (phường Đông Thanh), phía bắc giáp Hói Sòng, phía nam giáp làng An Lạc.
Làng Thượng Nghĩa được thành lập tương đối sớm trên vùng đất Quảng Trị. Vào khoảng cuối thế kỷ XV, dưới thời Lê Thánh Tông đã thực hiện chính sách di dân vào phía Nam, một bộ phận cư dân từ miền Bắc Trung Bộ đã vào khai phá đất đai, lập nên làng xã. Làng Thượng Nghĩa được ra đời trong thời kỳ đó. Tên làng lúc đầu mới thành lập là Thượng Đô. Theo sách “Ô châu cận lục” (1555) của Dương Văn An chép làng Thượng Đô là một trong 59 làng/xã thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong 1. Sang đến thời các chúa Nguyễn, làng/xã Thượng Đô thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong 2. Thời nhà Nguyễn, làng/xã Thượng Đô đổi thành Thượng Nghĩa, thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương 3.
Theo lưu truyền nguồn gốc cư dân làng Thượng Nghĩa từ các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Trong thời gian đầu cư dân Việt đến khai hoang, lập làng gồm có 6 họ: Hoàng, Nguyễn, Mai, Trương, Trần, Hồ. Sau quá trình chung lưng đấu cật, khai phá đất đai, dựng đặt hương hiệu nhưng do đất hẹp người đông nên các họ Trương, Trần, Hồ tiếp tục đi vào phía nam khai hoang lập nên các làng mới: làng Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), một bộ phận họ Hồ đi về khai phá vùng đất phía đông nam lập nên làng Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong). Ở lại Thượng Nghĩa còn họ Hoàng (gồm 4 họ: Hoàng Văn, Hoàng Ngọc, Hoàng Kim, Hoàng Đức), họ Mai và họ Nguyễn. Cùng chung quê quán từ buổi đầu ra đi khai phá vùng đất mới nên ba làng Thượng Nghĩa, Thượng Phước và Thượng Trạch kết nghĩa với nhau, gọi là “ba làng họ”.
Theo gia phả các dòng họ tại làng Thượng Nghĩa: Thuỷ tổ họ Hoàng Văn là Hoàng Văn Tân (tên tục là Hoàng Văn Biện); thuỷ tổ họ Hoàng Ngọc là Hoàng Ngọc Đạo; thuỷ tổ họ Hoàng Kim là Hoàng Kim Giám; thuỷ tổ họ Hoàng Đức là Hoàng Đức Bờ; thuỷ tổ họ Mai là Mai Đức Trọng; thuỷ tổ họ Nguyễn là Nguyễn Bá Cơ.
Cùng với quá trình hình thành làng xã, ổn định đời sống, các lớp cư dân Việt tại làng Thượng Nghĩa đã thiết lập đình, chùa, miếu… để làm nơi thờ tự, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng. Làng Thượng Nghĩa dựng đặt đình làng theo kiểu đình trần/nền đình lộ thiên; nằm ở trung tâm của làng. Hàng năm vào dịp rằm tháng Bảy, dân làng tổ chức lễ cúng tế ở đình làng gọi là “Lễ tế cánh quân”. Lễ tế cánh quân là lễ cúng tế thuỷ tổ các dòng tộc có công tạo dựng lập làng; đồng thời cầu bình an cho con dân làng Thượng Nghĩa. Lễ tế cánh quân cứ 3 năm tổ chức đại lễ. Theo truyền thống của “ba làng họ” Thượng Nghĩa, Thượng Phước và Thượng Trạch cứ luân phiên nhau mỗi năm mỗi làng tổ chức đại lễ một lần vì để cho các làng cùng tham dự. Miếu Ông/Nghè Ông thờ Mai Văn Sỹ Hầu, đây có thể là một nhân vật lịch sử khác, nhiều khả năng đây là một nhân vật đã có công lao trong quá trình đánh dẹp giặc dã, vỗ yên bờ cõi, góp phần thiết lập dựng xây làng xóm nên được dân làng tôn vinh, được triều đình phong kiến ghi nhận và ban cấp sắc phong để dân làng thờ phụng. Miếu bà/phủ bà thờ Thổ đức phu nhân, Hoả đức phu nhân cũng được triều đình phong kiến ghi nhận và ban sắc phong.
Hiện nay các dòng tộc của làng Thượng Nghĩa và làng Vĩnh Đại còn lưu giữ 8 bản sắc phong của triều Nguyễn vào thời vua Khải Định. Tại làng Thượng Nghĩa, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, đang lưu giữ 5 bản sắc phong: 2 bản sắc phong cho ngài Mai Văn Sĩ vào các năm Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924), 1 bản sắc hợp phong cho Thổ đức phu nhân trung đẳng thần và Hoả đức phu nhân trung đẳng thần vào năm Khải Định thứ 9 (1924) 4; 2 bản sắc phong cho Tiền khai khẩn Hoàng Ngọc Đạo vào các năm Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924) 5. Tại làng Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ lưu giữ 3 bản sắc phong: 2 bản sắc phong cho Tiền khai khẩn Hoàng Văn Tân cũng vào các năm Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924); 1 bản sắc phong cho các vị thần Tam vị Tản viên Sơn, Cao Sơn, Cao Các thượng đẳng thần và Thành Hoàng trung đẳng thần vào năm Khải Định thứ 9 (1924) 6.
Theo nội dung bản sắc phong cho các vị thần của làng Thượng Nghĩa vào năm Khải Định thứ 9 (1924), thì Thành hoàng của làng Thượng Nghĩa là vị nhiên/thiên thần “… Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng tôn thần…. Thành Hoàng tôn thần trứ gia tặng Tịnh Hậu trung đẳng thần”. Dịch nghĩa: “…Thành Hoàng vốn được ban tước vị là Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng tôn thần… Thành Hoàng tôn thần gia tặng thêm tước vị mới là Tịnh Hậu trung đẳng thần”. Còn theo nội dung của 04 bản sắc phong Tiền khai khẩn của làng Thượng Nghĩa là Hoàng Ngọc Đạo và Hoàng Văn Tân 7.
2. Sự ra đời của các “làng con”
Sau thời gian khai hoang đất đai, dựng đặt hương hiệu, dân số làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa ngày càng phát triển, đất đai nhỏ hẹp không đủ sinh sống. Để mở rộng đất đai phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho con cháu về sau có nơi sinh cơ lập nghiệp, các bậc tiền nhân của các dòng họ đã toả đi các nơi tìm kiếm vùng đất mới, tập trung chủ yếu là vùng đất phía tây Quảng Trị, lập nên các làng mới: Vĩnh Đại, Vĩnh An, Vĩnh Ninh, Thượng Nghĩa (Cùa), Vĩnh Thế. Tục gọi là “Thượng Nghĩa đại xã năm thôn”.
- Làng Vĩnh Đại
Làng Vĩnh Đại thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ; nằm ven sông Hiếu và hai bên trục Đường 9 từ km số 7 đến km số 10; phía đông giáp thôn Tân Hiếu, phía tây giáp thôn Đường 9 và Bích Giang, phía bắc giáp làng Định Xá, phía nam giáp sơn phần.
Nguồn gốc cư dân làng Vĩnh Đại là từ làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa thuộc tổng An Lạc, phủ Triệu Phong, nay là phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Lúc sơ khai, làng Vĩnh Đại chỉ có họ Hoàng Văn. Theo gia phả họ Hoàng Văn, ngài thuỷ tổ là Hoàng Văn Tân (tên tục là Hoàng Văn Biện) cùng với các họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim, Hoàng Đức, Mai, Nguyễn, Trần, Trương, Hồ từ vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh di cư vào Nam và định cư trên vùng đất ở bờ bắc sông Hiếu. Sau thời gian cùng chung lưng đấu cật, khai phá đất đai, dựng đặt hương hiệu, đến đời thứ 6 ngài Hoàng Công Định cùng con cháu đã lên khai hoang, định cư lập nên làng Vĩnh Đại. Tên làng Vĩnh Đại với ước vọng về sự ổn định, phát triển ngày càng lớn. Kể từ đời thứ 6, con cháu họ Hoàng Văn dần dần chuyển lên sinh sống và định cư tại làng Vĩnh Đại. Hiện nay, mộ hai ông bà Hoàng Công Định và Hoàng Thị Dầm táng tại đồng Cây Thị (Vĩnh An), còn mộ ngài thuỷ tổ họ Hoàng Văn vẫn còn ở làng Thượng Nghĩa, phường Đông Giang. Thế tục hiện nay của họ Hoàng Văn là đời thứ 21, nếu tính từ đời thứ 6, ngài Hoàng Công Định lên lập làng Vĩnh Đại thì đến nay đã trải qua 16 đời, khoảng hơn 300 năm.
Sau khi thành lập làng, các bậc tiền nhân đã chọn những nơi đắc địa để xây dựng các công trình thờ cúng nhằm ghi ơn công đức cũng như nguyện cầu thần linh phò trợ, che chở cho con dân của làng. Đình làng Vĩnh Đại được dựng đặt theo kiểu đình trần/lộ thiên như ở làng gốc; miếu thờ ngài tiền khai khẩn/miếu Ông, miếu thờ Cao Sơn, Cao Các, bổn thổ Thành hoàng, nhà thờ họ…
Cùng với sự hình thành và phát triển, dần về sau các họ Hồ, Trịnh cùng đến định cư và trở thành ba họ chính của làng.
- Làng Vĩnh An
Làng Vĩnh An thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ; phía đông giáp làng Thạch Đâu và Bích Giang, phía tây giáp làng Thượng Nguyên (thị trấn Cam Lộ), phía nam giáp thôn Tân Trúc, phía bắc giáp thôn Tam Hiệp (xã Cam Thuỷ).
Cũng giống như làng Vĩnh Đại, nguồn gốc cư dân của làng Vĩnh An là từ làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa thuộc tổng An Lạc, phủ Triệu Phong, nay là phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Các bậc tiền nhân của làng Thượng Nghĩa, sau thời gian định ở bờ bắc sông Hiếu, đã ra đi hướng về phía tây, tìm vùng đất mới để khai phá, mở rộng diện tích canh tác. Dòng họ Hoàng Ngọc đến đời thứ 6 có các ngài Hoàng Ngọc Hoàn, Hoàng Ngọc Cảnh, đời thứ 7 có các ngài Hoàng Ngọc Quê, Hoàng Ngọc Bích; dòng họ Hoàng Đức đến đời thứ hai là ngài Hoàng Đức Thiện; dòng họ Hoàng Kim cũng từ đời thứ hai và một bộ phận của dòng họ Mai, họ Nguyễn đã lên khai thác điền thổ thành lập làng Vĩnh An.
Tên làng Vĩnh An với ước vọng về sự trường tồn và bình an trên vùng đất mới. Thế tục các dòng họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim, Hoàng Đức hiện nay đến đời thứ 21, nếu tính từ đời thứ 6, thứ 7 các ngài lên lập nghiệp thì đến nay làng Vĩnh được thành lập khoảng hơn 300 năm.
Cùng với quá trình hình thành và phát triển làng/xã, các thế hệ tiền nhân của làng Vĩnh An đã dựng đặt các công trình thờ cúng của cộng đồng làng xã như: Đình làng, miếu Ông, miếu Bà. Đình làng được kiến tạo theo kiểu đình trần/đình lộ thiên như ở làng gốc, sau này mới dựng lại đình có nhà. Các họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim, Hoàng Đức vẫn sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng ở nhà thờ họ ở làng gốc Thượng Nghĩa. Những năm gần đây, các dòng họ này đã dựng đặt nhà thờ họ tại lãng Vĩnh An. Trong quá trình chung lưng đấu cật, khai hoang lập nên làng mới, dòng họ Nguyễn ở làng Vĩnh An đã không còn con cháu nối dõi, dòng họ Mai cũng còn lại số ít.
- Làng Thượng Nghĩa ở Cùa
Cũng như các làng Vĩnh Đại, Vĩnh An, một bộ phận cư dân của làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa của tổng An Lạc, phủ Triệu Phong, nay là phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, sau khi ổn định làng xã và một số bộ phận cư dân các dòng họ đã ra đi tìm vùng đất mới để khai thác điền thổ, thành lập các làng mới. Họ Hoàng Đức đời thứ 4 là ngài Hoàng Đức Điều; họ Hoàng Kim đời thứ hai là ngài Hoàng Kim Trạo; họ Hoàng Ngọc thì đến đời thứ 7 là ngài Hoàng Ngọc Trinh; một bộ phận của họ Hoàng Văn, họ Mai, họ Nguyễn đã lên vùng Cùa mở mang điền thổ, chọn vùng đất thuộc xứ Cồn Trung định cư, lập làng và lấy tên gọi theo làng gốc.
Cùng với quá trình khai hoang, mở rộng điền thổ, thành lập làng xã, thế hệ tiền nhân của làng Thượng Nghĩa ở Cùa đã thiết lập đình làng theo kiểu đình trần/đình lộ thiên như ở làng gốc, miếu Ông thờ Thành hoàng. Mọi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của các dòng họ tại làng Thượng Nghĩa ở Cùa đều ở làng Thượng Nghĩa gốc/làng chính/làng cái.
Làng Thượng Nghĩa hiện nay thuộc xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ; phía bắc giáp làng Quật Xá, phía đông giáp làng Cu Hoan, phía tây giáp làng Hoàn Cát, phía nam giáp sơn phần.
- Làng Vĩnh Ninh
Làng Vĩnh Ninh, nay là khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Làng Thượng Nghĩa ở Đông Giang trước đây gồm có hai xóm đó là xóm trên và xóm dưới. Sau Cách mạng Tháng 8 giành thắng lợi, chính quyền mới thiết lập lại đơn vị cấp thôn, xã, xóm trên của làng Thượng Nghĩa tách ra thành lập thôn mới lấy tên là Vĩnh Ninh. Sinh sống trên khu vực xóm trên sau này thành lập thôn Vĩnh Ninh, gồm có các dòng họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim. Quá trình tách ra thành lập thôn riêng, cư dân đã thiết lập đình xóm theo kiểu đình trần/đình lộ thiên như ở làng Thượng Nghĩa, dựng đặt miếu thờ bà Hoả, đàn âm hồn…
- Phường Vĩnh Thế
Nằm chung trong xu hướng tìm vùng đất mới để mở rộng điền địa của làng Thượng Nghĩa, từ những năm 1920, một bộ phận cư dân của các dòng họ Hoàng Kim, Hoàng Đức, Hoàng Ngọc lên khai canh ở khu vực Trạng Tre thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Sau Cách mạng Tháng 8, khu vực đất đai và dân cư ở Trạng Tre thành lập phường mới đặt tên là Vĩnh Thế. Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tất cả các hộ dân ở đây quay trở lại làng Thượng Nghĩa. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một số bộ phận cư dân các dòng họ lại tiếp tục lên khu vực Trạng Tre định cư, sinh sống nhưng được một thời gian thì một số hộ dân quay trở lại làng gốc, chỉ còn lại một số ít hộ dân vẫn định cư tại đây.
Như vậy, cùng với quá trình hình thành và phát triển để giải quyết vấn đề “đất chật người đông”, các lớp cư dân của làng Thượng Nghĩa đã ra đi tìm miền đất mới theo xu thế tiến dần lên phía tây Quảng Trị dẫn đến sự ra đời các làng nhỏ/làng con.
3. Cơ chế quản lý “làng con” của “làng cái”
Các làng nhỏ/làng con được hình thành từ những bộ phận con cháu của làng chính/làng cái dưới thời phong kiến có những cách quản lý riêng, chủ yếu là quản lý về đinh, điền, về văn hoá, tín ngưỡng.
- Quản lý đinh, điền
Quá trình ra đời của các “làng con” từ những bộ phận cư dân vốn là con cháu các thế hệ từ làng Thượng Nghĩa ra đi tìm vùng đất mới để mở mang điền thổ, dần dần ổn định đời sống trên vùng đất mới và thành lập các làng. Mặc dù thành lập làng mới nhưng dân số, đinh tráng đều do làng gốc Thượng Nghĩa quản lý. Các dòng họ ở làng gốc quản lý đinh tráng của dòng tộc mình. Mọi đóng góp trước đây dưới thời phong kiến về thuế đinh, thuế điền của các làng con như Vĩnh Đại, Vĩnh An, Thượng Nghĩa Cùa, Vĩnh Thế đều tập trung về làng gốc ở Thượng Nghĩa. Ngoài thuế đinh, thuế điền đóng góp cho Nhà nước, các làng con còn thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc chung của làng gốc Thượng Nghĩa và việc chung của các dòng họ trong làng giống như ở làng gốc và được tính theo suất đinh.
Về quản lý ruộng đất, dưới thời phong kiến, làng Thượng Nghĩa vẫn thực hiện theo cơ chế biệt đinh nhưng không biệt điền. Con dân các “làng con” vẫn được hưởng ruộng đất từ “làng cái”, đất đai từ các “làng con” có phần thuộc sở hữu tư nhân (của các dòng họ) nhưng có phần thuộc quyền quản lý của “làng cái”. Ruộng đất ở các làng Vĩnh Đại, Vĩnh An, Vĩnh Thế thuộc quyền sở hữu tư nhân của các dòng tộc đi khai phá nhưng làng Vĩnh Ninh và làng Thượng Nghĩa ở Cùa thì ruộng đất do làng Thượng Nghĩa gốc quản lý, thuộc quyền sở hữu công chung và chia theo suất đinh cho những dòng tộc khai phá và định cư tại đây.
Ruộng đất tại làng gốc bao gồm cả làng Thượng Nghĩa và Vĩnh Ninh là sở hữu công, chung cho tất cả con dân của làng cái/làng chính và tất cả các làng con/làng nhỏ. Theo tư tưởng của các thế hệ con cháu của làng Thượng Nghĩa, đất đai ở làng Thượng Nghĩa là do các bậc tiền nhân của các dòng họ khai khẩn, tạo lập nên tất cả con cháu các thế hệ đều có quyền lợi như nhau. Do vậy, tất cả suất đinh từ 18 tuổi trở lên ở các làng Vĩnh Đại, Vĩnh An, Thượng Nghĩa Cùa, Vĩnh Thế đều được chia phần ruộng đất ở làng Thượng Nghĩa như con cháu ở làng gốc 8. Từ sau ngày đất nước thống nhất, đất đai được phân chia lại thì cơ chế này mới bãi bỏ.
- Về văn hoá, tín ngưỡng
Mặc dù thành lập các làng mới nhưng trong tư duy của các thế hệ con cháu làng Thượng Nghĩa là “ly hương bất ly tổ”, nguồn cuội, tổ tông vẫn ở làng chính Thượng Nghĩa. Mộ các ngài thuỷ tổ, nhà thờ các dòng vẫn ở làng Thượng Nghĩa. Nhà thờ họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim ở làng Vĩnh Ninh, nhà thờ họ Hoàng Đức, Mai, Nguyễn ở làng Thượng Nghĩa. Riêng họ Hoàng Văn, các thế hệ con cháu chuyển lên sinh sống, định cư ở làng Vĩnh Đại nên đã dựng đặt nhà thờ họ tại đây. Các dòng họ Hoàng Ngọc, Hoàng Kim, Hoàng Đức ở làng Vĩnh An những năm gần đây cũng xây dựng nhà thờ họ tại làng để thuận lợi cho việc thờ phụng tổ tiên. Các làng con, sau quá trình hình thành đã dựng lập, đình làng, miếu thờ riêng nhưng việc cúng tế đình làng ở các làng con thực hiện trước (làng Vĩnh Đại tế đình vào ngày 10-7 (ÂL), làng Vĩnh An tế ngày 12-7 (ÂL)), sau đó mới cúng tế ở Thượng Nghĩa chính xã vào ngày rằm Tháng 7, để cho tất cả con cháu các làng có thể về tham dự. Riêng làng Thượng Nghĩa Cùa, trước đây việc cúng tế ở đình làng thực hiện sau làng chính, thường là vào khoảng 20-7 (ÂL) và còn con cháu ở đây chuẩn bị tất cả lễ vật nhưng công việc cúng tế đều do làng chính lên đảm nhiệm (chủ tướng). Từ năm 2018, việc cúng tế đình làng chuyển sang ngày rằm tháng 7.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển nhưng trong tâm thức của các thế hệ con cháu của làng Thượng Nghĩa luôn hướng về cội nguồn. Hàng năm vào các dịp cúng tế của làng, con cháu tất cả các làng con cùng hội tụ về làng cái/làng chính để cùng chung nhau thực hiện, như: “Lễ tế cánh quân” tổ chức ở đình làng vào dịp rằm tháng Bảy nhằm cúng tế thuỷ tổ các dòng tộc có công tạo dựng lập làng, đồng thời cầu bình an cho con dân làng Thượng Nghĩa; lễ huý kỵ các ngài thuỷ tổ các dòng họ, con cháu các làng cũng tề tựu về dòng họ mình ở làng Thượng Nghĩa.
*
* *
Như vậy, từ buổi đầu sơ khai một bộ phận cư dân Việt từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh đã rời làng quê, ra đi tìm vùng đất mới, họ đã dừng chân bên bờ bắc sông Hiếu, khai khẩn đất đai, lập nên hương hiệu xã/làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa từ cuối thế kỷ XV. Sau thời gian ổn định, cư dân phát triển “đất chật người đông”, các thế hệ con cháu của làng Thượng Đô/Thượng Nghĩa lại tiếp tục ra đi tìm vùng đất mới để mở mang điền thổ. Vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, theo xu hướng tiến dần lên vùng đất phía tây Quảng Trị, con cháu của làng Thượng Nghĩa đã lên khai phá đất đai, lập nên làng Vĩnh Đại, Vĩnh An, tiếp theo là lên vùng Cùa thành lập làng Thượng Nghĩa và Trạng Tre lập nên phường Vĩnh Thế. Cùng với quá trình phát triển, ở làng Thượng Nghĩa cũng chia thành hai làng là Thượng Nghĩa và Vĩnh Ninh. Từ một xã/làng hình thành thêm 4 làng nhỏ và tục gọi là “Thượng Nghĩa đại xã năm thôn”. Trải qua các thời kỳ lịch sử nhưng trong tâm thức của các thế hệ con cháu làng Thượng Nghĩa mặc dù đã ra đi và định cư trên vùng đất mới hàng trăm năm nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, gốc tích của mình. Để tồn tại được tư tưởng đó chính nhờ vào cơ chế quản lý con người và điền địa của làng gốc./.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Chú thích
1. Dương Văn An. Ô châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Thuận Hoá, Huế, tr. 55.
2. Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Trần Đại Vinh. Nxb Đà Nẵng, tr. 62.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sách điện tử. Sách điện tử. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin, tr. 1393.
4. 03 bản sắc phong này hiện đang lưu giữ tại gia đình ông Hoàng Ngọc Diệm, hiện nay ở tại khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà.
5. 02 bản sắc phong này hiện đang lưu giữ tại gia đình ông Hoàng Ngọc Câu, hiện nay ở tại khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà.
6. 03 bản sắc phong này hiện đang lưu giữ tại gia đình ông Hoàng Văn Tiếp, hiện nay ở tại làng Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ.
7. 04 bản sắc phong tiền khai khẩn làng Thượng Nghĩa:
Sắc phong thứ nhất:
Nguyên văn chữ Hán
敕廣治省甘露縣尙義社奉事本土前開墾黄玉 道大郎之神稔著靈應肆今丕承
耿命緬念神庥著封爲翊保中興靈扶之神凖其奉事庶幾神其相佑保我黎民欽哉
啟定貳年叁月拾捌日
Phiên âm
Sắc Quảng Trị tỉnh Cam Lộ huyện Thượng Nghĩa xã phụng sự Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Ngọc Đạo đại lang chi thần. Nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Ban sắc cho làng Thượng Nghĩa huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị phụng thờ ngài Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Ngọc Đạo đại lang chi thần. Vị thần đã tỏ rõ linh ứng từ lâu. Đến nay Trẫm vâng mệnh sáng được nối nghiệp lớn, tưởng nhớ sâu sắc đến công lao to lớn của thần nên phong cho tước vị là Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần. Phê chuẩn cho nhân dân phụng thờ. Thần hãy giúp Trẫm che chở bảo vệ cho muôn dân. Hãy kính noi theo!
Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917).
Sắc phong thứ 2:
Nguyên văn chữ Hán
敕廣治省甘露縣尙義社從前奉事原贈翊保中興靈扶本土前開墾黄玉道大郎尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封凖許奉事肆今正値朕四旬大慶節經頒寳詔覃恩禮隆登秩著加贈端肅尊神特凖奉事用誌國慶而申祀典欽哉
啟定玖年柒月貳拾五日
Phiên âm
Sắc Quảng Trị tỉnh Cam Lộ huyện Thượng Nghĩa xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng linh phò Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Ngọc Đạo đại lang tôn thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Đoan Túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Ban sắc cho làng Thượng Nghĩa huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị theo trước đã phụng thờ ngài Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Ngọc Đạo, vốn được ban tước hiệu là Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần. Vị thần đã có công lao to lớn trong việc phò tá nhà vua bảo vệ đất nước, giúp rập nhân dân, linh ứng từ lâu. Đã từng được ban cấp sắc phong và phê chuẩn cho nhân dân thờ phụng. Nay nhân dịp Trẫm tổ chức lễ mừng thọ 40 tuổi, đã vâng bảo chiếu ban ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, gia tặng thêm cho thần tước hiệu mới là Đoan Túc tôn thần. Đặc biệt phê chuẩn cho nhân dân phụng thờ như cũ. Chép vào tự điển để tưởng nhớ công lao trong những ngày lễ lớn của nước nhà. Hãy kính noi theo!
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924).
Sắc phong thứ 3:
Nguyên văn chữ Hán
敕廣治省甘露縣尙義社奉事本土前開墾黄文新大郎之神稔著靈應肆今丕承
耿命緬念神庥著封爲翊保中興靈扶之神凖其奉事庶幾神其相佑保我黎民欽哉
啟定貳年叁月拾捌日
Phiên âm
Sắc Quảng Trị tỉnh Cam Lộ huyện Thượng Nghĩa xã phụng sự Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Văn Tân đại lang chi thần. Nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Ban sắc cho làng Thượng Nghĩa huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị phụng thờ ngài Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Văn Tân đại lang chi thần. Vị thần đã tỏ rõ linh ứng từ lâu. Đến nay Trẫm vâng mệnh sáng được nối nghiệp lớn, tưởng nhớ sâu sắc đến công lao to lớn của thần nên phong cho tước vị là Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần. Phê chuẩn cho nhân dân phụng thờ. Thần hãy giúp Trẫm che chở bảo vệ cho muôn dân. Hãy kính noi theo!
Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917).
Sắc phong thứ 4:
Nguyên văn chữ Hán
敕廣治省甘露縣尙義社從前奉事原贈翊保中興靈扶本土前開墾黄文新大郎尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封凖許奉事肆今正値朕四旬大慶節經頒寳詔覃恩禮隆登秩著加贈端肅尊神特凖奉事用誌國慶而申祀典欽哉
啟定玖年柒月貳拾五日
Phiên âm
Sắc Quảng Trị tỉnh Cam Lộ huyện Thượng Nghĩa xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng linh phò Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Văn Tân đại lang tôn thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Đoan Túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Ban sắc cho làng Thượng Nghĩa huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị theo trước đã phụng thờ ngài Bổn thổ Tiền khai khẩn Hoàng Văn Tân, vốn được ban tước hiệu là Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần. Vị thần đã có công lao to lớn trong việc phò tá nhà vua bảo vệ đất nước, giúp rập nhân dân, linh ứng từ lâu. Đã từng được ban cấp sắc phong và phê chuẩn cho nhân dân thờ phụng. Nay nhân dịp Trẫm tổ chức lễ mừng thọ 40 tuổi, đã vâng bảo chiếu ban ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, gia tặng thêm cho thần tước hiệu mới là Đoan Túc tôn thần. Đặc biệt phê chuẩn cho nhân dân phụng thờ như cũ. Chép vào tự điển để tưởng nhớ công lao trong những ngày lễ lớn của nước nhà. Hãy kính noi theo!
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924).
Mặc dù các ngài Tiền khai làng Thượng Nghĩa đã được sắc phong. Tuy nhiên, trải qua thời gian mới chỉ ngót nghét trên dưới một thế kỷ từ khi các sắc phong của triều Nguyễn ban hành nhằm để ghi nhận công lao của nhà nước phong kiến đối với các vị thần, các nhân vật (kèm theo phẩm hàm, chức tước và huy hiệu được ban tặng), cùng với đó là sự nhắn nhủ của nhà vua đối với nhân vật ấy trong việc phò nước giúp dân nhưng trong những năm gần đây thế hệ con cháu đã có sự không đồng thuận/không tin tưởng về vai trò và thế thứ của các dòng họ có công trong việc khai khẩn, khởi dựng nên làng/xã Thượng Nghĩa.
8. Theo hồi ức của các vị cao niên làng Thượng Nghĩa, Vĩnh Đại, Vĩnh An, Thượng Nghĩa Cùa: Trung bình mỗi đinh được chia khoảng 1,5 sào (bao gồm cả đất hoa màu và đất trồng lúa) nhưng đa phần ruộng đất được chia ở làng gốc đều giao cho bà con thân thuộc ở làng Thượng Nghĩa canh tác và đến cuối vụ thì được trả bằng thóc/lúa.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN