Cập nhật ngày: 11/6/2023 6:43:42 PM
Mai Xá - một trong 65 làng cổ nằm ở đoạn hợp lưu giữa 2 con sông Cánh Hòm và Thạch Hãn, thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mai Xá là làng quê đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh cho dòng tộc, cho quê hương và trở thành vùng đất có truyền thống hiếu học vang xa khắp tỉnh Quảng Trị và cả nước.
Theo Ô châu cận Lục của Dương Văn An chép năm 1553, Mai Xá là một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hóa 1. Cư dân Việt đến Mai Xá định cư vào khoảng cuối nhà Trần, đầu nhà Lê theo các cuộc di dân từ phía Bắc vào vùng đất mới xứ Thuận Hóa theo chỉ dụ của triều đình. Những xóm làng người Việt trong khu vực lần lượt hình thành trong đó có làng Mai Xá.
Làng Mai Xá phía bắc giáp làng Lâm Xuân (xã Gio Mai), phía nam có dòng sông Thạch Hãn chảy qua, phía đông giáp làng Hoàng Hà, Tân Xuân (xã Gio Việt) và phía tây giáp làng Vinh Quang Hạ (xã Gio Quang). Địa phận làng Mai Xá nằm ở ngã ba sông của 2 con sông lớn Thạch Hãn và Cánh Hòm nên giao thương, buôn bán đường thủy rất thuận lợi. Bên cạnh đó, Mai Xá có vị trí nằm gần sông nên hàng năm được phù sa bồi đắp, đất đai màu mở, hoa màu xanh tốt, “đất lành chim đậu” nên ngay từ khi mới hình thành, Mai Xá nhanh chóng trở thành một làng có dân cư đông đúc, buôn bán tấp nập nhất trong khu vực. Từ năm 1997, khi tuyến đường xuyên Á đi vào sử dụng thì giao thông đường bộ lại càng thuận lợi hơn. Sự kết hợp giữa giao thông đường thủy và đường bộ đã tạo điều kiện cho người dân làng Mai Xá làm ăn, buôn bán và kinh tế ngày một phát triển hơn.
Với truyền thống văn hóa từ lâu đời, mảnh đất Mai Xá đã sản sinh ra nhiều người con làm rạng danh quê hương, đất nước. Tộc phả họ Bùi ghi công trạng của 2 vị quan võ thời Tây Sơn, đó là: Chánh tiền chỉ huy sứ Bùi Văn Hịch, có công đặc biệt, sau về làng “giữ ngôi tiên chỉ, giàu có vạn tiền, ruộng liền 1 dải” ; vị quan thứ 2 đó là Tiền đạo thủy binh Bùi Văn Huy, ông có võ công cao cường “Chỉ huy tiền đạo thủy quân đánh vào căn cứ sức mạnh của địch, sức khỏe bẻ gãy cây tre, để cối đá trên bụng cho người giã trắng gạo, uống rượu bao nhiêu cũng không hề say” 2. Đây là 2 vị quan võ thời Tây Sơn đã ghi nhiều công trạng và là niềm tự hào của họ Bùi làng Mai Xá. Tham gia phong trào Cần Vương có Trương Quang Đông được hàm bát phẩm...
Mảnh đất Mai Xá đã hun đúc nên nghĩa khí, lúc phong trào cách mạng ở Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn 1925 - 1929 thì Mai Xá đã sản sinh ra nhiều hạt giống đỏ như: Trương Quang Phiên 3, Trương Quang Côn và Trương Khắc Hoan. Đến năm 1937, ông Trương Quang Phiên sau khi mãn hạn tù tại nhà lao Quảng Trị, ông đã mở lớp dạy học với tên gọi gia đình “Học hiệu Tiên Việt”. Lớp học được mở ra nhằm dạy giổ, khuyến khích con e trong làng học tập. Đây là một trong rất ít lớp học dạy chữ quốc ngữ đầu tiên trên địa bàn Quảng Trị. Thời điểm đó, lớp học này được ông Trương Quang Phiên mở ra không chỉ là một “Gia đình học hiệu” đơn thuần mà còn là nơi tụ nghĩa. Ngoài dạy chữ, ông còn là người thầy dạy cách mạng của bao thế hệ trẻ trong gia đình “Học hiệu Tiên Việt”. Ngoài ra, những sáng kiến dạy học của ông Trương Quang Phiên thời kỳ tiền khởi nghĩa đã được áp dụng rộng rãi khắp các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Trị. Nhờ vậy, chưa đầy 1 năm sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công đã có hàng vạn người đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Lịch sử giáo dục Quảng Trị ghi nhận ông Trương Quang Phiên là người có công lớn trong việc phát triển nền giáo dục cách mạng của tỉnh nhà.
Làng Mai Xá hiện nay có 950 hộ, trên 3.800 nhân khẩu được phân bố ở 4 xóm: Xóm Làng, xóm Soi, xóm Kênh và xóm Ngư. Toàn bộ làng có 9 họ tộc: Trương, Bùi, Lê, Hồ, Trần, Tạ, Hoàng, Phan, Nguyễn, trong đó có 3 họ lớn đó là họ Trương (gồm có 5 họ: Trương Quang, Trương Văn, Trương Hữu, Trương Công, Trương Khắc), họ Bùi và họ Lê (gồm có 10 họ). Ban đầu, khi cư dân mới vào Mai Xá định cư có 2 dòng họ chính là họ Hồ và họ Trương. Ông thủy tổ của họ Hồ là Hồ Công Khanh, vào định cư ở Mai Xá khoảng giữa thế kỷ XVI. Về sau, nhận thấy Mai Xá là vùng đất màu mỡ, trồng trọt, giao thương buôn bán thuận lợi nên nhiều cư dân ở các vùng khác đến đây định cư và dần dần dân cư đông đúc, phát triển thêm các dòng họ như hiện nay.
Mai Xá là vùng đất có truyền thống hiếu học nổi tiếng trên toàn tỉnh Quảng Trị. Truyền thống đó được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển cho đến hôm nay. Tuy điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng lấy việc nuôi con cái học hành đỗ đạt, nên người làm trọng. Bên cạnh đó, ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập của những sinh viên, học sinh trong làng nên người Mai Xá luôn tự hào rằng: “Đất này nghèo tiền nhưng giàu chữ”.
Ở Mai Xá, các gia đình trong làng tự nguyện đóng góp quỹ khuyến học của thôn và từng dòng họ đều có quỹ khuyến học riêng. Quỹ khuyến học này một phần do nhân dân tự đóng góp và phần lớn do những người con xa xứ học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài hỗ trợ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, vào ngày 10-7 âm lịch. Các họ tộc ở Mai Xá tổ chức chương trình khuyến học, trao học bổng, quà tặng cho những học sinh của dòng họ mình có thành tích học tập xuất sắc hoặc những hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập. Quỹ khuyến học này đã khích lệ, động viên con em trong dòng họ cũng như trong làng vươn lên trong học tập, thi đua, nỗ lực học tốt, thi tốt để đạt được nhiều thành tích cao.
Chỉ hơn 3.800 nhân khẩu nhưng làng Mai Xá có trên 800 cán bộ có trình độ Đại học và sau Đại học, trong đó có 3 GS-TS, 7 PGS-TS, 32 TS, 28 Ths và còn lại là Đại học. Trong 9 dòng họ ở làng Mai Xá thì dòng họ Trương Quang có con cháu học hành đỗ đạt nhất. Tính đến nay, dòng họ Trương Quang có 15 người có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 200 cử nhân cao đẳng, đại học. Con cháu của làng Mai Xá công tác tại nhiều bộ, ngành Trung ương và các cơ quan ở địa phương.
Dòng họ Bùi ở làng Mai Xá có 297 người tốt nghiệp đại học, 20 người có trình độ thạc sĩ, 5 giáo sư và tiến sĩ trong đó có GS-TS Bùi Thế Vinh, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, TS Bùi Trọng Ngoãn, TS Bùi Minh Tâm, TS Bùi Minh Thành và rất nhiều con em là cán bộ cao cấp, công tác khắp mọi miền đất nước. Luôn tự hào về truyền thống của các bậc tiền nhân, các gia đình họ Bùi ai cũng quyết tâm tạo điều kiện cho con em học hành.
Tiếp bước truyền thống hiếu học của thế hệ đi trước, con cháu làng Mai Xá tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng và có thêm nhiều tấm gương tiêu biểu đã làm rạng danh quê hương, họ tộc như: GS-TS Lê Văn Huy - thành viên Hội Quang học quốc tế với hơn 20 phát minh khoa học có giá trị và là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công bộ nhạy cảm thông minh được sử dụng trong động cơ trực thăng của Mỹ vào năm 2012. Riêng năm 2018 là 1 năm đặc biệt của truyền thống hiếu học làng Mai Xá khi có 3 tiến sĩ được phong hàm PGS đó là ông Bùi Quốc Dũng, Bùi Trọng Ngoãn và Trương Hữu Trì. Người Mai Xá tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương mình và tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các thế hệ con cháu hôm nay 4.
Để tôn vinh những người con Mai Xá học hành đỗ đạt cũng như là nơi thờ Khổng Tử và các bậc thánh hiền, Đền Văn Thánh được dựng lên ở Lòi rú nằm trong quần thể Lòi Rú - Bàu Đông hiện nay. Đền Văn Thánh được xây rất sớm, vào khoảng thế kỷ XVI với lối kiến trúc đơn giản. Xưa kia, cạnh Đền Văn Thánh có một cây trầm nguyên sinh to lớn, thân chảy đầy nhựa. Mỗi khi làng làm lễ tôn vinh những người con Mai Xá học hành đỗ đạt hay được phong chức tước tại đền Văn Thánh thì đều sử dụng nhựa cây trầm này xông thơm ngào ngạt. Năm 1910, đền Văn Thánh được trùng tu khang trang hơn. Đền Văn Thánh trở thành biểu tượng thiêng liêng cho việc học tập, rèn luyện; đồng thời là nơi tập trung của các sĩ tử trước lúc đến trường thi, đốt nén hương cầu nguyện, làm bài được tốt, đỗ đạt cao. Các cặp vợ chồng mới cưới lên đây cầu nguyện cho vợ chồng thuận hoà, sinh con đẻ cái ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, học giỏi. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, đền Văn Thánh bị tàn phá và chỉ còn lại nền móng và những viên gạch vỡ vụn nằm ngỗn ngang xung quanh nền móng cũ. Đến năm 2018, với mong muốn có 1 nơi để tôn vinh những nhân tài, những người học hành đỗ đạt, con em làng Mai Xá đã quyên góp tiền của xây dựng lại đền Văn Thánh ở ngay trên nền móng đền Văn Thánh trước đây và đền Văn Thánh được xây dựng khang trang như hiện nay. Trong đền Văn Thánh có 2 câu đối 2 bên trụ đền mà rất nhiều con em làng Mai Xá đều nhớ: “Địa danh di chỉ Văn Thánh Đức - Thiên ban Phước lộc Trí thành công”. Hàng năm, vào các đợt thi học sinh giỏi, thi đại học, cao đẳng, các lớp học sinh của làng Mai Xá đã đến đây thắp nén hương xin chữ và vái lạy cầu may thi cử đỗ đạt... Đền Văn Thánh cũng chính là nơi làng Mai Xá tổ chức lễ trao tặng quỹ khuyến học cho các học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Mai Xá vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hoá. Hệ thống đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ phái… tồn tại qua thời gian và gắn liền với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian. Nhiều món ăn, nghề truyền thống vẫn còn lưu giữ và tồn tại, phát triển đến hôm nay như: Bún Hến Mai Xá, nghề xúc Hến, nghề đan chiếu… Một làng quê với nhiều nét văn hoá độc đáo và làng quê này là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú, học hành đỗ đạt, thành tài đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Mai Xá xứng đáng trở thành “vùng đất hiếu học” của tỉnh Quảng Trị mà thế hệ con cháu “làng Mai” hôm nay và mai sau cần tiếp bước và phát triển./.
Trần Thị Khánh Ly
Chú thích
1. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bản dịch và chú giải của Văn Thanh - Phan Đăng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 46.
2. Dẫn theo gia phả họ Bùi, làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
3. Ông Trương Quang Phiên - nguyên là Chủ tịch Ủy ban kháng Hành chính tỉnh Quảng Trị năm 1951 - 1952.
4. Ông Lê Văn Khánh. 70 tuổi. Trưởng làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bản dịch và chú giải của Văn Thanh - Phan Đăng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
2. Gia phả họ Bùi, tài liệu lưu tại nhà thờ Họ Bùi, làng Mai Xá, huyện Gio Linh.
3. Ông Lê Văn Khánh. 70 tuổi. Trưởng làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
4. Lý lịch di tích Đình làng Mai Xá. Năm 2007. Tài liệu lưu tại Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị,
5. Website https://www.baoquangtri.vn. Làng giàu con chữ giữa vùng đất khó.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN