CHUYÊN MỤC KHÁC
NHỮNG THÀNH TỐ VĂN HÓA TẠO NÊN DIỆN MẠO CỦA LÀNG NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ

Cập nhật ngày: 6/12/2023 7:49:38 AM

Quảng Trị - vùng đất nằm ở chính giữa khúc ruột miền Trung, lịch sử của vùng đất này luôn song hành với lịch sử của quốc gia, dân tộc. Dưới thời phong kiến, đây là vùng đất gắn liền với quá trình phân chia, cát cứ của các triều đại, đồng thời cũng là vùng đất có ý nghĩa quan trọng trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam của quốc gia Đại Việt. Sản sinh từ cái nôi văn hóa Đại Việt trên đất Bắc, qua các cuộc di dân lẽ tẻ hoặc tập trung về phía Nam, văn hóa người Việt Quảng Trị bắt đầu khởi hành từ thế kỷ XI nhưng đa phần các làng xã ở Quảng Trị đều được thành lập từ sau cuộc đại di dân dưới thời Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông (thế kỷ XIV - XV).

Trong quá trình di cư vào khai phá, mở mang vùng đất mới ấy, người Việt từ phía Bắc vào lập nghiệp đã mang theo cả văn hóa gốc của mình đến nơi quê hương mới, trong đó có đặc trưng của văn hóa làng truyền thống của làng quê Việt Nam từ bao đời nay đó là hình ảnh lũy tre, cây đa, giếng nước, sân đình... Mặc dù dấu ấn văn hóa làng ở Quảng Trị không đậm nét như các làng quê Bắc Bộ nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng, mang dấu ấn của người Việt miền Trung.

1. Lũy tre làng

Người Việt Quảng Trị khi đến tụ cư tại vùng đất mới, họ thường tập trung ở các vùng ven sông, ven biển, trên các dãi đất cao và chạy dài trên các vùng đồng bằng, trung du. Đó là những khu đất nguyên là vùng tụ cư, sinh sống của người Chăm xưa. Khác với các làng ở miền Bắc, làng ở Quảng Trị không bị đóng kín bởi không gian xung quanh lũy tre làng mà có xu hướng mở hơn. Làng dù to hay nhỏ đều có phân định ranh giới rõ ràng. Mốc giới có thể là lũy tre làng cũng có thể là con đường, bờ đập, con sông, hói hay những mốc nhân tạo bằng đá, gỗ. Đây là ranh giới hành chính của một xóm, một làng hoặc một thôn nằm trong địa bàn một xã. Ở trong lũy tre làng ấy có khoảng vài trăm hoặc nhiều hơn các hộ dân sinh sống. Ngoài lũy tre làng là cánh đồng lúa, ngô, khoai, sắn… của người dân thôn quê.

Lũy tre thường mọc dày và bện vào nhau tạo thành những thành lũy vững chắc bao xung quanh làng. Đó là một thành lũy rất kiên cố “đốt không cháy, trèo không được, đào không qua” vừa làm ranh giới phân chia làng xóm, vừa có tác dụng chắn gió bão rất tốt. Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, lũy tre làng ở nhiều nơi đã trở thành pháo đài chống giặc. Khi đất nước hòa bình, làng xóm phát triển nhưng lũy tre làng vẫn tồn tại như một biểu tượng của văn hóa làng, một thứ không thể thiếu trong mỗi làng quê.

2. Giếng làng

Trong tổ chức làng xã của người Việt Nam nói chung, người Việt Quảng Trị nói riêng thì giếng làng đã trở nên thiết yếu đối với cộng đồng cư dân địa phương. Cùng với cây đa và sân đình, giếng nước thân thuộc với mọi người từ lúc họ mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành.

Giếng làng là tên cái giếng duy nhất của một làng nhưng cũng có thể là cái tên chỉ chung nhất của nhiều cái giếng cụ thể khác ở trong địa phận của một làng. Giếng làng thường được đào ở vị trí trung tâm của làng, nằm trong quần thể kiến trúc đình, chùa… hoặc cũng có khi nằm độc lập, tách biệt với các thiết chế trên. Ngày xưa, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho dân làng mà không gian giếng làng đã trở thành là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng. Giếng làng là nơi các cụ già thường ngồi chơi, ngắm cảnh, hóng mát, trò chuyện về mùa màng, đình đám và cả chuyện nhân tình thế thái gần xa. Đây cũng là không gian chơi đùa của trẻ nhỏ, chiều mát thường rủ nhau ra chơi đùa, đánh cù, đánh đáo, thả diều quanh giếng… Giếng làng cũng là không gian dành cho các đôi trai gái trong những đêm trăng thanh gió mát hoặc là nơi các mẹ, các chị trao đổi những câu chuyện đời thường với nhau khi tụ tập để lấy nước hoặc khi giặt giũ… Nhiều giếng làng lại ở vị trí bên gốc đa, cạnh đình làng, chùa làng đã góp phần làm nên một không gian văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tất cả mọi người dân trong làng.

Dù được xây bằng gạch, đất hay đá ong, thì giếng làng vẫn là nơi gắn bó lâu bền với đời sống người dân các làng quê Việt và mãi là hình ảnh thân thương, gần gũi trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, cùng với điện khí hóa nông thôn, đặc biệt là sự phát triển từ làng lên phố ở khá nhiều làng quê, đã làm cho những chiếc giếng làng hầu hết đã trở thành di tích/phế tích. Tuy vậy, giếng làng - người bạn tri ân bao đời nay  ở vùng thôn quê - vẫn mãi là những hình ảnh thân thương, gần gũi và rất khó phai mờ trong tâm thức của mỗi người khi nhớ về làng quê Việt Nam.

3. Thành hoàng làng

Thành hoàng làng là danh từ chung để chỉ vị thần bảo trợ cho làng được dân làng thờ phụng trong một làng. Cũng giống như Táo Công và Thổ Công, Thành hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng.

Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một thành tố không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người con đất Việt. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ra đời từ chính truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta với sự biết ơn, đề cao vai trò của người có công với dân, với nước.

Tín ngưỡng này tuy bó hẹp trong phạm vi địa lí nhất định “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” nhưng nó lại có khả năng bao trùm lên mọi tín ngưỡng dân gian khác. Bởi vì, Thành hoàng có thể được phong cho mọi vị thần, từ cao quý đến dân dã, từ thần đến người… miễn là đối tượng đó có công với làng.

Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã, không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho tất cả mọi người dân về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất. Họ là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, tránh mọi hiểm hoạ thiên tai, dịch bệnh... Cho nên sự thờ phụng Thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Thành hoàng cũng được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng, thường mỗi làng thờ một vị Thành hoàng, song cũng có khi một làng thờ hai, ba vị Thành hoàng hoặc cũng có trường hợp hai ba làng thờ một vị Thành hoàng. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng. Đó có thể là một vị thần như Phù đổng Thiên vương, thần núi như Tản Viên Sơn thần, thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Dã Tượng...

Thờ cúng Thành hoàng được phổ biến từ xưa và lưu truyền lại cho đến ngày nay ở các cộng đồng làng xã người Việt, được họ coi trọng như thờ cúng tổ tiên trong gia đình của mình và trở thành đạo lý, lẽ sống của người dân Quảng Trị. Có thể nói làng xã người Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng tồn tại vững chắc hàng ngàn năm nay là bởi nó giữ được truyền thống về làng mà Thành hoàng và ngôi đình là một biểu tượng, một thành tố quan trọng tạo nên cái tốt đẹp đó.

Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất lề quê thói được bảo tồn. Dường như sự ngưỡng mộ Thành hoàng của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ.

 Hàng năm, ngày tế Thành hoàng là ngày hội đông vui nhất của dân làng. Trong những ngày hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui: đấu cờ, thổi cơm thi, đua thuyền, đánh đu, đánh cờ người... Ngày lại ngày, năm qua năm, các thế hệ người dân quê cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của mỗi làng quê qua những cơn dâu bể.

4. Hội làng

Hội làng Quảng Trị thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, lòng người hân hoan. Đây là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Tại Quảng Trị, một số hội làng tiêu biểu như Lễ hội Chợ Đình Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong), Lễ hội Cầu Ngư của cư dân các làng quê ven biển Quảng Trị hay Hội xuân làng Thử Luật (Vĩnh Thái, Vĩnh Linh), Hội xuân làng Kim Long (Hải Quế, Hải Lăng)…

Xem xét từ nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa, hội làng mang tính cộng đồng cao, đó là nơi thể hiện ước mong về sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm vì tình làng, nghĩa xóm. Điều đó thể hiện qua những khâu chuẩn bị cho đến khi nuối tiếc lúc tan hội. Có xem hội làng, ta mới cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với một truyền thống vàng son.

Hội làng gồm 2 phần: phần lễ và phần hội và thường diễn ra ở trước sân đình. Nhưng ở hội làng, phần hội bao giờ cũng nổi trội hơn. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân, tổ nghề, có thể là những thần, thánh, phật, mẫu, hay những nhân vật siêu phàm, đại diện cho tôn giáo, người bảo trợ tinh thần, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Phần lễ thường gồm các hoạt động rước và tế... Hội là dịp thể hiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, các trò diễn xướng đến các cuộc thi tài mang tính thượng võ...

Có thể nói, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt Quảng Trị trong các làng quê truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi cư trú mà còn là nơi thể hiện những đặc trưng văn hóa, kinh tế của người nông dân ở làng quê. Điều này tương thích với nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa về mẫu người văn hóa làng xã là mẫu người của cộng đồng; còn làng xã là một khối cộng đồng tập thể, tồn tại khá lâu đời trong lịch sử.

Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới và phát triển hiện nay, để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta mong rằng hội làng ở các làng quê vẫn sẽ được tổ chức thường xuyên và giữ được sức cuốn hút, hấp dẫn lâu đời vốn có của nó, giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là chìa khóa vĩnh cửu - một sự đảm bảo chắc chắn góp phần xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trải qua thời gian cũng như sự biến thiên của lịch sử, đến nay, nhiều nét văn hóa làng đã thay đổi. Tuy vậy, những dấu ấn làng xã của các làng quê người Việt Quảng Trị vẫn mãi là những hình ảnh thân thương, gần gũi và rất khó phai mờ trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê - nơi mình được sinh ra và lớn lên./.

                                                                                                                                                Nguyễn Thị Nương

XEM THÊM VỀ CHUYÊN MỤC KHÁC
CƠ CHẾ QUẢN LÝ “LÀNG CON” CỦA “LÀNG CÁI” - DẪN LIỆU TỪ LÀNG THƯỢNG NGHĨA QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC LÀNG XÃ VEN BỜ THẠCH HÃN NHÌN TỪ SỰ TÁC ĐỘNG VÀ BIẾN ĐỔI ĐỊA CUỘC DÒNG SÔNG NHỮNG NÉT BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ LÀNG XÃ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT Ở QUẢNG TRỊ TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH Ở QUẢNG TRỊ THỜI NGUYỄN TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU VÀ PA CÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ - NHỮNG TÁC ĐỘNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI SỰ TÍCH VỀ MỐC GIỚI VÀ CHUYỆN NHƯỢNG ĐẤT Ở MỘT SỐ LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ VỀ NHỮNG GIẾNG CỔ Ở CÙ LAO BẮC PHƯỚC (XÃ TRIỆU PHƯỚC, HUYỆN TRIỆU PHONG) NHÀ Ở DÂN GIAN CỔ TRUYỀN QUẢNG TRỊ (DẪN LIỆU TỪ VÙNG ĐÔNG HÀ) CHI BỘ TÂN TƯỜNG - MỘT TRONG BA CHI BỘ RA ĐỜI ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG TRỊ