Cập nhật ngày: 11/24/2023 3:18:29 PM
1. Mục tiêu, quan điểm và phân vùng quy hoạch
Hiện nay, các dấu tích mang dấu ấn lịch sử thời chúa Nguyễn (1558 - 1626) trên đất Triệu Phong (thuộc thị trấn Ái Tử, xã Triệu Ái, xã Triệu Giang) còn lại hết sức mờ nhạt. Hầu hết các địa điểm di tích liên quan đều trở thành đất canh tác, đất thổ cư của nhân dân hay đất mồ mã của thôn, xã. Các yếu tố mang thuộc tính gốc của di tích đa phần chỉ là các địa điểm lưu niệm lịch sử hoặc tồn tại dưới dạng những dữ liệu khảo cổ tiềm ẩn dưới lòng đất.
Vì thế, mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tu bổ, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích; đồng thời, tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ TÂM LINH mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị không chỉ phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)” tại xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử là quy hoạch định hướng cho công tác bảo tồn, sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch. Vì thế, quy hoạch cần được thiết lập trên cơ sở phân thành 3 vùng: Vùng lõi - Vùng đệm và vùng ngoại biên/liên kết/lan tỏa. Cả 3 không gian này được nối kết để tạo ra một chỉnh thể thống nhất, không tách rời bằng việc kết nối giữa các di tích trong vùng lõi với nhau; giữa các di tích vùng lõi với các di tích vùng đệm và giữa vùng lõi, vùng đệm với vùng ngoại biên để tạo thuận lợi trong lộ trình tuor, tuyến du lịch, tham quan.
Vùng lõi là vùng đất đai đã khoanh vùng bảo vệ và vùng liền kề với vùng đất đai đã khoanh vùng bảo vệ thuộc 2 di tích:
- Dinh Ái Tử: Địa điểm lưu niệm sự kiện Nguyễn Hoàng đóng doanh/dinh trại đầu tiên (Tức khu vực Cồn Kho và khu vực đất đai của Chợ Hôm) từ 1558 - 1570.
- Dinh Trà Bát và Dinh Cát: Địa điểm tồn tại dấu tích của Phủ Thờ - nơi đặt dinh Trà Bát năm 1570 - 1600 và địa điểm tồn tại của la thành (bên trong có chùa Liễu Bông/Ba), nơi chúa Nguyễn đặt Dinh Cát những năm 1600 - 1626. Ngoài ra, về phía đông, sát bờ sông Thạch Hãn là địa điểm Ghềnh Phủ, nơi trước đây là bến thuyền/thương cảng sông và chùa Linh Quang.
Vùng đệm là vùng đất đai đã khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng liền kề với vùng đất đai đã khoanh vùng bảo vệ thuộc 5 di tích liên quan đến thiết chế cơ sở hạ tầng của lỵ sở Dinh chúa Nguyễn còn lại, bao gồm: Địa điểm Mô súng, Địa điểm Bãi trận, Địa điểm Cồn tập, Địa điểm Tàu tượng, Địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân.
Trong vùng lõi và vùng đệm, vừa bảo tồn dưới dạng bảo quản những gì vốn có còn sót lại mang thuộc tính gốc bao gồm những địa điểm lưu niệm và những dữ liệu khảo cổ đã phát hiện qua nghiên cứu, khai quật hoặc còn tiềm ẩn dưới lòng đất để tiếp tục nghiên cứu về sau; tu bổ theo hướng phục hồi, phục dựng những công trình vốn có trong lịch sử nhưng nay đã biến mất trên thực tế nhằm tái hiện lại bức tranh tổng thể lỵ sở dinh chúa Nguyễn từ 1558 – 1626. Đồng thời, tập trung chính vào việc đầu tư, tôn tạo một số công trình chính yếu để tạo ra không gian lưu niệm sự kiện lịch sử thời chúa Nguyễn phù hợp với từng địa điểm di tích trong vùng lõi và vùng đệm nhằm vinh danh, tri ân và tưởng niệm các chúa Nguyễn và lịch sử thời chúa Nguyễn. Ngoài ra, cần xây dựng mới các công trình bổ trợ, cơ sở hạ tầng kết nối các địa điểm trong vùng lõi và kết nối vùng lõi với vùng đệm; đồng thời kết nối với vùng phụ cận (ngoại biên/lan tỏa) để khai thác, phát huy di tích vào hoạt động du lịch và phát triển kinh tế xã hội.
Vùng phụ cận (ngoại biên/kết nối/lan tỏa) là vùng đất đai không thuộc di tích nhưng là vùng kết nối và lan tỏa liên quan đến cả một khu vực rộng hơn trên địa bàn tính từ vùng lõi và vùng đệm ra xung quanh. Vùng này được xác định lấy theo trục sông Thạch Hãn và sông Ái Tử làm trục quy hoạch để thiết lập và liên các không gian dịch vụ phù hợp với lộ trình tham quan du lịch và cung ứng những sản phẩm dịch vụ nhằm phát huy tối ưu cho việc phát huy vùng lõi và vùng đệm của di tích. Đây là vùng cảnh quan với các địa danh lịch sử ghi dấu ấn liên quan đến thời kỳ chúa Nguyễn như: Các địa điểm đồn trú ngũ kiên (về sau thành 5 làng), Bến đò xưởng, Chợ Sãi.... Đây cũng là vùng kết nối với các cảnh quan đồng ruông, sông hồ, biển...; các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo (Sắc tứ Tịnh Quang tự ở thị trấn Ái Tử, Sắc tứ Linh Quang Tự ở Trung Kiên - Triệu Thượng, Thiên Tôn quan tự ở Đâu Kênh - Triệu Long, lăng mộ bà Nguyễn Thị Còng ở An Mô - Triệu Long, miếu Ngũ Hành ở Tiền Kiên - Triệu Thành...) di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu (Khu lưu niệm TBT Lê Duẩn, Thành Cổ Quảng Trị); các làng nghề, sinh thái nông nghiệp; các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm lưu niệm truyền thống...
2. Định hướng quy hoạch bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích
a) Vùng lõi:
* Đối với khu vực di tích địa điểm dinh Ái Tử
- Cắm mốc chỉ giới khu vực đất đai đã khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích Quốc gia. Điều chỉnh theo hướng mở rộng đất đai quy hoạch về phía đông đến sông Thạch Hãn.
- Bảo tồn dưới dạng bảo quản nguyên trạng đất đai đã khoanh vùng khu vực I (Vị trí Cồn Kho) để tiếp tục nghiên cứu những dấu tích khảo cổ có thể tiềm ẩn dưới lòng đất về Dinh Ái Tử.
- Bảo tồn dưới dạng phục hồi, phục dựng và tái tạo Chợ Hôm trở thành một di tích vừa mang dấu ấn lịch sử của một ngôi chợ xưa vừa tạo ra một hình ảnh một ngôi chợ quê điển hình của vùng Triệu Phong Quảng Trị và cũng là nơi tổ chức các hoạt động trình diễn các ngành nghề thủ công truyền thống mang dấu ấn thời chúa Nguyễn.
- Quy hoạch và xây dựng KHU/CÔNG VIÊN TÔN VINH LỊCH SỬ THỜI CHÚA NGUYỄN bao gồm các hạng mục chính:
+ Xây dựng tượng đài Nguyễn Hoàng dưới dạng tượng tròn độc lập với hình tượng “Người mở cõi” lấy Quảng Trị làm đất khởi nghiệp, mở đầu cho công cuộc khai phá vùng đất phương Nam của người Việt hoặc nhóm quần tượng với hình tượng các cụ bô lão làng Ái Tử cung tiến 7 vò nước trong cho chúa Tiên Nguyễn Hoàng thể hiện khát vọng của người Quảng Trị về một xu thế mới và cũng là sự khởi đầu cho một xu thế mới.
+ Xây dựng Bảo tàng Lịch sử thời chúa Nguyễn trưng bày những tài liệu, hiện vật, ảnh tư liệu liên quan đến quá trình dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Quảng cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển Đàng Trong của các cúa Nguyễn trong tiến trình lịch sử dân tộc.
+ Quy hoạch khuôn viên, xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng và biến khu vực này thành không gian đủ điều kiện để tổ chức lễ hội gắn liền với những sự kiện liên quan đến thời chúa Nguyễn cũng như các lễ hội của địa phương. Đặc biệt là lễ hội ÁI TỬ VÀ HÀNH TRÌNH MỠ CÕI được tổ chức định kỳ để tôn vinh công lao của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn.
+ Trong khu vực hoặc trên địa bàn thị trấn Ái Tử, có thể xây dựng công trình Thư viện Nguyễn Hoàng.
- Trên nền tảng lịch sử của Bến đò Chợ Hôm hình thành cùng với dinh chúa Nguyễn và tồn tại cùng với sự hình thành và phát triển của chợ Hôm nằm sát sông Thạch Hãn, quy hoạch xây dựng một bến thuyền để phục vụ cho du lịch theo sông Thạch Hãn để kết nối vùng lõi, vùng đệm với vùng phụ cận.
* Đối với khu vực di tích địa điểm dinh Trà Bát và Dinh Cát
- Cắm mốc chỉ giới khu vực đất đai đã khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích Quốc gia. Điều chỉnh theo hướng mở rộng đất đai quy hoạch về phía nam và đông nam bao gồm khu vực 2 bên sông Ái Tử để kết nối 2 khu vực thuộc vùng lõi của di tích. Không mai táng và xây dựng thêm mồ mã cũng như các công trình dân sinh khác trong khu vực Cồn Dinh.
- Bảo tồn dưới dạng bảo quản nguyên trạng đất đai đã khoanh vùng khu vực I tại 2 vị trí Phủ Thờ và La thành/Chùa Liễu Ba để tiếp tục nghiên cứu những dấu tích khảo cổ có thể tiềm ẩn dưới lòng đất về Dinh Trà Bát và Dinh Cát. Đồng thời bảo tồn nguyên trạng mô đất, đá nhô ra bờ sông Thạch Hãn tại Ghềnh Phủ và các dấu vết vết về một cảng thị sông một thời sầm uất cạnh dinh chúa.
- Bảo tồn dưới dạng trùng tu, tôn tạo chùa Linh Quang trong khu vực ghềnh Phủ trở thành một điểm văn hóa tâm linh kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Phật và Đạo.
- Trong khả năng và điều kiện cho phép, có thể di dời toàn bộ các lăng mộ bên trong khu vực la thành và tiến hành nghiên cứu khảo cổ các bước tiếp theo để bóc dỡ và giữ lại hiện trạng la thành và các nền móng các công trình trong la thành nhằm để lưu lại dấu tích dưới dạng BẢO TÀNG NGOÀI TRỜI về thủ phủ Dinh Cát.
- Quy hoạch và xây dựng KHU/CÔNG VIÊN TƯỞNG NIỆM/TRI ÂN LỊCH SỬ THỜI CHÚA NGUYỄN lấy tâm diểm vị trí là trung tâm Cồn Dinh - khu vực đã khoanh vùng bảo vệ nằm giữa 2 địa điểm Dinh Trà Bát (tức Phủ Thờ) và Dinh Cát (tức la thành/chùa Liễu Ba) quy hoạch mở rộng về phía nam bao gồm cả 2 bên sông Ái Tử. Trong khu vực này sẽ tập trung vào các hạng mục sau:
+ Phục hồi, tạo dựng kiến trúc chùa Liễu Ba/Liễu Bông (nhưng thay dổi vị trí vì chỗ cũ nay đã nơi ken dày lăng mộ). Bên trong đặt thờ pho tượng đồng hiện còn vốn trước đó được thờ ở chùa Liễu Bông/Liễu Ba).
+ Xây dựng quần thể khu đền thờ các chúa Nguyễn và các công thần thời chúa Nguyễn, bao gồm:
Đền thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (Có phối thờ Nguyễn Kim).
Đền thờ 7 vị tiên vương (Vốn trước đây tại Phủ Thờ có thờ 7 vị: Tiên Vương (Nguyễn Hoàng), Công Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa Vương, Minh Vương, Ninh Vương, Võ Vương ): Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan - Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần - Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái - Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu - Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú - Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát - Định vương Nguyễn Phúc Thuần.
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Hợp…
Miếu thờ Nguyên soái Thuận Nghĩa Hầu Nguyễn Hữu Tiến (Vốn do quân đội của Ngũ Kiên lập ra ở cạnh bờ sông nhưng nay đã mất).
Miếu thờ bà Phạm Thị Còng/Tôm (người có công cứu thoát chúa Nguyễn Hoàng, có lăng mộ ở làng An Mô) và miếu thờ Tỳ nữ Ngô Thị Ngọc Lâm (người có công thực hiện kế sách mỹ nhân trong trận chiến 1572 giữa Nguyễn Hoàng và Mạc Lập Bạo).
- Xây dựng Ghềnh Phủ thành một bến thuyền vừa phục vụ cho việc phục hồi lễ hội tái hiện cảnh tượng lịch sử tấp nập một thời của dinh chúa Nguyễn vừa phục vụ cho tuyến du lịch “Ký ức lịch sử thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong” dọc theo sông Thạch Hãn.
- Trùng tu, tôn tạo Chùa Linh Quang.
b) Vùng đệm và vùng phụ cận:
- Cắm mốc chỉ giới khu vực đất đai đã khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích Quốc gia.
- Phục dựng lại miếu Trảo Trảo (Oa Oa Phu nhân)/Miếu thần sông tại khu vực cạnh đường Đặng Dung về phía đông thuộc thị trấn Ái Tử, trên khu vực của miếu Trảo Trảo đã được xây dựng dưới thời Gia Long.
- Các địa điểm di tích khác như: MÔ SÚNG, BÃI TRẬN, CỒN TẬP, TÀU TƯỢNG, trên cơ sở đất đai đã được khoanh vùng bảo vệ, quy hoạch đầu tư tôn tạo thành các địa điểm LƯU NIỆM LỊCH SỬ theo hình thức dựng bia biển khắc ghi nội dung lịch sử, đồng thời trồng cây xanh, mở các đường giao thông nội bộ và đường dẫn đến di tích. Để đảm bảo độ bền vững của các bia biển ở các địa điểm lưu niệm này, cách tốt nhất là đặt các khối đá tự nhiên có kích thước lớn rồi tạo phẳng một mặt để khắc nội dung văn bia. Khối đá được đặt trên một bệ và nền đất được tôn cao, xung quanh có không gian tạo cảnh quan vừa đủ.
Bên cạnh những phương án bảo tồn, tôn tạo đối với các địa điểm di tích thuộc vùng lõi và vùng đệm là quy hoạch cơ sở hạ tầng để kết nối hệ thống di tích này vào cụm di tích lịch sử văn hóa phía nam Quảng Trị để cùng với các điểm Chùa Sắc Tứ - Trung tâm hành hương La Vang - Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm - Nhà lưu niệm TBT Lê Duẩn tạo thành một không gian tam giác du lịch khám phá Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh lấy trục sông Thạch Hãn là lộ trình dẫn tuyến. Từ đây, có thể kết nối vào “Con đường di sản miền Trung”.
3. Định hướng quy hoạch tổng thể bảo tồn gắn với phát triển du lịch
- Định hướng quy hoạch tổng thể bảo tồn gắn với phát triển du lịch có tên gọi TOUR DU LỊCH KÝ ỨC LỊCH SỬ THỜI CHÚA NGUYỄN dựa trên 2 trục chính:
+ Trục liên kết không gian 2 khu vực vùng lõi với nhau và với vùng đệm là tuyến chính/trọng tâm với đặc điểm cung cấp các sản phẩm du lịch mang dấu ấn lịch sử thời chúa Nguyễn từ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích và các dịch vụ tái hiện ký ức lịch sử đi kèm. Trục này vận hành hoạt động cơ bản theo đường bộ.
+ Trục liên kết không gian vùng lõi, vùng đệm với vùng phụ cận theo sông Thạch Hãn là tuyến bổ trợ không thể thiếu với đặc điểm cung cấp các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm lịch sử, văn hóa, sinh thái tự nhiên với không gian mang dấu ấn lịch sử thời chúa Nguyễn và dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau đi kèm với các dịch vụ trải nghiệm khác về tâm linh, ẩm thực, nghệ thuật...
* Tuyến 1/trục chính trong không gian vùng lõi và vùng đệm:
- Trục này nối KHU TÔN VINH LỊCH SỬ THỜI CHÚA NGUYỄN ở thị trấn Ái Tử/làng Ái Tử với KHU TƯỞNG NIỆM/TRI ÂN LỊCH SỬ THỜI CHÚA NGUYỄN ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang. Từ đó mở ra vùng đệm với các địa điểm khác như: miếu Trảo Trảo (Oa Oa Phu nhân); MÔ SÚNG, BÃI TRẬN, CỒN TẬP, TÀU TƯỢNG.
- Lộ trình: Từ trung tâm điều hành (gần Quốc lộ 1, có bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, hướng dẫn dịch vụ...) thuộc Khu tôn vinh lịch sử thời chúa Nguyễn ở Ái Tử, du khách sẽ tham quan tượng đài Nguyễn Hoàng - Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn - Vị trí đầu tiên của Nguyễn Hoàng đóng dinh Ái Tử (Cồn Kho) - Chợ Hôm (một ngôi chợ quê điển hình của vùng Triệu Phong Quảng Trị và cũng là nơi tổ chức các hoạt động trình diễn các ngành nghề thủ công truyền thống mang dấu ấn thời chúa Nguyễn). Từ đó di chuyển bằng xe điện đến Miếu Trảo Trảo rồi chuyển sang Khu tưởng niệm/tri ân thời chúa Nguyễn ở làng Trà Liên tham quan và dâng hương quần thể khu đền thờ các chúa Nguyễn và các công thần thời chúa Nguyễn (Đền thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - Đền thờ 7 vị tiên vương - Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Hợp - Miếu thờ Nguyên soái Thuận Nghĩa Hầu Nguyễn Hữu Tiến - Chùa Liễu Ba...); Tham quan các dấu tích khảo cổ la thành Dinh Cát, dấu tích Phủ Thờ Dinh Trà Bát; đến Ghềnh Phủ viếng chùa Linh Quang. Lộ trình tuyến này sẽ kết thúc tại Trung tâm điều hành ở nơi xuất phát sau khi đi thêm những điểm khác ở vùng đệm và chùa Sắc Tứ. Nếu không đi vùng đệm thì xuống bến thuyền tại Ghềnh Phủ để tiếp tục lộ trình tuyến 2.
* Tuyến 2/trục chính theo sông Thạch Hãn
- Trục này kết nối vùng lõi với vùng phụ cận với các địa danh lịch sử ghi dấu ấn liên quan đến thời kỳ chúa Nguyễn như: Các địa điểm đồn trú ngũ kiên, Bến đò xưởng, Chợ Sãi.... Đồng thời, kết nối với các cảnh quan đồng ruộng, sông hồ, biển...; các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo; các làng nghề, sinh thái nông nghiệp... dọc hai bên bờ Thạch Hãn.
- Lộ trình: Sau khi kết thúc lộ trình tuyến 1, du khách sẽ xuống bến thuyền tại Ghềnh Phủ tiếp tục lộ trình theo sông Thạch Hãn bằng thuyền. Từ Ghềnh Phủ thuyền sẽ theo sông Thạch Hãn về phía hạ nguồn xuống Bến đò Xưởng ở ngã 3 Vĩnh Phước và Thạch Hãn rồi có thể xuôi về Của Việt tùy theo thời gian (để thiết kế); Sau đó ngược lên thượng nguồn đến thị xã Quảng Trị (có thể đến tận Đập Tràn). Dọc hành trình sẽ thưởng thức chương trình nghệ thuật dân ca Quảng Trị; quan sát các khu vực nguyên là nơi đồn trú của quân đội “ngủ kiên” và ghé các điểm Sắc tứ Linh Quang Tự ở Trung Kiên, Thiên Tôn quan tự ở Đâu Kênh, lăng mộ bà Nguyễn Thị Còng ở An Mô, miếu Ngũ Hành ở Tiền Kiên, Khu lưu niệm TBT Lê Duẩn, Thành Cổ Quảng Trị...; Thưởng thức chương trình ẩm thực ở Chợ Sãi; thả hoa tri ân liệt sĩ ở bến thả hoa thị xã Quảng Trị. Kết thúc lộ trình sau khi về đến bến thuyền tại Chợ Hôm và tập kết tại điểm xuất phát của Trung tâm Điều hành ở Ái Tử. Chi phí cho dịch vụ mỗi tuyến được coi là gói với 1 giá dịch vụ riêng.
*
* * Tháng 11 năm 2023 là dịp kỷ niệm 465 năm Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Ái Tử - Triệu Phong - Quảng Trị (1558 - 2023), công tác quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích liên quan đến chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đang được chính quyền huyện Triệu Phong và các ban, ngành tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai. Người viết bài này chỉ trình bày những ý tưởng phác thảo để ngõ hầu đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào một công việc lớn là xây dựng và hiện thực hóa đề án quy hoạch trong hiện tại và tương lai./.
Lê Đức Thọ
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN