Cập nhật ngày: 5/29/2020 3:11:42 PM
Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử văn hóa rất phong phú, đa dạng và rải đều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, trong đó, hệ thống di tích lịch sử cách mạng chiếm đa số. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội nên hệ thống di tích đã và đang được bảo tồn, sử dụng, khai thác, phát huy giá trị và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; thu hút ngày càng đông đảo khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tồn di tích với việc khai thác, phát triển du lịch đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nhằm khai thác tiềm năng từ di tích vào việc xây dựng thương hiệu và tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của Quảng Trị.
Hệ thống di tích tích đặc thù, đa dạng và có giá trị lịch sử là một lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch, bên cạnh những danh lam thắng cảnh đã được du khách biết đến từ lâu thì hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư để phát triển du lịch được đảng bộ, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể luôn quan tâm. Tuy nhiên, việc bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh mà giá trị di tích mang lại. Hoạt động bảo tồn di tích chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch. Thực tế cho thấy bảo tồn di tích, di sản và phát triển du lịch luôn có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Di tích, di sản vừa là tiềm năng, đối tượng khai thác của hoạt động du lịch, mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành du lịch; đồng thời hoạt động du lịch cũng làm cho di tích, di sản sống động, phát huy được các giá trị tiềm năng, mang lại nguồn lợi nhuận cho di tích và bảo tàng để phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, cho các cơ quan và ngành quản lý chức năng; tạo điều kiện để tái đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
1. Bảo tồn di tích luôn gắn với hoạt động du lịch
Trong các đối tượng của hoạt động du lịch thì các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất, xét cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả về nội dung và hình thức. Chính điều đó đã tạo ra mối quan hệ rất gắn bó giữa du lịch và các hoạt động bảo tồn di tích. Bảo tồn, tôn tạo các di tích là hướng đến mục tiêu khai thác du lịch.
Thứ nhất, di tích là đối tượng và nội dung chủ yếu của hoạt động du lịch vì di tích đáp ứng được các yêu cầu về thưởng thức, nhận thức các giá trị di sản văn hoá của khách du lịch. Với những nội dung phong phú, đa dạng nên di tích là những điểm khá hấp dẫn cho mọi đối tượng du khách. Các địa điểm di tích chính là nơi khá lý tưởng để tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch nên quy mô, tầm vóc và giá trị lịch sử, văn hoá của di tích càng lớn thì càng thu hút khách du lịch. Tổ chức tốt các tour du lịch di tích lịch sử văn hóa là tạo điều kiện để các dịch vụ nhà hàng, khách sạn... phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế.
Quảng Trị là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là: lộ trình xuyên Việt, trục hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường Di sản miền Trung nên là địa phương có khá nhiều lợi thế. Những di tích lịch sử văn hóa là một thành tố quan trọng để Quảng Trị có “thương hiệu” du lịch trong nước và khu vực như tour du lịch DMZ (Du lịch vùng phi quân sự), tour “Du lịch hoài niệm”, gần đây là “Du lịch tâm linh”... Đây là những tuor du lịch khá nổi tiếng, lại rất đặc biệt vì không thể tìm thấy ở bất kỳ một tour nào khác trong cả nước và là vùng du lịch được ưu tiên với khách ngoại quốc khi đến miền Trung; đáp ứng nhu cầu của rất nhiều du khách trong nước, quốc tế.
Thứ hai, thực tế trên địa bàn Quảng Trị, di tích là một khâu then chốt trong chuỗi sản phẩm du lịch. Di tích là các điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch. Muốn thu hút ngày càng lớn số lượng du khách đến với di tích thì hoạt động bảo tồn di tích phải đặc biệt được coi trọng. Nhiều năm qua, bằng sự huy động từ nhiều nguồn lực nên các di tích trọng điểm ở Quảng Trị đã được đầu tư, tôn tạo và ngày càng trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, trải nghiệm và để lại những ấn tượng cho khách du lịch tại các điểm di tích thì việc cung cấp những thông tin đầy đủ, cụ thể, chính xác, chân thực mới chỉ là một phần; phần còn lại là cách thức tổ chức lộ trình, cung cấp dịch vụ bổ sung và thỏa mãn sự hiếu kỳ và khám phá của du khách. Việc nghiên cứu và truyền tải các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học là một trong những công việc của những người làm công tác bảo tồn di tích tại các điểm du lịch; trong đó vai trò quan trọng thuộc về cán bộ thuyết minh hướng dẫn điểm. Hoạt động này thông qua các giới thiệu, hướng dẫn lộ trình tham quan giúp du khách tiếp cận tính chân thực của lịch sử di tích từ các yếu tố gốc cấu thành di tích đến các hiện vật, tài liệu trưng bày tại các nhà trưng bày bổ sung/bảo tàng trong khu di tích. Vì thế, mỗi hướng dẫn viên tại di tích cũng chính là những hướng dẫn viên du lịch. Chính họ cũng là người tạo ra lực hấp dẫn cho du khách mà khi rời đi du khách còn muốn nhiều lần quay lại.
Thứ ba, hoạt động du lịch làm cho di tích thêm sống động, phát huy được các giá trị tiềm năng. Hoạt động du lịch mang lại nguồn lợi nhuận cho di tích để phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, cho các cơ quan và ngành quản lý chức năng; tạo điều kiện để tái đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tuy nhiên, các ảnh hưởng tiêu cực cũng không hề nhỏ. Về khách quan, hoạt động du lịch làm cho di tích chịu những tác động mạnh mẽ làm xâm hại đến cảnh quan, môi trường, đến các kiến trúc, di vật, cổ vật... trong các di tích. Về chủ quan, việc khai thác du lịch trên các di tích một cách bừa bãi, không hợp lý, không có kế hoạch và nhất là không quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo sẽ làm cho di tích và bảo tàng có nguy cơ bị đe doạ, bị xuống cấp...
Theo xu hướng phát triển của thời đại, hội nhập quốc tế ngày càng cao và cùng với sự tăng trưởng về đời sống vật chất con người, nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tìm hiểu thông điệp của quá khứ thông qua hệ thống di tích và hoạt động du lịch ngày càng được nâng cao và đi vào chiều sâu. Các di tích là nơi lưu giữ những thông điệp đó và thông qua những con người trực tiếp hay gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ truyền tải đến du khách một cách chân thực và giàu cảm xúc nhất.
2. Bảo tồn di tích gắn liền với phát triển bền vững
Nghị quyết 08/NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Cụ thể hóa nghị Quyết 08/NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 83-CTHD/TU ngày 25 tháng 7 năm 2017 nêu rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát là: “Đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng 7 - 8% tổng GDP của tỉnh; đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 10% tổng GDP của tỉnh; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo”. Mục tiêu cụ thể là: Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình”, “Hành lang Kinh tế Đông - Tây” và “Con đường di sản”.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mong muốn đưa Quảng Trị lên bản đồ du lịch của cả nước, chắc chắn nhiệm vụ sẽ rất nặng nề và cần nhiều giải pháp đồng bộ, chương trình hành động cụ thể, kích cầu và xúc tiến kêu gọi đầu tư, quảng bá du lịch mới có thể thực hiện được những mục tiêu cụ thể đã đề ra. Tuy nhiên bên cạnh những nhiệm vụ cần phải thực hiện cần phải quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, bảo tồn các giá trị vốn có gắn liền với sự phát triển bền vững.
Khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di tích, di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản phải được xử lý hài hòa, hợp lý trên cơ sở ứng xử có trách nhiệm của những bên liên quan mà đi đầu là những cơ quan quản lý du lịch và di sản. Khi quy hoạch phát triển du lịch, không chỉ lấy yếu tố lợi nhuận làm mục tiêu mà cần đánh giá dài hơi hơn về sự tác động của môi trường thiên nhiên, đời sống con người và quan trọng là sự tác động đến các di tích, di sản.
Hiện nay, các điểm di tích đang khai thác du lịch nhiều hạng mục đã xuống cấp; cơ sở hạ tầng nhiều nơi rất bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách tham quan đòi hỏi cần có nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, chỉnh trang... nhưng nguồn lực của tỉnh rất khó khăn trong việc bố trí ngân sách. Nguồn vốn xã hội hóa, sự chung tay của cộng đồng và các tổ chức, các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng tôn tạo lại các điểm di tích; tuy nhiên, các tổ chức tài trợ luôn muốn để lại dấu ấn tại điểm di tích bằng những công trình của mình, trong khi quy hoạch di tích chưa được thiết lập dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, thậm chí phá vỡ quy hoạch, tác động lớn đến cảnh quan, môi trường di tích.
Vấn đề đặt ra là những người làm công tác bảo tồn di sản cần phải có sự quy hoạch cụ thể và đề ra những phương án trùng tu, tôn tạo, xây dựng không gian, môi trường sinh thái tại các điểm di tích theo hướng bền vững, phù hợp với điểm di tích. Đến khi có nguồn vốn tài trợ thì các nhà quản lý di tích, di sản chỉ cần trình bày những điều mà các điểm di tích đang cần, đang thiếu để kêu gọi sự giúp đở của các doanh nghiệp, các tổ chức. Nguồn vốn xã hội hóa là rất cần thiết trong tình hình khó khăn hiện nay tuy nhiên để kêu gọi được vốn và giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp, các tổ chức tài trợ đối với các điểm di tích thì cần phải có sự đồng thuận cao; không nhất thiết phải trùng tu, tôn tạo, xây dựng khi mà không gian di tích bị phá vỡ, tác động đến môi trường sinh thái và phá vỡ yếu tố gốc, không còn nguyên hiện trạng vốn có của di tích.
3. Một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và việc phát triển du lịch
Khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích vào hoạt động du lịch cần phải hướng đến mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động du lịch; cần khai thác một cách hợp lý và nhất là tích cực bảo vệ, gìn giữ và có kế hoạch tôn tạo để làm cho các di tích và bảo tàng ngày càng đẹp hơn theo chiến lược phát triển bền vững. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di tích/di sản trong hoạt động du lịch, người viết bài này thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản Văn hoá và Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội, của các ngành các cấp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá nói chung và bảo tồn di tích nói riêng; xây dựng phong trào quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo vệ di tích theo hướng xã hội hoá sâu rộng.
- Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn di tích, kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích; đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, liên cơ quan để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển và cần có những qui định chặt chẽ về hoạt động đầu tư tôn tạo di tích cũng như qui định bảo vệ di tích và cảnh quan môi trường đối với hoạt động du lịch.
- Chú trọng công tác quy hoạch đầu tư tôn tạo di tích; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân cho hoạt động bảo tồn di tích; đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông để quảng bá hình ảnh các điểm di tích cả trong nước và quốc tế; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để khách tham quan đến với di tích; chủ động liên kết với các trường đại học trong nước, các trường học trên địa bàn đưa học sinh, sinh viên đến với di tích.
- Tổ chức tốt cơ sở dịch vụ du lịch; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đã được chọn lọc, chất lượng có tính chất độc đáo, hấp dẫn đủ độ tin cậy; phát triển nhiều loại hình du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị của những di tích. Chúng ta thấy rằng ngoài các giá trị lịch sử văn hóa đó thì tại các cơ sở di tích chưa tạo ra được các sản phẩm dịch vụ du lịch bổ sung để níu chân du khách, buộc họ phải bỏ tiền mua các sản phẩm du lịch, trải nghiệm trên cơ sở đó tạo ra nguồn thu.
Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị là điều kiện và cơ sở vững chắc cho ngành du lịch Việt Nam. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương để đề ra chương trình hành động phù hợp. Chúng ta hãy biết tận dụng sự kết hợp giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch để làm bật dậy những sức hút kỳ lạ, những hấp dẫn rất đặc biệt của các di tích, biến những tiềm năng du lịch thành hiện thực, quyết không để du lịch Quảng Trị chỉ mãi là “tiềm năng”; góp phần vào việc bảo tồn di tích, di sản gắn với với việc phát triển du lịch bền vững./.
Phan Trường Định
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN