Cập nhật ngày: 5/10/2022 12:31:30 AM
Trong diễn trình lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Trị, có một thời kỳ khá dài, ngót gần một thiên niên kỷ là vùng phía bắc của vương quốc cổ Champa, thuộc vùng/châu Indrapura/Ulik/Ô - Lý (cùng với Quảng Bình, Thừa Thiên Huế). Bộ phận cư dân này trong quá trình phát triển của mình đã để lại nhiều dấu tích văn hóa rất phong phú và độc đáo, mang nhiều dáng vẻ đặc thù, góp phần tạo nên sự đa dạng của tiểu vùng văn hóa Quảng Trị trong bối cảnh chung của toàn miền Trung Việt Nam.
Văn hóa xã hội Champa chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, xu thế Ấn hóa chỉ xảy ra trong thành phần quý tộc và giai cấp thượng lưu, còn các tầng lớp thần dân thông thường vẫn tiếp tục duy trì tín ngưỡng địa phương của họ đã có sẵn. Mặc dù chấp nhận môt số ảnh hưởng của Ấn giáo, nhưng tầng lớp nhân dân thông thường này không những cải biến một số yếu tố của Ấn Giáo trở thành hệ thống tín ngưỡng bản địa của mình 1.
Phật giáo có thể cũng đã truyền đến vương quốc này cùng thời với Ấn Độ giáo. Tôn giáo này đã có những hoạt động phong phú tại Champa trong suốt nhiều thế kỷ. Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VII phổ biến hệ phái Tiểu Thừa/Hinayana. Pháp sư Nghĩa Tịnh, người Trung Hoa, khi ghé đến Champa vào thế kỷ thứ VII (671 - 695), cho biết rằng đương thời hai hệ phái Chính Lượng Bộ/Aryasammitiya và Nhất Thiết Hữu Bộ/Sarvastivada được truyền bá tại đây. Từ thế kỷ thứ VIII trở về sau phổ biến hệ phái Đại Thừa/Mahayana; đặc biệt, tông phái Kim Cương Thừa/Vajrayana đã hoạt động mạnh mẽ trong suốt thế kỷ IX - X. Các cảng thị Champa đã từng là nơi dừng chân cho các nhà truyền giáo Ấn Độ trên đường đến Đông Á và của các tăng sĩ Trung Hoa trên con đường hành hương đến Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Trong khi chờ đợi gió mùa, các nhà hành hương Trung Hoa đã học chữ Phạn/Sanskrit tại các cảng thị này trong nhiều năm, trước khi đến thỉnh học kinh điển tại các Phật viện ở Ấn Độ hoặc Sri Lanka 2.
Bên cạnh những vị thần chính của Ấn Độ giáo đều được tôn thờ tại vương quốc là Brahma/Đấng Sáng Tạo; Visnu/Đấng Bảo Tồn; Siva/Đấng Huỷ Diệt và Tái Tạo, những Sarasvati, Laksmi, Parvati, Uma, Durga…v.v.. rất được ngưỡng mộ thì Bà Chúa Xứ Pô Yan Inư Nagar và các vị thần Phật giáo cũng được đề cao để dung hòa phù hợp với tín ngưỡng bản địa theo xu hướng Chăm hóa.
Khi người Việt tiếp nhận vùng đất mới qua các đợt di dân (từ các thế kỷ XI - XV trở đi), những yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo Champa, trong đó có Phật giáo Chăm được người Việt kế thừa và chuyển hóa để phù hợp với truyền thống thờ Phật vốn có từ đất Bắc và đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Bên cạnh việc thờ phụng những gì mà người tiền chủ để lại và hợp thức hóa các di sản đó theo cách “biến cái của người thành cái của ta” thì nhiều ngôi chùa được thiết lập trên những khu vực vốn là đền tháp Champa theo quan niệm vừa thờ Phật vừa thờ các chư thần của người tiền trú, vừa thờ phụng chư thần của người Việt mà dù về sau có mang nhiều tên tự rất hay thì gốc gác đều là chùa làng mà yếu tố Phật giáo dân gian đã hòa điệu một cách uyển chuyển với tín ngưỡng và Phật giáo Champa.
DẤU ẤN VỀ CÁC NGÔI ĐỀN CHĂM LÀ TRUNG TÂM PHẬT GIÁO
Trên vùng đất thuộc Quảng Trị ngày nay, dưới thời vương quốc Champa có thể đã có từ một hoặc vài ngôi đền/trung tâm Phật giáo của cả vùng Ulik/Ô - Lý (ít nhất là vùng châu Ô và châu Ma Linh). Ở châu Ô, tài liệu hiện biết có thể cho chúng ta một cơ sở để thấy rằng vùng châu Ô xưa có một tu viện Phật giáo được xây dựng bên tả ngạn con sông lớn là Kraung Trapauk 3/sông Cái/Thạch Hãn. Nhà nghiên cứu người Pháp M. Huber khi khảo sát về phế tích đền tháp Chăm Nhan Biều (Triệu Thượng - Triệu Phong) đã cho biết tại đây từng tồn tại một trụ đá hình khối lập phương (nay đã không còn) chạm khắc văn tự cả 4 mặt với 3 mặt trước là chữ Sanskrit và mặt sau là chữ Chăm cổ . Trong bia ký này có một đoạn đề cập đến một viên chức tên là Po Klunn Pilih Rajadvara và con trai của ông Sankriti Po Klunn Dharmapatha đã dâng cúng để xây dựng một ngôi đền thờ thần Siva có tên là Devalingesvara vào năm 830 saka (năm 908). Vào năm 833 saka (năm 911), một tu viện Phật giáo được dựng lên, thờ Avalokitesvara (Bồ tát Quan Thế Âm) để vinh danh bà ngoại của Tribhuvanadevi, hoàng hậu của vua Jaya Simhavarman I” 4. Phật viện này có thể được xây dựng gần kề một thành lũy/đô thị/trung tâm chính trị - quân sự ở về phía nam con sông mà ngày nay dù qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử và địa cuộc nhưng tên làng Cổ Thành (của người Việt) chắc là dấu ấn còn lưu lại về vị thế của khu vực này.
Khi nghiên cứu về các dấu tích thời chúa Nguyễn dọc hai bên bờ Thạch Hãn, L. Cadière cho rằng các đạo quân thuộc các cơ Trung Kiên, Hậu Kiên “được lập trên vị trí của một cái đồn cũ của người Chàm mà do con sông lấn vào đất nên đã làm biến mất cái đồn này và tên làng Cổ Thành còn giữ được ký ức về nó”. Ông cũng cho rằng: “Tên của cái thành này là Cổ Thành dường như được nói đến trong một tấm bia bằng chữ Phạn được tìm thấy tại Nhan Biều: đó phải là Trivikramapura” 5.
Chưa có những cứ liệu đầy đủ để có thể khẳng định về một trung tâm chính trị thời Chăm, nhưng với một vị trí chiến lược như vậy thì hẳn là từ thời vương quốc Champa, khu vực này đã được xây dựng một đồn lũy khá quy mô nằm ở bờ nam của sông Thạch Hãn, gần với điểm khởi nguồn của sông Vĩnh Ðịnh nhằm trấn giữ điểm nút thủy lộ trọng yếu trong vùng và bảo vệ mặt nam cho thủ phủ châu Ô - thành Thuận Châu - cách đấy chừng 7km về hướng đông bắc. Dấu ấn về công trình đồn lũy này ngày nay không còn do sự xâm thực của sông Thạch Hãn nhưng lưu ảnh của nó vẫn để lại qua tên làng Cổ Thành và chợ Sãi - một thị tứ ven sông, trung tâm kinh tế nằm kề cận một trung tâm chính trị, quân sự, nơi tồn tại một toà thành cổ là thế. Và cũng trong khu vực lan tỏa, kề cận của trung tâm chính trị, quân sự, thương mại đó, một Phật viện cùng với các đền tháp bao quanh 2 bên bờ con sông Cái/Kraung Trapauk (như các di tích: tháp Nhan Biều, tháp Thạch Hãn, tháp Đa Nghi (sau gọi là Chùa Phật Lồi) và kể cả tháp Trà Liên…) đã được thiết lập.
Ở châu Ma Linh, nội dung văn bia hiện còn ở trụ đá của phế tích khu đền tháp Hà Trung (Do Châu - Do Linh) đã được ông Hubert và học giả người Ấn Độ là ông Majumda dịch và xác nhận nội dung đề cập đến việc xây ngôi đền có tên là Indrakantecvara vào năm 838 saka (năm 916), dưới thời trị vì của đức vua Indravacman, con trai của vua Bhadravacman - giai đoạn cuối của vương triều Indrapura. Ngôi đền được xây dựng bởi sự cúng dường của hoàng hậu Tribhuvanadevi, là goá phụ của Simhavacman.
“Vào năm Saka mà đức vua biểu thị bằng "kàya - Angi - Magal" (năm 838 Saka)... Trong thời trị vì của đức vua Indravarman lừng lẫy, Hoàng hậu Tribhuvanadevi thanh khiết đã đặt tượng Indrakantevara vì lòng mộ đạo. Ngôi đền thiêng này sẽ mãi mãi phù trợ và ban phước lành cho Tribhuvanadevi” 6.
Nội dung khắc trên tấm bia cũng nói đến một đô thị Chăm có tên là Navap mà trung tâm là làng Hà Trung tồn tại trong các thế kỷ IX - X 7. Điều này không chỉ cho thấy có nhiều cứ liệu để có thể khẳng định trong các thế kỷ trước XI, vùng Quảng Trị là một nagara (thậm chí có thể là trung tâm của một mandala) - tiểu quốc quan trọng trong vùng cực bắc vương quốc Champa từ việc triều đình/hoàng tộc Chăm cho xây dựng một khu đền tháp quy mô trong một khu vực được coi như là một thành thị nằm trên một chi lưu nối sông Cái/Thạch Hãn với Minh Lương/Hiền Lương mà còn cho thấy ngôi đền Indrakantesvara là một trong những trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc.
“Những tài liệu bia ký ở Hà Trung, Pô Nagar và những nơi khác đã chứng tỏ ngôi đền có tên Indrakantesvara mà Hoàng hậu Tribhuvanadevi dựng ở Hà Trung vào đầu thế kỷ X là một trong những cơ sở tôn giáo lớn thuộc giai đoạn cuối của vương triều Indrapura - thời trị vì của vua Indravarman III” 8.
Tài liệu hiện biết không cho phép chúng ta hình dung trung tâm tôn giáo này có vị trí đặt thờ các vị thần liên quan đến Phật giáo hay không, nhưng đối chiếu với ngôi đền Devalingesvara xây năm 830 saka - nơi có thờ Avalokitesvara (Bồ tát Quan Thế Âm) để vinh danh bà ngoại của Tribhuvanadevi, hoàng hậu của vua Jaya Simhavarman I ở Nhan Biều thì ngôi đền Indrakantesvara do chính Hoàng hậu Tribhuvanadevi mộ đạo cúng dường xây năm 838, chỉ 8 năm sau đó ở Hà Trung, chúng ta có quyền nghi ngờ rằng không thể thiếu yếu tố Phật giáo trong ngôi đền này. Liệu Indrakantesvara có liên quan gì đến Indra/Ân Đà La/Đế Thích Thiên (trong Phật giáo Thiền tông)?. Mặt khác, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra các chi tiết trang trí kiết trúc trong khu đền tháp Hà Trung thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương - thời kỳ mà Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở vương quốc nhờ vào vua Indravarman là người sùng đạo Phật cũng cho thấy nhiều khả năng ngôi đền mang nhiều yếu tố Phật giáo. “Điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là trong suốt lịch sử vương quốc Champa, chưa có lúc nào mà Phật giáo lại được xiển dương rực rõ và giới quyền lực tín mộ như dưới Triều đại Indrapura. Và khi nói đến triều đại này thì không thể không nhắc đến địa bàn Quảng Trị, nơi minh chứng một cách sống động cho hiện tượng đó” 9.
NHỮNG PHẾ TÍCH ĐỀN THÁP CHĂM ĐƯỢC NGƯỜI VIỆT DỰNG THÀNH CHÙA THỜ PHẬT VÀ THỜ CÁC VỊ THẦN CHĂM ĐƯỢC PHẬT HÓA
Sự chuyển quyền sở hữu đất đai từ người Chăm sang người Việt trên vùng đất Quảng Trị xảy ra 2 đợt vào các năm 1069 và 1306. Văn hóa, xã hội Việt định hình và phát triển trên cơ sở một nền tảng văn hóa, xã hội của những thôn xóm mà người Chăm bản địa đã dày công tạo dựng sau gần nghìn năm. Vì thế, để khẳng định vai trò, vị thế của mình, người Việt không còn con đường nào khác là vừa phải tạo ra sự hòa hiếu, thân tình vừa tìm cách tiếp cận, tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì thuộc tiền chủ thành cái của mình. Tuy nhiên, quá trình ấy không phải xẩy ra một cách nhanh chóng, đơn giản theo chủ quan một phía mà là cả một sự tác động qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện và với một trình tự thời gian lâu dài. Trên hành trình chuyển đổi đó, Phật giáo luôn đồng hành với văn hóa, xã hội Việt bằng những bước đi thích hợp.
Chùa Bão Đông/Bình Trung thuộc địa phận làng Hà Trung (Do Châu - Do Linh) được thiết lập trên một khu vực mà trước đó vốn là ngôi đền Indrakantesvara. Gần một thế kỷ trước, khi phát hiện ra khu kiến trúc lớn của Champa tại làng Hà Trung, H. Parmentier đã viết trong cuốn “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ” như sau: “Ở phía tây đường cái đi từ huyện sở Do Linh lên tòa Công sứ 2km, có một ngôi chùa nhỏ, song các dãy nhà phụ lại chiếm một diện tích rộng. Trong chùa chứa đựng nhiều phế liệu Chàm khá lý thú cùng với những hiện vật An Nam cổ” 10. Ngôi chùa mà H. Parmentier nói tới chính là ngôi cổ tự của người Việt vốn đã xây dựng từ trước (thế kỷ XV) trên nền cũ của một ngôi đền Chăm đã đổ nát và gọi là Chùa Bão Ðông. Các “phế liệu Chàm khá lý thú” mà H.Parmentier đề cập chính là một bộ phận khá lớn các thành phần kiến trúc của khu đền tháp Chăm được người Việt sử dụng lại. Dưới con mắt của những người dân Việt vùng này thì đây là một ngôi chùa - một ngôi chùa bằng đá - nên mới có tên gọi khác nữa là Chùa Ðá. Tên Chùa Đá là hàm ý để chỉ một kiến trúc mà người ta thấy ở đó vật liệu dùng để xây cất toàn là những tảng đá lớn. Về sau nữa, Chùa Đá mới có tên là Chùa Bão Đông gắn với một chuyện tích về một trận bão mùa đông đã đưa những khối đá lớn này từ nơi khác về làng Hà Trung cho người dân chẻ ra làm chùa để vừa lý giải uẩn khúc về việc tạo lập và cũng là để chỉ tên gọi của ngôi chùa.
Từ năm 1703, vị Tham chánh Trần Ðình Ân sau khi từ chức về làng đã sửa sang lại để ở và tu đạo, lấy tên là Chùa Bình Trung/Bình Trung tự; sau khi ông mất (1706), ngôi chùa trở thành chùa làng của dân Việt Hà Trung. Tên gọi này cũng là tên một ngôi chùa được xây mới sau năm 1995 của khuông hội Phật giáo làng Hà Trung nằm dịch về bên phải trong khuôn viên của chùa Bão Đông/Bình Trung xưa.
Dấu ấn về ngôi đền Indrakantesvara - chùa Bão Đông/Bình Trung tự hiện còn ngoài những dấu tích của nền móng các ngôi tháp, các thành phần kiến trúc, tượng thờ của ngôi đền và các phiến đá, trụ đá khắc văn bia (tại di tích và Bảo tàng Nghệ thuật Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Trị) là ngôi nhà bia có biển đề là “Tứ Triều Thạc Phụ”, bên trong đặt một bia đá dựng trên một bệ rùa mang tên “Tứ Công Thần Bia” có nội dung chép lại một bài tư và một bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán ca ngợi nhân vật lịch sử Trần Ðình Ân (1625 - 1706).
Hành trình chuyển hóa từ một ngôi đền Chăm (có khả năng có yếu tố Phật giáo Chăm?) sang một ngôi chùa Phật giáo Việt mang yếu tố Chăm - Việt (Chùa Đá/Bão Đông/Bình Trung) chính là những bước đi khuất khúc của Phật giáo trong sự phát triển nội sinh trên vùng đất Quảng Trị.
Trên một vùng rú cát có tên là Cồn Chùa thôn Ðông làng Câu Hoan (Hải Định - Hải Lăng) có một ngôi cổ tự có tên là Đông Trì/Đông Lâm tự. Tại đây, bên cạnh ngôi chùa làng thuộc khuông hội Phật giáo Câu Hoan chiếm một diện tích đất rộng về phía sau cùng với những đình, đền, miếu của người Việt làng này ở phía trước, còn có nhiều dấu tích cho thấy sự tồn tại ở đây - dưới thời vương quốc Champa - một khu đền tháp có quy mô tương đối lớn của một vùng.
Ðầu thế kỷ XX, bằng một cuộc khảo sát của mình, H. Parmentier đã đi đến nhận định: Ðây là “địa điểm của một kiến trúc Chàm quan trọng”, bởi vì ông nhìn thấy ở ngôi chùa có tên là Ðông Trì (tức chùa Thôn Ðông bây giờ) “dấu vết những bức tường của một tháp trung tâm” và “phía sau ngôi chùa hiện thời, trong khu rừng nhỏ bao quanh đền, gần góc đông nam còn tìm được những mảnh gạch vỡ và một công trình xây bằng gạch còn tồn tại của một kalan khác”. “Phía trước của quần thể này, ở cách 800m về hướng đông, lệch 200 về hướng bắc là một gò đất bị cách ly giữa ruộng lúa. Người ta còn thấy ở đó hai mảnh của một tấm đá lớn như là những di tích cuối cùng của một tháp khác” 11.
iện vật có liên quan đến khu đền tháp Chăm Câu Hoan mà H. Parmentier nhìn thấy bao gồm: 1 Linga đặt trong một ngôi miếu cạnh chùa, 1 tượng Dvarapala (vị thần hộ pháp bảo vệ các đền tháp, 1 bệ Yoni và một Yoni “mang hình ảnh Linga nguyên khối, song có một phần bị vỡ” nằm trong vườn của ngôi chùa; đặc biệt có 1 Mukhalinga lạ lùng nằm ở một lùm cây bên cạnh ngôi chùa với “một chiếc đầu đội mũ bốn ngăn, tai mang tằm; tư thế đặc biệt lạ lùng của Mukhalinga này là sự tồn tại phía trên Linga một loại mũ có kẻ chỉ và hình lá sen” 12. Theo hình vẽ của H. Parmentier thì Mukhalinga được tạo dáng rất đẹp. Những hiện vật này đến nay vẫn còn, trừ Dvarapala, bộ Linga - Yoni “nguyên khối” và Mukhalinga.
Chùa Đông Trì/Đông Lâm là một ngôi chùa làng được xây dựng khá sớm từ khi người Việt đặt chân đến vùng đất mới (cuối thế kỷ XV). Quy mô kiến trúc và phối trí thờ tự ngày nay không có gì đặc biệt ngoài một niệm Phật đường làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho các Phật tử, nhưng từ những dấu tích hiện còn cho thấy ngôi chùa vốn được khởi lập song hành với các cơ sở tín ngưỡng khác trong một khu vực tập trung gồm: đình làng, miếu Ngũ hành, miếu Thái giám, và nhất là miếu thờ Bà Giàng - tín ngưỡng thờ cúng của người Việt trên nền các dấu tích đền tháp Chăm. Cạnh ngôi chùa ở góc đông bắc là một ngôi miếu cổ có tên là miếu Bà Giàng được xây dựng bằng gạch, vôi mang phong cách của miếu thờ người Việt các thế kỷ XV - XVI. Bên ngoài ngôi miếu có một Yoni khoét thủng đã bị vỡ làm đôi. Bên trong ngôi miếu thờ một Linga, một bệ đá và một phiến đá có hình mặt người nhô ra trên bề mặt vốn là một pho tượng dạng bán phù điêu đã được tu chỉnh lại cho tương thích với hành trình Việt hóa các vị thần Chăm.
Chùa được xây dựng trên nền của một đền tháp Chăm, những tượng Chăm được đưa vào thờ cúng ở một ngôi miếu Bà Giàng cạnh chùa (một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều nơi có phế tích đền tháp Chăm ở miền Trung) không chỉ thể hiện sự hòa nhập giữa Phật giáo với văn hóa Chăm mà còn là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian được Việt hóa trên nền tảng những gì mà người tiền chủ để lại.
Bên bờ sông Cổ Hà, làng Trung Đơn (Hải Định - Hải Lăng) có ngôi cổ tự mang tên Thiên Bảo Tự. Chùa nằm trong khu vực nguyên là phế tích của một khu đền tháp Chăm: tháp Trung Đơn. Câu chuyện về cuộc thi xây tháp giữa làng Trung Đơn và Dương Lệ (nơi có khu đền tháp Dương Lệ - trung tâm tôn giáo của châu Ô) được nhắc đến trong “Ô châu cận lục” cho thấy khi người Việt tiếp quản vùng này, ngôi tháp Trung Đơn “cao ước trăm xích, những khách đăng lâm thưởng ngoạn có cảm giác như đạp trên chín tầng mây mắt nhìn ngoài trăm dặm” 13.
Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng từ rất sớm, vào thời kỳ làng Trung Ðơn mới thành lập (khoảng giữa thế kỷ XV). Bấy giờ, có một nữ tu theo nghiệp thiền ở ngay trong ngôi tháp đã hoang phế; khi về già bà đem tất cả tài sản của mình cúng dường cho làng để xây dựng một ngôi chùa bên cạnh tháp. Ngôi chùa ấy chính là chùa Trung Ðơn/Thiên Bảo tự bây giờ. Trong chùa trước đây thờ nhiều tượng đá Chăm nhưng nay đã mất dần chỉ còn một đầu tượng. Cách ngôi chùa một khoảng về các phía có một ngôi miếu thờ bức phù điêu Makara gọi là miếu Ông Voi (phù điêu này đã đưa về Bảo tàng Quảng Trị) và một ngôi miếu thờ một mặt tượng Hanuman gọi là miếu Ông Hổ (nay đã mất).
Chùa Hoan Sơn tọa lạc ven một đồi cát thuộc làng Câu Hoan (Hải Định - Hải Lăng), trong một khu vực nguyên có sự tồn tại của một ngôi tháp Chăm. Kiểu thức kiến trúc và cách bài trí tượng thờ trong chùa cho thấy đây là một ngôi cổ tự tiêu biểu của dòng Phật giáo dân gian Đại Việt nhưng 3 mảng đá sa thạch được ghép lại thành một nơi thờ cúng trang nghiêm nằm trong khuôn viên ngôi chùa - trên một cồn đất chi chít gạch Chăm vỡ là minh chứng rằng chúng thuộc về các thành phần kiến trúc của một đài thờ và đá bó vĩa chân tháp của một đền tháp Chăm.
Chùa Diên Thọ ở làng Diên Sanh (Hải Thọ - Hải Lăng) vốn có gốc từ một ngôi chùa làng, được tái tạo quy mô vào thời kỳ chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765) nhưng sự có mặt của một giếng cổ xếp gạch Chăm và một khối đá sa thạch Chăm chạm khắc 2 mặt, vốn là một thành phần của đài thờ hiện còn trong chùa không thể không đặt ra cho chúng ta về sự tồn nghi về một địa điểm tháp Chăm nằm kề cận hoặc chí ít cũng là bằng chứng cho thấy các thành phần kiến trúc, tượng thờ Chăm đã được người dân đưa vào chùa lưu giữ/thờ phụng như những vật thiêng có liên quan đến Phật giáo.
hững địa điểm cho thấy có dấu vết về những công trình thờ cúng của người Chăm đều được người Việt xem là chốn thiêng liêng với các tên gọi như: Cồn Giàng, Lùm Giàng, Miếu Giàng, Cồn Lồi, Cồn Mọi... hoặc những tên Hán - Việt vô nghĩa khiến ta liên tưởng đến việc phiên âm những tên Chăm cũ, nhưng tên những khu vực gọi là Cồn Chúa - Mẫu đất Chăm có khi lại đồng nghĩa/chuyển âm, chuyển nghĩa thành tên Cồn Chùa - nơi có chùa và cũng là nơi thờ Phật Bà/Quán Thế âm Bồ tát thì rõ ràng đấy là những dấu ấn của Phật giáo Chăm dưới cảm quan tâm linh của dân Việt.
Trên các phế tích của đền tháp Chăm, người Việt phát hiện ra những tượng đá, các thành phần kiến trúc đá thuộc về đền tháp đã gọi đó là những “Phật lồi”, “những Bụt Chàm”. Vì thế, các ngôi chùa người Việt khi đã xây dựng trên các phế tích của đền tháp Chăm thường gọi là Chùa Bụt Mọc/Mọoc, Chùa Phật Lồi và được gắn vào những huyền thoại mang cảm quan tư duy Việt.
Sự tích chùa Phật Lồi ở làng Nhan Biều (Triệu Thượng - Triệu Phong) và câu chuyện về chùa Bụt Mọc ở làng Liêm Công (Hiền Thành - Vĩnh Linh) tuy có khác nhau về tình tiết nhưng thực ra là sự giải thích về những hiện vật Chăm được người Việt phát hiện rồi đem thờ để giải quyết mối lo ngại từ cõi thiêng. Chữ “lồi” là gọi theo cách của người Việt Quảng Trị/miền Trung thường dùng để chỉ cho các di tích Chăm nhưng chữ “bụt” là từ dùng để chỉ những tượng Chăm được đồng nghĩa với tượng Phật (Buddha). Bụt mọc/mọoc hay Phật lồi đều gắn với các bức tượng Chăm ở các di tích đền tháp Chăm. Khi tìm hiểu về những tên gọi này, L.P. Cadière cho rằng người Việt đã quên phần lớn nghĩa của từ này nhưng đều gắn với các tượng. Những từ Phật lồi có thể không phải những Phật Chàm nhưng là những Phật đều bước ra từ đất (Phật lồi ra) 14.
ả hai đều được gọi là chùa: chùa Phật Lồi và chùa Bụt Mọc/Mọoc. Nhưng chùa Phật Lồi thì hình ảnh ông lão khất thực nhờ sự cưu mang của dân làng để được lập chùa thờ phụng, bên cạnh sự giúp đỡ của các tượng Bụt trong chùa để bản thân ông và dân làng được no ấm; và việc “lồi” của tượng lại do một cơn bão dẫn đến chùa sập 15. Còn ở chùa Bụt Mọc thì sự tình cờ phát hiện “bụt” của anh nông dân trong một buổi đi cày ruộng lại mang quá nhiều yếu tố hoang đường từ trí tưởng tượng của những người dựng nên huyền tích. Ðó là khi cái cày của anh nông dân tự nhiên nửa chừng bị mất cái lục lòi (một bộ phận để điều chỉnh độ nông sâu của lưỡi cày) buộc anh phải đi chặt cây để làm lại cái mới; và tình cờ khi anh ta thổ cái cán rựa xuống một viên đá - cách thông thường để làm cho lưỡi gắn chắc hơn vào cán - thì viên đá vỡ và vọt ra những tia máu làm dân làng kinh sợ, nghĩ đấy là vị thần, bèn mai táng lại xuống dưới gò 16.
Dấu tích của chùa Phật Lồi ngày nay, trải qua chiến tranh vẫn là chỉ còn là một khu đất hoang phế, nhưng các nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là địa điểm của một đền tháp Chăm. Đây chính là ngôi đền tháp Đa Nghi, nằm trên địa phận của xóm Đa Nghi, làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng (Từ năm 1994, khu vực này thuộc tiểu khu 2 của thị trấn Ái Tử). Ðầu thế kỷ XX, một nhóm nghiên cứu người Pháp đã khai quật phế tích này và thu được những kết quả đáng kể. Những cái được gọi là “tượng Phật lồi” thì gồm các tượng Garuda, Apsaras, Dvarapala, vũ nữ tiên thiên và Linga 17. Những năm 2004 về sau, Bảo tàng Quảng Trị cũng đã phát hiện thêm trong khu vực này những pho tượng Vũ nữ tiên thiên và chi tiết trang trí kiến trúc.
Dấu tích chùa Bụt Mọc thì nay không còn để lại dấu vết gì ngoài một ngôi miếu nhỏ có la thành thấp phía trước cùng với một đàn tế mà ở đó vốn là nơi dân làng Liêm Công Đông đặt thờ các “Bụt” là đá san hô có hình dạng giống người, các “Ông bình vôi”. Trong khu vực có nhiều cây cối rậm rạp, thâm u và vẫn được coi là đất thiêng. Theo tài liệu của L.P. Cadière thì di tích này hồi đầu thế kỷ còn được thấy có một khoảng sân rộng, ở một đầu có một gò đất có hình chỉa ba (cao từ 0,2 - 0,4 m, rộng 2m, dài 3,5m), được đắp bằng vôi. L.P. Cadière cho là “hình dáng kỳ quái của của gò này thuộc về một thứ tín ngưỡng cổ của người Chàm mang tên gọi là Tricũla”. Một trong số những “bụt mọc” đã được L.P. Cadière thừa nhận thì có “một bàn tay của một tượng Chăm cũ”. “Ðó là một bàn tay phải, nó lớn hơn bình thường. Chính giữa chỗ tay cầm là một cái gậy hình trụ như thể cầm một thanh kiếm bị gãy. Chỗ cái gậy hình trụ này như là đoạn cuối của một dụng cụ được trang trí theo mô típ bốn ngọn lửa hình lá. Một dải hạt bằng đá được gắn vào gậy, buông xuống hai bên” 18.
Đã lập chùa bên trên hoặc kề cận khu đất vốn là đền tháp thì những tượng thờ, thành phần kiến trúc, điêu khắc có hình dạng hay không hình dạng đều được đem vào chùa để thờ cúng và có khi lại mang những cái tên mới rất “Phật/Bụt”.
Tấm lá nhĩ (tympan) tạc hình Siva ngồi ở tư thế thiền thờ ở miếu Nghè làng Phương Sơn (Triệu Sơn - Triệu Phong) trước khi được tấn phong làm thần Thành Hoàng (khoảng tk XIX) thì là một Bà Đá/Thiên Y ana Ngọc phi và, sau khi điều chỉnh toàn bộ bức phù điêu bằng cách gia cố vật liệu, sơn phết hình tượng thì Bà Đá đã/có thể là Phật Bà/Quán Thế âm Bồ tát tọa vị trong ngôi miếu trong tư thế kiết-già, bảo hộ cho dân chúng trong vùng từ những thế kỷ trước (XV - XVIII).
L.P. Cadière trong Notes sur quelques empacements Chams de la province de Quang Tri (Di tích và hiện vật Chàm ở Quảng Trị và Thừa Thiên) cũng cho biết thêm ở di tích đền tháp Bích La, những hiện vật Chăm như tấm tympan Siva múa vũ điệu tandra, Linga, Yoni... cũng được người dân địa phương gọi là những “Phật lồi” - “những Bụt”. Ông cũng cho rằng ở làng Cổ Thành và Hậu Kiên đã tìm thấy những tượng Chàm - Siva và “tên Chợ Sãi, có thể được đọc là Marché du bonze (chợ của sư tăng). Truyền thuyết lưu lại rằng ngày xưa ở đây có một chùa thờ Phật được xây dựng” 19.
Trung tâm Thánh Mẫu La Vang trước khi biến thành một trung tâm tôn giáo của người Công giáo thì bản thân khu vực này có thể đã là một nơi thờ cúng của người Chăm liên quan đến việc thờ Bà Chúa/Mẫu Đất. Trong hành trình lịch sử, địa điểm này đã trở thành một ngôi chùa thờ Phật Bà/Quán Thế âm Bồ tát mà nội dung bài “Vãn La Vang” đã nêu bật 20.
“Từ “cung Chúa Bà” qua “chùa Bà” rồi thành vườn “Ðức Bà”/”Ðức Mẹ” là một quá trình chuyển hóa lâu dài trong tiến trình lịch sử của trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Sự chuyển đổi này chịu tác động bởi các yếu tố mang tính lịch sử xã hội và tư tưởng cũng như những biến thiên về đời sống tinh thần của những người dân trên một vùng đất. Tuy vậy, cốt lõi chính là việc tôn thờ và sùng bái một vị thần nữ - theo lối thờ Mẫu biến tướng - thì vẫn giữ nguyên. Ðó là sự chuyển đổi từ một nữ thần - Mẫu Ðất - sang một nữ thần Phật giáo - rất có thể là Quán Thế Âm Bồ Tát, đến một nữ thần nhuốm màu Thiên Chúa giáo - Ðức Mẹ đồng trinh” 21.
*
* *
Quảng Trị ngày nay tuy không lưu giữ được các tượng Phật, Bồ tát thuộc Phật giáo Champa nhưng “nếu so về số lượng, mật độ, thông tin của văn bia và con số thống kê được qua nhiều thời kỳ trên địa bàn 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên hiện nay thì Quảng Trị chính là nơi đứng đầu về số lượng cũng như mức độ mật tập các di tích liên quan đến triều đại Phật giáo phát triển rực rỡ ở vương quốc Champa” 22. Trên hành trình làm chủ vùng đất vốn trước đó thuộc về người Chăm, các nhóm cư dân Việt đã tiếp nhận, kế thừa và chuyển hóa di sản văn hóa của người tiền chủ, hợp thức hóa trên tất cả mọi phương diện, “biến cái của người thành cái của ta” cho phù hợp với truyền thống thờ Phật và thờ cúng thần linh vốn có từ đất Bắc để đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của mình trên vùng đất mới, trong hoàn cảnh lịch sử mới. Trên tinh thần ấy, người Việt xây chùa thờ Phật trên các phế tích đền tháp Chăm đã đổ nát để thờ các vị thần Chăm hoặc chuyển hóa các vị thần Chăm (kể cả những bộ phận kiến trúc) thành các vị Phật, Bồ tát với những cái tên rất Việt: Bụt, Phật Lồi và không ngần ngại khoác lên mình các đối tượng thờ không chỉ bằng sự tích, thần tích, huyền thoại mà còn cả những tô vẽ, sơn thếp để hình hài các vị thần/Phật/Bồ tát gần với người dân hơn, hợp lòng dân hơn rồi tồn lưu cùng thời gian và chảy mãi trong dòng văn hóa Phật giáo, trong dòng văn hóa dân tộc./.
Lê Đức Thọ
Chú thích
1 Gs Ts Pièree-Bernard Lafont. Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử. International Office of Champa, 2011. Tái bản dùng cho hệ thống mạng Web Champaka.info, 2012, tr. 71.
2 Trần Kỳ Phương. Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Chămpa tại miền Trung Việt Nam. T/c Nghiên cứu và phát triển, Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường Thừa Thiên Huế, số 3/2004.
3 L. Cadière dẫn theo RC. Majumdar khi đọc bia ký Hà Trung tại di tích đền tháp Hà Trung (Do Châu - Do Linh) rằng: Có một con sông lớn là Kraung Trapauk mà theo Hubert thì có lẽ đó là sông lớn Quảng Trị. Vào thời đó, đất đai được phân loại là đất mặn, ruộng sâu, có trồng lúa nước và đất khô trồng lúa vãi (Dẫn theo: L. Cadière. Bãi biển Cửa Tùng. Bulletin des amis du vieux Hue. Những người bạn cố đô Huế. B.A.V.H tập VIII, năm 1921. Bản dịch của Phan Xương. Nxb Thuận Hoá, Huế. 2001, tr. 326).
4, 6 RC. Majumdar. Champa History & Culture of an Indian Colonial Kingdom in the Fareas 2ND-16th Centery A.D. Dehli, Gian Publ. House. 1985, tr. 129 - 130 và 137 - 138.
5, 7 L. Cadière. Les Residence des Rois de Cochinchine (An Nam) avant Gia Long (Dinh phủ các chúa Đàng trong trước Gia Long). B.E.O.F.E.O, 1916, tr. 113; tr. 326
8 Ngô Văn Doanh. Ngôi đền Chăm ở Quảng Trị. Xưa nay. Số 70. 1999, tr. 27.
9, 22 Nguyễn Hữu Thông. Dấu tích Chăm ở Quảng Trị qua những ngôi chùa cổ. Liễu Quán số 13, tháng 1-2018. Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 40 - 41.
10, 11, 12, 17 H. Parmentier. Inventaire descriptif des monuments Chams de L’ Annam. HaNoi. 1918, tr. 534; tr. 525 và tr. 526, 527.
13 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Nha Văn hóa - Bộ Giáo dục Sài Gòn. 1960, tr. 67.
14, 19 L.P. Cadière. Monuments et souvenir Chams du Quang Tri et du Thua Thien. Bulletin de l’ ecole Francaise d’ E’xtrêm Orient (B.E.F.E.O. tập V, 1905), tr. 195 và tr. 185 - 186.
15 Xem: Thư viện Quảng Trị. Văn học dân gian Quảng Trị, tập 1. Sở VH-TT Quảng Trị xuất bản, 1992, tr. 44.
16, 18 L.P. Cadière. Notes sur quelques empacements Chams de la province de Quang Tri. Bulletin de l’ ecole Francaise d’ E’xtrêm Orient (B.E.F.E.O, 1905), tr. 9 và tr. 8.
20 Xem: Linh mục Nguyễn Văn Ngọc. Linh địa La Vang. Tài liệu ấn loát nhân kỷ niệm Ðại hội La Vang năm 1970.
21 Lê Đức Thọ. Văn hóa Champa: Di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). Nxb Thuận Hóa, 2012, tr. 303.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN