Thông tin khoa học
ĐÌNH TRẦN - NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG TRONG KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG QUẢNG TRỊ

Cập nhật ngày: 5/10/2022 12:42:09 AM

Lịch sử vùng đất Quảng Trị là một quá trình phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn trải suốt theo dặm dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, kể từ buổi bình minh của thời tiền sử xa xôi đến tận ngày nay. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, người Việt trên bước đường Nam tiến đã mang theo văn hoá, tín ngưỡng của mình thể hiện trên vùng đất mới, trong đó nét văn hoá đặc trưng nhất là đình làng. Trong buổi đầu sơ khai, còn biết bao khó khăn, người Việt chưa thể để dựng đặt những ngôi đình khang trang như quê cha đất tổ thì họ đã sáng tạo ra một loại đình mới - đình trần/nền đình/đình lộ thiên để làm nơi cúng tế của cộng động làng xã. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay nhiều làng xã trên vùng đất Quảng Trị vẫn bảo tồn được loại hình đình trần và trở thành nét văn hoá đặc trưng trong kiến trúc đình làng. 

* Đình trần - lịch sử hình thành và phát triển

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình gắn liền với làng quê Việt. Trong quá trình thiên di về phương Nam, sau khi đã ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp thì việc đầu tiên họ nghĩ đến cần chăm lo phát triển đời sống tinh thần cho cộng đồng. Một trong những yếu tố đó là cần phải thiết lập đình làng để làm nơi thờ cúng, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá. Cũng từ đây, các sản phẩm văn hoá nảy sinh ở vùng đất mới Quảng Trị dựa trên nền tảng các yếu tố văn hoá được mang đi từ bản quán và hội lưu với các yếu tố người bản địa trên vùng đất mới để hình thành nên các giá trị văn hoá mang bản sắc Việt của miền Trung Trung bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đình làng là sản phẩm ra đời trong xu thế đó 1.

Nếu như ở miền Bắc khi nói đến đình làng người ta nghĩ ngay đến những ngôi nhà uy nghi, kiến trúc đồ sộ nhưng đối với địa bàn Quảng Trị/vùng Trị - Thiên, đình làng dưới góc độ kiến trúc thì có thể phân thành hai loại hình: Loại hình kiến trúc đình có nhà và loại kiến trúc đình trần/nền đình/đình lộ thiên. Loại hình kiến trúc đình trần/nền đình/đình lộ thiên tồn tại cho đến nay với số lượng đáng kể ở các làng xã. Việc xác định loại hình đình có nhà xuất hiện vào thời gian nào trên mảnh đất Quảng Trị đã khó thì loại đình lộ thiên lại càng khó hơn vì không có công trình kiến trúc. Qua khảo cứu sơ bộ các làng xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị loại hình đình lộ thiên tồn tại ở một số làng có lịch sử hình thành sớm như: Thượng Nghĩa, Đình Tổ, Đại Độ... (phường Đông Giang, thành phố Đông Hà); Gia Độ, Đâu Kênh, Bích La Thượng... (huyện Triệu Phong); Cam Lộ hạ (huyện Cam Lộ)... Ngoài ra, một số làng đã xây dựng đình có nhà nhưng nguyên trước đình làng chỉ là đình trần/nền đình/đình lộ thiên. Việc tồn tại loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ở những làng có lịch sử hình thành sớm trên vùng Quảng Trị đã chứng minh nguồn gốc, thời gian xuất hiện đình làng vùng Quảng Trị.

Trong quá trình thiên di về phương Nam, những giá trị văn hoá truyền thống trong đó có thiết chế văn hoá đình làng đã được người Việt mang theo và thực hành trên vùng đất mới. Tuy nhiên, những gian truân và thử thách buổi đầu khai phá đã không cho phép thế hệ di dân đầu tiên thực hiện những hoài vọng về ngôi đình uy nghiêm như ở cố hương. Trong buổi đầu còn khó khăn đó, để thoả mãi nhu cầu tín ngưỡng, cư dân Việt đã lập đình làng với phương thức rất đặc biệt - đình trần/nền đình/đình lộ thiên. Trên địa vực cư trú/làng xã của mình, cư dân Việt đã chọn địa điểm làm nơi  cúng tế của cộng đồng và được coi như không gian thiêng của làng để thờ cúng thần linh thông qua những địa điểm nền đình/đình lộ thiên. Đình trần/nền đình/đình lộ thiên (đình không có nhà) là một thiết chế văn hoá, tín ngưỡng buổi sơ khai.

Đình trần/nền đình/đình lộ thiên sơ khai chỉ thực hiện chức năng cúng tế chứ không thờ tự. Hàng năm định kỳ vào các dịp “xuân thu nhị kỳ”, làng/xã tổ chức lễ cúng tế. Mỗi dịp cúng tế, cộng đồng làng xã cùng chung tay dựng đặt rạp trên khu vực nền đình, xong lễ thì dọn chỉ còn lại nền đất. Tại làng Thượng Nghĩa (phường Đông Giang, thành phố Đông Hà), trước đây hàng năm vào dịp rằm tháng Bảy, dân làng tổ chức lễ cúng tế gọi là “Lễ tế cánh quân” - là lễ cúng tế thuỷ tổ các dòng tộc có công tạo dựng lập làng, đồng thời cầu bình an cho con dân làng. Mỗi kỳ lễ lớn, dân làng được huy động góp tranh, tre để dựng rạp cúng tế 2. Sau lễ hoàn tất thì tranh, tre dựng rạp được tháo giỡ, đình làng chỉ còn lại nền đình. Tương tự như vậy, lễ Kỳ an ở làng An Mô (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong), tổ chức vào dịp rằm tháng Sáu hay lễ Tế đình trung vào ngày 13-6 (âm lịch) tại làng Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong)… trước đây người ta cũng chỉ dựng rạp bằng tranh, tre, xong lễ thì tháo giỡ.

Cùng với quá trình phát triển làng xã, lớp con cháu về sau có điều kiện kinh tế hơn, một số làng xã đã xây dựng lại ngôi đình có nhà khang trang và trở thành ngôi đình theo lối kiến trúc có nhà/đại đình, như: đình làng Bích La Đông (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong); đình làng Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong); đình làng Đâu Kênh (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), đình làng Hà Xá (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong), đình làng Cam Lộ (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ)... Nét phổ biến nhất là những làng chuyển từ đình lộ thiên sang xây dựng đình có nhà thì kết cấu ngôi nhà chỉ có mái và tường hậu còn ba phía không xây tường nhằm tạo ra không gian mở. Bên trong đình, đặt các án thờ thành hoàng, thuỷ tổ các dòng họ có công khai khẩn lập làng, dựng đặt hương hiệu...

Bên cạnh một số làng xã chuyển từ đình trần/nền đình/đình lộ thiên thiên sang đình có nhà, thì trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều làng xã vẫn bảo tồn loại hình đặc trưng này nhưng được đầu tư tôn tạo xây dựng hệ thống tường rào bao quanh, cổng tam quan, các án thờ kiên cố... làm cho một số đình loại hình này trở nên khang trang.

Quá trình phát triển, đình trần/nền đình/đình lộ thiên cũng thay đổi về chức năng, buổi ban sơ chỉ thực hiện chức năng cúng tế chứ không thực hiện chức năng thờ tự nhưng về sau được xây dựng kiên cố, đặt án thờ thì đình trần thực hiện thêm chức năng thờ tự và cũng từ đây đình trần mới có kiến trúc liên quan.

* Đình trần - nét văn hoá đặc trưng trong kiến trúc đình làng tại Quảng Trị

- Vị trí/địa thế được chọn để dựng đặt đình làng

Cũng như hầu hết các ngôi đình Việt Nam khác, việc lựa chọn nơi để dựng đặt một ngôi đình được cộng đồng làng xã xem xét cẩn thận, làm sao chiếm một môi trường không gian đẹp, cao ráo, thuận tiện. Vị trí đình phụ thuộc vào đất dựng, mà đất dựng đình theo quan niệm ông cha ta việc lựa chọn phải dựa vào thuật phong thuỷ. Nghĩa là phải tìm kiếm những mảnh đất đắc địa, hội tụ những điều may mắn, như: “tiền án hậu chẩm”, “tả phù hữu bật”, “thuỷ tụ sơn triều”, “tiền tam thai hậu thất tinh”… Tuy nhiên, chọn vị trí theo phong thuỷ thường đặt nặng đối với những ngôi đình có nhà còn đối với loại hình đình trần/nền đình lộ thiên thì yếu tố này dường như chưa phải quan trọng nhất vì loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ban đầu chỉ là vị trí để tổ chức cúng tế vào dịp “xuân thu nhị kỳ”, xong việc thì chỉ còn là bãi đất trống nên vị trí đình không đặt nặng yếu tố phong thuỷ. 

Dấu vết xưa nhất về vị trí của loại hình đình này chỉ là những mô đất cao, những lùm cây rậm mà trong dân gian thường truyền lại là: đình cộ/cũ, nền đình, cồn đình, lùm đình... Điều đó chứng minh rằng: ngay từ buổi sơ khai định cư trên vùng đất mới, người Việt cũng đã lựa chọn những vị trí cao ráo, thuận lợi để dựng đặt đình làng làm nơi cúng tế. Hiện nay qua khảo cứu một số ngôi đình thuộc loại này tồn tại đến ngày nay trên địa bàn Quảng Trị cho thấy vị trí được chọn dựng đặt đình là những khu vực cao ráo, thuận tiện, tạo nên không gian thiêng của làng, như: đình làng Đâu Kênh, đình làng Bích La Thượng thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nằm ở trung tâm làng, trên tuyến đường chính; đình làng An Mô nằm trên khu vực Cồn Mạ, Xóm Trong (vị trí cư dân đầu tiên đến định cư thành lập làng); đình làng Thượng Nghĩa thuộc phường Đông Giang nằm ở trung tâm của làng…

- Bố cục mặt bằng kiến trúc

Mặt bằng đình trần/nền đình/đình lộ thiên bố trí tương đối đơn giản, theo mô típ chung: từ ngoài vào là cổng, nối liền cổng là hệ thống tường rào tạo thành la thành, phía sau cổng là bình phong, sân đình và cuối cùng là các án thờ.

+ Cấu trúc cổng đình

Toàn cảnh đình làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Ảnh Thanh Bình)

Cổng đình trần tương đối phong phú, có nhiều loại khác nhau. Một số đình làng được xây dựng qui mô lớn thì có bố cục gồm 2 lớp cổng. Lớp cổng thứ nhất tạo nghi môn. Lớp cổng thứ hai là vào không gian thờ cúng/không gian thiêng. Một số đình qui mô nhỏ thì chỉ có một lớp cổng. Kiến trúc của cổng cũng có nhiều loại: cổng tam quan, cổng có mái... Tiêu biểu cho loại hình có hai lớp cổng là đình làng An Mô (Triệu Long, Triệu Phong), đình làng Thượng Nghĩa (Đông Giang, Đông Hà) nhưng kiến trúc cổng cũng khác nhau.

Kiến trúc của đình làng An Mô hiện nay là kết quả của đợt trùng tu tôn tạo qui mô lớn vào năm 2019.

Từ ngoài vào là lớp cổng thứ nhất, theo kiểu tam quan gồm 4 trụ biểu tạo thành nghi môn, mở thành 3 lối, ở giữa là lối chính, hai bên hai lối phụ. Các trụ biểu tạo khối hình trụ vuông, hai trụ ở giữa cao, hai trụ hai bên thấp hơn. Trên đầu trụ biểu được tạo cách điệu thành 2 tầng mái được trang trí với các đầu rồng và dây lá; lớp cổng thứ hai cũng được xây dựng theo kiểu tam quan gồm 4 trụ biểu, mở thành 3 lối, ở giữa là lối chính, hai bên hai lối phụ. Các trụ biểu tạo khối hình trụ vuông, hai trụ ở giữa cao, hai trụ hai bên thấp hơn. Trên đầu trụ biểu được tạo kiểu lồng đèn, có 4 mái, các bờ mái uống cong trang trí hình giao long. Trụ biểu được xây bằng đá bazan chẻ, trét mạch bằng vữa xi măng.

Không gian thờ cúng của đình làng An Mô (Ảnh Thanh Bình)

 

Đình làng Thượng Nghĩa tọa lạc ở trung tâm của làng. Đình được trùng tu tôn tạo vào năm 1998; mặt bằng kiến trúc gồm 2 lớp cổng. Từ ngoài vào là lớp cổng thứ nhất, được xây theo mô thức cổng vòm cuốn tạo thành nghi môn mở ra một lối vào đình. Phần mái cổng tạo kiểu hai tầng mái, ở giữa là đường cổ diêm tạo 3 ô học, trang trí hình dây lá, trên nóc của mái trên trang trí đồ án “lưỡng long chầu lưỡng nghi”. Hai trụ cổng hình vuông, trên đỉnh trụ trang trí hình lồng đèn, trên đỉnh lồng đèn đặt 2 bình hồ lô. Lớp cổng thứ hai chỉ tạo 2 trụ biểu hình vuông, trên đầu trụ trang trí hình lồng đèn, cả hai mặt trước và sau của trụ biểu đắp nổi ghép mảnh sành sứ 2 cặp câu đối bằng chữ Hán.

Đối với những ngôi đình được trùng tu tôn tạo theo kiểu gồm hai lớp cổng là những ngôi đình có qui mô lớn, nhằm tạo ra sự ngăn cách giữa không gian chung và không gian thờ cúng. Việc tạo ra lớp cổng thứ hai chính là ranh giới bước vào không gian thờ cúng. Lớp cổng này cũng giống như cửa để bước vào toà đại đình của kiến trúc đình có nhà

Đối với những đình có qui mô nhỏ thì bố trí mặt bằng chỉ có một lớp cổng. Cấu trúc của cổng cũng tương đối đơn giản chỉ có 2 trụ biểu, tạo kiểu hình vuông.

Mặt trước đình làng Thượng Nghĩa, phường Đông Giang - Đông Hà (Ảnh Thanh Bình)

 

+ Cấu trúc la thành

Hệ thống tường rào của đình trần được xây dựng thấp, tường rào nối liền với cổng đình tạo thành hệ thống la thành. Những ngôi đình có kiến trúc gồm hai lớp cổng thì hệ thống la thành cũng tạo ra hai vòng thành. La thành thứ nhất nối từ hai trụ cổng của nghi môn/cổng thứ nhất kéo dài bao bọc toàn bộ khu đất của đình. La thành thứ hai nối từ hai trụ cổng thứ 2 - cổng bước vào nền đình/không gian thờ cúng và bao bọc khu vực này. Mặt sau của la thành được xây cao hơn, tạo thành một bức bình phong hậu. La thành được xây theo lối kiến trúc “phương hình” (dạng hình vuông hoặc chữ nhật). Tiêu biểu cho kiểu kiến trúc hai vòng thành này có đình làng An Mô (xã Triệu Long, Triệu Phong), đình làng Thượng Nghĩa (phường Đông Giang, Đông Hà). Đối với những ngôi đình chỉ có một lớp cổng thì hệ thống la thành cũng chỉ có một vòng thành, nối từ hai bên trụ cổng và bao bọc toàn bộ khu vực đình, tường phía sau của la thành được xây cao, tạo thành bình phong hậu. 

Đình làng Cam Lộ hạ, xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Ảnh Yến Thọ)

Nét đặc trưng của kiến trúc hệ thống tường rào của đình trần là kết hợp tường rào tạo kiểu la thành theo lối kiến trúc “phương hình” dạng đơn thành hoặc đa thành, mặt sau của vòng thành trong tạo thành bình phong hậu.

+ Cấu trúc bình phong

Hầu hết các ngôi đình trần đều có hai bình phong: bình phong tiền và bình phong hậu. Bình phong tiền đặt phía sau nghi môn. Chức năng của bình phong tiền nhằm trấn át các thế lực xấu và xua đuổi các luồng khí không tốt; đồng thời tô điểm và làm đẹp cho các công trình tâm linh đình, miếu. Bình phong tiền được trang trí mỹ thuật tạo điểm nhấn trong kiến trúc, thường trang trí theo mô típ chung: tạo hình cuốn thư, trang trí đắp nổi bằng xi măng hoặc ghép mảnh sành sứ, với các đồ án “long mã chở lạc thư”, “hổ phụ vờn hổ tử”... Bình phong hậu được tạo dựng từ la thành hậu của vòng thành trong và thiết kế cao hơn so với tường thành. Trang trí bình phong hậu mỗi đình cũng tương đối khác nhau, có đình thì được tạo kiến trúc cầu kì như đắp nổi đồ án “lưỡng long chầu lưỡng nghi” bao quát cả mảng tường thành hậu như đình làng An Mô, có đình thì ở chính giữa la thành hậu chỉ xây cao tô trét đắp chỉ và chính giữa đắp nổi hai chữ Hán Nôm “THẦN LINH” (đình làng Thượng Nghĩa) hay chỉ là chữ “THẦN” (đình làng Cam Lộ Hạ)...

- Cấu trúc án thờ và phối trí thờ tự

Buổi sơ khai đình trần/nền đình/đình lộ thiên chỉ là một nền đất, hàng năm vào dịp “xuân thu nhị kỳ” dân làng tổ chức cúng tế để cầu bình an, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu... nhưng dần dần về sau mới thiết lập các án thờ cố định. Ban đầu án thờ được đắp bằng đất về sau được xây dựng bằng các vật liệu vôi hàu, mật mía hay xếp bằng gạch... và hiện nay được xây dựng bằng vật liệu kiên cố như gạch, xi măng, sắt thép... Án thờ là trung tâm của đình làng, là nơi thờ các vị thần bảo trợ cho dân làng, thờ những vị thủy tổ của các dòng họ có công khai khẩn tạo lập làng xã. Án thờ trong đình trần chỉ được tạo lập muộn nên mô típ án thờ được thiết kế theo mô típ án thờ của loại hình đình có nhà. Một số đình dựng án thờ theo kiểu án trần, mô phỏng theo kiểu án thờ của loại hình đình có nhà, như đình làng An Mô, đình làng Bích La Thượng, đình làng Thượng Nghĩa... Bên cạnh đó còn có loại án thờ được xây dựng theo dạng miếu có mái che, như đình làng Cam Lộ hạ (xã Thanh An, Cam Lộ).

Án thờ thường được bố trí theo hai mô thức: chiều ngang hoặc hình chữ U. Án thờ bố trí theo chiều ngang thường có 3 án thờ, ở giữa thờ Thành hoàng, bên tả thờ nhiên thần, bên hữu thờ nhân thần. Án thờ bố trí theo hình chữ U: gồm 3 án ở giữa và 2 án hai bên, hai án này là nơi thờ cô hồn, những người chết không có ai thờ tự và những dòng họ không có người nối dõi. 

Nhìn chung, đình trần/nền đình/đình lộ thiên là loại hình ra đời tương đối sớm trên vùng đất Quảng Trị. Trải qua biến thiên của lịch sử cho đến nay đình trần cũng đã có nhiều thay đổi từ chức năng đến diện mạo kiến trúc. Buổi ban sơ đình trần chỉ thực hiện chức năng duy nhất là nơi cúng tế, dần dần về sau được đặt thêm án thờ và trở thành nơi thờ tự chung của cộng đồng làng xã. Trong những năm gần đây, nhiều làng xã đã cùng chung tay trùng tu tôn tạo những ngôi đình trần tương đối qui mô và khang trang nhưng vẫn giữ lại nếp cũ đã tạo ra diện mạo kiến trúc cho loại hình đình làng trên vùng đất Quảng Trị mà không một vùng miền nào có được.

Sự tồn tại loại hình đình trần trên vùng Quảng Trị có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng: 

Sự ra đời của loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên thể hiện tư duy sáng tạo của người Việt trong việc duy trì nét văn hoá, tín ngưỡng trên miền đất mới

Người Việt trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam, định cư lập nghiệp trên vùng đất mới/Quảng Trị họ đã mang theo văn hoá, tín ngưỡng từ quê cha đất tổ. Trong buổi sơ khai lập nghiệp trên vùng đất được mạnh danh là “Ô châu ác địa”, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự ương ngạnh của cư dân bản địa hay sự uy nghi của những công trình tín ngưỡng đền, tháp của người Chăm để lại… đã làm cho người Việt phải vươn lên, xác lập chủ quyền của chính mình. Chính vì vậy, người Việt đi đến đâu thiết lập làng xã đến đó và các thiết chế đình, chùa, đền, miếu được tạo lập nhằm vừa xác định chủ quyền; đồng thời thoả mãn nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.

Trong buổi sơ khai còn nhiều khó khăn, người Việt chưa có điều kiện để dựng đặt những ngôi đình khang trang như ở quê nhà, họ đã biết chọn một địa điểm quan trọng trên địa vực cư trú để làm nơi cúng tế, cầu bình an, cầu mưa thuận gió hoà… những địa điểm này được xem như là đình làng nhằm duy trì nét văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng xã trên vùng đất mới. Loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ra đời tương đối sớm trên địa bàn Quảng Trị thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong việc duy trì văn hoá, tín ngưỡng trên vùng đất mới.

Sự tồn tại loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên trên địa bàn Quảng Trị làm phong phú loại hình đình làng

Nhắc đến đình làng người ta thường nghỉ ngay đến những ngôi đình khang trang, là nơi thờ các vị thần có công đối với cộng đồng làng xã; là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng… nhưng đối với loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên chỉ thực hiện một chức năng đó là nơi tổ chức cúng tế của cộng đồng làng xã.

Sự tồn tại loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên ở nhiều làng xã được hình thành sớm trên vùng đất Quảng Trị đã minh chứng cho sự ra đời sớm của đình làng. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nhiều làng xã có đủ tiềm lực để xây dựng những ngôi đình khang trang nhưng người ta vẫn giữ nếp cũ, bảo tồn nét văn hoá của cha ông trong buổi sơ khai. Chính sự bảo tồn loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên của một số làng xã cùng tồn tại song song với loại hình đình có nhà tạo thành nét đặc trưng và phong phú trong hệ thống đình làng Quảng Trị. 

*  *

*

Cùng với quá trình di cư thành lập làng xã của người Việt thì đình làng cũng được định hình và trở thành vật hoá thân của tâm thức xã hội truyền thống Việt Nam. Lập nghiệp trên vùng đất mới, đối diện với biết bao khó khăn nhưng cư dân Việt vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống của quê cha đất tổ. Trong buổi đầu, với bao khó khăn chưa thể dựng đặt được một ngôi đình khang trang, cộng đồng làng đã lập/đắp một nền đình để làm nơi cúng tế, cầu mưa thuận gió hòa, dân cư bình an... Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử cho đến nay nhiều làng xã trên địa bàn Quảng Trị vẫn bảo tồn loại hình đình trần/nền đình/đình lộ thiên làm phong phú loại hình đình làng.

Như vậy, từ buổi ban đầu đình làng được hình thành “theo bước chân của các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh trong các cuộc di dân, văn hóa Việt cổ có cơ hội để thoát ra khỏi những ràng buộc, khuôn phép vốn có ở đất Bắc để vượt lên, tỏa sáng trong không gian sinh thái nhân văn mới, đồng thời kế tục, kế thừa những gì vốn có trước đó, biến hóa cái của tiền chủ thành những cái của hậu chủ để đáp ứng với nhu cầu đời sống văn hóa của mình. Bên cạnh các làng xóm vừa mới tạo lập, các thiết chế văn hóa làng xã phục vụ cho đời sống sản xuất, đời sống sinh hoạt tinh thần dần được gây dựng3.

                                                                                                                                                                                  Nguyễn Thị Thanh Bình

 

Chú thích

1 Ban Quản lý Di tích tỉnh Quảng Trị. Lý lịch di tích Đình làng và Chợ Phiên Cam Lộ. Quảng Trị, 2018. Lưu tại Ban Quản lý Di tích tỉnh (nay là Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh), tr. 31.

2 Mỗi kỳ tế lớn, mỗi hộ dân Thượng Nghĩa đóng góp 2 cây tre và 5 manh tranh để dựng rạp.

3 Sở Văn hóa - Thông tin. Lịch sử Ngành VH-TT Quảng Trị (1945 - 2000), tr. 10.

XEM THÊM VỀ THÔNG TIN KHOA HỌC
MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN HÁN NÔM LÀNG XÃ QUẢNG TRỊ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, BÓC PHONG HÓA, NHẬN DIỆN CẤU TRÚC GIẾNG SỐNG DẤU ẤN PHẬT GIÁO CHAMPA VÙNG QUẢNG TRỊ ĐỜI SỐNG KINH TẾ CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở MIỀN TÂY QUẢNG TRỊ MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN TRONG TỔ CHỨC LÀNG BẢN CỦA NGƯỜI BRU - VÂN KIỀU VÀ TÀ ÔI Ở QUẢNG TRỊ SỰ CHUYỂN BIẾN VỀ ÐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH VIỆT HÓA VĂN HÓA CHAMPA TRÊN VÙNG ÐẤT THUẬN HÓA TỪ MIẾU THỜ CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG ĐẾN CHÙA LONG PHƯỚC