Thông tin khoa học
ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN Ở QUẢNG TRỊ

Cập nhật ngày: 4/23/2020 9:25:35 AM

Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) là vị chúa đầu tiên của dòng họ Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất mới Thuận - Quảng. Ông là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển xứ Đàng Trong. Để xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới với bao khó khăn, thách thức, bên cạnh việc ổn định cuộc sống, xây dựng và phát triển kinh tế thì vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo an ninh chính trị cho vùng đất nơi ông quản lý. Vì thế, việc tổ chức lực lượng quân đội hùng mạnh cũng được Nguyễn Hoàng quan tâm xây dựng ngay từ khi mới vào trấn thủ vùng Thuận Hóa.    

Năm 1558, sau khi nhận lệnh của vua Lê vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng theo đường biển đến cửa Việt Yên, sau đó đi ngược sông Thạch Hãn và dừng chân tại bãi cát có tên là Sa Khư (bãi Cồn Cờ) thuộc làng Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong). Buổi đầu trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã thực thi một chính sách cai trị khoan hòa, mềm dẽo, hợp lý và công bằng nhưng rất nghiêm minh. Chúa lấy yếu tố nhân hòa làm đức trị để “yên chỗ cho dân, theo phong tục của dân, mở mối lợi, trừ mối hại, đó là việc đầu tiên trong việc vỗ trị xứ Thuận Quảng vậy1. Để những chính sách đó thực thi có hiệu quả, chúa Nguyễn khuyến khích, tạo điều kiện cho dân cư khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác, ổn định cuộc sống... Sau một thời gian trấn thủ vùng Thuận Hóa, nhờ những chính sách cai trị khoan hòa trên mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã thu hút được một số lượng lớn dân cư từ vùng Thanh - Nghệ đến đây khai phá, lập làng. Rất nhiều làng mạc được lập mới, tạo nên sự trù phú cho vùng đất “ô châu ác địa” trước đây.

Đối với chính sách thu hút nhân lực, các chúa Nguyễn đã thành công trong việc vận dụng các yếu tố thần linh để thu phục nhân tâm trên vùng đất mới, những chính sách đó là hợp lòng người, thuận ý trời. Chính vì vậy, từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã thu phục được nhiều danh tướng, nhân sĩ đi theo phò giúp như: Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Trị, Nguyễn Đình Thân, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến… Cùng với chúa Nguyễn, những lực lượng trí thức tài năng này đã có công rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và mở rộng lãnh thổ Đàng Trong. Ghi nhận về vai trò của Nguyễn Hoàng, các sử gia của triều Lê chép: “Đất Thuận Quảng lại được yên. Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp2. Lê Qúy Đôn nhận xét: “Đoan quận công có uy lực, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp3.

Bên cạnh sử dụng những chính sách mềm dẽo, hợp lý để tạo nền tảng vững chắc trên bước đường dừng chân, Nguyễn Hoàng còn đứng trước những khó khăn thử thách đòi hỏi ông phải thực hiện đó là xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh. Bởi lẽ, vùng đất Thuận - Quảng lúc bấy giờ cư dân với đủ loại thành phần phức tạp, sẵn sàng nổi dậy chống lại chính quyền sở tại; là địa bàn lý tưởng cho những anh hùng thảo dã chọn làm chỗ nương thân; là nơi quân nhà Mạc vẫn đang còn chiếm đóng. Và hơn thế nữa, họ Trịnh ở Đàng Ngoài cũng có thể tấn công bất cứ lúc nào. Đứng trước những khó khăn, thử thách đó, các chúa Nguyễn đã xây dựng một thể chế chính trị mang đậm tính chất quân sự, lấy quân đội làm chỗ dựa, ưu tiên việc binh và từng bước xây dựng, tổ chức quân đội vững mạnh. Cách thức ông chọn vị trí để đóng thủ phủ cũng thể hiện rất rõ tính chất quân sự. Cả ba dinh đều có sông bao bọc xung quanh làm hàng rào tự nhiên che chắn, đó là hệ thống sông Thạch Hãn, Ái Tử và Vĩnh Phước. Hệ thống sông này được bố trí lực lượng quân đội phòng thủ giữ những vị trí then chốt: cơ Tả Kiên và Tiền Kiên chốt giữ khu vực “cổ chai” giữa sông Thạch Hãn và sông Ái Tử. Ba cơ còn lại là Trung Kiên, Hữu Kiên và Hậu Kiên kiểm soát sông Vĩnh Định và phía thượng lưu sông Thạch Hãn. Từ dinh Ái Tử, tọa lạc ở tả ngạn sông Thạch Hãn, về mặt chiến lược quân sự, đoạn sông uốn công này là một thế phòng thủ đường thủy đắc địa, có lợi cho cả 3 mặt bắc, đông và nam của doanh trại, còn phía tây có một chi lưu bao bọc đó là sông Ái Tử. Từ đây, quan trấn thủ Nguyễn Hoàng mới có thể kiểm soát vùng đất cũng như khống chế con đường bộ chính từ bắc vào nam, vừa khống chế tuyến đường thủy quan trọng vào phía trong. Ngoài ra, hệ thống các công trình quân sự - kho tàng được phân bố rộng khắp khu vực của lỵ sở ở Ái Tử - Trà Bát - Dinh Cát, bao gồm: Mô Súng, Bãi Trận, Cồn Kho, Tàu Tượng, Cồn Tập… Chính sự củng cố về quân sự này đã tạo tiền đề cho sự phát triển vùng đất Quảng Trị về cả phương diện chính trị và kinh tế. Li Tana đã nhận xét rằng: “Đàng trong được tổ chức như một chế độ quân sự, đặc biệt vào thế kỷ 17. Vua là người lãnh đạo cao nhất của lực lượng vũ trang hay đúng hơn người ta chỉ có thể làm vua với tư cách là tướng tổng chỉ huy quân đội... cả nước đặt dưới quyền kiểm soát của các quan võ. Từ "Dinh" có nghĩa là đạo quân đã được sử dụng để gọi một đơn vị hành chính[1].

Quân đội của các chúa Nguyễn có bộ binh, thủy binh và tượng binh, chia làm thuyền, đội, cơ, dinh. Thuyền là đơn vị thấp nhất. Điều khiển đội có Cơ đội và Đội trưởng, điều khiển cơ có Chưởng cơ và Cai cơ. Dinh là một quân đoàn, cũng gồm nhiều thuyền, đội như cơ, do Chưởng dinh cầm đầu. Chưởng dinh là chức quan cao nhất trong quân đội. Số binh và ngạch binh dưới thời các chúa Nguyễn chia ra làm nội binh là ở Chính dinh và Cát dinh, và ngoại binh là binh ở các dinh, trấn khác, số binh lính này thường lấy dân địa phương để canh giữ các nơi, binh ấy gọi là thổ binh hoặc tạm binh hay thuộc binh. Các chúa Nguyễn tin dùng những người trong họ, trong huyện và xứ Thanh Hoa “Chưởng dinh, Chưởng cơ, Cai cơ, Cai đội, không phải hạng ấy thì không được sung tuyển. Con cháu họ đời đời được nhiêu miễn. Người ở xứ Thuận Quảng thì gọi là bách tính, người cầu xin làm chức cai đội thì chỉ cho chức cai đội, đội thủ ngự đầu nguồn và đội thổ binh (tạm binh, thuộc binh), con cháu họ không được miễn thuế…” [2].

Khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã đặt binh chế gồm 5 cơ: Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Việc sắp đặt này được Lê Quý Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục: “Dinh Cát... có cơ Trung Kiên, thuộc về đấy là các thuyền Nhung súng, Thắng trụ (mỗi thuyền có 50 người), Kiên đao nhất, Kiên đao nhị (mỗi thuyền 49 người), Tả súng, Tiền súng, (mỗi thuyền 45 người), 6 thuyền cộng 288 người. Có các cơ Tả kiên, Hữu kiên, Tiền kiên, Hậu kiên, mỗi cơ đều 5 thuyền (mỗi thuyền 45 người), cộng 225 người, 20 thuyền cộng 900 người. Có đội Thắng Thủy, thuộc về đấy là 2 thuyền Uy nhất, Minh nhị (mỗi thuyền 55 người), cộng 110 người. Có cơ Kiên tượng, quản mục và quân bắn 30 người. Các chiến binh trên đây cộng 1.328 người...” [3]. Ngoài số binh trên còn có một bộ phận chiếm số lượng không nhỏ là binh lính làm những công việc khác như: cắt cỏ ngựa, giữ từ đường, phủ, kho vườn, thợ tàu… Sau khi quân đội Đàng Trong được tổ chức lại, binh lính của 5 cơ này đều bị thải hồi và quân lính tạo thành các cơ này vẫn tiếp tục ở trên phần đất mà họ đóng quân, nhưng đó không còn là các cơ nữa mà là các làng. Đây chính là nguồn gốc hình thành nên các làng Trung Kiên, Tả Kiên, Hậu Kiên, Hữu Kiên ở Quảng Trị ngày nay.  

Quân lính thời chúa Nguyễn được huấn luyện theo binh pháp, được trang bị đủ các loại vũ khí, các chiến thuật chiến đấu “về binh pháp và cách cai trị trong chinh chiến thì cũng gần như ở châu Âu. Họ cũng giữ các luật lệ để huấn luyện binh lực, đánh du kích, tấn công và rút quân7. Các chúa Nguyễn thường xuyên tăng cường, rèn luyện quân đội của mình nhằm mục đích đào tạo một quân đội đông về số lượng và mạnh về chất lượng. Bắt đầu từ việc tuyển quân, bắt lính. Việc tuyển quân, bắt lính cũng có quy định chặt chẽ, những quy định này được đặt ra từ thời Hồng Đức. Cứ 6 năm một lần tuyển lớn gọi là “Đại điển”, 3 năm một lần tuyển duyệt nhỏ gọi là “Tiểu điển”. Đến năm tuyển duyệt thì tháng giêng sai các tổng, xã làm sổ hộ tịch, để riêng dân chánh hộ là dân chánh quán ở xã và dân khách hộ là dân ngụ cư rồi chia ra các hạng: Tráng, Quân, Dân, Lão, Tật, Cố, Cùng, Đào. Đến tháng 6 thì duyệt tuyển. Chúa Nguyễn cũng quy định những trường hợp cụ thể được miễn đi lính, bao gồm “những tên nào 50 tuổi trở lên và thấp bé cô độc đều được miễn; ai có con trai hai người, thì cho một người giữ nhà; cha mẹ già mà không có con gái, chỉ có con trai thì được miễn. Những dân mới về hay đến địa phương nào sinh sống thì được miễn đi lính trong 3 năm để yên nghiệp làm ăn. Những người có tên được tuyển chọn đi lính thì được miễn công dịch 3 tháng, các khoản nợ cũ của bản thuyền không phải trả và không phải đóng góp tiền để mua đồ dùng. Nếu, thuyền nào có người trốn thì trình quan cai, sai người truy nã ngay, 10 ngày không được thì về trình quan hũy ty, truyền cho xã ấy bắt phải truy nã, hạn cho ba tháng không được thì cấp người khác thay thế…” 8.

Song song với việc tuyển quân và bắt lính, các chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc rèn luyện cho binh sĩ bằng các cuộc thao diễn từ thủy binh, tượng binh... cho đến kỵ binh, pháo binh. Với cách thức diễn tập phong phú như bắn cung, bắn súng, thi ngựa, diễn voi, thao diễn thủy binh, bộ binh... quân đội của chúa Nguyễn ngày càng tinh nhuệ.

Về trang bị vũ khí: Dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ba binh chủng quan trọng nhất là bộ binh, pháo binh, thủy quân và tượng binh trong đó bộ binh là lực lượng cơ bản. Về thủy binh, chúa Nguyễn đẩy mạnh phát triển các loại thuyền chiến. Đến thế kỷ XVII, ở Đàng Trong, với chính sách mở cửa, các chúa Nguyễn đã tận dụng cơ hội đó để mua các chiến thuyền cũng như tiếp cận những kỹ thuật đóng thuyền mới. Qua sự mô tả của một số tài liệu cho thấy sự phát triển cũng như sự chú trọng của các chúa Nguyễn đối với binh chủng này.

Trong Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm hay trong “Việt sử xứ Đàng Trong”, có đoạn nói đến chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con trai thứ 6 (Nguyễn Phúc Nguyên) đi đánh giặc Hiển Quý ở ngoài biển Cửa Việt (1585) thì thấy có sử dụng thuyền chiến lớn và súng: “đoàn thuyền như một con trường xà đuổi tới, tiếng súng đồng loạt phát nổ, vang động đất trời, hai tàu giặc bị bắn vỡ 9. Theo ghi chép của Cristophoro Borri “… ngài có một trăm thuyền chiến và hơn nữa, chúa rất mạnh về đường biển, như đã mạnh về đường bộ vì có súng ống10. Chi tiết chứng tỏ vào thời điểm này, thuyền chiến và trọng pháo đã là thế mạnh của quân đội chúa Nguyễn. Về tượng binh có tầm quan trọng lớn đối với quân đội Đàng Trong nhờ tận dụng lợi thế của vùng Thuận Quảng nói chung và Quảng Trị nói riêng lúc bấy giờ với nguồn voi dồi dào. Những cái tên như Cồn Voi, Tàu Tượng… nằm rãi rác quanh khu vực Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát… đã cho thấy tầm quan trọng của đạo tượng binh thời kỳ này.

Sự lớn mạnh của lực lượng quân đội không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Tiên và chúa Sãi chống lại các cuộc chiến của dư đảng nhà Mạc, với chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, mà còn giúp trấn áp, ổn định tình hình trong nước, phát triển kinh tế và mở mang bờ cõi về phương nam. Sử liệu cũng đã ghi lại các sự kiện này: “Tháng 7 năm 1571, nhà Lê phong Mỹ Lương làm tham đốc, Văn Lan, Nghĩa Sơn làm thư vệ, Trịnh Kiểm nhân mật sai đánh úp dinh Vũ Vương, hẹn nếu thành công sẽ trọng thưởng... Chúa biết được mưu ấy liền sai phó tướng Trương Trà (bấy giờ xưng là Trà quận công) đánh Nghĩa Sơn và tự đem quân ngầm đến Cầu Ngói đánh úp Mỹ Lương và đốt trại. Mỹ Lương trốn chạy, đuổi chém được.... 11. Cùng năm trên, “Quảng Nam cũng có bọn thổ mục nổi loạn, cướp giết lẫn nhau, Nguyễn Hoàng sai thuộc tướng Mai Đinh Dũng dẹp yên, nhân đấy, sai ở lại giữ đất ấy để thu phục vỗ yên tàn quân. Mùa thu, tháng 7, năm 1572, tướng Mạc là Lập Bạo đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương xã Lãng Uyển... Chúa đem quân chống giữ... bằng mỹ nhân kế, Nguyễn Hoàng đã nhanh chóng đánh bại quân Mạc, giết được Lập Bạo. Sau trận này, thanh thế của Nguyễn Hoàng nổi khắp gần xa, khiến quân Mạc kinh sợ, không dám vào cướp phá và quấy rối nữa12. Đến năm năm Ất Dậu (1585), “bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý tặc đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Nguyễn Hoàng sai Nguyễn Phúc Nguyên lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền, giặc Hiển Quý sợ chạy...” 13.

Bên cạnh chú trọng xây dựng lực lượng quân sự, chúa Nguyễn cũng tổ chức bố phòng nghiêm ngặt những vùng hiểm yếu, thiết lập kho tàng để tích trữ lương thực, cắt cử những người có tài đức trấn thủ những nơi quan trọng, nhất là những vùng đất mới. Chính điều đó đã làm cho quân đội Đàng Trong ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.Lúc mới vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng chỉ có 1000 thủy quân, không có quân bộ. Chẳng bao lâu, quân đội dưới thời Nguyễn Hoàng đã có đủ thủy bộ, được trang bị khá tốt. Đến đời Nguyễn Phúc Nguyên, binh số của họ Nguyễn đã có hơn 3 vạn 14.

Thư của chính quyền Đàng Trong gửi cho chính quyền Nhật Bản năm 1624 (Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu - Nhật Bản)

 

Có thể thấy trong bối cảnh tình hình chính trị có nhiều biến động, vì cơ đồ riêng của dòng họ, chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã ra sức xây dựng và tổ chức một lực lượng quân đội hùng mạnh, biên chế thành nhiều binh chủng, trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại đương thời đã giúp quân đội các chúa Nguyễn ở Đàng Trong duy trì được ưu thế trong các cuộc đối đầu với chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, ổn định tình hình Đàng Trong, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý dân cư cũng như phát triển kinh tế và công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam./.

Hoàng Ngọc Thiệp


1 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1977, tr. 50.

2 Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993, tr. 147.

3 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội, 2007, tr. 62.

[1] Li Tana. Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2014, tr. 64.

[2] Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 195 - 196.

[3] Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 238.

7 Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 1998, tr. 84.

8 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 232 - 233.

9 Nguyễn Khoa Chiêm. Nam triều công nghiệp diễn chí. Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội, 2003, tr. 40.

10 Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621. Sđd, tr. 83.

11 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2004, tr. 29 - 32.

12 Nguyễn Khoa Chiêm. Nam triều công nghiệp diễn chí. Sđd, tr. 26.

13 Nguyễn Khoa Chiêm. Nam triều công nghiệp diễn chí. Sđd, tr. 26.

14 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội, 2007, tr. 238.

XEM THÊM VỀ THÔNG TIN KHOA HỌC
MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN HÁN NÔM LÀNG XÃ QUẢNG TRỊ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, BÓC PHONG HÓA, NHẬN DIỆN CẤU TRÚC GIẾNG SỐNG ĐÌNH TRẦN - NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG TRONG KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG QUẢNG TRỊ DẤU ẤN PHẬT GIÁO CHAMPA VÙNG QUẢNG TRỊ ĐỜI SỐNG KINH TẾ CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở MIỀN TÂY QUẢNG TRỊ VÀI NÉT VỀ NÔNG NGHIỆP CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ XƯA KỸ THUẬT XÂY DỰNG GIẾNG CHĂM (DẪN LIỆU TỪ VÙNG QUẢNG TRỊ)