Cập nhật ngày: 6/6/2021 8:08:59 PM
Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh Quảng Trị đã gặt hái được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Trong những thành tựu ấy có vai trò và sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Quảng Trị có hai tộc người thiểu số là Bru - Vân Kiều và Tà Ôi với gần 57.000 người, chiếm 9,05% dân số của tỉnh; cư trú tại 42 xã, 246 thôn bản tập trung chủ yếu ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã thuộc huyện Cam Lộ, Do Linh và Vĩnh Linh.
Ngày 27-12-1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đây là nghị quyết quan trọng về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tư duy trong chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi trong thời kỳ đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.
Cụ thể hoá nghị quyết quan trọng trên, hàng loạt chương trình, chính sách, dự án đã được triển khai ở vùng dân tộc thiểu số như: chương trình xóa đói giảm nghèo; chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (chương trình 135); các chương trình Quốc gia về giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch và vệ sinh môi trường; chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, cấp báo tạp chí đến các xã đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua được sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào Bru Vân Kiều và Tà Ôi, đời sống kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Trong sản xuất, các địa phương và nhiều hộ gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên đời sống đã khá dần lên, tạo ra nguồn vốn tích lũy để phát triển. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao, chiếm 69% so với mức bình quân chung của tỉnh là 17%.
Trong năm 2008, thực hiện một số chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về dân tộc và miền núi, kết quả đạt được đã tạo đà phát triển cho vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vươn lên. Chương trình 134 với tổng vốn kế hoạch 35,19 tỷ đồng, tỉnh đã giao các huyện làm chủ đầu tư hỗ trợ làm 825 nhà; hỗ trợ đất sản xuất 514 ha và dành 25,03 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung và phân tán cho nhân dân. Chương trình 135 năm 2008 có tổng vốn kế hoạch trên 42,752 tỷ đồng; trong đó dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là 24, 282 tỷ đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gần 10 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 4 trạm truyền thanh ở hai huyện Hướng Hoá và Đakrông trị giá 400 triệu đồng. Cùng với các chương trình trên, thực hiện chính sách trợ giá trợ cước, năm 2008, tỉnh được giao vốn 2,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trợ giá trợ cước được chuyển thành hàng hoá chuyển giao các địa phương gồm 700 tấn muối iốt; 2.200 tấn phân bón; trợ cước tiêu thụ vận chuyển được 4.400 tấn nông sản hàng hoá và hỗ trợ giống cây trồng đạt 500 triệu đồng. Đối với các dự án định canh định cư, vốn kế hoạch được giao 3 tỷ đồng để xây dựng dự án định canh định cư tập trung Ra Heng, thôn Cu Dong, xã Húc, huyện Hướng Hoá; dự án định canh định cư tập trung Ka Lu - Chân Rò xã Đakrông; dự án định canh định cư tập trung Pi Rao xã A Ngo, huyện Đakrông được hỗ trợ để làm đường vào điểm định cư, san mặt bằng và rà phá bom mìn.
Để triển khai hiệu quả công tác dân tộc, Ban Dân tộc và miền núi tỉnh đã xây dựng hoàn thành “Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo” và Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010; hoàn thành kế hoạch chuyển danh mục hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 134 sang làm kênh mương nội đồng; tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Kon Tum và Nghệ An, tổ chức lớp học tiếng Bru - Vân Kiều cho cán bộ xã và huyện tại Hướng Hoá.
Sự nỗ lực cố gắng trong chỉ đạo điều hành của Ban Dân tộc và miền núi tỉnh cùng với sự cố gắng vươn lên của nhân dân trên địa bàn đã tạo được bước chuyển biến mới. Hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Trị có 42/42 xã đã phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, tỉ lệ huy động trẻ em đủ tuổi đến trường đạt 95%. Năm học 2008 - 2009 đã xây dựng mới 3 trường phổ thông trung học ở 3 cụm xã: Tà Rụt (ĐakRông), A Túc và xã Hướng Phùng (Hướng Hoá). Về y tế, 100% xã có trạm y tế được trang cấp thiết bị y tế đầy đủ, trong đó có 3 xã đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ, năm qua đã cấp sổ khám chữa bệnh miễn phí cho 13.566 hộ/71.607 khẩu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã thuộc chương trình 135. Hiện nay, 100% các huyện đã có trung tâm y tế, bác sỹ và cán bộ y tế. Hầu hết các xã đã có trạm y tế và y sỹ. Đa số thôn bản đã có cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 20%, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng muối iốt phòng chống bệnh bướu cổ. Dịch sốt rét ở vùng dân tộc thiểu số đã được ngăn chặn. Mạng lưới điện quốc gia về các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư phát triển nhanh chóng: 100% số huyện và xã có điện, trên 90% số hộ được dùng điện. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Có trạm truyền thanh, phát thanh bằng tiếng dân tộc. 100% số xã có điện thoại, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
Là địa phương còn khó khăn về kinh tế nhưng Quảng Trị đã sớm có các chính sách chăm lo đời sống cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2003, kỳ họp thứ 9-HĐND tỉnh Quảng Trị khóa IV đã ban hành Nghị quyết 9g/NQ-HĐ thông qua đề án “Hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị’’. Một năm sau, Chính phủ ban hành Quyết định 134/QĐ-TTg: “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”. Thế là chủ trương xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, đặc biệt các hộ dân tộc thiểu số của Quảng Trị có thêm một nguồn lực mới từ Trung ương để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Trị. Tính đến cuối năm 2009 tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng được 5.385 nhà, trong đó huyện Hướng Hóa 2.830 nhà, Đakrông 2.105 nhà, Vĩnh Linh 243 nhà, Do Linh 160 nhà, Cam Lộ 47 nhà. Tổng kinh phí thực hiện bao gồm ngân sách Trung ương, tỉnh và các tổ chức từ thiện tài trợ là 44.070 triệu đồng. Định mức hỗ trợ cho mỗi nhà từ 8 - 9,2 triệu đồng/nhà. Trong năm 2010 số nhà trên toàn tỉnh cần được hỗ trợ xây dựng là 2.034 hộ và còn khoảng 1.000 hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở trong những năm tới. Do vậy hiệu quả từ chương trình mang lại rất lớn, tạo hiệu ích kép trong chủ trương thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào nghèo. Đặc biệt, cơ bản giải quyết thực trạng nhà ở dột nát, tạm bợ cho hơn 5.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân vùng cao.
Trong năm 2009, các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào được tổ chức theo đúng phong tục tập quán, các hoạt động xây dựng thôn, làng văn hoá ngày càng được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, hiện có 90% số hộ được nghe đài phát thanh, 85% số hộ được xem truyền hình của Trung ương và địa phương.
Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn, đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đã có những bước trưởng thành. Số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học tăng lên nhiều so với các nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Ngày 16 tháng 12 năm 2009, Đại hội đại biểu dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất đã được tổ chức. Tại đại hội, gần 200 đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho gần 60.000 đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến thảo luận nhằm tìm ra hướng phát triển kinh tế bền vững, giúp bà con nâng cao đời sống, từng bước giảm khoảng cách giàu nghèo so với các xã miền xuôi. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã tặng bằng khen cho 7 tập thể và 19 cá nhân là người Vân Kiều, Pa Cô có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống kinh tế qua các thời kỳ cách mạng. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nồng cốt, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm. Tổ chức các hội nghị với các già làng, trưởng thôn, bản và những người có uy tín trong dòng họ để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị được cải thiện đáng kể, đến nay không còn hộ đói. Đồng bào dân tộc thiểu số đã biết định canh, định cư để ổn định cuộc sống, biết tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 20 qua, những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của đất nước có vai trò đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số và không phải ai khác, chính đồng bào đang được thụ hưởng những thành quả lớn lao mà sự nghiệp đổi mới đất nước mang lại./.
Ngô Thị Sâm Dung
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN