Cập nhật ngày: 5/10/2022 12:47:31 AM
1. Lịch sử phát hiện, nghiên cứu
Giếng Sống (giếng An Khê) là một giếng cổ, giếng nằm dưới chân quả đồi thấp thuộc địa phận thôn Hải An, xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Nguyên trước năm 1975, phần đất đai thôn Hải An ngày nay thuộc sự quản lý của thôn An Khê, xã Gio Sơn; trước đó nữa là của người Chăm. Với chính sách di dân khai phá đất đai sau ngày đất nước thống nhất của chính quyền, một bộ phận người dân các xã thuộc huyện Hải Lăng và nhiều vùng khác trong tỉnh được đưa lên làm kinh tế mới và lập nên xã Hải Thái. Do định cư trên phần đất của thôn An Khê trước đây, nên người đến sau, khi sinh sống trên đó, thấy giếng nước, sử dụng và gọi tên theo tên gọi ngôi làng trước đó là giếng An Khê. Trong quá trình nghiên cứu, bóc phong hóa, nhận diện cấu trúc giếng An Khê, chúng tôi đã trở về làng An Khê, xã Gio Sơn. Làng An Khê, trong thời kỳ chiến tranh, ở những năm 1966, 1967, khi quân đội Mỹ xây dựng hàng rào điện tử Mc. Namara đã cho dồn một bộ phận người dân ở đây về vùng Quán Ngang, kể từ sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền định cư cho người dân làng An Khê trên phần đất của làng Phú Phụng, xã Gio Sơn.
Theo những người lớn tuổi đã từng sinh sống ở làng An Khê cũ, giếng có tên là giếng Sống - nguồn nước mang lại sự sống cho người dân; ở đây đã từng tồn tại các công trình tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng An Khê (đình làng, các miếu thờ, nhà thờ họ...), hiện nay mặc dù sinh sống trên đất của làng Phú Phụng, nhưng đến ngày rằm tháng 2 hàng năm (trước đây vào ngày rằm tháng 7) người dân trở lại làng gốc, ở đây vẫn còn nền đình và tiến hành tế lễ. Từ việc truy nguyên nguồn gốc tên giếng, từ đây gọi tên giếng này là giếng Sống; trong một chuyên khảo của Madelenie Colani về Cách sử dụng đá trong thời xa xưa ở An Nam - Indonésie - Assam đăng tải trong tập sách Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) tập XXVII - 1940 do Nxb Thuận Hóa ấn hành năm 2012 đã gọi tên giếng này là giếng Song.
Giếng Sống này cũng giống như nhiều giếng nước khác vẫn âm thầm chảy, nguồn nước của nó đã mang lại sự sống cho bao thế hệ người dân và cỏ cây quanh vùng. Bẵng đi một thời gian dài, dưới sự tác động của thời gian, của chiến tranh và cả của con người đã làm cho giếng nước này trở nên hoang phế và chưa có ai lật mở trang sử về nó.
Năm 2020, được sự đồng thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành đợt nghiên cứu, khảo sát các giếng cổ trên địa bàn toàn tỉnh. Được sự trợ giúp của chính quyền và người dân địa phương, đã phát hiện giếng cổ này. Giếng nằm ngay dưới chân của một vùng đồi thấp thuộc thôn Hải An - đây là giếng nước khai thác nước theo cơ chế mở, lấy nước từ mạch tự chảy. Nhưng điều đặc biệt của giếng Sống là ở nền giếng phát lộ một trụ đá, trên đó các dấu vết của xẻ ngoàm, các đường rảnh, chốt mộng, trên eo cổ tạo tác hình lá đề; cách đó chừng 10m cũng phát hiện một trụ đá khác tương tự mà chúng ta nhận thấy lưu ảnh của nó ở giếng đá An Xuân, Cẩm Thạch, Kim Đâu. Từ những phát hiện đó, để hội đủ các điều kiện đưa giếng Sống vào danh mục lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu về giếng cổ này.
2. Nghiên cứu, bóc phong hóa nhận diện cấu trúc giếng Sống
Giếng Sống nằm dưới chân một triền đồi thấp, cây bụi, cỏ dại phủ kín và đất đá vùi lấp rất khó nhận diện được đây là một giếng nước. Khu vực giếng Sống tọa lạc là đất trồng cây cao su của hộ gia đình Lê Thị Sang, trên khu đất này có các viên đá cuội bazan nằm ngỗn ngang; trong đó có một trụ đá nằm cách đầu giếng chừng 10m về phía nam, đầu trụ đã bị gãy chỉ còn lại các đường gờ, chân trụ có đường rãnh sâu (kích thước dài 66cm x rộng 49cm). Ở trung tâm giếng, ngay chỗ đường nước cũng phát hiện một trụ đá khác, trụ đá này còn nguyên vẹn, đầu trụ tạc hình lá đề, thân có lỗ mộng, chân trụ tạo thành chốt mộng (kích thước dài 95cm x rộng 22cm x dày 23 cm). Khảo sát mở rộng quanh khu vực giếng, nhận thấy bề mặt xuất lộ rất nhiều mảnh sành có xuất sứ từ các lò gốm ở miền Bắc thuộc các thế kỷ XV - XVI, bên cạnh đó có mảnh gốm Chăm sớm.
Từ khảo sát bề mặt và hiện trạng giếng Sống như thế, để làm rõ cấu trúc giếng thì phải bóc phong hóa bề mặt của nó, nghĩa là bóc đi lớp đất được bồi lắng qua thời gian. Sau khi làm sạch bề mặt, phát quang cây bụi chúng tôi nhận thấy nền giếng, đầu giếng ngổn ngang những viên đá cuội bazan, trong đó có các thớt đá có rảnh nằm trên đầu giếng (thớt thứ 1), cách trung tâm miệng giếng 2,5m (kích thước dài 72cm x rộng 33cm x dày 16 cm); bên trái nền giếng theo hướng dòng chảy, cách miệng giếng 2,7m có thớt đá lớn (thớt thứ 2), các mặt, trừ mặt bụng được chế tác tạo thành mặt phẳng, mặt bụng ở viền ngoài tạo thành đường gờ nổi, có lỗ mộng hình vuông (kích thước dài 84cm x rộng 43cm x dày 25 cm); cách miệng giếng 1,2m có thớt đá khác (thớt thứ 3) các mặt cũng được chế tác tạo thành mặt phẳng (kích thước dài 73cm x rộng 38cm x dày 23 cm); cách miệng giếng 1,6m có thớt đá khác (thớt thứ 4), các mặt cũng được chế tác tạo thành mặt phẳng (kích thước dài 83cm x rộng 36cm x dày 20 cm); cách miệng giếng 3,9m cũng có một thớt đá (thớt thứ 5) (kích thước dài 65cm x rộng 35cm x dày 27 cm).
Căn cứ vào hiện trạng khu vực giếng và hướng dòng chảy, chúng tôi đã giăng dây, mở hố để bóc phong hóa. Hố bóc phong hóa được mở theo hướng dòng chảy, tức là hướng tây bắc - đông nam với diện tích 56m2 (kích thước chiều tây nam - đông bắc 7m, chiều đông nam - tây bắc 8m) đây cũng là không gian của khu vực giếng, có sự tồn tại của bể giếng và mương dẫn (đường nước).
Tiến hành bóc phong hóa, lấy miệng giếng và dòng chảy làm trung tâm, sau đó mở rộng ra xung quanh để làm lộ cấu trúc của giếng, nghĩa là bóc đi lớp đất để làm lộ những viên đá được sử dụng để xếp, kè miệng giếng, nền giếng. Bóc phong hóa giếng cổ theo cơ chế mở như loại giếng này khác nhiều so với việc thăm dò khảo cổ các công trình khác, không thể thực hiện theo các lớp, các ô mà tùy thuộc vào kích thước các viên đá, nó trải dài hay ăn sâu xuống lòng đất. Do đó các bước tiến hành phải dùng cuốc nhỏ, bay để từ từ bóc đi lớp đất thời gian phủ bề mặt. Trong quá trình bóc phong hóa, xuất hiện trong các lớp đất là những viên đá đủ hình thù, nhiều kích thước, các mảnh gốm Việt miền Bắc, những mảnh bát hứng mũ cao su thời hiện đại, các bao nylon, bao cát của con người sử dụng trong mấy chục năm trước đều được chôn lấp trong lớp đất này.
Ở nền giếng bên phải theo hướng dòng chảy, đất bồi lắng nhiều hơn nền giếng bên trái, nhưng không nhiều, điều này cho biết sự rửa trôi lớp đất phía triền đồi không lớn, chỉ từ 10cm đến 30cm, có nơi đến 50cm, bóc hết lớp đất này đã bắt đầu lộ diện các hòn đá đủ các kích cỡ, có những viên đá cuội bazan tự nhiên; có những thớt đá được chế tác công phu tạo thành các đường gờ, đường rảnh, lỗ chốt, lỗ mộng... Ở phần đất góc tây nam có ụ đất cao hơn mặt đất nền chừng 50cm, trong ụ đất này lẫn đá cuội bazan với nhiều kích cỡ được người dân hất lên từ việc đào mương thủy lợi trong những năm trước.
Tiếp tục làm lộ các cụm đá ở trung tâm hố bóc phong hóa về bên phải nền giếng, gần với mương dẫn. Sau khi bóc hết lớp đất bồi lắng, các thớt đá bắt đầu lộ rõ hình thù. Thớt thứ 6 nằm đối diện thớt thứ 5, thớt này nằm gần đường mương, các mặt đều tạo thành mặt phẳng, kích thước 54cm x 38cm x 27cm. Thớt thứ 7 nằm cách thớt thứ sáu 1,5m, một đầu tạo thành gờ, kích thước 67cm x 43cm x 27cm. Thớt thứ 8 nằm cách mép nước 1m, các mặt cũng tạo thành mặt phẳng, một đầu tạo thành gờ, kích thước 72cm x 34cm x 30cm. Nằm sát thớt đá thứ 8 về phía ruộng, ở giữa hố là thớt thứ 9, thớt này gần vuông, dày có chốt mộng một đầu, kích thước 51cm x47cm x 28cm, chốt mộng 8cm. Thớt thứ 10 nằm giữa hố bóc phong hóa, thớt này có kích thước khá lớn, có gờ tròn một đầu, đầu còn lại có đường gờ, kích thước 80cm x 33cm x 30cm. Thớt thứ 11 cách miệng giếng 6,5m các mặt đều tạo thành mặt phẳng, kích thước 68cm x 50cm x 20cm. Thớt thứ 12 nằm gần cuối hố thám sát, thớt này một đầu có chốt mộng, kích thước 50cm x 27cm, chốt mộng 8cm. Cũng ở giữa hố phát hiện thớt đá thứ 13, thớt này bị thớt thứ bảy đè lên, nằm nghiêng, kích thước 72cm x 37cm x 30cm. Cách thớt đá 13 khoảng 1m về phía mép nước lại xuất hiện hai thớt đá khác, hai thớt này nằm cạnh nhau và sâu hơn các thớt đá khác, kích thước thớt đá thứ 14 là 74cm x 30cm x 27cm, kích thước thớt đá thứ 15 là 80cm x 29cm x 30cm. Trong các lớp đất đá của lần bóc phong hóa này cũng còn xen lẫn các mảnh sành sớm nguồn gốc từ miền Bắc, nhiều bao nylon, bao cát thời hiện đại. Ở ngoài hố bóc phong hóa, ngay cạnh mép mương nước lại xuất lộ thớt đá khác, thớt đá thứ 16, thớt đá này hình trụ đứng, một đầu nhọn, đầu còn lại có chốt mộng, kích thước đo được là 70cm x 23cm, chốt mộng 5cm x 6cm. Ngoài ra, trên lô cao su, tại vị trí phát hiện một trụ đá trong lần khảo sát năm 2020, cũng phát hiện một thớt đá, thớt đá này hơi mỏng nằm lẫn lộn cùng với các viên đá cuội chẻ, cuội bazan, thớt đá có lỗ chốt nửa hình tròn ở 1/3 đầu thớt đá (11cm x 5cm) và đường gờ âm (7cm x 3cm), kích thước thớt đá là 54cm x 38 x 18cm. Bên trái nền giếng, phía xa cũng phát hiện thớt đá khác giống như thớt đá trên lô cao su nhưng bị gãy một nửa, nhận diện được nó chỉ nhờ vào phần còn lại của chốt tròn, kích thước là 42cm x 34cm x 21cm.
Trở lại với nền giếng bên phải. Sau khi làm rõ các viên đá cuội bazan, các thớt đá, chúng tôi tiến hành đo, vẽ, chụp ảnh và định vị vị trí của nó trên bản vẽ trước khi di chuyển các thớt đá được chế tác ra khỏi vị trí hố bóc phong hóa. Điều đặc biệt trong hố bóc phong hóa, ở nền giếng bên phải, là lần đầu tiên phát hiện được kỹ thuật của người xưa sử dụng đất sét đỏ để trét mạch giữa các lớp đá kè nhằm định hướng dòng chảy và chống thất thoát nguồn nước.
Ở nền giếng bên trái theo hướng dòng chảy, mặt bằng tương tự như nền giếng bên phải, bề mặt cũng xuất hiện các hòn đá cuội bazan nhiều kích cỡ và các thớt đá như mô tả ở trên. Tiến hành bóc phong hóa bề mặt, bề mặt được bóc phong hóa chủ yếu ở 1/3 cuối hố và sát mép nước. Trong lớp đất mỏng, chưa đủ một nhát cuốc, nhận thấy lớp đất này cũng là lớp đất được rửa trôi từ trên đồi xuống, trong đó lẫn các mảnh sành có cùng loại hình được tìm thấy tại nền giếng bên phải, mảnh vỡ của các bát hứng mũ cao su thời hiện đại, bao nylon, bao cát của mấy chục năm về trước, mảnh quai bình vôi men ngọc thuộc dòng gốm Islam... Ở sát mép nước gần đầu miệng giếng khoảng hơn 1m, nơi có thể là bể lắng xuất hiện nhiều viên cuội sông nhỏ nằm lẫn lộn trong lớp bùn đất, sỏi nhỏ của sự phun trào núi lửa. Trung tâm của nền giếng phía trái, sau khi bóc đi lớp đất mỏng được bồi lắng thì đến lớp đá phiến, sự kéo dài của vỉa đá từ miệng giếng, vỉa đá này ăn đến tận mép nước. Kết quả bóc phong hóa nền giếng chưa thấy xuất hiện các viên đá khác ngoài các thớt đá đã lộ rõ sau khi phát quang cây bụi, cỏ dại. Cũng giống như các thớt đá bên phải nền giếng, sau khi đo, vẽ, chụp ảnh thì di chuyển chúng lên phía trên.
Trở lại với miệng giếng. Miệng giếng là một vỉa đá phiến gồm nhiều lớp, kết cấu rời rạc, nhiều mảng bị vở ra khỏi vỉa. Miệng giếng nơi dòng nước từ chân đồi chảy ra rộng 1,2m nhưng do các mảng đá vở ra cùng với đất đã che mất hơn một nửa chỉ còn lại 50cm, mực nước tại thời điểm bóc phong hóa từ 10cm - 15cm, lưu lượng dòng chảy yếu. Ở hai bên miệng giếng, từ miệng ra đến 1m, rộng chừng 1m có nhiều viên đá được xếp, kè không theo một trật tự nào, có cả đá chẻ của thời hiện đại nằm lẫn lộn với nhau. Nền giếng bên trái là sự trải dài của vỉa đá ở miệng giếng, nền giếng bên phải không có sự trải dài của vỉa đá, người ta lấy đá cuội tạo thành nền giếng. Cũng với các thao tác kỹ thuật đó, tiến hành bóc lớp đất rửa trôi từ trên xuống, kè đỡ những phiến đá vở ra từ vỉa đá che lấp miệng giếng, trả nó lại hình dáng ban đầu.
Như vậy, qua quá trình phát quang và bóc phong hóa, nhóm nghiên cứu đã phát hiện có nhiều thớt đá và trụ đá nằm trong không gian của giếng như mô tả ở trên. Qua quá trình xử lý, đo đạc, chúng tôi vẫn chưa thể lắp ghép, khớp mộng các thớt đá và trụ đá được phát hiện để tạo thành một chuổi thống nhất, có lẽ còn một số thớt đá khác đang bị vùi lấp ở đâu đó mà trong khuôn khổ của đợt công tác này, chúng tôi chưa có điều kiện mở rộng để tìm kiếm.
3. Nghiên cứu giếng Sống qua nguồn tư liệu điền dã và tư liệu thành văn
Song song vơi quá trình bóc phong hóa trên thực địa, chúng tôi cũng giành thời gian nghiên cứu về nó trong dân gian để bổ sung tư liệu cho quá trình phục dựng lại cấu trúc của giếng cổ này.
Trở lại với những người lớn tuổi của làng An Khê đã từng sinh sống trên làng cũ trước đó, những người chúng tôi trao đổi (các ông: Nguyễn Viết Toại 91 tuổi, Nguyễn Viết Thanh 80 tuổi, Nguyễn Viết Dực 89 tuổi, Nguyễn Viết Tiễn 63 tuổi) cho biết: Trên địa phận làng An Khê trước đây có chừng 50 hộ gia đình sinh sống, trong làng chỉ có duy nhất một giếng nước, gọi là giếng Sống. Gần giếng nước là đình làng và các công trình tín ngưỡng của làng, của họ, xung quanh là cây cối rậm rạp, trong đó có một cây cổ thụ (hiện tại vẫn còn gốc cây trên đồi). Khi chúng tôi hỏi về giếng nước ở làng An Khê trước đây, thì hình ảnh ngôi làng cũ ùa về trong ký ức của họ và họ đều trả lời giống nhau khi mô tả về giếng nước này. Giếng Sống nằm dưới chân một quả đồi, không có tên gọi riêng, chỉ biết rằng nó nằm gần đình làng. Giếng có hai đường xuống ở hai bên nền giếng. Giếng có hai ngăn: Ngăn trên được xếp bằng các thớt đá tạo thành hình vuông hay hình chữ nhật, có hai trụ đá ở phía trước, chức năng của bể này sử dụng ăn uống. Ngăn cách giữa ngăn trên và ngăn dưới bằng các thớt đá khác xếp chồng lên nhau, một mặt tạo được mực nước cao trong thành bể để dễ dàng khi sử dụng, mặt khác tạo giới hạn trong quy ước sử dụng của các bể giếng. Ở gần hai đầu vách ngăn này có hai lỗ tròn để cho nước chảy xuống bể dưới khi nước trong bể trên dâng cao. Tiếp đến là bể khác, bể nước này sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, để tạo thành bể người ta sử dụng đá kè tạo thành thành bể dạng hình bầu dục, cuối bể có cầu đá bắc qua. Qua khỏi cầu đá này là bàu nước, nơi dự trữ nước tưới tiêu cho cánh đồng mười mẫu phía dưới (10 mẫu ruộng có tên là mẫu giếng, mẫu ngang, mẫu sâu, mẫu miếu, mẫu sòi, mẫu đựng đông, mẫu đựng tây, mẫu bảy sào, mẫu mương). Trong quá trình sử dụng các thớt đá của thành giếng bị lung lay, nên khoảng năm 1957, làng được cha Thành - quản giáo nhà thờ Nam Tây tài trợ tiền tu sửa nhỏ; dấu vết vữa xi măng trong chốt mộng của một thớt đá có thể minh chứng cho điều đó.
Trong quá trình bóc phong hóa để thăm dò cấu trúc của giếng, những phát lộ tại hiện trường, nhất là về những thớt đá, các trụ đá và một số viên đá có dấu hiệu khác. Chúng tôi đem những thắc mắc đó gửi gắm vào tư liệu cũ để mong tìm lời giải đáp về nó, xem thử các thớt đá này thuộc bộ phận của giếng hay là của một công trình khác trong khu vực. May mắn thay, trong một chuyên khảo của Madelenie Colani về Cách sử dụng đá trong thời xa xưa ở An Nam - Indonésie - Assam đăng tải trong tập sách Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) tập XXVII - 1940 do Nxb Thuận Hóa ấn hành năm 2012, trang 161 - 162 đã có đề cập đến giếng này và có hình ảnh tư liệu.
Nội dung trích dẫn: Làng An Khê được bao quanh bởi loại cây ăn quả. Ở phương nam, ở một khoảng cách ngắn các trại lán cuối cùng của người bản địa, có một vùng trũng khá rộng, đã gieo cấy thành đồng ruộng. Chính ở làng này mà con đường tỉnh hạt 74 chấm dứt chính thức.
Nhà ở đều phân tán rải rác khắp nơi, tuy nhiên, lại dày đặc ở phía nam.
Những lưu tích thời quá khứ: Người ta chỉ cho chúng tôi thấy một hệ thống dẫn thủy duy nhất; đó là giếng Song, loại giếng bồn đá sắp. Được dẫn về hướng nam, hệ thống này nằm trong trảng bụi rậm, trừ ra ở dưới thấp, ở đó hệ thống này tiếp giáp đồng ruộng bằng phẳng. Hệ thống giếng đá sắp gồm có ba bồn; bồn thứ nhất, được viền đá vuông, hình như mới được sửa lại vào một thời kỳ tương đối mới. Dòng lạch chảy về trũng thuộc về phía nam mà nó phải tưới cho ruộng ở đó. Ở phía bắc, nổi bật lên từ trên cao, hệ thống giếng bồn, có một đám rừng thiêng bao quanh nền đất; chúng tôi thấy ở đó rất ít loại đá thô của chúng tôi nghiên cứu. Ở góc đông bắc, có một cây đa đẹp lộng lẫy, rất già, cổ kính; nhiều cây khác ở phía đối diện không cổ bằng nó. Nơi đó, những người xây dựng giếng bồn đã thờ cúng và họ làm lễ cúng quảy. Ở đó, mỗi năm một lần, người ta dọn sạch sẽ, phát bụi rậm, để cử hành lễ cúng, hoặc lễ cúng tế tất cả các vị thần trong làng.
Hai nguồn tư liệu điền dã và thành văn đều có sự đồng nhất về hình dáng của bể thứ nhất, các vách được xếp bằng đá, các bể còn lại không được mô tả cụ thể. Nhưng nhìn vào ảnh tư liệu, có thể nhận thấy bể thứ hai được kè đá cuội tự nhiên, hình bầu dục, cuối bể có cầu đá bắc qua và bể thứ ba là bể dự trữ nước tưới cho đồng ruộng mà người dân làng An Khê gọi bể này là bàu chăng? Các dữ liệu khác như rừng thiêng bao quanh nền đất, đây có thể là nền đình làng An Khê, dạng đình trần, hàng năm đều có cúng tế ở đây.
4. Phục dựng lại cấu trúc, kỹ thuật xây dựng giếng Sống từ tư liệu điền dã, tư liệu thành văn và kết quả bóc phong hóa nhận diện cấu trúc
Từ kết quả của quá trình bóc phong hóa để nhận diện cấu trúc đến thông tin có được qua nghiên cứu tư liệu thành văn cũng như từ tư liệu hồi cố, chúng tôi nhận thấy cấu trúc giếng Sống đã có sự thay đổi theo thời gian. Căn cứ vào tài liệu hiện có, chúng tôi đã phục dựng lại cấu trúc của nó theo hai phương án như sau:
Phương án 1
Giếng Sống nằm dưới chân một quả đồi, đây là loại hình giếng có cấu trúc đơn giản, người xưa đã biết tận dựng dòng chảy tự nhiên rồi khơi thông, cố định dòng chảy vụ cho cuộc sống và sản xuất của mình. Để tạo thành bể giếng người ta lấy đá cuội bazan xếp xung quanh tạo thành bể chứa, phía cuối bể có cửa thoát nước ra ruộng. Đây là loại công trình gồm một bể, nước từ mạch ngầm chảy trực tiếp ra bể chứa sau đó theo cửa thoát ra ngoài. Do đó tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra trong lòng bể. Vì thế, để giữ vệ sinh, người ta đã tạo ra một vách ngăn như một đường ranh giới, đường này nó chỉ mang tính quy ước; từ đó, phần nước bên trong giành cho ăn uống, phần nước bên ngoài dùng trong sinh hoạt thường ngày.
Phương án 2
Giếng Sống nằm dưới chân một quả đồi, đây là loại hình giếng có cấu trúc đơn giản, người xưa đã biết tận dụng dòng chảy tự nhiên rồi khơi thông, cố định dòng chảy tạo thành các bể với những mục đích khác nhau. Nước chảy theo nguyên tắc tự dâng tự chảy, dòng nước chảy trực tiếp từ chân đồi, qua cái họng là tầng đá phiến kết, chảy ra gồm 1 bể hình vuông hoặc hình chữ nhật, bể này được tạo bởi những viên đá bazan tổ ong, các mặt, trừ mặt lưng tạo thành mặt phẳng xếp chồng lên nhau, ba mặt (trong và hai bên) cao bằng nhau, mặt ngoài nơi ngăn cách giữa hai bể thấp hơn, mặt này có hai trụ thành giếng. Các viên đá cuội sông phát lộ trong quá trình bóc phong hóa vị trí tương ứng với bể này, mục đích là lát nền giếng, lọc nước sử dụng trong ăn uống.
Bể thứ hai nhận nước từ bể thứ nhất chảy qua vách ngăn xuống, bể có hình bầu dục được xếp bằng đá cuội bazan, nước ở đây sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, cuối bể có cầu đá bắc ngang. Trong quá trình bóc phong hóa, ở nền giếng bên phải ghi nhận lớp đất sét đỏ nện chặt ở các khe hở của những hòn đá cuội, lớp đất này có tác dạng cố định dòng chảy, ngăn không cho nước tràn ra xung quanh, tác dụng của nó như những lớp vữa trong xây dựng. Nước từ bể hứ hai chảy ra hồ/bàu - nơi chứa nước dự trữ cho tưới tiêu đồng ruộng phía dưới.
Vài lời tạm kết
Trong phạm vi của đợt nghiên cứu bóc phong hóa nhận diện cấu trúc giếng Sống, với nguồn kinh phí hạn chế, nhưng đoàn cũng đã phần nào nhận diện được cấu trúc của giếng nước này.
Mặc dù có những biến động lớn về diện mạo, cấu trúc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác nghiên cứu, phác thảo lại cấu trúc, kỹ thuật xây dựng giếng Sống. Nhưng thông qua những tư liệu thành văn của M. Colani, đồng thời thông qua quá trình nghiên cứu điền dã, gặp gỡ và trao đổi với những người đã từng sống trên mảnh đất này để đối chiếu giữa tư liệu hồi cố, tư liệu thành văn đồng kết hợp với kết quả bóc phong hóa đã đã truy nguyên được tên gọi của giếng, định dạng cấu trúc của giếng theo các giả thuyết đặt ra, kỹ thuật xây dựng, giải đáp một số tồn nghi trong quá trình bóc phong hóa.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, bóc phong hóa đã đặt ra một số tồn nghi về cấu trúc của giếng Sống, sự thay đổi cấu trúc đó diễn ra ở thời kỳ nào, những thớt đá, trụ đá phát lộ trong quá trình bóc phong hóa. Trong điều kiện thực tế, hoàn cảnh hiện nay chúng tôi chưa thể lý giải hết những vấn đề còn tồn nghi đó, nhưng trong báo cáo này chúng tôi cũng đặt ra những giả thuyết cần giải quyết về sau, đó là:
Từ nguồn tư liệu hồi cố của những người dân làng An Khê đã từng sinh sống ở đây đến tài thành văn của M. Colani đều đồng nhất về hình dáng, cấu trúc bể thứ nhất của giếng Sống (theo như phương án 2). Nhưng trên thực tế, các thớt đá tạo thành bể giếng đều bị san phẳng hoàn toàn xuống nền giếng và cả trên đồi, thậm chí các lớp dưới của thành giếng cũng không còn. Điều này có thể lý giải rằng, ban đầu cấu trúc của giếng chỉ gồm một bể được đào sâu ngang cửa mạch nước ngầm rồi kè đá cuội bazan (như cấu trúc của giếng Ông, giếng Bà... ở làng Hảo Sơn, xã Gio An), khi các lớp người Việt ở các thể kỷ sau, có thể vào thời các chúa Nguyễn, sau sự kiện thành lập 36 phường thuộc tổng Bái Trời từ tàn binh của nhà Mạc cho đến một hai thế kỷ sau, khi những lưu dân được được bổ sung, họ tụ cư đông đúc và cũng do nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng cao, họ đã tận dụng những thớt đá bị bỏ rơi quanh đó của một công trình tín ngưỡng nào đó của người tiền trú để kè chắn tạo thành bể giếng; mà điều này có thể xảy ra trong một thời gian dài trước đó, trong quá trình sử dụng có thể các cấu kiện đó không được ăn khớp với nhau, người ta đã sửa chữa lại, năm 1940, khi M. Colani nhìn thấy giếng nước này bà đã nói hình như mới được sửa lại vào một thời kỳ tương đối mới chăng? Điều này được minh chứng bởi dấu vết vữa xi măng còn lại trong lỗ mộng của một thớt đá. Những viên cuội sông phát hiện gần miệng giếng trong quá trình bóc phong hóa có thể minh chứng cho điều này, nó một mặt làm lớp bata như tạo mặt bằng trong xây dựng, sau đó người ta xếp các thớt đá lên, mặt khác các viên cuội sông này có tác dụng khác là làm sạch nguồn nước phục vụ cho ăn uống.
Các thớt đá, trụ đá không phải là thành phần góp mặt ban dầu trong quá trình hình thành cấu trúc của giếng, thì nó là gì, của công trình gì và do ai chế tác cũng là dấu hỏi lớn. Nếu nó thuộc công trình tín ngưỡng của người tiền trú, nghĩa là không phải của người Việt. Khi người Việt dần chiếm cứ vùng đất này, nó không được chăm sóc, dần dần trở nên hoang phế. Vì là công trình tín ngưỡng, nên người Việt không dám phá bỏ, mà giếng nước trong quan niệm của người Việt cũng là nơi thiêng liêng, họ tận dụng những thớt đá đó để tạo thành bể giếng phục vụ cho cuộc sống của mình, đây cùng có thể là ý đồ của những lớp người kế tục muốn tạo ra dấu ấn cho riêng mình? điều này có thể xảy ra. Mặt khác, có thể các thớt đá này là thành phần ban đầu của giếng. Theo hình ảnh tư liệu của M. Colani cho chúng ta thấy các thớt đá được sắp xếp một cách có trật tự, ngay ngắn, nếu sử dụng lại các cấu kiện của một công trình nào đó thì sự trùng hợp như thế này có thể xảy ra hay không?
Mặc dầu vậy, hiện tại với nhiều điều kiện khác nhau, chức năng sử dụng của giếng Sống có phần hạn chế so với trước đây, nhưng vẫn phát huy giá trị trong sản xuất của người dân trong vùng.
Kết quả nghiên cứu, bóc phong hóa, nhận diện cấu trúc giếng Sống làm cơ sở để xây dựng hồ sơ di tích thành phần thuộc hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị và là tư liệu phục vụ cho công tác tôn tạo giếng Sống sau này./.
Nguyễn Cường - Hoàng Ngọc Thiệp
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN